Thông tin

ƠN CHA NGHĨA MẸ KHÓ ĐÁP ĐỀN

ƠN CHA NGHĨA MẸ KHÓ ĐÁP ĐỀN

VIÊN THẮNG

 

Tôi không biết đã đọc tập thơ Cảm niệm Vu lan của Nhất Thanh1 đã bao nhiêu lần. Từ khi con bắt đầu hình thành mầm sống trong bụng mẹ, rồi khi sanh con ra trải qua bao đau đớn cực nhọc; cha mẹ vất vả nuôi con cho đến khi con trưởng thành; cho đến một ngày, con về ôm di ảnh mẹ để tiễn mẹ về lòng đất lạnh:

Này chị, này anh, này em ơi!

Khi mầm sống cựa mình lên tiếng phôi thai

Mẹ ta lắng nghe từng nhịp tim thay đổi

Từng giọt máu như dồn vào hết vào thai nhi bổi hổi…

 Mở đầu đoạn thơ lời kêu gọi sao mà thân thương tha thiết, đưa ta về miền ký ức khi bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ. Đó là ngày cha mẹ ta vỡ òa niềm hạnh phúc, khi biết con đến thế giới này cùng với cha mẹ. Ngày mẹ mang thai con, là ngày mẹ bắt đầu cảm thấy mình thay đổi rất nhiều. Nếu có bực bội giận ai thì mẹ liền chuyển nhanh cơn giận thành vui, vì mẹ sợ sau này sanh con ra gương mặt sẽ nhăn nhó cau có. Mỗi hành động khi đi, đứng, nằm, ngồi mẹ đều kiểm soát mình chặt chẽ, vì sợ chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến con; cho nên người xưa nói: “Đặt con vào dạ là mạ đi tu”. Tu là sửa, mẹ sửa mình từ trong tâm cho đến hàng động bên ngoài đều vì mong muốn con được tốt đẹp. Thật đúng như trong kinh Vu lan nói:

“Tháng đầu thai đậu tợ sương,

Mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường”.

Còn cha ta cũng bắt đầu sửa mình khi biết mình lên chức “cha”. Thế là, cha từ bỏ thói quen tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè sau mỗi buổi chiều hết giờ làm việc, chạy thẳng về nhà phụ mẹ công việc nhà để mẹ được nghỉ ngơi dưỡng thai nhi. Cha cũng tập bỏ hút thuốc lá vì sợ khói thuốc bay ra, mẹ hít vào ảnh hưởng đến con và còn rất nhiều việc vì con mà cha hi sinh từ bỏ thói quen.

Đến ngày con ra đời thì mẹ ta chịu đớn đau quằn quại không thể kể xiết:

Ngày sanh ta,

Mẹ ta phải xẻ thịt banh da

Cắn răng nuốt từng cơn đau thắt ruột

Mẹ chơi vơi mười đầu ngón tay tê buốt

Da thịt đầm đìa ướt đẫm mồ hôi.

Khi giọng o oe bật tiếng khóc chào đời

Niềm hạnh phúc dâng tràn cùng đôi dòng nước mắt…

Ông bà ta thường nói: “Không cái đau nào sánh bằng đau đẻ”. Chúng ta đủ biết khi người phụ nữ sanh con chịu đau đớn khủng khiếp biết chừng nào. Có người chịu đau nhiều, có người chịu đau ít hơn, tùy theo đứa con hiếu thảo hay bất hiếu. Điều này đúng như trong kinh Vu lan miêu tả:

“…Mười tháng là đến kỳ sinh,

Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn,

Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu,

Nó vẫy vùng đạp quấy lung tung,

Làm cho cha mẹ hãi hùng,

Sự đau, sự khổ, không cùng tỏ phân…”.

Trong cảnh “Biển lớn mênh mông sóng dữ dội vô tình. Kẻ đi biển chỉ một mình là mẹ”. Thì cha ta cũng nóng ruột xót xa vô cùng:

Cha ta đứng đứng, ngồi ngồi

Vui mừng khôn xiết khi đời có ta…

Suốt thời gian dài chín tháng “mang nặng”, rồi “đẻ đau” mẹ chịu đựng biết bao gian khổ nhưng mẹ chẳng màng. Đến khi con ra đời, được nhìn thấy con lành lặn, khỏe mạnh, chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt con rạng ngời, đôi môi cười xinh tươi và đôi tay con nắm chặt tay mẹ thì mẹ sung sướng vô cùng. Cho dù suốt thời gian dài chăm sóc con thơ, mẹ ta chịu nhiều cực khổ, vắt bầu sữa cạn để nuôi con; cho dù ta thường tiểu, tiện trên mình nhưng mẹ vẫn vui vẻ lau chùi; khi ta quấy khóc mẹ thức trắng đêm ẵm bồng dỗ dành, khi ta đau ốm mẹ lo lắng tìm thầy chạy thuốc:

