Thông tin

NIỆM LỰC VÀ NIỆM PHẬT

NIỆM LỰC VÀ NIỆM PHẬT

CHÁNH TRÍ

 

 

Đã là con nhà Phật, chắc chắn trong chúng ta không còn ai xa lạ với hai chữ "Niệm Phật".

Thông thường, hễ nói đến niệm Phật là người ta nghĩ ngay đến câu "Lục tự Di Đà": Nam mô A Di Đà Phật. Không phải chúng ta chỉ biết có mình Đức Giáo chủ Tây phương, mà chỉ vì tất cả chúng ta đều tu theo môn "Tịnh độ", mà cái đặc tánh của môn này là chuyên niệm A Di Đà Phật.

Trái với đệ tử của Thiền tôn là môn đòi hỏi nhiều ở trí huệ, người chuyên tu theo Tịnh độ tôn có thể không cần học nhiều, miễn trong khi niệm Đức A Di Đà phải giữ thế nào cho ý được thanh tịnh và tâm đừng vọng động là thành công.

Niệm Phật hiệu nghiệm như thế, thiết nghĩ tìm hiểu coi nguyên do ở đâu, thiết tưởng không phải là một việc vô ích.

Vậy xin phép chư đạo hữu lấy phương niệm Phật làm đầu đề buổi nói chuyện hôm nay.

Trước tiên, chúng ta hãy thử định nghĩa chữ niệm, kế đó xét cái sức mạnh của niệm cùng những đặc tánh của nó, rốt hết xem coi những đặc tánh và sức mạnh ấy được pháp môn Tịnh độ đem ra áp dụng như thế nào và kết quả ra sao. Muốn cho dễ nhận chúng tôi xin phép, hễ mỗi khi đề cập đến một đặc tánh của niệm là chỉ ngay cách áp dụng trong Tịnh độ tôn.

ĐỊNH NGHĨA CHỮ NIỆM: Niệm là một danh từ Phật học mà nay tùy chỗ dùng ta gọi là tư tưởng (La Pensée) hay tưởng nhớ (Penser).

Niệm Phật ra tiếng hay niệm thầm mà chỉ có cái việc lặp đi lặp lại câu "Nam mô A Di Đà Phật", còn tâm trí lại gởi nơi nào, hoặc đương bị cái mong chờ, sợ sệt, hối tiếc, giận dỗi v.v... làm xao động, là một việc làm bề ngoài, không lợi ích gì cả. Vì vậy, kinh sách dạy trong khi miệng xướng to hay trí thầm gợi hồng danh Đức Giáo chủ Tây phương, tâm cần phải tưởng nhớ đến Ngài luôn, như thấy Ngài trước mắt. Cái bí quyết của sự tu chứng ở chỗ này.

Xem đó thì cái ý nghĩa chân chính của hai chữ "Niệm Phật", của việc niệm Phật, là tưởng nhớ đến Phật hay có những tư tưởng như Phật, chớ không phải đọc suông hồng danh là đủ.

ĐẶC TÁNH CỦA TƯ TƯỞNG: Tư tưởng có nhiều đặc tánh:

1/ Tư tưởng có hình và sắc: Tư tưởng là pháp, là hiện tượng như tất cả hiện tượng khác trong vũ trụ, dầu rằng mắt ta không thấy, tai ta không nghe. Vì là hiện tượng, nên có hình có sắc. Mỗi khi ta tưởng nhớ đến một người nào, có phải ta thấy hình dáng người ấy như đứng trước mắt ta không? Càng tưởng nhớ càng thấy rõ, nào mặt mày, tay chân, nào phục sức, nào màu sắc của da tóc, thậm chí đến tánh tình, ngôn ngữ, cử chỉ, nhứt nhứt ta thấy hết. Có phải cái tư tưởng của ta đã tạo ra người ấy, có hình, có sắc như thật không?

Một người bạn tôi, ngày kia, nảy ra cái ý muốn mua một chiếc ô tô. Bạn tôi đến hãng xem xe và khi ra về, không quên xin một tấm giấy quảng cáo trong ấy có ảnh chiếc xe, các bộ phận quan trọng và lời giải nghĩa những cái tiện lợi, tiến bộ của xe ấy. Về đến nhà, vừa thay quần áo xong là bạn tôi cắm cổ đọc đi đọc lại mấy dòng chữ và ngắm mãi cái ảnh màu sắc lộng lẫy của chiếc xe. Đến buổi cơm, mảnh giấy vẫn còn trên tay, rồi đi ngủ cũng ngắm, vào sở cũng ngắm, thét rồi, mở mắt như nhắm mắt, thức như ngủ, bạn tôi không giây phút nào không thấy chiếc xe trước mắt. Hình ảnh, màu sắc nó dường như ghi khắc trong trí óc bạn tôi, không gì làm nhòa được.

