NHỮNG SUY NGHĨ TRÊN CON ĐƯỜNG HỌC PHẬT
NHỮNG SUY NGHĨ TRÊN CON ĐƯỜNG HỌC PHẬT
TRẦN QUỐC TRIỆU
Chúng ta đến với Đạo Phật đều biết rằng Đức Phật Thích Ca chứng ngộ được đạo vô thượng Niết Bàn, Ngài đã quyết định truyền bá giáo pháp khi chấp nhận lời thỉnh cầu của vị Phạm thiên Sahampati. Điều mà Ngài đã chứng ngộ là gì? (1) Ngài biết và nhận rõ những cái khổ trên thế gian này mà con nguời phải gánh chịu. (2) Thấy rõ nguyên nhân đưa đến sự khổ đau cho đời sống con người. (3) Ngài thấy rõ trạng thái an vui, tịch tĩnh không còn khổ đau, đây chính thật là Niết Bàn nơi trần thế. (4) Đức Phật nhận rõ con đường để đoạn mọi phiền não và dẫn tới Niết Bàn. Con đường để đi tới Niết Bàn gồm có 37 phẩm trợ đạo là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo.
Bốn điều trên là giáo lý căn bản của Đạo Phật hầu như chúng ta ai cũng biết. Vậy vì lý do gì mà chúng ta chưa giác ngộ? Chúng ta chưa chứng được Niết Bàn? Là một người học Phật, tôi cũng trăn trở và dò dẫm đi tìm con đường để giác ngộ, để nhận ra sự thật và trên đường tìm kiếm đó tôi thấy ra những khó khăn trong việc học đạo của hàng cư sĩ và xin được chia sẻ cùng quý vị trong bài viết ngắn này. Những ý kiến và kinh nghiệm từ bản thân nêu ra ở đây khó tránh khỏi những mặt hạn chế, mong quý đạo hữu và các bậc thiện tri thức hoan hỉ cho sự non nớt, vụng về.
I. Khó khăn khi tiếp cận Giáo pháp của Đức Phật
Giáo pháp của Đức Phật đã trải qua một thời kỳ dài hơn 2.500 năm với bao biến động và thăng trầm của lịch sử nhân loại. Giáo pháp từ thời kỳ đầu như những giọt nước tinh nguyên đầu nguồn khi được thuyết từ kim khẩu của Đức Phật đã chảy qua những khe, rạch, suối, sông và giờ đây đã đổ ra biển lớn đầy ắp kinh sách, luận thuyết. Bước vào học Đạo, chúng ta chới với bơi giữa biển lớn mênh mông không biết đâu là bờ của những kinh sách và luận thuyết ấy. Tuy ở giữa biển nước mà vẫn khát khô họng và mong được uống một ngụm nước trong khe, trong suối… Điều này có thể xảy ra không ? Có! Trừ khi ta biết cách lọc nước biển thành nước ngọt.
Bước vào học Đạo, chúng ta sẽ thấy có nhiều tông phái, pháp môn khác nhau. Mỗi tông phái đều có một tông chỉ riêng. Khi hữu duyên với một tông phái nào đó, người ta thường không đồng ý với tư tưởng của tông phái khác và kiến giải không làm sao tránh khỏi sự bất đồng. Nếu chúng ta không thực sự có được căn cơ trình độ rất tốt thì rất có thể mắc kẹt vào sự chấp trước đó. Vấn đề không phải là ở chỗ có nhiều pháp môn, tông phái mà vấn đề là người học Phật sẽ mất thời gian tìm ra phương tiện phù hợp với căn cơ trình độ của mình để nương theo mà thấy chân lý tuyệt đối chẳng sai khác.
Giáo pháp của Như Lai rất vi diệu, khó liễu tri, cao siêu nhằm dẫn đến sự an tịnh nội tâm, chỉ những người có “trí” mới thấy và giác ngộ được. Giáo pháp không những khó lãnh hội mà còn không hấp dẫn đối với nhiều người, vì những điều Đức Phật dạy đi ngược với lòng ham muốn dục lạc của đại đa số. Nếu chúng ta không có trí tuệ và một cái duyên đầy đủ thì chẳng thể liễu tri.
