NHỮNG THIỀN SƯ SINH NĂM TUẤT
NHỮNG THIỀN SƯ SINH NĂM TUẤT
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Trong sách Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX1 có 19 vị sinh năm Tuất, chúng tôi xin giới thiệu một số vị tiêu biểu để quý độc giả thưởng lãm nhân Tết Mậu Tuất (2018):
Hòa thượng Tế Xuyên - Thích Doãn Hài (1874 - 1958)
Ngài thế danh Dương Văn Hiển, pháp danh Thông Hiển, hiệu Doãn Hài, sinh năm Giáp Tuất (1874) tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nhà Nho thanh bạch nơi thôn quê. Từ nhỏ, ngài theo đòi bút nghiên nơi cửa Khổng sân Trình.
Năm 15 tuổi, Bồ đề tâm của ngài bỗng nhiên nảy nở, ngài bèn xin cha mẹ cho xuất gia đầu Phật nơi chùa làng Mai Xá. Năm sau, ngài thụ giới Sa di. Năm 17 tuổi, sư phụ ngài viên tịch, may sao huynh trưởng ngài là Hòa thượng Phổ Tụ trong sơn môn, được kế vị là Tế Xuyên đệ tam tổ hết lòng dìu dắt ngài trên con đường tu học.
Năm Quý Tỵ (1893), ngài thụ Cụ túc giới tại Đại giới đàn tổ chức ở bản chùa, với pháp danh Thông Hiển. Mấy năm sau, ngài được sư huynh gửi lên chùa Bồ Đề ở Gia Lâm, Hà Nội làm thị giả cho Hòa thượng Nguyên Biểu để sớm tối tiện bề tu học.
Năm Bính Ngọ (1906), sư tổ Bồ Đề viên tịch, ngài lại lên chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tham học với Hoà thượng Thích Thanh Hanh. Sau đó ngài trở về quê nhà trụ trì chùa Tế Cát tiếp độ chúng sinh, giáo hóa thiện tín thập phương đồng thời trợ giúp tổ Phổ Tụ truyền pháp, giữ kỷ cương tổ đình Tế Xuyên.
Năm Bính Dần (1926), Hòa thượng Phổ Tụ viên tịch, ngài được sơn môn suy tôn làm đệ tứ tổ Tế Xuyên Bảo Khánh tự, tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh; san khắc kinh điển, luật tạng như bản Thiền Lam Bảo Huấn, Tăng Hộ, Tâm Tạng, Địa Tạng mà tổ đệ tam đang làm dở. Từ đó, ngài là trụ cột của sơn môn; ngài thường được chư tăng tôn vinh ngồi chủ Hạ trong các khoá an cư tại tổ đình, hoặc có năm tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, ngài kiêm luôn chức Chánh chủ giảng. Trong các trai hội lớn, ngài được cung thỉnh thượng toà Chứng minh.
Năm 1934, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ được phát động. Ngài không quản tuổi cao sức yếu tích cực vận động tăng ni, Phật tử trong sơn môn hưởng ứng tham gia. Ngài còn tới các chùa, các tổ đình khác vận động các bậc trưởng lão kỳ túc ở các sơn môn khác tham gia. Sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời và xuất bản báo Đuốc tuệ - cơ quan hoằng pháp của Hội, ngài được cử làm Phó chủ bút giúp việc cho Hoà thượng Phan Trung Thứ. Ngày 16 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), Hoà thượng Chủ bút viên tịch, ngài tiếp nối duy trì tờ báo, lãnh trách nhiệm Chủ bút, qui tụ được rất đông chư Tôn đức Tăng ni và cư sĩ, nhà văn viết bài cho tờ báo, góp nhiều công sức cho việc hoằng dương chính pháp, xây dựng nền văn hoá dân tộc. Báo Đuốc tuệ dưới quyền ngài xuất bản liên tục cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Năm 1951, đại biểu Phật giáo ba miền họp Đại hội tại chùa Từ Đàm, Huế, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, ngài được Đại hội suy bầu làm Chứng minh Đạo sư. Năm 1952, ngài lãnh đạo sơn môn trùng tu tổ đình Tế Xuyên thành một tùng lâm khang trang, qui mô như ngày nay. Tiếp đó, ngài cho trùng tu các chùa Tế Cát, Văn Xá, Nam Xá... là những ngôi Tam bảo mà ngài đã có thời trụ trì.
Ngày 17-11 năm Mậu Tuất (1958) pháp thể khang an, tinh thần minh mẫn, ngài vẫn cùng đệ tử và tín đồ mừng lễ vía đức Phật A Di Đà. Sáng hôm sau, ngài ra trai đường niệm thực, chứng cháo sáng. Thụ trai xong, ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 85 tuổi đời, 64 hạ lạp.
Hòa thượng Thiện Chiếu (1898-1974)
Ông tên đời Nguyễn Văn Tài (có lúc là Nguyễn Văn Sáng), bút hiệu Xích Liên, quê xã Long Hựu, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 21 tuổi, Thiện Chiếu lên tu học tại chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Năm 1923, Commis Trần Nguyên Chấn thỉnh ông về trụ trì chùa Linh Sơn, Cầu Muối, Sài Gòn.