Người niệm Phật nên ghi khắc như thế. Mỗi khi miệng xưng hồng danh của một đức Phật nào, tâm phải nhớ đến đức Phật ấy cho đến thấy như Ngài hiện ra trước mắt. Phải hình dung Ngài có một cái thân tốt đẹp vô ngần, trên thế gian này không có một cái thân nào tốt đẹp hơn làm cho ta phải quý mến. Phải hình dung Ngài có một trí tuệ tuyệt vời, trên thế gian này không còn cái trí tuệ nào cao hơn khiến ta phải bái phục. Phải tưởng thấy Ngài đầy đủ các đức tánh siêu việt, trên thế gian này không còn một ai đạo đức hơn để cho ta phụng thờ và tuân giữ giáo lý. Không hẹn mà nên, tư tưởng ta sẽ tập trung vào một chỗ là trạng mạo, trí tuệ và đạo đức của Phật, mà tư tưởng được tập trung làm tâm hết vọng động, tức là Định. Đây là nơi gặp gỡ của hai môn Tịnh độ tôn và Thiền tôn, và vì thế cho nên nói trong Tịnh có Thiền.

2/ Tư tưởng có sức mạnh: Cái đặc tánh thứ hai của tư tưởng là nó có một sức mạnh phi thường, phóng ra xa như lượn sóng nhỏ, như luồng điện xẹt, châu lưu pháp giới. Sức mạnh ấy có thể tăng được, bằng cách phóng những luồng tư tưởng khác cùng một loại, ví như nhờ đợt sóng sau xô đẩy mà đợt sóng trước tiến mãi không ngừng.

Chắc chư đạo hữu đã nghe thuật một vài trường hợp "thần giao cách cảm". Đây là một danh từ Triết học chỉ sự liên quan và thông cảm giữa hai người ở xa nhau. Xin lấy một ví dụ:

Một người mẹ ở Hà Nội. Bỗng một hôm, không hiểu tại sao, bà thấy nóng nảy, bứt rứt, trong khi một mối buồn man mác xâm chiếm lòng bà. Hôm sau bà được tin điện cho hay người con yêu quý nhất đời của bà đương đau nặng ở Sài Gòn. Bà tức tốc vào thăm, hỏi lại mới hay mấy ngày trước, con bà đã trải qua một cơn bệnh ngặt, tưởng đã phải lìa trần. Tính ra, ngày ấy, giờ ấy, chính là lúc lòng bà như bị thiêu bị đốt. Tâm lý học cho rằng lúc ấy giữa mẹ con có một sự giao tiếp trong tinh thần và dầu cách nhau xa, đã cảm thông với nhau (thần giao cách cảm).

Đứng về niệm lực, tức là sức mạnh của tư tưởng mà luận, ta có thể nói rằng, vì người con đã hết sức tưởng nhớ đến mẹ, nên mới xảy ra trường hợp nói trên. Biết mình thập tử nhất sinh, sợ chết mà không thấy mẹ, người con gom hết sức tàn tưởng nhớ đến bậc từ mẫu xa xôi, gần như anh thấy mẹ đứng cạnh giường anh, còn anh thì như cố gọi mẹ, cố nắm tay mẹ, mong mẹ bảo vệ, hộ trì cho khỏi nanh vuốt của tử thần. Mỗi cái tưởng nhớ của anh là một luồng sóng điện anh phóng về hướng của bà mẹ thân yêu. Luồng sóng này vừa phát ra là luồng sóng khác tiếp theo, xô đuổi nhau, xông lướt muôn trùng trong không gian, chỉ nháy mắt là đến Hà Nội và xâm nhập vào tâm khảm của mẹ, ví như một cái mặt trống bị người cầm dùi đánh mãi, thành phải kích động liên miên.

Phải niệm Phật  tưởng nhớ Phật, như người con kia đã tưởng nhớ mẹ, thì giữa Phật và ta sẽ có một "thần giao cách cảm" như thế. Chư đạo hữu chắc không quên bài "Quán cưỡng" mà hai câu đầu là:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì...