Ta sống trong thời đại bùng nổ thông tin trên internet và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có thể nói ta đang bị “bội thực” thông tin cũng như bị tác động bởi cái sự bội thực đó nhiều hoặc ít. Đối với người học đạo cũng vậy, khi cần tìm kiếm một vấn đề gì đó trên internet hoặc sách vở thì chúng ta đều thấy tràn ngập, cả chánh pháp và phi pháp. Nếu không có căn bản tốt, chúng ta sẽ rất bối rối để thấy ra được đâu là chân, đâu là vọng.
Nếu ai trong chúng ta từng học một ngôn ngữ khác đến trình độ có thể dùng như tiếng mẹ đẻ thì sẽ thấy rằng việc đọc một một cuốn sách, một văn bản… bằng chính ngôn ngữ của người viết sẽ mang lại cảm nhận một cách đầy đủ và tuyệt vời như thế nào so với việc đọc tài liệu được dịch. Ngôn ngữ cũng chính là rào cản, trở ngại cho chúng ta có thể trực nhận, không qua ngôn ngữ của người dịch.
II. Khó khăn trong việc tìm minh sư.
Đức Phật là bậc vô sư trí, còn chúng ta là những kẻ căn cơ hạ liệt nên rất cần sự hướng dẫn của một vị thầy, một vị minh sư trong việc học đạo. Ngày nay, chúng ta dễ dàng gặp được một vị Tỳ kheo, trên internet chúng ta dễ dàng có được vô số bài giảng pháp… Nhưng tìm minh sư để học đạo cũng không phải là chuyện dễ. Nếu chúng ta có đủ duyên và lựa chọn được vị thầy có trí tuệ và đạo hạnh thì sự tu học gặp nhiều tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể sinh ra những thành kiến, mất niềm tin và nhiều khi đâm ra hận rồi chán ghét luôn tất cả các thầy.
Chúng ta đều nghe nhắc đến hai từ Mạt pháp. Mạt pháp là sao vậy? Là quá xa cái gốc rồi. Khi quá xa cái gốc thì mỗi người đều học hỏi được một điểm giáo lý nào đó và chợt nhận ra rằng những điều chúng ta học được đều khác nhau. Mạt pháp còn có thể hiểu là thời kỳ có nhiều người hiểu đạo, ít người hành đạo chân chánh. Người đạt đạo thì rất hiếm hoặc có chứng đắc thì các vị ấy cũng không ra mặt tranh biện. Như thế thì thật là hy hữu cho hàng cư sĩ có cơ hội gặp mà cầu pháp.
Trong việc học đạo, ta không chỉ học lý thuyết suông mà quan trọng là chúng ta phải thực hành giáo pháp đó trong đời sống. Nếu ta chỉ nghe một vị thầy thuyết giáo thì chúng ta cũng chỉ thấy được lý thuyết mà thôi. Thấy được lý là điều rất tốt khi ta mới sơ cơ vào đạo. Tuy nhiên, chính hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới là gương để ta noi theo và thực hành cho con đường giác ngộ và giải thoát của mình. Chúng ta đến với quý thầy thì hầu hết đều trong các bài giảng pháp, ít khi được học những bài học thân giáo.
Hiện nay, chúng ta thấy nhiều vị tự xưng là Đạo Sư, Thiền Sư, Vô Thượng Sư... Vì sao vậy? Vì họ thích làm thầy người khác, đó thực sự là cái bệnh, là tai họa như ngài Mạnh Tử nói. Họ cũng rao giảng giáo lý hoặc những điều tương tự như giáo lý, vì họ đã tự thêm vào đó tư kiến của mình. Những điều rao giảng đó thậm chí ẩn chứa những điều trái với đạo lý của Phật pháp và hoàn toàn mất đi vị giải thoát. Cổ nhân nói “Y pháp bất y nhân” - là tin theo giáo pháp chứ không tin y theo người giảng pháp, cho dù người đó có danh tiếng, địa vị cao, nếu nói pháp không đúng cũng không nên tin theo. Tuy nhiên, mới vào học đạo ta lại không nắm được và hiểu rõ giáo lý căn bản của nhà Phật thì rất bị lầm đường lạc lối và chọn sai người thầy rồi mất đi niềm tin vào chánh pháp.
