Thông tin

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO PHẬT GIÁO NGHỆ AN

 

PGS.TS. LÊ HỮU ÁI*
ĐINH ĐỨC HIỀN*

                                               

Đặt vấn đề

Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ rất sớm vào khoảng những năm đầu Công nguyên, từ khi du nhập vào nước ta đến nay, trong hơn hai ngàn năm hình thành và phát triển, với tinh thần hộ quốc, an dân và phương châm hành đạo: “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”,  thời nào Phật giáo Việt Nam cũng tỏ rõ là một tôn giáo yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.

Riêng đối với Phật giáo tỉnh Nghệ An, qua nghiên cứu cho thấy dù mảnh đất này không phải là cái nôi của Phật giáo của người Việt, song thực tế cho thấy vai trò Phật giáo nơi đây đang dần có xu hướng phục hồi và phát triển mạnh mẽ, cụ thể là Ban Trị sự tỉnh hội đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả, nhiều ngôi chùa mới đã được phục hồi, số lượng chức sắc, tăng ni  tín đồ phật tử  đang ngày càng tăng lên.

Do đó, làm thế nào để Phật giáo Nghệ An phát triển đúng hướng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, tu học của các tín đồ phật tử và nhân dân địa phương, theo đúng hướng đạo của giáo hội, quy định của pháp luật Nhà nước, mà còn phát huy được tinh thần hộ quốc, an dân, đoàn kết dân tộc, góp phần đưa các giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của Phật giáo Việt Nam vào với lối sống của nhân dân địa phương, xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng phát triển. Đây không chỉ là nhu cầu để gìn giữ những nét đặc sắc riêng của văn hóa vùng, mà còn góp phần phát triển những giá trị nhân văn của văn hóa Phật giáo trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

1. Những vấn đề đặt ra

Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 6 năm 2011, cả nước có 14.778 cơ sở thờ tự, 46.495 vị tăng, ni sinh hoạt trong giáo hội Phật giáo Việt Nam và hơn 10 triệu tín đồ đã quy y tam bảo (không kể 70 % người dân chịu ảnh hưởng của Phật giáo). Ngoài ra, còn có nhiều tăng, ni, đồng bào phật tử Việt Nam sinh sống ở nước ngoài như: Lào, Ba Lan, Séc, Nga, Pháp...

Ở nước ta, lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tư tưởng văn hóa, đạo đức của Phật giáo đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nền văn hóa truyền thống, ăn sâu vào tâm thức của người Việt, vào cách nghĩ, lối sống, cùng với văn hóa bản địa Phật giáo in đậm trong triết lí nhân sinh, nhân cách của người Việt. Thực tế cho thấy đã có thời Phật giáo trở thành quốc giáo, các nhà sư không chỉ là tu sĩ hành đạo mà còn trực tiếp tham gia vào quản lí và điều hành đất nước, rõ nhất là thời kỳ Lý, Trần. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay ở nước ta, những tác động tiêu cực và mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, của văn hoá ngoại lai…vì thế, Phật giáo đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

1.1. Hiện nay, về mặt hệ thống tổ chức, sau sự kiện thống nhất Phật giáo năm 1981, với việc ra đời của tổ chức duy nhất đại diện cho các hệ phái Phật giáo trong cả nước là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều đó đã đáp ứng được nhu cầu tình cảm, nguyện vọng cho các Tăng, Ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước,  điều hoà hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam nhằm để hộ trì hoằng dương Phật pháp tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho các cư dân. . Song, trên thực tế hiện nay bên cạnh tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở nước ta vẫn còn không ít các tổ chức Phật giáo đứng ngoài giáo hội luôn tìm mọi cách liên kết với các thế lực thù địch bên ngoài nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

1. 2. Thực tế ở nước ta hiện nay, bên cạnh Phật giáo còn có nhiều tôn giáo và hệ tư tưởng khác có mặt trong đời sống của cộng đồng người Việt. Cụ thể là ngoài 13 tôn giáo với 37 tổ chức giáo hội đã được nhà nước công nhận hiện nay: Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Baha’i, Đạo Từ Ân Hiếu Nghĩa… , các tư tưởng khác như: Nho giáo, Lão giáo, Phân tâm học… các hình thức Tín ngưỡng dân gian khác: Tín ngưỡng Thờ Mẫu, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Tín ngưỡng thờ cúng Bác Hồ… đặc biệt là nhiều học thuyết, hệ tư tưởng mới, thậm chí kể cả các loại Tà đạo như: Pháp Luân Công, Thanh Hải Vô Thượng Sư…v.v. cũng  đã bắt đầu có sự xâm nhập và ảnh hưởng.

