Thông tin

NI SƯ DIỆU NHÂN (1041-1113) - NỮ SƯ TỔ TRONG VƯỜN THIỀN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT

NI SƯ DIỆU NHÂN (1041-1113) -

NỮ SƯ TỔ TRONG VƯỜN THIỀN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI VIỆT

 

PGS.TS. HOÀNG THỊ THƠ 
Viện Triết học – Viện Hàn lâm KHXHVN

 

 

Lịch sử Phật giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam luôn có bóng dáng những nữ Phật tử (lay women), ngay từ những huyền thoại khởi đầu xây dựng văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt với những kiến thức về tự nhiên, xã hội, đạo đức và tâm linh, như: Chử Đồng Tử, Man Nương, các nữ tướng thời Hai Bà Trưng,... Trong thời kỳ Lý - Trần, Phật giáo đạt đến cực thịnh cũng nổi lên những Ni sư (bhiksuni) đóng góp đặc biệt cho Phật giáo như: Nguyên phi Ỷ Lan, Phụng Thánh phu nhân, công chúa Túc Trinh, hoàng hậu Lê Thị, công chúa Trần Thị Bạch Hoa,...1. Nhưng nổi bật nhất với đóng góp đặc biệt cho Thiền học Việt Nam thời đó là Ni sư Diệu Nhân. Bà đã được vua Lý Thần Tông tôn làm Ni sư, đồng thời được chính thức ghi nhận là nữ sư đầu tiên - sư tổ thứ 17 - của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) trong Thiền Uyển Tập Anh2, như một bậc tôn túc kiệt xuất của vườn thiền Việt Nam, cũng như một nhân vật có công được ghi trong Quốc sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư3.

Có lẽ trong chính sử Đại Việt Sử Ký toàn thư thời đó không phải cứ công chúa hay phu nhân nào có đóng góp cho Phật giáo cũng được lưu danh trong chính sử đầy đủ với cả niên đại (sinh-mất), hành trạng và trước tác như công chúa Lý Ngọc Kiều (Ni sư Diệu Nhân). Phải chăng đóng góp của Ni sư Diệu Nhân có ý nghĩa đặc biệt đối với Phật giáo cũng như quốc gia thời đó, và thậm chí còn giá trị khẳng định, động viên, định hướng cho cả mai sau.

Hôm nay, nhân dịp sắp tới 906 ngày giỗ của Ni sư tổ, trên cơ sở tiếp thu nhiều thành tựu đi trước của các học giả cũng như các ghi nhận chính thống về Ni sư Diệu Nhân, tôi xin một lần nữa tiếp thu và kế thừa các nghiên cứu đi trước để nhìn nhận, tổng hợp lại những đánh giá và tôn vinh Ni sư trên phương diện Thiền học như một Nữ Thiền Sư.

Thật đặc biệt khi Thiền Uyển Tập Anh là một văn bản cổ của Thiền Phật giáo Việt Nam khi ghi lại hệ thống các tông phái Thiền với tiểu sử, hành trạng, trước tác của các “anh tú trong vườn Thiền” từ cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và đầu Trần, trong đó đã xếp Ni sư Diệu Nhân vào hàng các vị anh tú vườn Thiền của Đại Việt, với tư cách là tổ thứ 17 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci). Đây là một mốc son (về vấn đề giới nữ) trong chính sử của Phật giáo (Thiền tông Đại thừa) Việt Nam.

Trong Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy dòng thiền Vinitaruci truyền thừa được 19 thế hệ và dừng ở thế kỷ XIII. Trong quá trình truyền thừa có những thế hệ chỉ có ghi số người (một vị hoặc hai vị), nhưng không ghi gì về pháp danh và hành trạng, thậm chí là khuyết lục. Trong khi đó, Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) được ghi rõ là tổ thứ 17 (đứng đầu thế hệ thứ 17, gồm 4 người và 1 người khuyết lục). Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) thuộc thế hệ thứ 16 của Vinitaruci cũng được ghi danh trong Thiền Uyển Tập Anh. Thiền sư Chân Không chính là sư phụ đã đặt cho công chúa Ngọc Kiều, pháp danh Diệu Nhân khi bà theo thiền sư xin quy y và thọ Bồ Tát giới. Thiền Uyển Tập Anh còn cho biết thêm điều đặc biệt là Ni sư đã từng trụ trì Ni viện Hương Hải, hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh hiện nay)4. Ni Viện này chắc hẳn là nơi Ni sư Diệu Nhân đã đóng góp nhiều cho đào tạo Ni tài của Phật giáo Đại Việt. Điều này còn cho thấy Phật giáo thời Đại Việt đã phát triển tới mức có được hệ thống trường viện riêng cho các Ni sư, và Ni giới Phật giáo Bắc truyền thời kỳ này đã có vị trí nhất định trong xã hội cũng như trong dòng mạch của Phật giáo Việt Nam. Tuy rằng sau Ni sư Diệu Nhân, dòng thiền Vinitaruci chỉ tiếp tục thêm 2 thế hệ (với 4 vị nữa), nhưng không có ni sư nào sau Diệu Nhân được ghi tên trong Thiền Uyển Tập Anh, rồi sau nữa là sự hòa nhập vào dòng Trúc Lâm nhất tông của Phật giáo Đại Việt thống nhất dưới sự lãnh đạo tối cao của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Có lẽ Ni viện Hương Hải của Ni sư cũng góp phần chuẩn bị cho Ni giới đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi của đất nước cũng như của Phật giáo Đại Việt lúc đó. Phải chăng đó là một trong những lý do mà sau đó 10 năm Ni sư Diệu Nhân đã được vua “Thần Tông tôn làm Ni sư” và được chính thức ghi rõ trong quốc sử Đại Việt Sử Ký toàn thư5.      

