Thông tin

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT LÀ THẮNG PHƯƠNG TIỆN CỦA NHƯ LAI

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

LÀ THẮNG PHƯƠNG TIỆN CỦA NHƯ LAI

 

HÂN KIẾN (sưu tập)

 

 

Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ trí tuệ đức tướng như Phật không khác. Chỉ vì trái giác tánh theo trần lao, nên toàn thể trí đức chuyển thành vô minh phiền não. Rồi thuận theo phiền não gây tạo những nghiệp hữu lậu, kết thành những quả báo sanh tử trong Tam giới. Từ quả báo sanh tử sanh phiền não rồi lại gây nghiệp hữu lậu... Vì cớ ấy nên chúng sanh từ vô thỉ đến nay, trải vô lượng vô biên kiếp chịu khổ mãi trong vòng luân hồi sanh tử .

Vì lòng đại bi, đức Phật xuất thế thuyết pháp độ sanh. Nguyên bổn tâm của Phật chỉ muốn tất cả chúng sanh đều thoát hẳn sanh tử luân hồi chứng viên mãn Phật đạo mà thôi. Song vì căn tánh lợi độn không đồng, trí ngu sai khác, nên đức Phật phải chiều theo cơ nghi mà giáo hóa. Do đó nên Pháp môn của Phật nhiều đến vô lượng.

Với chúng sanh hạng lợi căn đại trí, thời đức Bổn sư dạy Phật thừa để đặng liền, viên Phật quả, như Thiện Tài trong Pháp hội Hoa Nghiêm, Long Nữ nơi đạo tràng Diệu Pháp.

Với chúng sanh hạng căn trí kém hơn, thời đức Phật giảng Bồ tát, Duyên giác thừa và Thanh văn thừa, để cho hạng ấy lần lượt tu tập, tuần tự chứng quả.

Với chúng sanh trình độ quá thấp, thời đức Phật nói Thập thiện, Ngũ giới, Thiên thừa và Nhân thừa, cho hạng ấy nương theo để khỏi sa đọa vào ác đạo, đặng còn thân nhân thiên mà vun bồi thiện căn lần lần. Tương lai nương nơi căn lành ấy mà tấn tu Thánh đạo: Hoặc học Bồ tát thừa tu Lục độ vạn hạnh mà chứng Pháp thân, hoặc y theo Duyên giác thừa hay Thanh văn thừa ngộ duyên sanh cùng Tứ đế mà đặng đoạn phiền não chứng Niết bàn...

Tất cả những pháp môn ấy, bất luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, Tiệm giáo hay Đốn giáo, nơi hành giả đều phải tự lực tu tập  cho đến đoạn thật hết phiền não mới ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Nếu kiến hoặc, tư hoặc còn chừng mảy tơ thời cội gốc sanh tử vẫn chưa dứt hẳn. Như tam quả Thánh nhơn (A Na Hàm) sau khi sanh lên Bất Hườn Thiên, còn phải trải qua nhiều thời gian mới chứng quả A La Hán. Chứng A La Hán rồi mới thật dứt hẳn cội gốc sanh tử.

Nhưng A La Hán chỉ là bực thánh tiểu thừa còn cần phải hồi tâm tu đại thừa mà cầu Phật đạo: Rèn bi nguyện hiện thân trong lục đạo, tu hành lục độ vạn hạnh, trên cầu thành Phật, dưới cứu khổ mọi loài, lần lượt chứng các bực: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác Bồ tát. Bực Đẳng Giác lại phải dùng Kim cương trí phá một phẩm sanh tướng vô minh, mới viên mãn chủng trí mà chứng Phật quả (Diệu Giác).

Giáo pháp của đức Phật chỉ dạy, từng bực tu chứng, từ phàm lên Thánh, từ Thánh đến Phật quyết không thể vượt ngoài tuần thứ kể trên.

Đức Bổn sư của chúng ta biết rằng: Nếu chúng sanh chỉ dừng tự lực để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhật Thánh thời rất khó đặng, nên ngoài vô lượng pháp môn chỉ thuộc tự lực, Ngài dạy một pháp môn tự lực nương tha lực rất viên đốn, rất huyền diệu, dễ thực hành mà thành công cao, dừng sức ít mà mau có hiệu quả, tất cả căn cơ  đều hợp, tất cả Thánh phàm đồng tu. Chính là pháp môn Tịnh độ niệm Phật cầu vãng sanh vậy.

Do vì đức Phật A Di Đà có bổn thệ nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật. Nên người dùng tín nguyện mà niệm Phật (tự lực) thời cảm thông với nguyện lực của Phật, nương nguyện lực của Phật nhiếp thủ (tha lực) liền đặng siêu thoát sanh tử luân hồi mà sanh về Cực lạc Tịnh độ. Đã được vãng sanh tức là cao thăng vào bực thánh lưu bất thối, nên gọi là rất viên đốn, rất huyền diệu và thành công cao.