Tháng 5-1927, ông ra Bắc bàn việc thành lập Tổng hội Phật giáo với sư Tâm Lai ở chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Do chưa thuận duyên nên việc không kết quả, Thiện Chiếu lên đường trở về Nam với hành trang là những số báo Hải triều âm có chương trình Phật giáo hội Trung Hoa. Ông ghé qua trường Hạ ở Quy Nhơn, đưa cho Hòa thượng Khánh Hòa xem và thúc giục cụ phải mau tiến hành Chấn hưng Phật giáo không nên để trễ.
Năm 1929, để tiếp sức cho tờ Pháp âm của Hòa thượng Khánh Hòa, Thiện Chiếu xuất bản tờ Phật hóa Tân Thanh niên, tòa soạn đặt tại chùa Chúc Thọ. Nội dung tờ báo hướng về tầng lớp cư sĩ trí thức và tăng sĩ trẻ.
Từ 1931-1935, tại chùa Hưng Long ở Ngã Sáu, Chợ Lớn, ngoài việc giảng kinh thuyết pháp, ông lần lượt xuất bản các cuốn sách Phật học Tổng yếu (1931), Phật học vấn đáp (4-1932), Cái thang Phật học (1932). Tranh biện, Phật giáo vô thần luận, Chân lý của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo, Tại sao tôi cám ơn đạo Phật, rất được giới trí thức,thanh niên đương thời ưa thích vì có những tư tưởng mới, hợp thời. Ông còn dịch kinh Lăng Nghiêm, kinh Pháp Cú…
Năm 1936, Thiện Chiếu2 xuống Rạch Giá gặp Hòa thượng Trí Thiền, trụ trì chùa Tam Bảo - bàn việc thành lập một tổ chức Phật giáo thật sự tiến bộ. Ngày 23-3-1937, Hội Phật học Kiêm Tế ra đời, trụ sở đặt tại chùa Tam Bảo, làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. Hòa thượng Trí Thiền làm Chánh Tổng lý, riêng Thiện Chiếu không giữ một chức vụ gì, chỉ làm việc ở hậu trường, nhằm tránh sự để ý của nhà cầm quyền thực dân. Đầu năm 1938, Hội xuất bản tạp chí Tiến hóa, Thiện Chiếu là cây bút chủ lực của tờ báo.
Chùa Tam Bảo là cơ sở cách mạng, tại đây năm 1941 đã bí mật tổ chức sản xuất vũ khí để đánh Pháp. Việc bị bại lộ, Hòa thượng Trí Thiền và nhiều vị bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, còn Thiện Chiếu thoát về Sài Gòn, ẩn danh tại vùng Bà Điểm - Hóc Môn.
Thiện Chiếu là nhà cải cách Phật giáo lớn vào nửa đầu thế kỷ XX ở nước ta. Ông là một trong những người có công khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam mà lịch sử mãi mãi khắc ghi. Tâm nguyện của ông hoàn toàn trong sáng, một lòng vì đạo pháp, vì dân tộc. Chương trình cách tân Phật giáo của ông táo bạo mạnh mẽ, mang tính chất thiên tả. Với trình độ tăng sĩ lúc đó khó có người nào, tổ chức Phật giáo nào ở nước ta theo được. Bởi vậy, lời kêu gọi cải cách Phật giáo của Thiện Chiếu như tiếng gọi giữa đại dương bao la.
Từ đó, Thiện Chiếu chuyển sang nhập thế bằng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, 1943 bị bắt và đày ra Côn Đảo… Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh, Trung Quốc; 1961 về Viện Triết học. Nghỉ hưu năm 1965.
Ông mất tại Hà Nội, ngày 6-7 năm Giáp Dần (1974).
Hòa thượng Thích Kế Châu (1922-1996)
Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình Nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo.
Năm 14 tuổi, ngài xin thế phát xuất gia với Quốc sư Phước Huệ ở tổ đình Thập Tháp Di Đà tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn và tu học tại đây. 20 tuổi, ngài thụ Cụ túc giới tại chùa Hưng Khánh, năm sau ngài được Quốc sư truyền pháp phái sơn môn, được ban pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.
Ngài tư chất thông minh, tinh thông nội, ngoại điển, y học và võ học đều thông suốt; năm 1947 được mời vào Giảng sư đoàn của Phật học đường Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định; 1958 được chư tôn đức cử làm Giám đốc Phật học đường Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định.
Ngài từng trụ trì chùa Bảo Sơn (1950), khai sơn chùa Bảo Châu (1958) ở huyện Phù Mỹ, kế đăng trụ trì tổ đình Thập Tháp (1965) và đứng ra trùng tu khu vườn tháp tổ. Sau đó, ngài cho xây dựng tường bao quanh toàn bộ khuôn viên tổ đình cho thêm phần khang trang nghiêm tịnh.