 Tiếp thu các nhà nghiên cứu đi trước về nguồn gốc dòng tộc Hoàng gia của công chúa Ngọc Kiều (Ni sư Diệu Nhân), ta thấy Phật giáo Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng khắp, không chỉ của người dân, mà thậm chí là của cả tầng lớp quý tộc, vua quan của triều đình thời Lý - Trần. Phật giáo thời kỳ này phát triển mạnh trên mọi phương diện cơ sở vật chất và phương tiện hoằng pháp cũng là nhờ vào nhiều công chúa, thái tử, vương phi, hoàng hậu quy y thành tín đồ Phật giáo, thậm chí xuất gia, xuống tóc thành tăng ni. Họ không chỉ có đóng góp hào phóng về của cải, vật chất, tiền và các bất động sản lớn cho Phật giáo (thành các chùa và các tùng lâm nổi tiếng), mà hầu hết họ khi đến với Phật giáo đều có trình độ học vấn cao, hiểu biết về Phật pháp và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong cả triều đình cũng như tới toàn xã hội đương thời... Khi trụ trì Ni viện Hương Hải, Ni sư Diệu Nhân không chỉ đem cúng “hết các đồ trang sức” cho Ni viện, mà còn truyền dạy cho ni chúng những kiến thức về Thiền học uyên áo như Thiền Uyển Tập Anh đã ghi lại các cuộc đối thoại sâu sắc về Phật học với người học đạo và trong bài Kệ Thị Tịch. Tuy các tư liệu này không nhiều nhưng rất giá trị ở chỗ chứa đựng những nội dung căn cốt nhất của Phật giáo Thiền tông. 

Lý do công chúa Ngọc Kiều đến với Phật giáo thì có nhiều, song điều công chúa thốt ra mà Thiền Uyển Tập Anh đã chọn ghi lại, đó là trăn trở của một trí thức có trình độ học vấn cao về vấn đề triết lý đời người và kiếp người mà thời đại đang quan tâm: "Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được sao?6". Như vậy, sự lựa chọn của công chúa Ngọc Kiều khi quyết định xuất gia theo Thiền sư Chân Không thuộc Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã là sự lựa chọn triết lý Thiền trong so sánh với Nho và Đạo đương thời.

Các đóng góp của Ni sư cho Phật giáo trên phương diện Thiền học cũng được Thiền Uyển Tập Anh ghi lại. Đó không chỉ là “học hỏi tâm yếu,... giữ giới, hành thiền, đạt được Tam ma địa”7 mà Ni sư Diệu Nhân còn được đánh giá “là bậc tôn túc trong hàng Ni chúng”. Ni sư không chỉ đạt tới tầm thấu hiểu tư tưởng căn cốt của Phật giáo về triết lý Duyên khởi, Vô thường, Tính không, Vô ngã, và cả vấn đề của Thiền tông Đại thừa như đốn - tiệm, mê - ngộ, tự tính - tha lực... trong những kinh điển Kim Cương, Bát Nhã, mà Ni sư còn được đánh giá cao về sự vận dụng các tư tưởng đó trong giảng pháp “trở về nguồn tự tánh”.