…Mẹ ta ơn nặng nghĩa tình

Vắt bầu sữa cạn nên hình hài ta…

…Mẹ đã thức bao đêm vì ta quấy phá

Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo ta lăn…

Tình mẹ dành cho con là thế đấy! Một tình thương bao la dành cho con vô điều kiện. Nhạc sĩ Y Vân cũng nói lên đức hi sinh về người mẹ kính yêu của mình:

“…Thương con thao thức bao đêm trường,

Con đà yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao.

Thương con khuya sớm bao tháng ngày.

Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn …”2

Vậy mà! Đến khi ta lớn khôn đủ lông đủ cánh bay nhảy với cuộc đời thì ta quên đi năm tháng tuổi thơ, ta mải mê chạy theo công danh sự nghiệp; hoặc bươn chải vì cơm áo gạo tiền bức bách mà quên mất hình ảnh cha mẹ già nơi quê nhà mòn mỏi ngóng trông con. Xã hội ngày nay văn minh, kinh tế ngày càng phát triển, nên mọi người càng chạy đua với thời gian để làm việc, đâu còn thời gian để nhớ về cha mẹ già:

…Thế mà, tới tuổi trưởng thành

Ta ra đi theo giấc mộng đời

Bỏ mẹ, bỏ cha khi tuổi già xế bóng

Bỏ quê hương nghèo nàn ra đi tìm tiền tài danh vọng

Cha mẹ dõi mắt nhìn theo với hi vọng nguyện cầu…

Ngày nay, hình ảnh cha mẹ già lặng lẽ ra vào thui thủi một mình ở miền quê, bất cứ nơi nào chúng ta cũng bắt gặp. Người xưa nói: “Nước mắt chảy xuôi” là nói đến tình thương của cha mẹ dành cho con cái muôn đời vẫn thế, vẫn ngút ngàn vút cao như núi Thái, vẫn dào dạt mênh mông như biển Đông. Thế mà chúng con đã quá thờ ơ trước ơn nghĩa sanh thành của cha mẹ, người suốt đời lo cho con tất cả, vậy mà chưa một lần nào con nghĩ nhớ để báo ân. Đến khi con giật mình thảng thốt hay tin  cha mẹ đã ra đi mãi mãi không về thì đã quá muộn màng:

…Ta về cầm di ảnh

Tiễn đưa mẹ ra đồng

Ta mồ côi rồi đấy

Mưa buồn ơi biết không?...

Giờ đây! Ba tấc đất quê nhà đã chôn chặt thân xác mẹ cha,

Ta có khóc lóc vang trời thì mẹ cha cũng đâu còn nữa.

Ta đã vô tình để thời gian lần lữa

để mẹ cha ta bao năm tháng đợi chờ…

Mùa Vu lan lại về, là mùa thứ ba trên ngực tôi cài đóa hoa hồng trắng. Nỗi đau đớn mất mẹ ngày nào lại ùa về trong lòng tôi, nước mắt cứ mãi tuôn rơi. Vì thế, ngồi viết những dòng này, tôi xin gởi đến các bạn còn cha mẹ hãy cố gắng gần gũi chăm sóc cha mẹ. Nếu như các bạn bận đi học hay đi làm ăn xa thì thường xuyên gọi điện về thăm cha mẹ, để một ngày cha mẹ ta không còn thì chúng ta sẽ không hối hận vì không làm tròn bổn phận người con đối với cha mẹ:

Hôm nay, ta ngồi đây dưới bóng dáng Phật đà.

Diễm phúc  thay cho những ai còn cha còn mẹ

Hãy thắp lên ngọn nến hồng với tấc lòng thuần thiện

Nghĩ về mẹ cha ân đức cù lao

Ta hãy khóc đi, khóc có xấu đâu nào

Miễn là ta nghe cõi lòng mình lên tiếng.

Kính lạy cha! Kính lạy mẹ!


1. Tác giả Nhất Thanh là Thượng tọa Thích Nguyên Hiền, trụ trì Vĩnh Minh Tự viện.

2. Ca khúc Lòng Mẹ

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6796141