Do có nhiều tông phái khác nhau nên các vị thầy theo một tông phái nào đó thường cũng chấp vào tông chỉ của phái mình. Ở đâu đó, ta sẽ gặp một vài vị thầy nói tốt về pháp môn của mình và chê bai hay chỉ trích những pháp tu khác. Như thế thì sự học của chúng ta cũng dễ có thể mắc kẹt, ta sẽ hiểu đạo qua cách hiểu của người khác, qua lăng kính của tư kiến, tư dục, khó mà thấy ra sự thực.
III. Khó khăn từ xã hội và tự thân của những người học Phật
Hầu hết chúng ta đều thâm nhiễm ái dục từ nhiều đời, nhiều kiếp và tiếp tục bị vô minh che mờ nên đều xem dục lạc là nguồn hạnh phúc lớn nhất trong đời và đắm chìm trong đó. Thiếu vật dục ta cảm thấy không thoải mái, ta say mê kiếm tìm công danh, địa vị, ta bận bịu với gia đình, tài sản đến nỗi không thể nghĩ được gì cao siêu và có ý nghĩa hơn mớ dục lạc đang bày ra trước mắt mình. Chính sự say mê với dục lạc của đời sống mà ta khó có thể đón nhận giáo pháp nói chi đến hiểu và thực hành pháp vi diệu của Thánh nhân.
Chúng ta bị ảnh hưởng của những luồng tư tưởng triết học từ Trung Quốc như Đạo Khổng, Đạo Lão… Sự ảnh hưởng này diễn ra lâu dài và sâu rộng đến mức nó đã trở thành định kiến cứng nhắc, khó thay đổi. Thêm vào đó, truyền thống, tín ngưỡng dân gian lâu đời và các tập tục (cổ hủ) trong đời sống cũng là những quan niệm biên kiến làm chúng ta khó buông bỏ để thể nhập những phạm trù vô thường, khổ, vô ngã…trong tư tưởng của Đạo Phật.
Như đã trình bày ở trên, khi mới vào học đạo, ta thường có quan niệm rằng kinh điển là chân lý, ta cố dùng lý trí để suy nghĩ và bàn cãi về ý nghĩa của giáo lý trong kho tàng kinh điển mênh mông. Người mới học Phật thường hăm hở xông xáo bới tìm trong cái rừng văn tự, chữ nghĩa và tư kiến ấy để mong hiểu nghĩa. Chúng ta không vượt lên được để thấy ra sự thật mà chỉ loay hoay với nghĩa, lý và kẹt nơi rừng chữ nghĩa văn tự ấy.
Ngày nay, khoa học phát triển, trình độ nhận thức của con người ngày càng cao. Với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, chúng ta dễ dàng tìm được kinh sách, tài liệu, băng giảng… để nghiên cứu về Đạo Phật. Ta đọc chỗ này một chút, nghe chỗ kia một chút rồi huyễn hoặc, tự phụ cho rằng mình thông đạt Phật pháp, từ đó đem ra lạm bàn và cho rằng mình hiểu đạo rồi. Sự hiểu biết không đầy đủ về lý trong giáo pháp của Đức Phật sẽ dẫn đến việc áp dụng sai trong đời sống. Trên thực tế, nhiều người học Phật khi gặp những khó khăn trong cuộc sống thì tham, sân, si… vẫn hiện ra nguyên vẹn khiến cho người khác nhìn vào có ý nghĩ coi thường đạo Phật.
Một yếu tố hết sức lý thú chính là chức năng sinh học tự nhiên trong cấu trúc cơ thể mà hầu hết chúng ta đều không biết hoặc không quan tâm, đó là sự khác nhau giữa hai bán cầu não trái và phải. Từ khi sinh ra đến khi lớn lên chúng ta được học, trang bị kiến thức và rèn luyện mọi kỹ năng nhằm phục vụ các nhu cầu của cuộc sống. Tất cả những hoạt động như vậy đều được xử lý bởi não trái. Bán cầu não trái được hình thành để suy nghĩ một cách tuyến tính và có phương pháp. Nó luôn hướng về quá khứ hoặc tương lai. Ngược lại, não phải của chúng ta suy nghĩ thông qua hình ảnh và học cảm nhận cơ thể thông qua sự chuyển động. Não phải luôn hướng về giây phút hiện tại và chính não phải cũng cho ta thấy được Niết Bàn. Do chúng ta không nhận biết được khác biệt quan trọng này cùng những tác động liên tục của đời sống xã hội đã thúc đẩy não trái của chúng ta hoạt động mạnh hơn và đó cũng chính là yếu tố làm chúng ta không dễ dàng trở về với giây phút hiện tại, ngay đây và bây giờ với thân, tâm, cảnh trọn vẹn, viên mãn.