“Trở về nguồn tự tánh” là một trong những định hướng mục tiêu đặc thù của Thiền Phật giáo. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi nhấn mạnh Tự tính của chúng sinh vốn là tuyệt đối thanh tịnh, không đau khổ; Khi trở về được với Tự tính vốn có thì sẽ đạt giải thoát (tức đạt Giác ngộ, Bồ đề); Song Tự tính đó không phải có cũng không phải không, mà là phải vượt thoát khỏi các thái cực và siêu vượt ngôn ngữ, văn tự. Kinh Tượng Ðầu Tinh Xá - bộ kinh căn bản của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã luận rõ Tự tính đó bằng các cặp phủ định của phủ định rất độc đáo:

không thiếu không dư, không đi không lại, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn, vốn không có chỗ sinh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa và cũng chẳng phải chẳng xa lìa, mà tất cả những thứ có tên gọi, hình thức, bị quy định bởi không gian và thời gian thì đều chỉ là “giả lập tên ấy thôi...”8.

Tư tưởng đó được Ni sư Diệu Nhân nắm vững và tổng kết thành pháp Thiền giác ngộ: “tịch tịch, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ”9. Tức là để đạt tới giác ngộ (Bồ đề) thì phải thoát thanh sắc và cũng không thể dùng hay bị chấp vào lời nói và chữ viết (văn tự). Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi không phủ định kinh điển, song coi đó chỉ là phương tiện tạm thời để đạt tới giác ngộ. Giác ngộ không phải là cái biết của kiến thức hay thuộc làu kinh điển.

Thiền Uyển Tập Anh cho ta thấy Ni sư Diệu Nhân còn nắm vững tư tưởng Kim Cương - Bát Nhã khi trả lời câu hỏi về có thể dùng thanh sắc để thấy Như Lai: "Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là người làm tà đạo, không thể thấy Như Lai"10. Cũng như vậy, Ni sư dùng phép phủ định đặc thù của Thiền học để xây dựng tư duy phá chấp (vô chấp) cho người theo học khi tham vấn về Thiền. Chẳng hạn, khi được hỏi “Sao gọi là ngồi yên" và "Sao gọi là không lời", Ni sư đã đặt câu trả lời trong những đối cặp có-không, hữu-vô lớn nhất để người học dễ dàng nhận thấy phân biệt chỉ là tương đối, là ảo giả, còn Tự tính vốn không phân biệt, và trả lời là "Xưa nay không đi" và "Đạo vốn không lời"11.

Tư tưởng và phong cách của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi một lần nữa được Ni sư Diệu Nhân thể hiện với tư cách một Ni sư Tổ đã tới giác ngộ sắp viên tịch qua bài kệ Thị tịch. Bài kệ khẳng định thái độ không mù quáng, hoảng sợ trước sinh, lão, bệnh, tử của người đã giác ngộ triết lý Vô thường, Vô ngã của Thiền học Bát Nhã về đời người:

"Sinh, già, bệnh, chết

Từ xưa thường vậy

Và Ni sư Tổ còn căn dặn điều quan trọng là nếu không hiểu được triết lý Vô thường mà càng “chấp”, càng hoảng sợ hay càng tìm cách thoát khỏi quy luật Vô thường của tự nhiên và đời người, thì sẽ càng đi ngược càng không thoát, càng cởi thì càng bị trói chặt hơn:

Muốn cầu thoát ly

Cởi trói thêm buộc

Ni sư Tổ đưa ra cảnh báo trên tinh thần Thiền học rằng một khi đã liễu ngộ được Tự tính, đã siêu vượt cuộc tìm kiếm tha lực, thì sẽ hiểu: 

Mê mới tìm Phật

Lầm mới cầu thiền

Và ở câu chốt bài kệ, Ni sư Tổ trở lại nhắc nhở phải trở về tư tưởng cốt yếu của Thiền về Vô chấp, Vô trụ, Tĩnh lặng hướng vào bên trong, trở về với Tự tính vốn có chứ không hướng ra ngoài đi tìm kiếm tha lực, ảo ảnh. Ni sư Tổ đã liễu ngộ tư tưởng “bình thường tâm thị đạo” của Thiền tông, cũng tức là đã siêu vượt mọi đối đãi, đạt tới giác ngộ Phật tính tự tại: 

Thiền Phật chẳng tìm

Ngậm miệng không nói12.

Ni sư Tổ Diệu Nhân là một điểm sáng minh chứng cho đánh giá và dự báo về bản chất bình đẳng về khả năng, phẩm chất của giới nữ Phật tử mà đức Phật đã truyền trong kinh Tăng Chi Bộ: “Này A-Nan, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả hay A-la-hán quả13. Có thể thấy, trong lịch sử Thiền Phật giáo Việt Nam, các nghiên cứu cũng như trước tác về Ni giới Việt Nam còn khá hạn chế, song Thiền Uyển Tập AnhĐại Việt Sử Ký Toàn Thư là những tư liệu quý cho chúng ta thấy vấn đề về nữ Phật tử nói chung, nữ Thiền sư nói riêng là một mảng thú vị có thể tiếp tục nghiên cứu so sánh Phật giáo Việt Nam trong các giai đoạn, Phật giáo Bắc tông với Nam tông, cũng như giữa lịch sử Phật giáo Việt Nam với lịch sử Phật giáo các nước khác.

