ÔNG HAI KHA
LƯU VĂN LỢI
Năm 1932, tôi thi đỗ bằng Thành chung (Diplôm déttude complémentaire), kết thúc cấp 2. Trước mắt tôi là hai con đường: Đi làm kiếm ăn hay học tiếp lên cấp 3, thi bằng Tú tài. Tôi học được đến cấp 2 là nhờ thầy Nguyễn Hữu Tảo nuôi cho ăn học, nay lên Hà Nội xa thầy, thì ăn ở đâu, và lấy tiền đâu mà học tiếp. Nghe nói nhiều người nghèo mà vẫn học được bằng cách vừa đi làm vừa học như ông Vũ Văn Hiền học ở Hải Phòng trước tôi 4 năm vừa đi dạy vừa học, cuối cùng đỗ Tiến sĩ Luật. Thanh niên là cái tuổi bay bổng theo những giấc mộng cao xa nhưng cũng là tuổi lao vào những phiêu lưu có khi mạo hiểm. Biết gia cảnh đầy khó khăn, phận mình gieo neo, tôi vẫn quyết vượt khó tự học để thi Tú tài.
Tôi rời Hải Phòng với những ước mơ chào đón tôi bằng bản đồng ca của hàng triệu con ve. Chị Tý tôi chắt chiu từng đồng để trang trải tiền trọ cho tôi. Tôi vừa đi tìm bạn học vừa đi tìm việc làm tạm.
Khi đó cuộc tổng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chấm dứt, nhưng hậu quả của nó đâu đã hết, việc làm đâu phải đã dễ kiếm. Tôi đi bán xăng ở cửa ga Hàng Cỏ được một tháng. Tôi đi làm gia sư một vài nơi, nhưng cũng chẳng được lâu. Cuối cùng, thầy Tảo giới thiệu tôi đến ở nhà ông Nguyễn Hữu Kha.
Ông Kha là em ruột thầy, là con cụ cử Nguyễn Hữu Cầu, một chí sĩ trong nhóm sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa Thục do đó bị thực dân Pháp bắt đi đày Côn Đảo. Xuất phát từ một gia đình nhà Nho nghèo, ông Kha đã trải qua nhiều nỗi gia truân nhưng rất thông minh. Với cái vốn Hán học do bà nội truyền cho cộng với thành tựu tự học, ông trở thành nhà Hán học uyên thâm và sớm nổi tiếng với những bản dịch kinh Phật và bộ Hán Việt Tự điển. Dù bận trăm công nghìn việc, ông còn tự học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nhật.
Khi tôi đến gặp ông Hai Kha - tôi quen gọi ông với cái tên thân mật đó dù trong giới Phật giáo ông nổi tiếng là cư sĩ Thiều Chửu - Tịnh Liễu - Lạc Khổ, ông ở số nhà 36 phố Sinh Từ nay là phố Nguyễn Khuyến. Việc ông tìm thuê nhà số 36 là cả một câu chuyện nói lên tấm lòng bao la của ông. Khi đó ông có người em họ tên là Nguyễn Hiền ở phố Hàng Gai. Bố mẹ chết, Hiền ở với bà mẹ kế cay nghiệt, đuổi cả vợ Hiền về gia đình, Hiền sống lêu lổng. Ông Hai Kha thuyết phục được bà mẹ kế gọi vợ chồng trở lại. Ông lại tính một bước đi mạnh dạn hơn. Ông vay được số tiền 500 đồng, mua một chiếc máy in Minerve cũ, thuê nhà số 36 phố Sinh Từ. Ông gọi Hiền đến và giúp Hiền mở cửa hàng sách ở gian ngoài vì nhà gần trường Sinh Từ ngày xưa. Qua một cái sân gạch là gian nhà ngang dùng làm nhà in. Với kế hoạch này ông không những tạo điều kiện cho vợ chồng Hiền đoàn tụ, buôn bán làm ăn mà còn đặt cơ sở phát triển kinh doanh phục vụ sự nghiệp hành đạo.
Khi tôi đến ở 36 Sinh Từ cửa hàng sách đã có đông đảo các em đến mua bút, vở, nhà in đã có 6,7 thanh niên chạy máy, sắp chữ. Ông Hai điều đình với công ty giấy Pháp cho ông mua chịu giấy về kẻ giấy đóng thành vở để bán cho học sinh. Ông còn dịch truyện Tây Du Ký, in thành từng hồi để học sinh, người ít tiền có vài xu có thể mua được. Với cách làm ăn đó ông có thể duy trì được cơ sở 36 Sinh Từ1, tiến lên in cả báo Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo.