Năm Ất Tỵ (1965), ngài được tăng ni Phật tử suy cử làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Bình Định cho tới năm Nhâm Tuất (1982) sau khi Phật giáo cả nước thống nhất về một mối, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài được toàn thể tăng ni, Phật tử suy cử vào chức Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghĩa Bình.
Năm Đinh Mão (1987), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, ngài được suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Ất Hợi (1995), ngài mở cuộc đại trùng tu tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì ngài sau một cơn bệnh nhẹ, đã thu thần viên tịch vào ngày 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24-1-1996, trụ thế 75 năm, với 55 Hạ lạp.
Trong suốt cuộc đời, Hoà thượng Thích Kế Châu đã có công khai sơn những ngôi chùa: Thừa Ân ở Pleiku; Viên Thông ở Tây Sơn - Bình Định; Bảo Hoa ở An Nhơn - Bình Định; Bảo Quang, Bảo Giác ở Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài việc hoằng dương Phật pháp và đào tạo tăng tài, Hoà thượng còn là nhà văn được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của ngài hiện diện khắp nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh đều tìm đến luận bàn văn chương thi phú với ngài. Ngài còn để lại cho đời những tác phẩm:
- Bách Thành Yên Thủy của Phật quốc thiền sư (dịch và tác thơ).
- Thập Mục ngưu đồ tụng (dịch và tác thơ).
- Long Bích thi tập I và II.
- Kim Cang nghĩa mạch (dịch).
- Kim Cang trực sớ (dịch).
- Di Đà giảng thoại (dịch).
Hòa thượng Siêu Việt (1934-1997)
Ngài thế danh Trần Siêu Việt, pháp danh Ularo Mahathera, sinh tại quận Trà Bek, tỉnh Play Veng, Campuchia, trong một gia đình nông dân nhân hậu có truyền thống đạo Phật lâu đời.
Năm 13 tuổi, ngài vâng mệnh song thân đến chùa Preypasarì làm giới tử Sa di. Hơn 6 năm tinh tiến tu học, phụng Phật sự sư tại chùa, ngài thông suốt được tiếng Pàli và kinh tạng Pàli, trở thành một vị Sa di có học hạnh khiêm nhường được thầy yêu bạn quí.
Năm 20 tuổi, ngài thụ Đại giới, được thầy Tế độ giới thiệu lên thủ đô Phnômpenh tu học. Tại đây, ngài vừa trau dồi giáo lý vừa hướng dẫn người Việt ở Campuchia tu hành theo Phật giáo Nguyên thủy. Không bao lâu, ngài trở thành vị Pháp sư lỗi lạc được chư tăng Phật tử Phật tử Việt Nam và Campuchia kính trọng.
Năm 1970, ngài trở về Việt Nam cùng với các Hòa thượng: Hộ Tông, Bửu Chơn, Giới Nghiêm… truyền bá giáo lý Nguyên thủy. Ngài có đem theo một bộ Tam Tạng kinh bằng tiếng Khmer và trú tại chùa Giới Minh - Thủ Đức. Sau, ngài đã cúng bộ Tam Tạng kinh này cho Giáo hội Phật giáo Campuchia khi nước này được hồi sinh sau quốc nạn Polpốt năm 1979.
Năm 1979, ngài được chư tăng tín nhiệm, thỉnh giữ chức Phó Tăng thống Ban Chưởng quan Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, và là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Bửu Chơn dẫn đầu sang Campuchia phục hồi Tăng tướng cho chư tăng nước này. Đồng thời, ngài làm Yết ma truyền giới cho 7 giới tử Tỷ khiêu đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Campuchia lúc bấy giờ.
Cuối năm 1987, ngài được Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh bổ nhiệm trụ trì chùa Kỳ Viên, trụ sở trung ương hệ phái Nam tông Việt Nam. Năm 1990, ngài nhận lại thánh tích Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu) về cho Phật giáo Nam tông và được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội cử ngài kiêm trụ trì cơ sở Phật giáo này.
Năm 1981 ngài là Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; năm 1987 là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, kiêm Tăng trưởng Phật giáo Nam tông; tham gia giảng dạy tăng ni tại các trường Hạ Phật giáo Bắc tông, thuyết pháp giáo lý cho các tín đồ Phật tử ở các tự viện, giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khóa I, cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngài đã thâu thần tịch diệt ngày 2-9 năm Đinh Sửu (1997). Trụ thế 64 năm, 44 Hạ lạp.
Hoà thượng Siêu Việt là vị cao tăng Phật giáo Nam tông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp Giáo hội và lý tưởng hoằng pháp độ sinh. Ngài là một vì sao tỏa sáng trên bầu trời Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ XX.
1. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, 2, 3, Nxb Tôn giáo, 2017.
2. Có tài liệu viết lúc này Thiện Chiếu lại trở về cuộc sống tu hành. Nhưng theo chúng tôi, sau khi hoàn tục vào năm 1933, Thiện Chiếu không tái “tu” nữa.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
Bình luận bài viết