Do đó, để Phật giáo cả nước nói chung, Phật giáo Nghệ An nói riêng tìm được chỗ đứng và lòng tin vững chắc trong đời sống tinh thần của nhân dân Nghệ An hiện nay là một điều không dễ dàng.

1.3. Nếu xét về sự vận động và biến đổi của Phật giáo, đặc biệt là trong mối tương quan giữa “đạo và đời”  thì tinh thần Phật giáo có xu hướng ngày càng lan tỏa vào mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực, nhất là trên các lĩnh vực hoạt động từ thiện, nhân đạo xã hội, vẫn thấy xuất hiện ở một số cơ sở thờ tự Phật giáo hoạt động không đúng mục đích hướng thiện, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Điều dễ nhận thấy là sự gia tăng của các yếu tố dị đoan trong lễ nghi Phật giáo hay là sự sa sút về phẩm hạnh của một bộ phận tăng, ni, tín đồ Phật tử. Nhiều hoạt động của Phật giáo không còn thuần túy lễ nghi tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh hướng thiện của con người, mà chạy theo các nhu cầu tầm thường, lai tạp, pha trộn với mê tín, dị đoan.

Với các chiêu bài, núp bóng thờ cúng, đã làm cho triết lý nhà Phật có xu hướng dần dần trở nên thực dụng, xa rời giáo lý truyền thống, từ đó làm cho một số cơ sở của Phật giáo bị dung tục, tầm thường và thương mại hóa, một số nhà chùa không còn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có, thay vào đó là hương khói, cầu cúng, vàng mã, còn với Phật pháp, giáo hóa chúng sinh thì thờ ơ, lãnh đạm, người ta lợi dụng Phật giáo để “buôn thần bán thánh”. Chính những điều đó đã làm cho vị thế của Phật giáo bị giảm sút.

1.4.Riêng đối với Nghệ An, là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, đất rộng, người đông, với diện tích 16.490,25 km2, lớn nhất cả nước; dân số hơn 2,9 triệu người, đứng thứ tư cả nước. Toàn tỉnh hiện có 17 huyện nhưng trong đó đã có đến 10 huyện miền núi, 27 xã biên giới.

Là vùng “địa linh nhân kiệt” có bề dày lịch sử lâu đời, cái nôi của phong trào yêu nước, quê hương của sông Lam núi Hồng nổi tiếng bao đời này còn là nơi sản sinh ra những con người biết sống trọng tình, trọng nghĩa, tình cảm thủy chung trước sau như một. Ngoài ra, cùng với đời sống văn hoá, văn nghệ dân gian  phong phú đa dạng vào bậc nhất so với các địa phương khác trên cả nước… Tất cả những yếu tố này, từ vị trí địa lý, văn hóa và cốt cách con người xứ Nghệ như trên đã tác động đến Phật giáo Nghệ An hiện nay trên cả hai phương diện: thuận lợi lẫn khó khăn.

Thuận lợi của Phật giáo Nghệ An là sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển tín đồ phật tử vì  Nghệ An là nơi có dân số đông và địa hình rộng lớn, thêm vào đó, văn hóa trọng tình của người dân xứ Nghệ gần gũi với giáo lý: từ, bi, hỉ, xả  và tinh thần lục hòa của đạo phật nên đạo Phật nơi đây cũng sẽ dễ dàng xâm nhập vào đời sống tâm linh của người dân hơn so với nơi khác... Song, cũng từ vị trí địa lý có nhiều đặc thù về quy mô rộng lớn và có nhiều diện tích là đồi núi như đã nêu trên, chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại cho việc truyền bá, mở rộng đạo pháp, quản lý việc sinh hoạt, tu học và phát triển tín đồ Phật tử của Phật giáo Nghệ An hiện nay.

Thực tế cho thấy, Nghệ An lại là địa phương có đạo Công giáo phát triển nhất trong số các tôn giáo của tỉnh hiện nay với gần 45 nghìn hộ, gần 255.000 khẩu, chiếm 8% dân số của tỉnh và có đến hơn 220 xóm là Công giáo toàn tòng…. Trong khi đó, theo thống kê của Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An cho thấy đạo Phật ở tỉnh hiện nay mới chỉ có 6.250 hộ với 25.000 tín đồ,  tính đến cuối tháng 3 năm 2010 đội ngũ chức sắc Phật giáo mới chỉ có 05 tăng và 01 ni, 05 Ban hộ tự chùa, 14 chùa cơ sở, Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo mới được thành lập và hoạt động nhiệm kỳ đầu tiên (2011-2016).