Qua những đoạn đối thoại cũng như bài kệ Thị tịch mang tinh thần Thiền học uyên thâm của dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi của Ni sư Tổ Diệu Nhân, có thể thấy Người đã kế thừa được nội dung tinh yếu của cả một truyền thống thiền học Phật giáo Đại thừa Việt Nam, xứng tầm Thiền sư Tổ được ghi danh trong Thiền Uyển Tập Anh và chính sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Việc Ni sư được phép của Thiền sư Chân Không về trụ trì Ni viện Hương Hải, tuy thông tin còn sơ sài, song cũng cho thấy đến thời Lý - Trần, ở miền Bắc Việt Nam cũng đã có những Học viện Phật giáo dành riêng cho Ni chúng, và chính thức được gọi là Ni viện. Như vậy, Phật giáo Đại Việt thời đó đã có đủ hai bộ Tăng và Ni. Đây là sự tiến bộ về quan điểm bình đẳng giới có tính vượt thời gian của Phật giáo Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) tại Việt Nam rất sớm so với Phật giáo các nước láng giềng.

Ni sư Diệu Nhân là nữ Thiền sư đầu tiên ở thế hệ thứ 17 và hy hữu của dòng Thiền do Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) sáng lập và phát triển rất sớm tại Việt Nam. Ni sư là bậc Thiền sư Tổ - vị tiền bối anh tú và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung, của Ni giới Việt Nam nói riêng. Ở góc độ lịch sử Thiền tông, Ni sư Diệu Nhân là nữ thiền sư duy nhất được chép chính thức trong bộ sách lịch sử Thiền tông Việt Nam (Thiền Uyển Tập Anh); Ni sư Tổ Diệu Nhân là một trong 68 vị Thiền sư anh tú trong Vườn thiền của dân tộc. Đây là một dấu son rất đáng tự hào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và là niềm hãnh diện của Ni giới Việt Nam nói riêng cho đến hôm nay và cả mai sau.

Bài viết này như một nén tâm nhang, xin dâng lên ngày giỗ Ni sư tổ Diệu Nhân với tình cảm trân quý và vô cùng ngưỡng mộ!

Hà Nội, những ngày đầu Thu, 2019

 


 1. “Tham khảo: Nguyễn Đại Đồng (st&bs, 2013), Những người con gái tiêu biểu của Đức Phật. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 8-36.

2. Thiền Uyển Tập Anh, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005) Lịch sử Phật giáo Việt Nam t 3: Từ Lý Thánh Tông (1054) đến Trần Thánh Tông (1278). Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr. 331-332.

3. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005) Lịch sử Phật giáo Việt Nam t 3: Từ Lý Thánh Tông (1054) đến Trần Thánh Tông (1278). Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr. 333-334.

4. Thiền Uyển Tập Anh, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005). Sđd. tr. 331.

5. Quốc sử quán triều Lê (1967), Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1. Bản dịch của Viện Sử học, dịch: Cao Huy Giu, hiệu đính, chú giải và khảo chứng: Đào Duy Anh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Thiền Uyển Tập Anh, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005). Sđd. tr. 331.

7. “Tam ma địa” (Samadhi) còn đọc thành Tam Muội, Tam ma đề, Tam ma đế, Định, Đẳng trì, Chính định, để chỉ phép thiền định, đại định bậc cao, khi thân thể và tâm trí không còn xao động, dứt mọi vọng tưởng, tà kiến.[Xem:Từ điển Phật học Hán Việt (1994), GHPGVN, Phân viện Nghiên cứu Phật học. Nxb Hà Nội. tr. 1311 và http://vuonhoaphatgiao.com/tu-dien-phat-hoc/tam-ma-dia.

8. Xem: “Chương 5- Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi”, trong Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, t1. Nxb. Văn học, HN.]

9. Thiền Uyển Tập Anh, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005) Sđd., tr. 331.

10, 11. Thiền Uyển Tập Anh, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005) Sđd., tr. 332.

12. Thiền Uyển Tập Anh, dẫn theo Lê Mạnh Thát (2005) Sđd., tr. 332.

13. Tăng Chi Bộ, III, phẩm Gotami, người dịch: Thích Minh Châu, tr.114

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6112330