Nơi pháp môn này, phương pháp thực hành rất giản tiện, mọi người đều có thể tùy phần tùy sức mà hành đạo. Chỉ cần chỗ tu cho đúng Pháp thời chắc chắn là thành tựu cả  nên gọi là dùng sức ít, dễ thực hành mà mau có hiệu quả. Tổ Thiện Đạo cho rằng nghìn người tu không sót một. Vĩnh Minh Đại sư cũng công nhận là mười người tu được cả mười.

Với Pháp môn Tịnh độ này, không luận là kẻ trí hay ngu, không luận là Tăng hay Tục, không luận là sang giàu hay nghèo hèn, không luận là già trẻ nam nữ, không luận là sĩ, nông, công, thương... tất cả các giới trong xã hội đều có thể tu tập và đều có thể thành tựu đặng cả.

Văn Thù Bồ tát nói: Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật. Niệm Phật là "Vua" trong các pháp môn.

Đức Quán Thế Âm bảo: Tịnh độ pháp môn hơn tất cả hạnh khác.

Mã Minh Đại sĩ cho rằng: Chuyên tâm niệm Phật là phương tiện siêu thắng của đức Như Lai.

Long Thọ Tôn giả dạy: "Niệm Phật Tam Muội" có đại trí tuệ, có đại phúc đức, hay đoạn trừ tất cả phiền não tội chướng, hay độ được tất cả chúng sanh. "Niệm Phật Tam Muội" hay sanh vô lượng tam muội cho đến "Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội".

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ tát nói: Pháp môn niệm Phật là tâm tông của chư Phật, là con đường giải thoát của tất cả mọi loài.

Ấn Quang Đại sư từng nói: Vì nương Phật lực nên tất cả mọi người, không kể là
nghiệp hoặc nhiều hay ít, cũng không kể là công phu hành đạo cạn hay sâu, miễn tin cho chắc, nguyện cho thiết, thời quyết muôn người tu, muôn người vãng sanh không sót một. Còn nếu là bực đã đoạn hoặc chứng chơn mà cầu vãng sanh thời đốn siêu Thập Địa. Bực Thập Địa mà cầu sanh thời mau viên Phật quả. Vì thế nên Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, v.v... các đại Bồ tát đều nguyện vãng sanh. Đến như những kẻ tạo ác cả đời sắp đọa địa ngục, hồi tâm niệm Phật cũng được giải thoát, như các ông Trương Thiện Hòa, Trương Chung Húc, Hùng Tuần, Duy Cung, v.v... Hạng người phạm tội ác ấy mà còn được thành tựu thay, huống là những người chưa quá ác, huống là những người lành!

Do đây nên thấy rằng pháp môn Tịnh độ này nhiếp cả Thánh Phàm, nhiếp cả thiện ác, nhiếp cả chúng sanh, như biển lớn gồm thâu muôn dòng vậy.

Vì pháp môn Tịnh độ với chúng sanh có sự lợi ích rộng lớn như thế, nên muôn Kinh Vạn Luận luôn luôn nhắc đến, chư Thánh, chư Hiền đồng nguyện cùng về. Thật là:

Cửu giới chúng sanh rời pháp môn này thời không thể viên thành Phật quả.

Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này quyết không thể độ khắp quần sanh.

Trong kinh Đại Tập, đức Phật có lời huyền ký: "Thời mạt pháp muôn ức người tu hành khó có một người được giải thoát, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi".

Đó là Phật bảo chúng ta phải tín hướng và thực hành pháp môn Tịnh độ này vậy. Chúng ta há chẳng phải là người thời mạt pháp đó ư!

Vì những lẽ trên mà biết rằng: Ngoài môn "Niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc thế giới", quyết định chúng ta hiện đời không thể siêu sanh thoát tử được. Còn đúng theo pháp môn "Niệm Phật cầu sanh" này mà tu, chắc chắn một đời hiện tại này chúng ta đặng vãng sanh Cực lạc Tịnh độ và bảo đảm trên đường thành Phật.

Thế nào là tu đúng pháp?

Tổng quát rằng: "Thiệt vì sanh tử phát Bồ đề tâm, dùng tin sâu và nguyện thiết mà chuyên trì hồng danh A DI ĐÀ PHẬT". Đây là tông thú chủ chánh của pháp môn Tịnh độ này. Tâm hạnh đúng theo đây gọi là tu đúng Pháp.


Khi chúng ta được nghe giáo pháp của đức Phật dạy về pháp môn Tịnh độ, chúng ta tự nghĩ rằng: Cõi Ta bà này là chốn ngũ trược ác thế, tam giới như nhà lửa, cõi dục mà chúng ta hiện ở đây khác nào một cái hố sâu đầy sình. Ta và mọi người cho đến muôn loài, hiện tại cũng như dĩ vãng, nhiều đời nhiều kiếp mang lấy không biết bao nhiêu là sự thống khổ trong vòng sanh tử luân hồi. Ngày nay, ta được thân làm người lại được nghe biết pháp môn giải thoát mau tắt siêu thắng, ta phải kíp quyết chí y pháp tu hành, để mình và mọi người đồng thoát ly sanh tử khổ, đồng chứng chơn thường lạc. Đây là "Thiệt vì sanh tử mà phát Bồ đề tâm" vậy.