Như vậy, sự cạnh tranh của các tôn giáo bạn khác như: Công giáo, Tin Lành, và Phật giáo Hòa Hảo vốn đang sinh hoạt ổn định tại địa phương, cùng với sự hạn chế trong bản thân hệ thống tổ chức, đội ngũ chức sắc, tăng ni nội tại hiện có của Phật giáo Nghệ An hiện nay.     

2. Một số giải pháp góp phần để xây dựng và phát triển Phật giáo Nghệ An

Từ những cơ sở lý luận và thực tế như đã nêu trên, theo chúng tôi để Phật giáo Nghệ An phát triển đúng hướng, theo phương châm tốt đời, đẹp đạo, thiết nghỉ cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

2.1. Cần nhanh chóng củng cố và phát triển tổ chức giáo hội Phật giáo

Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý Nhà nước về Phật giáo đã chỉ ra rằng, về cơ bản hệ thống tổ chức của Phật giáo nước ta hiện nay còn chưa xứng tầm với một tôn giáo lớn, đại diện cho tinh thần dân tộc. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ không giống nhiều tôn giáo khác như: Công giáo, Tin Lành… Phật giáo chỉ có giáo luật chứ không hề có giáo quyền, hơn nữa tinh thần sinh hoạt, tu học của người theo đạo phật là tự nguyện, tự tha, lấy “từ bi, hỉ xả” “lục hòa”  làm căn cơ, lấy tình cảm để giải quyết vấn đề. Vì vậy, xét về bản chất bên trong thì hệ thống tổ chức của giáo hội Phật giáo có nhiều hạn chế là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, trên thực tế, Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Nghệ An vừa được thành lập và đi vào hoạt động, đội ngũ chức sắc, tăng, ni  Phật giáo vẫn còn hạn chế là điều không tránh khỏi. Vì thế yêu cầu khách quan là Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An cần phải nhanh chóng ổn định và được củng cố về mặt hệ thống tổ chức, đây được xem là giải pháp quan trọng tạo cơ sở nền tảng để Phật giáo Nghệ An phát triển ổn định và mở rộng hơn nữa những ảnh hưởng của mình.

Đồng thời, để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, theo chúng tôi, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An hiện nay cần tập trung quan tâm đến việc cũng cố và nâng cao vai trò của  Ban đại diên Phật giáo ở các huyện, Ban Hộ tự, Ban Huynh trưởng tại các chùa cơ sở trên địa bàn tỉnh, vì khi thực hiện được điều này sẽ tạo được vững vàng ngay từ cơ sở sẽ giúp cho các hoạt động phật sự được ổn định và thông suốt. Đồng thời, cần chú trọng đến các Ban chủ chốt, trọng yếu của Ban Trị sự tỉnh hội như: Ban Tăng sự, Ban hướng dẫn Phật tử .. vì với chức năng nhiệm vụ được quy định trong hệ thống Hiến chương của Giáo hội Phật giáo, đây là những Ban quan trọng đối với một tỉnh mà cơ cấu tổ chức Phật giáo đang còn nhiều hạn chế như Nghệ An hiện nay.

2.2. Xây dựng đội ngũ tăng, ni có đạo hạnh, uy tín với tín đồ và năng lực điều hành Phật sự tại địa phương.

Nếu xét về phương diện đạo đức xã hội, sẽ không có gì là sai lầm nếu khi cho rằng: những chức sắc, tăng, ni tu học chân chính của Phật giáo chính là một trong những bộ phận người đại diện cho đạo đức của xã hội. Vì thực tế cho thấy, trong từng ngôi chùa, họ là những người được nhân dân, nhất là tín đồ phật tử kính trọng, đồng thời họ cũng chính là cầu nối đưa các giá trị đạo đức mang tính hướng thiện đến với người dân. Vì thế cũng có thể khẳng định ở một phương diện nào đó, chính đời sống tu học và đạo hạnh của đội ngũ này đã làm nên điểm quan trọng có sức thu hút tín đồ Phật tử đến với Phật giáo.

Do đó, nếu Phật giáo tỉnh Nghệ An xây dựng được một đội ngũ chức sắc tăng ni phật giáo có đạo hạnh mẫu mực, có uy tín với tín đồ phật tử góp phần tạo dựng được niềm tin của nhân dân địa phương vào Phật giáo, thì đội ngũ này sẽ trở thành cánh tay nối dài để đưa phật giáo Nghệ An nhanh chóng phát triển vững mạnh. Đồng thời, thông qua đội ngũ này sẽ góp phần hạn chế, tiêu cực nảy sinh trong Phật giáo hiện nay như nạn “buôn thần bán thánh”, mị dân “sư không ra sư, chùa không ra chùa”.

