Thông tin

NHỮNG GIỚI LUẬT MÀ PHẬT TỬ CẦN BIẾT KHI HỘ ĐỘ CHƯ TĂNG

NHỮNG GIỚI LUẬT MÀ PHẬT TỬ CẦN BIẾT

KHI HỘ ĐỘ CHƯ TĂNG

TUỆ ÂN sưu tầm

 

 

1. Tất cả các đồ ăn, thức uống đều phải được dâng (trừ nước lọc và tăm xỉa răng không nhất thiết phải dâng tận tay chư Tăng). Khi dâng không đứng quá xa, tránh để cho chư Tăng khỏi với tay.

2. Đồ ăn, thức uống đã dâng cho chư Tăng, nếu cư sĩ đụng vào thì phải dâng lại mới hợp lệ.

3. Thuốc trị bệnh có thành phần đường chỉ được giữ tối đa bảy ngày. Nếu trong thuốc không có đường thì được giữ lâu dài.

4. Có năm loại được coi là thuốc, được phép dùng vào buổi chiều (sau 12g trưa) và được giữ tối đa bảy ngày là: Bơ lỏng, bơ đặc, dầu, mật ong và đường.

5. Cà phê không đường, sữa hoặc sô cô la được phép dùng vào buổi chiều (theo truyền thống Thái Lan).

6. Không được uống trà vào buổi chiều (theo truyền thống Miến Điện).

7. Chư Tăng được phép xả đồ không dùng đến cho cha mẹ hoặc người hộ Tăng (kappiya).

8. Không mượn vật dụng của chư Tăng dùng cho cá nhân.

9. Chư Tăng được phép xin hoặc yêu cầu người thân trong gia đình trong phạm vi 7 đời (cả bên nội lẫn bên ngoại) hoặc người đã tác bạch thỉnh mời. Chẳng hạn có người thỉnh rằng: “Nếu Sư cần loại thuốc nào trong ba tháng hạ thì con xin cúng dường” hay “Nếu Sư có cần đi đâu, con xin thu xếp xe”. Như vậy, nhà sư có thể yêu cầu khi có nhu cầu.

10. Chư Tăng không được phép yêu cầu đồ ăn trừ khi có bệnh và không được phép cất giữ đồ ăn qua đêm – để nhấn mạnh sự phụ thuộc của nhà sư đối với hàng cư sĩ, và mặt khác giúp cho nhà sư không bị dính mắc vào các đồ ăn mà mình ưa thích.

11. Không nên hỏi nhà sư muốn ăn món gì. Người xuất gia phải là người dễ nuôi, có thể bất kỳ vật thực nào nhận được, không phải là người kén chọn. Muốn có đồ ăn chay hay bất kỳ đồ ăn nào cũng là đòi hỏi, trừ trường hợp có bệnh.

12. Có tám vật dụng cơ bản của một vị sư gồm: Tam y (y thường, y nội và Y Tăng già lê), bát, dao cạo, kim chỉ, dây lưng và đồ lọc nước.

13. Trái cây trước khi dâng phải làm theo luật bằng cách đốt, khía bằng dao hoặc móng tay hay bỏ hết hạt.

14. Chư Tăng không được phép trực tiếp nhận tiền bạc. Người muốn cúng dường phải nói trước: “Ai là người hộ tăng (kappiya) cho sư?”. Sau khi gửi tứ vật dụng (tiền) cho người kappiya, thí chủ quay trở lại tác bạch rằng: “Con đã cúng dường tứ vật dụng cho sư trị giá… hiện nay người hộ tăng của sư đang cất giữ. Bất cứ khi nào có nhu cầu gì, thỉnh sư yêu cầu người hộ tăng để thu xếp”. Hoặc người hộ tăng sẽ thay mặt thí chủ cúng dường để tác bạch. Chỉ sau khi được tác bạch thì vị sư mới được yêu cầu.

15. Chư Tăng không được phép ngồi chung với nữ nhân trong chỗ khuất.

16. Một số sư có hạnh nguyện chỉ ăn trong bát các đồ ăn sau khi đã nhận. Tất cả cơm, thức ăn, bánh, trái cây đều được cho vào trong bát (không ăn đồ ăn dâng thêm sau đó).

17. Nhà sư không được phép nhận lời nếu thí chủ thỉnh mời tới thọ trai mà có nói tên đồ ăn, ví dụ nói: “Xin thỉnh quý sư dùng phở/ bún chả/ bữa cơm” là không hợp lệ. Chỉ nên nói: “Xin thỉnh quý sư đến trai tăng/ thọ trai”.

Nói chung, không dùng các từ như “cơm, bánh” hoặc tên các món ăn cụ thể khi thỉnh mời các vị sư đến trai tăng, có thể nói như trên hoặc đơn giản là: “Xin thỉnh sư đi thọ thực”.

18. Có thể ở qua đêm chung mái nhà với chư Tăng nếu có tường ngăn hoặc lối đi riêng.

19. Thí chủ có tác bạch hộ độ chư Tăng theo kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.

20. Không dâng đồ ăn, vật thực phi thời (sau 12g trưa), trừ nước ép một số trái cây đã lọc hết xác, tép (nước mía, cam, bưởi…). Nước hoa quả đó chỉ còn lại nước trong là hợp lệ.

21. Không nên chạm trực tiếp hoặc gián tiếp vào chư Tăng.

22. Có bốn yếu tố để việc cúng dường thành tựu từ phía thí chủ:

i. Giữ giới trong sạch (năm giới hoặc tám giới).

ii. Vật cúng dường có được do làm ăn lương thiện.

iii. Tâm trong sạch (không xuất phát từ việc mưu cầu hoặc tâm tham).

iv. Có đức tin nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

23. Không dâng đồ ăn trước khi mặt trời mọc (mùa hè khoảng 5g30, mùa đông khoảng 6g). Một cách để kiểm tra thời gian hợp lệ là thấy rõ chỉ tay vào sớm bình minh.

24. Một vị Sư đang nhập hạ được phép đi không quá 7 ngày. Tuy nhiên, nếu Phật tử hay người bất kỳ nào yêu cầu: “Xin thỉnh pháp Sư đến nói pháp” thì vị sư được phép ra đi hợp lệ.

25. Một vị sư thuyết pháp, nói đạo cần sự có mặt của ít nhất của một nam cư sĩ.

26. Khi Tỳ khưu thấy người ta giết thịt con vật cho mình ăn, hoặc nghe thấy tiếng con vật kêu, hoặc nghi người ta giết con vật đó cho mình ăn thì không được thọ dụng thịt đó.

27. Tỳ khưu không nhận thịt sống, thịt tái. Có mười loại thịt Tỳ khưu không được ăn là: Thịt người, thịt hổ, báo, rắn, voi, ngựa, gấu, chó, sư tử, mèo rừng (để tránh bị chúng ngửi thấy mùi đồng loại và tấn công khi tỳ khưu ở rừng hoặc đi khất thực và tránh thế gian chê trách).

28. Khi thỉnh sư đến tư gia lưu trú, cần tác bạch như sau: “Chúng con xin dâng cúng tư gia này được coi là ngôi chùa tạm cùng toàn bộ các vật dụng đến chư Đại đức Tăng. Mong các ngài hoan Hỉ thọ lãnh và tùy nghi sử dụng trong thời gian lưu trú”. Như vậy, nhà sư có thể mặc y và sử dụng các tiện nghi (điện, nước, nhà vệ sinh…) mà không bị ái ngại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6703982