Ông sống chung với thanh niên công nhân. Cuộc sống của anh em, kể cả tôi, là ăn chay. Cơm chỉ có rau dưa, rau tùy mùa, khi là rau muống, rau cải, bữa sang thì có khoai tây nấu với lạc và cà chua. Chúng tôi được ăn hai bữa, còn ông Hai Kha chỉ ăn có một bữa trưa. Tôi cũng không hiểu ông ăn như thế mà làm việc suốt ngày, sáng ra cũng tập thể dục, sắp xếp công việc nhà in rồi ngồi viết sách, dịch kinh, vác chiếc xe đạp tồng tộc chạy khắp nơi, nào là đi gặp cụ Cả Mọc (Hoàng Thị Uyển) Hội trưởng Hội Tế sinh, đi gặp các cụ lãnh đạo Hội Phật giáo Bắc kỳ, nào là lên lớp ở trường Phật học ở chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề (Gia Lâm). Đó là chưa kể việc tiếp khách từ khắp nơi. Tôi ở 36 Sinh Từ để học. Lúc hứng thì đi bát phố, nên tôi càng không hiểu ông Hai lấy đâu thì giờ mà làm việc, chạy suốt ngày. Nhà số 36 Sinh Từ có khi biến thành trạm trú xá. Tôi nhớ nhiều Tăng sĩ nằm chờ ông Hai, có người như sư Thâm ở đây cả tháng.
Ông Hai Kha là con người phi thường. Ông cực kỳ thông minh, bảy tuổi đã làm văn tế ruồi, cụ Cử ra câu đối ông đối lại ngay. Ông thừa tài để đưa cuộc đời đến vinh quang phú quý nhưng lại chọn con đường tin theo đạo Phật chấp nhận cuộc đời khổ hạnh. Ông đi tu mà không xuất thế. Theo lời ông kể, ông chỉ là một tín đồ tín ngưỡng triết lý mà thôi. Khi bà ông mất, gia đình mời một nhà sư đến làm tràng, tụng kinh, ông mới biết các nhà sư dùng thuật mê tín để kiếm ăn. Sau này đi tham thiền vấn đạo ông càng thấy cần chấn hưng Phật giáo. Với tư tưởng ban đầu như thế mỗi ngày ông càng đi gần đạo Phật. Ông tham gia Hội Phật giáo Bắc kỳ, đề xuất việc trùng tu chùa Quán Sứ, nhận quản lý tờ báo Đuốc Tuệ của Hội. Ông làm Tổng Thư ký Hội Tế sinh của cụ Cả Mọc để nhận nuôi các em mồ côi. Ông cùng Ban Trị sự Hội Tế Sinh lăn lộn ba tháng để cứu dân Bắc Ninh bị lụt. Ông nhận mở trường Phổ Quang để dạy Tăng Ni và Phật tử. Khi tiếng súng kháng chiến bắt đầu nổ ở Thủ đô, ông phải dẫn mấy chục em của Hội Tế sinh đi tản cư. Từ đây bắt đầu con đường khổ hạnh từ làng Đan Thầm (Thanh Oai, Hà Đông) lên Sơn Tây, Vĩnh Yên rồi từ Vĩnh Yên vượt núi Tam Đảo sang Thái Nguyên. Các em thì bé, đường thì xa, lại thêm đói ăn, bệnh tật, đây là cuộc trường chinh của tình thương yêu. Cuối cùng đoàn ông Kha đến được ấp Đồng Tâm, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ông Kha tổ chức các em sản xuất để tự túc. Cuộc sống của các em đến đây đã tưởng thoát khỏi cơ cực. Than ôi! Đội cải cách ruộng đất quy ông Kha là địa chủ bóc lột các em, giam giữ ông, sỉ nhục ông. Cùng đường, ông viết bức thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ Tịch và trầm mình xuống sông Cầu. Đến đó ông 52 tuổi và phục vụ đạo Phật hơn ba chục năm2.
Khép cuốn Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX, Thiều Chửu hỏi:
Trời xanh man mác ai hay,
Lòng ta dằng dặc hơn trời xanh kia.
Dưới dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ kia ông biết chăng 50 năm sau nhân dân đau xót nhớ thương ông, coi ông là vị Phật tử chân chính, là “một người chân chính trong những người chân chính3”, và Phật giáo nước ta đang trên con đường chấn hưng phát triển?
Ghi chú: Cụ Lưu Văn Lợi sinh năm 1913, lão thành Cách mạng, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ. Bài nay đăng trên tạp chí Nghiên cứu Phật học số 2 năm 2007.
Bình luận bài viết