Thông tin

NỤ CƯỜI CỦA MẸ

NỤ CƯỜI CỦA MẸ

ĐẶNG HÙNG ANH

Tương không phải là người chạy xe ôm chuyên nghiệp. Là nông dân, phần lớn thời gian anh ta lo việc ruộng vườn. Đất canh tác không nhiều, những lúc rảnh anh  thường lấy xe chạy lòng vòng kiếm khách để có thêm đồng chi tiêu, thế thôi. Còn để ý bến bãi nào đó thì cũng đã có chủ cả, tự dưng mà đến là sinh chuyện, có khi đánh lộn. Tránh đi nơi khác cũng là hợp lẽ, hợp tình vì lãnh địa của họ, nơi làm ăn của họ bấy nay. Tìm mối kiếm tiền không dễ, nhưng anh nguyện gắng sống cho tử tế.

May mắn thay, anh ta cũng có một mối ruột, cũng mới vài năm nay. Đó là một phụ nữ sồn sồn, rất xông xáo, nhanh nhạy trong việc làm ăn. Bà ta có cửa hàng bán sỉ nông sản ở thành phố, mức độ không lớn lắm nhưng đang hồi phát đạt. Ngoài lo việc buôn bán ở chợ, bà còn ra ngoài quê, vào tận rẫy, vườn liên hệ thu mua. Ở phố thị, việc đi lại của bà chẳng đáng lo nhưng đi đường gập ghềnh, vắng vẻ nơi quê thì cần có người tin cậy đi cùng. Tình cờ bà gặp anh nhờ chở đôi lần. Thấy anh thật thà, chịu khó nên có đi đâu xa ra vùng hẻo lánh bà đều nhắn. Đi  với bà, anh vừa là tài xế, vừa phụ việc, vừa là người hộ vệ. Mỗi lần chở bà là đi cả buổi, có khi cả ngày. Bà trả công rất hậu, có lúc cho cả quà. Bởi thế, nhận được tin bà nhắn, dù bận hay trời mưa gió, anh cũng gắng thu xếp để đi. Bà nói, khi nào cần thì bà gọi chứ đừng hỏi rầy rà. Thường thì lưng nữa tháng cũng chạy được một chuyến, nhưng đến nay đã qua ba, bốn chủ nhật rồi mà chẳng nghe bà ta gọi. Nhớ năm ngoái, khoảng đầu tháng ba âm lịch trở lên là bà ta đi nhiều.

Vừa chờ, vừa lo lắng, một sáng, Tương rà xe một vòng để tìm khách. Vừa ra khỏi nhà một đoạn thì gặp thằng cháu dắt chiếc xe chết máy đi ngược chiều hướng về tiệm sửa, cách cũng hơi xa. Tương dừng lại sửa giúp. Nó gọi Tương bằng cậu, còn khá trẻ. Làm liều, chơi bạo. Bị mấy lần thất bại, nó trở nên ương ngạnh, bê tha. Gần đây bỗng  thấy nó tu chí, chịu làm lụng cùng gia đình, ai cũng lấy làm lạ. Khi cả hai ngồi uống nước mía ở quán ven đường thì đứa cháu cho hay một tin hấp dẫn. Nó cho biết hai hôm nữa nhà chùa sẽ triển lãm Xá lợi Phật trên chùa núi Châu Thới ba ngày. Người các nơi đến chiêm ngưỡng chắc đông lắm, cậu nên đến đó mà đưa khách lên xuống. Chỉ tay về hướng núi, có tượng Bồ tát màu trắng, nó nói: Núi đó cao chừng trăm thước, có chùa núi Châu Thới là một trong những ngôi chùa sớm nhất Nam bộ, có hơn ba trăm năm rồi đó. Nó còn giảng giải cho cậu nó biết về Xá lợi Phật: Là thân xác của Phật sau khi thiêu còn lại những viên ngọc sáng lấp lánh, to bằng hạt đậu, hạt mè rất cứng và linh thiêng gọi là Xá lợi...Tương tỏ vẻ ngạc nhiên về sự hiểu biết của cháu mình, thì nó nói là do bạn gái của nó kể. Và gia đình bạn nó cũng rủ nhau đi lễ bái.

Đến ngày, Tương dậy thật sớm. Ăn uống, kiểm tra xe xong, Tương còn ngồi ngắm nghía xe một hồi. Đây là chiếc xe mà gia đình Tương phải dành dụm lâu ngày mới mua được. Vợ anh, nhân ngày giỗ mẹ, về Bắc thăm bố nên nhà có phần vắng vẻ.

Ba mất sớm. Hòa bình, mẹ dắt hai đứa con nhỏ về đây. Nhà túng thiếu lại đơn chiếc, một tay mẹ bươn chải nuôi hai con khôn lớn, rồi gã chồng, dựng vợ. Chị của Tương lấy chồng ở xã bên, còn anh ở với mẹ và đã có hai đứa con đang đi học. Vượt qua nhiều giai đoạn khốn khó, đời sống cũng đỡ đần, ngày nào với chiếc xe đạp cà tàng mà chất chứa lên bao trăn trở, hy vọng; nay sắm được xe gắn máy, lòng anh càng phơi phới. Chẳng có gì ngăn được ước mơ cao đẹp của con người. Từ ngày có xe, có ai đi đâu, có việc gì Tương đều chở một cách thích thú. Nhớ lần đầu chở mẹ, anh nghe mẹ ôm cứng vì sợ nhưng về nhà lại xuýt xoa, kể hoài cái cảm giác lạ đó. Nghe thế, nghĩ đến những cảnh sang trọng khác, anh tủi tủi, thương thương. Anh tự trách mình chưa lo cho mẹ được gì nhiều. Mẹ của Tương cả tháng năm dài lao khổ vì con cháu, kể cả lúc vui nét mặt cũng thoáng chút ưu tư.

Tương đến nơi thấy người đã đông. Người ta đi xe con, xe ôm, nhiều nhất là đi ô tô buýt đổ tại bến. Cánh xe ôm đến đây cũng nhiều, có những khuôn mặt quen biết và cả những tay bặm trợn đã từng đụng độ. Được biết đám đông kia là người các nơi kéo về, gần là người địa phương, thành phố, xa là ở Bình Thuận, Nha Trang... Về đây ai cũng có vẻ mặt hớn hở, chan hòa. Lạ nhất là anh em xe ôm, không có cảnh giành khách. Họ nhường nhịn và lấy giá phải chăng. Họ rước khách với vẻ thân thiện, vui tươi như đi dự hội.

Tương chở khách từ bến xe buýt đến chân núi, nếu người đó theo mấy bậc đá lên chùa. Còn người già yếu, muốn lên tận cổng chùa bằng xe thì anh chở theo đường khác. Khách nhiều, anh cứ thế mà chở, nhẩm ra túi cũng đã bộn tiền. Anh nghĩ, hết dịp này, vợ vào anh sẽ đưa một ít chắc là nàng bị bất ngờ lắm và sắm thêm cho mẹ một cái áo mới.

Trên đoạn đường ngắn ngủi chừng mươi phút, mươi lăm phút, anh cũng được nghe khách nói về Xá lợi Phật, về đức Phật ít nhiều... Sáng ngày thứ hai, có một người đàn ông tóc hoa râm, vẻ nho nhã nhờ chở từ cổng chùa đi xuống vì xong việc. Ông ta nói chuyện một hồi rồi khóc. Xuống xe, ông ta khóc càng dữ. Ông nói, một đời người đâu dễ có dịp gặp Xá lợi Phật, ai thành tâm lễ bái thì phước đức vô lượng. Ông tiếc là không còn cha, mẹ để dẫn đi đảnh lễ Xá lợi đức Bổn sư. Trước một người đàn ông vừa kể vừa khóc làm Tương mủi lòng... Anh nghĩ, mình còn mẹ, lại sẵn có xe, tại sao lại không chở mẹ đi lễ Phật một chuyến. Mẹ anh chỉ biết mô Phật thời bom đạn. Gần đây được chút thư thả, bà Tư hàng xóm có con ở thành phố, về rủ đi chùa. Dù chùa mới dựng ở gần, nhưng mẹ anh chỉ mới đến đươc vài lần thôi. Anh quay xe, quyết về để chở mẹ.

Về tới nhà, Tương chưa kịp hỏi han mẹ thì điện thoại reo, anh ra sân để nghe. Anh ta giật mình vì đây là tiếng nói của khách sộp, của mối ruột. Bà ta nhờ anh chiều này đi với bà trọn một buổi, hai ngày kế tiếp chở bà lên rẫy cả ngày. Thật là kẹt, thật là tội cho anh, lúc trông mỏi trông mòn thì lặng tiếng, nay có việc thì khách lại kêu. Nhà nghèo, anh rất cần tiền nhưng anh lại sắp làm một việc quan trọng. Tóc của mẹ anh ngày càng bạc. Mai này, anh có thể tạo được cảnh giàu sang nhưng liệu có còn mẹ, còn dịp đưa mẹ đến chùa lễ bái Xá lợi Phật được nữa không. Anh dứt khoát phải chở mẹ lên chùa, còn việc chở bà ta, phải nhờ người khác. Nhờ người khác chở dùm, anh sợ không làm bà ta vừa ý lại sợ mất mối, nên gọi điện thử nhờ thằng cháu trước đã. Nghe anh trình bày, thằng cháu với giọng bực bội bảo chờ một lát. Dăm bảy phút sau, thằng cháu điện lại nói là đồng ý và cho biết: Nghe nó kể, bạn gái nó hoan hô, rồi đổi lại ngày đi chơi. Anh cũng lo cho công việc của bà chủ, dặn dò thằng cháu gắng làm tốt. Biết chuyện, mẹ anh nói:

- Hôm qua bà Tư có đến rủ  mẹ lên chùa núi, mẹ từ chối nên sau đó bả cùng đứa con đi rồi. Nghe bả kể về Xá lợi Phật, mẹ cũng thích đi nhưng biết con đang chở khách kiếm tiền nên mẹ không nói làm chi. Triển lãm còn một ngày nữa, nhưng Tương sợ có trục trặc bất ngờ nên nói:

- Ngay chiều nay con sẽ chở mẹ đi.

Anh chở mẹ, xe chạy êm ru nhắm hướng chùa đi tới. Chưa bao giờ anh cảm thấy yêu quý chiếc xe nhiều như lúc này. Đường lên núi quanh co uốn lượn, rợp bóng cây xanh. Mẹ và anh từng giây, từng phút được nâng cao như bay vào cảnh an vui, giữa hương quyện, mây vần, có chùa, có Phật, có rồng vàng ẩn hiện. Đến cổng, anh gửi xe và cùng mẹ vào xếp hàng. Cảnh chùa đẹp lắm đành hẹn dịp khác, giờ phải kề bên mẹ. Người thật đông nhưng trật tự nhích dần từng bước. Trời nóng hầm hập bỗng dưng mát vì mỗi người được tặng chiếc quạt giấy cầm tay. Ban đầu còn nghe tiếng xầm xì nhưng khi đến gần nơi để vật thiêng, đất trời như nín lặng. Xá lợi Phật đặt trong tháp nhỏ, lung linh màu huyền diệu. Đảnh lễ Xá lợi như đảnh lễ đức Phật, đảnh lễ một sự thật hiển bày. Các sư làm lễ, tặng hoa chúc phúc lành. Tương nhìn mẹ, lòng rộn rã niềm vui.

Sáng hôm sau, Tương thức dậy với tâm thần nhẹ nhõm. Anh nói với mẹ bằng giọng hào sảng:

- Hôm nay là ngày cuối, nếu mẹ không mệt, thích lên chùa nữa, con sẽ chở mẹ đi. Mẹ nhìn anh trìu mến, nói:

- Đối với mẹ, được lễ bái Xá Lợi Phật một lần trong đời cũng là phúc lắm rồi. Nếu mẹ đi lễ Phật mà tăng phúc đức cho gia đình, con cháu, làm cho con hứng khởi như hôm nay thì dù mệt mẹ cũng đi. Nói vậy, chứ lễ Phật xong mẹ khỏe lên nhiều lắm. Mẹ cầu mong cho nhiều người được may mắn như mẹ.

Tương chở mẹ thêm hai lần nữa là ba lần. Hai lần sau bà bảo con lo rước khách kiếm thêm chút đỉnh còn mình tự đi  và dặn trước là không xuống núi bằng xe mà xuống theo mấy bậc đá. Vào chiều, trời đã mát, Tương gửi xe, leo ngược lên đón mẹ. Từng tốp người kéo xuống, nói chuyện râm ran, vui vẻ. Tới lưng chừng dốc, hai mẹ con gặp nhau, mẹ củaTương dừng lại giới thiệu mấy người bạn mới quen. Vẻ mặt tươi tỉnh, bà nhìn ra cảnh trời đất bao la rồi nở nụ cười thanh thoát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 51
    • Số lượt truy cập : 6367786