NHỮNG MẨU CHUYỆN PHẬT GIÁO VỀ LOÀI CHÓ ĐƯỢC ĐẦU THAI LÀM NGƯỜI
NHỮNG MẨU CHUYỆN PHẬT GIÁO
VỀ LOÀI CHÓ ĐƯỢC ĐẦU THAI LÀM NGƯỜI
PHAN THỊ BÍCH TRẦM lược dịch
Tịnh Không pháp sư giảng thuật
Dạo này, có một vài bạn đồng tu Trung Quốc đến Singapore tham học, họ nói với tôi ở Thiên Tân có một bà lão, con bà chết đã hai năm rồi, một ngày nọ bà ấy mơ thấy con trai mình. Bà hỏi con: “Con bây giờ ở đâu?”. Đứa con nói: “Con bây giờ ở trong một ngôi chùa”. Bà nghe xong rất buồn rầu. Không lâu sau, bà cùng với một vài bạn đồng tu Phật môn kết nhóm đến Triều Sơn, đến một ngôi chùa dường như là ngôi chùa mà bà đã từng thấy trong mộng, nơi bà gặp con trai mình. Bà bèn hỏi thăm lão hòa thượng: “Ai làm bảo vệ, trông coi chùa ở đây ạ?”. Lão hòa thượng nói: “Có một Tiểu Hổ”. Khi bà nghe Tiểu Hổ thì lập tức nổi da gà, bởi Tiểu Hổ là tên gọi thân thương của con trai bà. Bà nói: “Nó ở đâu ạ?”. Lão hòa thượng trả lời: “Nó là một con chó”. Con trai bà đầu thai làm chó, có thể do con chó này nhìn thật dũng mãnh, giống như cọp vậy, cho nên mọi người gọi nó là Tiểu Hổ. Bà chạy ra cửa để tìm con chó, con chó nhìn thấy mẹ mình liền rơi lệ. Thế là người và chó ôm nhau. Người đầu thai làm chó, đó là do bởi tạo nghiệp bất thiện, cho nên phải đổi lấy thân hạ tiện thấp kém. Về sau, việc này truyền khắp Thiên Tân; người ở Thiên Tân đến xem nó, nó rất lanh liền trốn mất, không muốn gặp người, người ở nơi khác đến thì nó chạy ra. Có một vài người hiểu Phật pháp khuyên bà lão, nên tuyên lưu rộng rãi việc này, đừng cảm thấy khó xử, như vậy có thể độ được nhiều chúng sanh. Đấy là việc xảy ra gần đây, cho nên nói luân hồi là có thật.
(Trích từ “Thành Phật chi đạo”, và “A Nan vấn sự Phật cát hung kinh”)
Chó sinh thiện tâm chuyển thế làm người, niên thiếu xuất gia đắc đạo
Lời người biên tập: Tháng 6 này, Lễ Thịt Chó đã gây ra nhiều tranh luận. Nghe nói, hiện nay ở Trung Quốc Đại Lục trừ Ngọc Lâm có Lễ Thịt Chó ra, ở Giang Tô huyện Bái cũng có Lễ này, vốn cách mỗi năm tổ chức một lần (do lịch sử ngắn ngủi, không đến mười năm, nên vẫn không xem là phong tục dân gian). Bởi trên mạng dấy lên ngọn sóng phản đối Lễ Thịt Chó ở Ngọc Lâm, nên Giang Tô lâm thời đã tổ chức được một kỳ, nói là Ngọc Lâm kêu gọi trợ uy, nên hùa theo! Chó khi lâm chung sinh khởi thiện tâm, có thể chuyển thế làm người, con người nếu như mãi làm ác, thì khi mệnh chung sinh về đâu? Có lẽ trong lòng những kẻ này không có lòng tin nhân quả. Nhưng nhân quả chính là ở đây, không ai thoát được.
Trước đây ở một quốc gia nọ, giá thóc lúa đắt đỏ, người dân trong nước không mua nổi lương thực, ai nấy đều bị đói.