Năng lễ là người hành lễ, tức là đệ tử Phật chúng ta. Sở lễ là người chịu sự lễ bái của ta, tức là Phật. Phật và chúng ta đều một tánh như nhau, ấy là tánh "không" và "tịch". Vì một tánh nên giữa đôi bên có một sự cảm ứng, giao tiếp không thể suy gẫm, bàn luận được, vì nó bất đếm không gian, xa xôi cách mấy nó cũng đến được, và cũng bất chấp thời gian, động đầu này là tức khắc đầu kia cảm, như hai máy điện thoại. Sở dĩ, động được là nhờ có một luồng điện nối liền hai máy. Nếu luồng điện ấy không bị kích thích, tức là nếu ta không quay, thì nó tuồng như không có, nên kêu là "không" và nằm êm nên kêu là "tịch". Khi ta quay, nhờ sự cơ cấu của máy, những đợt sóng sẽ phát sinh trên luồng điện và xua nhau chạy như những đợt sóng rượt nhau trên mặt nước, muốn dừng, dừng không được.

Cái kích thích làm nổi sóng điện là động lực, là nhân. Sóng điện phát sinh và xua nhau chạy từ đầu dây này đến đầu dây kia là quả. Ở người Phật tử, động lực là niệm, là tư tưởng. Mỗi niệm làm phát sinh một đợt sóng trong không gian, niệm, niệm đều như thế, thành một luồng sóng, đợt này xua đuổi đợt kia, hướng về Phật mà chạy không ngừng. Hướng về Phật tức là hướng về Từ Bi, Trí Tuệ, Thanh Tịnh, Giải Thoát. Ngày ngày như thế, làm gì tâm hồn ta không bị cái Tốt, cái Lành ám ảnh, làm gì ta không hành động theo cái ám ảnh ấy dưới sự hộ vệ của Phật. Vì vậy, phương pháp niệm Phật hoàn toàn, nhứt là phải chí thành và tưởng nhớ đến Phật bất luận trong giờ khắc nào, đi đứng như nằm ngồi, như ăn ngủ, để cho luồng sóng tư tưởng Phật của ta không bị gián đoạn và sức ám ảnh của uy thần Phật không bao giờ ngưng trệ trong lời nói việc làm của ta.

Chúng ta có con đi học xa. Nếu lúc nào chúng cũng tưởng như có ta bên cạnh, chắc chắn chúng sẽ hết sức cẩn thận trong cử chỉ, ngôn ngữ, hành động, để khỏi làm cho ta buồn lòng. Được như thế, chúng sẽ tránh được nhiều điều sái quấy. Ta tu Tịnh độ cũng phải đến chỗ như thấy đấng Cha lành luôn luôn trước mắt, như mãi sống trong bóng Từ Quang của Ngài. Bao nhiêu đó đủ giữ ta đứng lại trên miệng hố tội lỗi, vì có đứa con nào ngổ nghịch cho đến nỗi dám làm điều thường luân bại lý trước mặt cha mẹ? Đây cũng là một trong những cái lý của câu "Bất ly Phật" tức là Không lìa Phật.

3/ Tư tưởng chịu luật tương ứng: Ta thường nghe nói "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Từ điển Đào Duy Anh giải: "Những vật cùng một thứ tiếng thì ứng nhau, như một con gà gáy thì cả bầy đều gáy theo; những vật cùng một khí loại thì tìm nhau, như đá từ thạch thì hút sắt, hổ phách thì hút hột cải". Người Pháp nói: "Kết phe với nhau là giống nhau". Tư tưởng cũng thế. Tư tưởng lành bao giờ cũng hút tư tưởng lành, còn tư tưởng ác thì hút tư tưởng ác. Một khi phóng ra, những đợt sóng tư tưởng của ta có cái sức mạnh đi xa như đã nói, cho nên chẳng những nó bị những đợt sóng chính chúng ta phóng theo sau xô đuổi, mà còn bị những đợt sóng tư tưởng của người khác và đồng loại với nó thúc giục nữa.

Theo cái luật tương ứng này, ta thấy rằng nếu ta có niệm lành, tư tưởng lành, thì những tư tưởng này được những tư tưởng lành của bao nhiêu kẻ thiện tâm khác trong vũ trụ tiếp sức mà lành thêm. Còn tư tưởng lành của bao nhiêu người khác cũng nhờ lại cái sức mạnh không ngờ của tư tưởng lành ta mà thêm mạnh. Luận về tư tưởng ác cũng thế. Hễ ta có những cái tâm niệm ác, chắc chắn cái ác của ta sẽ tăng thêm, vì bị cái tâm niệm ác của người khác thúc đẩy, tăng sức. Tóm tắt, ta có thể nói tư tưởng có một cái năng lực truyền nhiễm lạ lùng, tốt cũng như xấu, lành cũng như dữ, nhứt là xấu và dữ, vì đa số chúng sanh có cái tâm bất thiện.

Đã nói niệm là tư tưởng, thì trong khi ta niệm Phật, niệm với tất cả lòng thành, ta phát huy những tư tưởng lành và trong sạch, chẳng những giúp ta tăng trưởng những tư tưởng lành có từ trước và làm cho cái thiện tâm của ta ngày càng kiên cố, mà còn thúc đẩy bao nhiêu tư tưởng lành của kẻ khác khắp hoàn cầu, khiến cho cái thiện tâm của họ cũng càng ngày càng thêm rộng lớn. Góp phần tư tưởng lành của ta trong hư không như thế, tức là rút bó củi của ta ra trong đống lửa tư tưởng ác độc đương bùng cháy khắp trần gian, và đồng thời đem giọt nước cam lộ của tư tưởng lành chế lên hạ ngọn lửa tham dục, sân hận, si mê ấy.

Ngoài cái lợi vừa nói, ta còn cái lợi khác là không sợ những tư tưởng ác của kẻ khác ám ảnh. Tôi nghĩ rằng những tư tưởng lành của ta tức là những đám mây lành, màu sắc tốt đẹp thường hay thấy nói trong kinh Phật. Có hình, có sắc như đã nói, tư tưởng lành của ta hiệp với tư tưởng lành của bao nhiêu người khác, kết thành một đám mây lành, màu sắc tốt đẹp và kiên cố như thiết giáp, mà những đám mây tư tưởng ác và xấu xa, một khi chạm đến là phải dội ngay. Nhờ đó mà những tư tưởng, những niệm ác còn vương vấn trong tâm phàm chúng ta khỏi bị những luồng tư tưởng ác khác làm tăng trưởng. Có phải đây là một cách trình bày luật tương ứng của tư tưởng, khi kinh Thái Thượng nói: "Hễ tâm ác khởi lên, ác tuy chưa làm mà hung thần đã đến; hễ tâm thiện khởi lên, thiện tuy chưa làm mà kiết thần đã theo"?

Do mấy điều vừa bày giải, ta có thể kết luận; về cái đặc tánh thứ ba là bao nhiêu tư tưởng của ta, lành cũng như dữ, đều có ảnh hưởng đến kẻ khác. Người thiện có thể vì ta mà thêm thiện, kẻ ác cũng có thể vì ta mà ác thêm. Bàn về vấn đề nầy, một nhà đạo đức đã viết: "Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đối với nền hạnh phúc của Nhân loại". Xét kỹ, câu nói nầy không có gì quá đáng. Ta nên thận trọng và nên cố công trì chí niệm Phật. Vô tình mà ta sẽ giúp phần với bao nhiêu bậc thiện tâm đương kêu gọi hòa bình trên hoàn vũ: Tư tưởng Từ Bi của ta sẽ giúp cho những tư tưởng Từ Bi của những bậc ấy ngày càng thêm mạnh, cho đến khi hiển hiện thành một sự thật.

4/ Tư tưởng thế nào hành động thế ấy: Tư tưởng bao giờ cũng đi trước lời nói và việc làm. Thật là chí lý khi có người bảo: "Thân tâm ta thế nào là tại tư tưởng ta thế ấy". Anh kia mặt đỏ, mắt lộ, miệng la, tay đập là vì những tư tưởng, những cái niệm sân đã biến sắc mặt và đổi cử chỉ của anh. Trong giây phút ấy, anh hết là người chúng ta thường thấy khi bình nhựt, mà là con quỷ giận hiện hình. Bà kia tay cầm bát cơm dịu ngọt mời một người ăn xin, lại là những tư tưởng Từ Bi ở lòng bà đã in lên nét mặt đầy vẻ yêu thương và hiện trong lời nói ôn hòa của bà. Trong giây phút ấy, bà cũng hết là người đàn bà của bình nhựt mà là một Bồ tát hiện thân. Câu "Trong sao ngoài vậy" (Hữu ư trung tắc hình ư ngoại) chắc không xa nghĩa này. Và vì vậy nên khi ta gần được những bậc tu hành chân chính, đạo đức cao dày, ta không sao khỏi sinh lòng kính mến trước vẻ mặt hiền từ, những lời nói hòa nhã, hay những nết đi tướng đứng đằm thắm, khoan thai của các vị ấy.

Tư tưởng tuy vô hình, nhưng nếu ta biết nhận những cái hiện tượng của nó, tức khắc ta "đọc" được tư tưởng của người khác trên những ngôn ngữ, cử chỉ và hành động của họ.

Lại nữa, hễ nghĩ đến việc lành, kiếm việc lành, là gặp việc lành; còn nghĩ dữ, sẽ gặp dữ. Niệm Phật là tưởng đến việc lành, ắt phải gặp việc lành, chắc chắn như vậy.

5/ Tư tưởng chịu luật Nhân quả. Tư tưởng của ta từ tâm phát ra, châu lưu khắp cõi, rồi lại trở về với ta, để rồi lại đi nữa và trở lại nữa, cứ như thế mãi, nếu ta cứ trợ duyên cho nó. Tư tưởng trước là nhân cho cái tư tưởng sau là quả. Quả này sẽ trở thành nhân cho một tư tưởng khác đồng một loại , đúng với câu: "Cứ nhữ sở tác nhân, hoàn nhĩ sở tác quả" (Cái nhân nào ngươi gây ra, sẽ trở lại thành cái quả cho ngươi). Nếu ta không có cái niệm tham này nối với cái niệm tham khác về một vật gì đó thì chắc chắn ta không có những lời nói hay những hành động tham. Mà càng tưởng niệm, cái tham càng tăng và quây quần mãi trong đầu óc, nối liền nhau cho đến khi nó hiện ra trong việc làm của ta mới dứt. Quan trọng hơn nữa, những tư tưởng của ta, một khi vân du trong chốn hư không, sẽ trở lại với ta mạnh hơn lúc mới phát vì bị những tư tưởng đồng loại của kẻ khác làm tăng trưởng.

Nhờ cái đặc tánh này mà những tư tưởng Phật, tức là Trong sạch, Từ bi, Giải thoát như đã nói, sẽ trở lại với ta mạnh hơn trước, gây cho ta có một cái Tín tâm ngày càng dày chặc, nương đó mà ta được tinh tấn, dũng mãnh, nếu ngày ngày ta không quên niệm Phật.

Bây giờ tôi xin kết luận:

Niệm Phật, cũng như mọi phương pháp tu tập, có sự và có lý. Về sự thì dù niệm Phật cách nào, niệm lớn hay niệm thầm, vừa niệm vừa dùng tưởng tượng mà hình dung nhục thân hay pháp thân của Phật, phải coi đó như một giới luật cần phải tuân giữ và lấy thuần làm cốt. Niệm một cách mê man, niệm cho đến chỗ quên tất cả mọi việc, nội giới cũng như ngoại giới, niệm cho thành cái máy, như thế là thuần. Mà thuần thì tâm không còn vọng động, tức là tới chỗ "nhứt tâm bất loạn", không còn một tư tưởng dơ bẩn, tức là được trong sạch (thanh tịnh). Tâm thanh tịnh là có Định, rồi nhờ Định mà có sự sáng suốt, nhận rõ lẽ chân, điều giả, tức là có Huệ, Huệ đã có, tất phải sinh Từ Bi, Hỉ Xả, Giải Thoát. Đây là lý.

Chỉ một việc niệm Phật, mới xem coi hình như không có hiệu nghiệm gì, mà thực hành được ba món Vô Lậu học là Giới học, Định học, Huệ học, thực mầu nhiệm biết bao.

Vậy ta còn đợi gì mà chẳng niệm Phật? Và nếu ta tập niệm Phật theo nghĩa tưởng Phật thì thực quý báu vô cùng.

Một nhà bác học, sở dĩ được thành bác học, là tại trước kia đã "niệm bác học", tức là đã tư tưởng bác học, có những tư tưởng bác học. Chúng ta muốn làm người trong sạch, muốn được sinh về một cảnh giới khác trong sạch hơn cõi đời ô trược này, thì ta hãy tư tưởng trong sạch, hãy niệm Phật A Di Đà là đấng Giáo chủ cõi "trong sạch" (Tịnh độ) và nguyện sinh về cõi ấy.

Trích Tạp chí Phật Học Từ Quang số 5 tháng 5 năm 1952

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 270
    • Số lượt truy cập : 6948479