Thông tin

NƯƠNG THEO ÁNH SÁNG CỦA LÒNG TỪ

NƯƠNG THEO ÁNH SÁNG CỦA LÒNG TỪ

 

 

Số báo này là một số báo đặc biệt. Nó mang theo thông điệp và những lời chào mừng về Ngày Phật đản 2563. Ngày mà “Một hiện thể độc nhất, này các Tỷ-kheo, một nhân thể phi thường trác việt khi xuất hiện ở thế gian, sự xuất hiện ấy đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho thế gian, vì sự lành thiện, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Hiện thể độc nhất là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác” (Aguttaranikāya I).

Nhưng năm nay, Ngày Đản sinh của “hiện thể độc nhất” ấy còn là ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam. Chúng ta biết Đại lễ Vesak hay còn gọi là Lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni) năm nay dự định tố chức tại Khu Du lịch Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với chủ đề “Cách tiếp cận Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Cụ thể, sẽ có 5 chủ đề được đưa ra hội thảo trong Đại lễ:

(1) Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững.

(2) Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững.

(3) Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu.

(4) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo

(5) Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Sự phát triển bền vững của xã hội cũng từng là trăn trở, là những thao thức mà cách nay gần 60 năm, Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một cư sĩ lỗi lạc, đã sáng lập ra Hội Phật học Nam Việt và Tạp chí Từ Quang. Thế nên, số báo này cũng nhằm kỷ niệm ngày sinh của cụ (15 tháng 3 Âm lịch) và cũng nhân dịp hội thảo về cụ được tổ chức ngày 21 tháng 4 năm 2019 tại Chùa Xá Lợi. Hội thảo sẽ xoay quanh hành trạng, tác phẩm, con người và những đóng góp quý báu của Cụ cho Đạo pháp và cho báo chí Phật giáo trong suốt cuộc đời.

Chúng ta hiểu khi cho ra đời Tạp chí Từ Quang, Cụ mong muốn mang giáo lý nhà Phật đến mọi người, mọi nhà, soi sáng những góc khuất trong tâm hồn vốn đang bị vô minh che lấp, trong những nơi mà Phật pháp còn chưa vươn đến được. Trong Từ Quang số 1, bài đầu tiên đã minh định: “Từ Quang là ánh sáng của lòng Từ rộng lớn của chư Phật. Trong một bài kệ xưng tụng công đức Phật A Di Đà, có câu “Từ Quang hà bị thi an lạc” (cái ánh sáng của lòng từ của ngài ban bố sự yên vui cho gần xa các chốn). Trí độ luận viết “Đại từ, dữ chúng sinh lạc” (Lòng từ rộng lớn ban sự vui vẻ cho tất cả chúng sinh)… Mà Từ là gì? Là lòng thương... Thể theo lòng Từ của chư Phật, tập san này cố gắng đem sự an lạc cho những tâm hồn bị tham, giận, mê si lung lạc, dày vò. Một an lạc chơn thật, vì nó không nhờ giàu sang mà có, rồi là vì nghèo hèn mà mất. Một an lạc hồn nhiên trong sạch vì không điểm một bụi trần, không bị một dục vọng hay một thế tình nào làm dơ bẩn. Đây là phần truyền bá giáo lý của Tạp chí Từ Quang…”.

Nói cách khác, nếu cá nhân từng con người mà còn đầy sân hận, si mê, tham luyến thì xã hội đó chắc chắn bất an. Nói như cố Hòa thượng Thích Minh Châu: “Một nội tâm xấu xa, ly loạn làm thế nào không tác thành một xã hội hỗn độn phức tạp… Chỉ có những cải thiện cấp thời hiện tại đối với nội tâm và đối với xã hội mới có giá trị thiết thực canh tân xã hội hiện tại và xây dựng xã hội tương lai” (Chiến thắng ác ma - Thích Minh Châu). Từ suy nghĩ ấy, có nhà báo trong chúng tôi đã viết: “Điều đó cho chúng ta thấy rõ rằng chỉ có sự cải thiện nội tâm từng con người, sau đó là nền tảng đạo đức xã hội, chúng ta mới hy vọng thay đổi tình trạng văn hóa xuống cấp, luân lý suy đồi và xây dựng một nước Việt Nam an lạc và phồn thịnh về nhiều phương diện trong tương lai... chúng ta đã nói đến hạnh nguyện Bồ-tát dấn thân vì người, vì đời. Qua đó lại thấy cần phải cải tổ lại nội dung giáo dục từ mầm non đến đại học về phương diện “học làm Người” khi cái Ác đang hoành hành khắp nơi, trong mỗi con người, mỗi gia đình. Phải chấm dứt việc sử dụng bạo lực trong ứng xử cha con, chồng vợ, bè bạn và ở mọi quan hệ khác. Cái mới ra đời trên nền cái cũ, thối nát, hôi tanh và mục đổ. Phật ở trong chốn hồng trần mà ra, đóa hoa sen của Tứ vô lượng tâm vươn lên qua giằng xé, đấu tranh, hy sinh để vững mạnh. Ánh sáng Chánh pháp sẽ long lanh trên những hạt sương mai thấm đẫm ánh bình minh của ngày mới, mùa mới, dào dạt lòng người để vẫn thấy “Mỗi đêm và mỗi ngày Đức Phật đều giáng sinh trong lòng chúng ta, mỗi khi lòng chúng ta là lòng Bồ-đề (Phạm Công Thiện)” (Nguyên Cẩn - Đản sinh ngày xưa - Đản sinh hôm nay).

Thế nên số báo này là một số báo đặc biệt.

BAN BIÊN TẬP

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6057858