Để làm được điều này, theo chúng tôi,  nhiệm vụ quan trọng của Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An cần phải thực hiện tốt công tác quản lý tăng sự thông qua việc quản lý và kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến việc nhập tu của tín đồ, luân chuyển tu học của tăng, ni,  bổ nhiệm trù trì đúng chùa, đúng người, chú trọng đến việc đào tạo tăng tài, nâng cao các kỹ năng quản lý hành chính phật sự cho đội ngũ chức sắc phụ trách văn phòng..v.v.

Đồng thời, cần phải phối hợp với chính quyền địa phương, nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước trong các hoạt động Phật sự của mình để ngăn chặn các hành vi tiêu cực lợi dụng hoạt động trong Phật giáo  nhằm mục đích vụ lợi và cản trở khối đại đoàn kết dân tộc.

2.3. Gắn liền việc phát huy các giá trị tốt đẹp của Phật giáo và truyền thống của dân tộc vào trong đời sống nhân dân địa phương

Như chúng ta đều biết, Phật giáo trong hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế:“Đạo pháp bất ly thế gian pháp”, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng tỏ rõ là một tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Trong lịch sử dân tộc ta, nhiều Tăng, Ni phật tử trở thành tấm gương hy sinh anh dũng cho phong trào đấu tranh giải phóng đất nước.

Thực tiễn quá trình phát triển của Phật giáo từ xưa đến nay cũng đã minh chứng rằng: khi nào Phật giáo gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, phát huy được truyền thống, tinh thần yêu nước, thì sẽ tạo được một khối đại đoàn kết có sức mạnh to lớn và phát triển ổn định, bền vững. Ngược lại, khi nào Phật giáo xa rời truyền thống yêu nước, tách ly khỏi sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc thì tất yếu sẽ bị người dân xa lánh.

Ngoài ra, với một hệ thống các quan niệm về: vô ngã, từ bi, hỷ xả, khuyên mọi người tự tu tâm, dưỡng tính, với những nguyên tắc và chuẩn mực trong Ngũ giới, Thập thiện; với phương thế ứng xử hòa hợp như trong Lục hòa, với tư tưởng về giải thoát, hướng tới xây dựng con người có giá trị nhân bản, và xây dựng một xã hội không có chế độ người bóc lột người, không có sự phân biệt về đẳng cấp…v.v.. là những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của Phật giáo đã được thừa nhận trong cộng đồng thế giới. Chính vì vậy, ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày Tam hợp Đức phật (ngày Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập niết bàn) làm ngày văn hóa của thế giới. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng làm chođạo đức của Phật giáo hòa quyện vào đạo đức của dân tộc, trở thành nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa đạo đức con người Việt Nam.

Thiết nghĩ, những lợi thế to lớn mà Phật giáo nước ta từ xưa đến nay đã có được nhất là trên phương diện văn hóa, đạo đức rất cần được bảo tồn và phát huy tại Nghệ An hiện nay. Bởi lẽ, trên cơ sở gắn liền các giá trị tốt đẹp của Phật giáo và truyền thống của dân tộc, đưa các giá trị này vào trong đời sống nhân dân địa phương sẽ làm cho Phật giáo tại Nghệ An nhanh chóng đi vào đời sống tinh thần của mỗi con người xứ Nghệ vốn nặng nghĩa nặng tình từ bao đời nay.

Kết luận:

Có thể nói, Phật giáo luôn là một tôn giáo lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh của người Việt. Nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp và nâng cao vị thế của đạo Phật, đòi hỏi toàn thể chức sắc, tăng ni Phật giáo phải tiếp tục là những tấm gương về trí tuệ và đạo hạnh; là lực lượng đi đầu trong các tôn giáo ở nước ta vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, năm 2007 khẳng định: Trong gần hai ngàn năm hiện điện trên đất nước Việt Nam, hòa mình cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa cho đến ngày nay, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với tinh thần đó, trên cơ sở nhìn nhận khách quan những vấn đề đang đặt ra cho Phật giáo Nghệ An hiện nay, từ đó xây dựng các giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm phát huy hiệu quả các hoạt động của giáo hội Phật giáo, làm cho tinh thần Từ, Bi, Hỉ, Xả thấm sâuvào mọi mặt của đời sống nhân dân.

 


Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Tài Thư, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

3. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 03, 2009.

4. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 03, 04, 2011

5. Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 30 năm hoạt động của giáo hội Phật giáo Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước, Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2012.

6. Ban Tôn giáo Chính phủ, Sổ tay Công tác tôn giáo năm 2012, Hà Nội, 2012.

7.Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2006.



* Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng                                                   

* Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng

    

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6757532