Một ngày nọ, có vị Sa môn vào thành, khất thực nơi nhà người, nhưng chẳng thu được gì, sau cùng đến nhà một vị trưởng giả giàu có, mới có được một bát cơm thô (thứ phẩm).
Vị Sa môn cầm bát sắp ra khỏi thành thì trước mặt có một gã đồ tể đang ôm theo một con chó chuẩn bị mang về nhà để giết.
Gã đồ tể nhìn thấy Sa môn liền sanh tâm hoan hỷ, bước đến hành lễ.
Sa môn chắp tay chúc nguyện: “Nguyện cho thí chủ diên niên ích thọ”.
Vị Sa môn đã biết gã đồ tể muốn giết con chó, nên cố ý hỏi: “Anh hôm nay ra ngoài mang gì về?”.
Vị Sa môn lại nói: “Tôi đã nhìn thấy rồi, xin anh hãy giao nó ra, tôi dùng thức ăn này để đổi lấy con chó, cứu mạng nó”.
Gã đồ tể đáp: “Không được, không có nó, cả nhà tôi sẽ đói chết”.
Sa môn hết lần này đến lần khác khuyến cáo, gã đồ tể vẫn không chịu nghe theo.
Sa môn hết cách, chỉ đành nói với gã rằng: “Có thể cho tôi xem nó một tí không?”.
Gã đồ tể mới giao con chó ra, đặt trước mặt vị Sa môn.
Sa môn bèn lấy cơm cho con chó ăn, vuốt ve và chúc nguyện cho nó; con chó cũng bắt đầu rơi lệ, khóc lóc.
Sa môn rất thành khẩn nói với con chó rằng: “Bởi tội nghiệp của con, ngày nay sắp bị giết, không được tự tại, nguyện con đời sau lũy kiếp tội diệt phước sanh, thoát ly thân chó, được tam bảo gia trì”.
Con chó này rốt cuộc đã bị giết, nhưng trước khi chết đã được vị Sa môn cho ăn, sinh khởi tâm hướng thiện, mệnh chung đầu thai vào nhà đại trưởng giả giàu có, vừa sinh ra đã có tâm từ.
Sau đó, vị Sa môn này đến nhà trưởng giả khất thực, đứa con của vị trưởng giả khi ấy vừa tròn 7 tuổi. Khi nhìn thấy vị Sa môn bước vào, nhớ lại nhân duyên quá khứ, nó bèn đảnh lễ dưới chân Sa môn. Mời Sa môn thọ nhận cúng dường của nó, sau đó đứa bé nói với cha mẹ rằng: “Con ngày nay muốn theo vị Sa môn này, thọ trì kinh giới, làm đệ tử ngài”.
Cha mẹ rất mực thương yêu nó nên không đồng ý cho trẻ xuất gia. Đứa trẻ khóc mãi không ngừng, không ăn uống gì, phát thệ nguyện rằng: “Không để con đi, thà con đói chết”.
Cha mẹ thấy con kiên định như thế, quả thật hết cách, đành cho con theo Sa môn học đạo.
Đứa trẻ này thế phát xuất gia, khoát lên mình tam y, nhanh chóng đắc tam muội, vào nơi cảnh giới bất thoái chuyển, sau giáo hóa tất cả chúng sanh, phát đại đạo ý.
Đường tắc siêu sanh
Trong lòng khởi niệm liền phân ra thập pháp giới, cũng lần lượt thoát khỏi lục đạo thăng trầm.
Vào thời Phật pháp thịnh hành nơi miền Trung Ấn, ở một ngôi thành nọ có vị cư sĩ, phát tâm cúng dường Sa môn. Họ mời một vị Sa môn ngày ngày đến nhà họ thọ cúng dường, vị Sa môn này là thánh nhân đã chứng đắc quả A la hán.
Nhà cư sĩ có nuôi một con chó, vị Sa môn khi đến thọ cúng dường, cũng khởi từ tâm, hay vón cơm đút con chó ăn. Con chó được ăn no, liền khởi tâm quý mến vị Sa môn. Ngày ngày, Sa môn đều đến; con chó cũng vì thế mỗi ngày đều được Sa môn chia sẻ thức ăn. Con chó mỗi ngày đều rất vui khi nhìn thấy vị Sa môn; vị Sa môn cũng biết tâm ý của con chó, nên khi đến luôn chia cơm cho nó, nó càng ngày càng sinh khởi tâm thiện với vị Sa môn.
Cứ thế trải qua một năm, con chó mệnh chung, thần hồn của nó đầu thai vào nhà quốc vương nước An Tức, làm con gái quốc vương. Khi sinh ra người con gái này nhớ rõ kiếp trước của mình, biết mình là chó nơi nhà cư sĩ khi xưa, ngày ngày đều được Sa môn cho cơm, nên nói với cha mẹ mình: “Con từng được Sa môn cho thức ăn, nên thoát được thân chó chuyển thế làm con gái quốc vương”.
Khi ấy, nước An Tức không có Phật tự (chùa). Sa môn cũng không có. Một ngày nọ, quốc vương nước Nguyệt Để phái sứ giả đến nước An Tức. Quốc vương An Tức thấy sứ giả hiền minh chính trực, liền chọn làm con rể, để con gái mình theo sứ giả về nước.
Về đến nước Nguyệt Để, nhìn thấy rất nhiều Sa môn, vị con gái quốc vương sinh tâm hoan hỷ. Bởi nhớ tiền thân mình từng làm chó, do được Sa môn cho ăn. Bởi thường sinh thiện cảm với Sa môn nên được thân người, làm con của vua, bèn khởi đại tâm cúng dường Sa môn.
Trong nước Nguyệt Để có rất nhiều Sa môn, phu nhân mỗi ngày cúng dường ba đến năm trăm vị, tự tay mình làm, không mượn ai làm giúp. Sau khi chuẩn bị cơm xong,
còn đích thân quét dọn. Những vị chị em dâu trong nhà chồng thấy vậy cũng sinh thiện tâm; nghĩ rằng người phụ nữ này tuy là con của vua, nhưng đến đây lại thường xuyên tự mình nấu nướng, cúng dường Sa môn, chúng ta cũng nên dụng tâm như thế. Thế là chị em cùng nhau cất chổi đi, muốn nói để họ quét dọn cũng được. Nhưng phu nhân tìm không ra chổi, liền đến tủ áo lấy đi chiếc áo vẫn còn mặc tốt, quấn lại để làm chổi quét.
Chồng cô thấy vợ dùng áo mới để quét liền nói: “Tuy là sùng tín Phật pháp, nhưng hà tất lấy quần áo làm chổi? Nên dùng chổi quét mới đúng!”.
Cô nói: “Tiền thế của em vốn chẳng có gì để bố thí, chỉ có một tấm lòng tốt, tin vào Phật pháp, nên nay có được chiếc áo mới này”.
Người chồng nói: “Em tuy cúng dường Sa môn, nhưng chưa từng thấy Sa môn nào cho em một hào một xu, còn quần áo này là do chúng ta lao động mà có được”.
Người vợ nói rõ cho chồng hay về kiếp trước của mình: “Tiền thân của em là loài chó, chủ nhân mỗi ngày cúng dường Sa môn, vị Sa môn đó ngày ngày đều chia sẻ thức ăn với em, cũng do bởi em giữ tâm ý tốt với Sa môn nên xả được thân chó, đầu thai làm con quốc vương”.
Người chồng nghe xong rất hoan hỷ: “Chỉ là giữ tâm ý tốt đối với một vị Sa môn, đã đắc được phước báo như vậy”. Thế là bỏ đi tâm bỏn xẻn, hành đại bố thí, trai giới tinh tấn, xây dựng nhiều Phật tự.
Anh thường nghĩ: “Chỉ cần giữ tâm ý tốt, thì đắc phước báo công đức này”.
Người vợ nói: “Tâm có thể khiến người ta thành Phật, đắc sanh đại thượng, làm Bích chi Phật, thành A la hán, cũng có thể khiến người ta đọa địa ngục, đều do sức của tâm này cả!”.
(Minh Luân Nguyệt San kỳ 222)
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
Bình luận bài viết