Rồi ta tự nhận rằng: Thân cùng cảnh ở Ta bà này đủ điều chướng đạo: Dễ sanh phiền não, dễ đắm nhiễm trần, dễ gây ác nghiệp; nội những sự già, bệnh, chết, vô thường thiên biến cũng đủ ngăn trở con đường giải thoát của ta. Còn thân cùng cảnh ở Cực lạc rất là lợi đạo: Thường được thấy Phật, luôn nghe pháp âm nên tâm thanh tịnh mà định huệ thành; ở chung với chư đại Bồ tát Thượng thiện nhân thời thánh nghiệp ngày tăng, chánh hạnh ngày tấn; không già không bịnh, thọ mạng vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, nên nội một đời một thân thẳng lên đến bậc Đẳng giác Bổ xứ thành Phật.

Ta lại nhận định: nguyện lực của đức Từ phụ A DI ĐÀ PHẬT rộng lớn bất tư nghị, nay ta đúng theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ mà tu, quyết đặng Phật nhiếp thọ, quyết đặng vãng sanh, đã đặng vãng sanh tức là trụ bực Bất thối mau thành Phật đạo. Chỉ có nguyện lực của Phật là chiếc thuyền từ có thể đưa ra khỏi biển khổ thôi!

Tự nhận như thế rồi bền chặt một lòng: Nguyện thoát ly Ta bà ác trược, như người tù muốn ra khỏi ngục tối không chút quyến luyến; nguyện về đến Cực lạc thanh tịnh, dường trẻ thơ đi lạc mong mõi được về nhà không chút dần dà.

Nhận định như vậy, lập nguyện như vậy, đó là "Tin sâu cùng nguyện thiết" đấy.

Bắt đầu từ đây cho đến trọn đời, tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, tùy sức tùy phần, chí tâm trì niệm sáu chữ hồng danh "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT" coi đó như là một công vụ hết sức khẩn yếu phải tận lực mà làm. Nếu là người rảnh rang vô sự thì ngày liền đêm, lúc đi đứng cũng như lúc ngồi nằm, giữ chặt chánh niệm: Phật không rời tâm, tâm không rời Phật; hoặc niệm ra tiếng hoặc niệm thầm, nhiếp cả sáu căn, Phật hiệu nối luôn: đây là tương tục chấp trì; niệm như vậy lâu lâu sẽ tự chứng tam muội: hiện tiền thấy Phật thụ ký, lâm chung cao thăng thượng phẩm. Còn nếu là người đa đoan công việc: việc nước, việc nhà v.v... không nhiều giờ rảnh thời nên tối và sáng sớm thực hành phương "Thập niệm" giữ mãi trọn đời không sót không bỏ cũng được vãng sanh. Vì đức Từ phụ có bổn nguyện: "Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu ta rồi chí tâm tin muốn, nguyện sanh về cõi nước của ta nhẫn đến mười niệm, nếu chúng sanh ấy không được sanh, thời ta không ở ngôi Chánh giác".

Ngoài ra, những người vào trường hợp chặn giữa, thời châm chước phân thời định khóa mà thọ trì. tất cả đều phải cung kính chí tâm, kỹ chắc trong lúc trì niệm, là điều kiện khẩn yếu. Hành trì như vậy gọi là "Chuyên trì Hồng danh A Di Đà Phật", và đây là chánh hạnh.

Người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc thế giới còn cần phải làm những điều lành: Có lòng từ bi giới át hộ sanh, bố thí cứu tế, trì trai, giữ giới, hiếu thảo cha mẹ, kính thờ Sư trưởng, phò trì Tam Bảo, lợi mình lợi người, dẹp lòng ngã mạn tham sân, thêm lớn hòa vui nhẫn nhục, sâu tin nhân quả, mở mang chánh kiến... dùng đây làm trợ hạnh.

Tín nguyện đã có, chánh trợ đã đủ, đến lúc lâm chung, chắc chắn được đức Từ phụ cùng Thánh Chúng thừa bổn nguyện lực đích thân đến tiếp dẫn vãng sanh Cực lạc.

Dầu Tín, Nguyện và Hạnh phải đủ cả ba mới được vãng sanh, như cái đỉnh ba chân, thiếu một thời ngã, nhưng nên hiểu thêm rằng: Được vãng sanh là do lòng tin cho sâu chắc, chí nguyện cho tha thiết để cảm thông với nguyện lực của Phật, còn nơi công hạnh: Ít thời quả thấp, nhiều thời phẩm cao. Do vì công hạnh không hạn cuộc mà chú trọng nơi Tín và Nguyện như vậy, nên đoạn trước có nói: "Tất cả người trong tất cả các giới ở xã hội đều có thể thực hành và đều có thể thành tựu được cả", vì tin sâu và nguyện thiết hạng người nào cũng có thể lập được, thập niệm niệm Phật ở trong trường hợp nào cũng đều thực hành được.

Phật dạy:

"Nếu người nào được nghe lời này nên phải phát nguyện: Nguyện sanh về Cực lạc thế giới". (Kinh A Di Đà)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6061265