Chưa có bao giờ chúng ta nghe nói nhiều về niềm tin như ngày hôm nay. Phải chăng niềm tin đang cạn kiệt? Có lẽ là không! Nó vẫn còn đó nhưng chúng ta dường như đang phải cố gắng để duy trì niềm tin vào xã hội, niềm tin vào con người và niềm tin vào chính chúng ta. Tại sao chúng ta phải cố gắng duy trì niềm tin? Vì trước mắt chúng ta nhiều cái giả quá; hàng giả, bằng cấp giả, người mặc áo giả sư… Ta không chỉ mất niềm tin vào xã hội, con người mà còn mất niềm tin vào sự tu tập của chính mình, hầu hết chỉ biết lễ bái, cầu nguyện mong Phật, Bồ Tát ban cho điều này điều kia.
IV. Vượt lên khó khăn
Trên con đường học Phật, sự khó khăn là khác nhau với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, khó khăn không đáng sợ bằng sự mù mờ về chính bản thân mình và không thấy ra mục tiêu giác ngộ để thoát khỏi tam đồ, lục đạo. Nếu chúng ta thấy được mục tiêu của kiếp sống này là điều có ý nghĩa nhất thì tất cả khó khăn sẽ không còn là trở ngại cho việc tu học mà thậm chí nó còn giúp ta thấy rõ đâu là chân, đâu là giả để vượt lên và thành tựu được sự thật. Hãy trở lại và soi sáng chính mình trong giáo pháp của Như Lai để nhận ra chân tâm Phật tánh, rõ con đường thoát khỏi vô minh, thoát khỏi luân hồi vô tận. Hãy tinh tấn, dũng mãnh vượt lên khó khăn và thực hành đúng Chánh Pháp trong đời sống mang lại lợi ích cho mình, cho mọi người và xã hội.
Vậy chúng ta làm thế nào để vượt lên và thực hành Chánh Pháp? Xin hãy đừng vội tin, đừng bám víu vào bất kỳ điều gì cả! Hãy là người “trí” và biết đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của chính ta và vạn vật, hãy đặt ra thật nhiều câu hỏi và tự tìm câu trả lời rồi chính mình phải kiểm nghiệm tất cả trong đời sống. Khi chúng ta không thỏa mãn với những câu trả lời thì hãy tìm đến các bậc thiện trí thức, những người tu hành chân chánh… để được sáng tỏ. Chúng ta cũng làm như vậy với Đức Phật, chúng ta đừng có vội tin Ngài ngay, hãy tìm hiểu về Đức Phật và xác quyết những điều đơn giản nhất. Chính Đức Phật không bao giờ bắt buộc ai tin một điều gì mà không suy luận, không giải thích và không chứng nghiệm được.
Khi chúng ta đã thực sự hiểu rõ về Đức Phật, là chúng ta có thể tự tin, mạnh dạn bước vào ngôi nhà Chánh Pháp, nương vào Tam bảo: (1) Nương tựa nơi Phật. (2) Nương tựa nơi Pháp. (3). Nương tựa nơi Tăng. Nương tựa Tam bảo là lời phát nguyện mạnh mẽ hơn là sự cầu nguyện. Gốc tiếng Pali của ba dòng quay về nương tựa, dịch sang nghĩa đen là: “Tôi cam đoan sẽ tìm thấy ngôi nhà của chính mình trong đức Phật, trong Phật pháp và trong Tăng thân. Mối tương quan gắn kết ngôi nhà của tôi trong Phật, Pháp, Tăng có thể giúp tôi thoát khỏi những hành xử vô minh và nhận ra chân tâm của chính mình”.
Khi đã có đầy đủ niềm tin, chúng ta hãy thực hành vì lợi ích của mình, lợi ích của người khác như lời Đức Phật dạy trong kinh TăngChi Bộ: tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới; tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỳ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỳ-kheo; tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác nghe diệu pháp; tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết