Thông tin

PHẬT ĐẢN VÀ TUỔI THƠ TÔI VỚI BÀI HÁT “ÁNH ĐẠO VÀNG”

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

Tác giả và nhạc sĩ Hằng Vang khi ghi hình phim tài liệu Ánh Đạo vàng
Ảnh: Nhất Chi Mai

 

Ngày lễ Phật đản năm 1964, P.L 2508, với tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Thứ nhất, ngày lễ Phật đản huy hoàng, hân hoan nhất của một tôn giáo biết dừng lại và trụ vững đúng nơi, đúng chỗ trên nền tảng đạo lý và truyền thống dân tộc; sau những tháng ngày đấu tranh miệt mài đòi lại quyền bình đẳng tôn giáo. Thứ hai, đó cũng là mùa Phật đản đầu tiên tôi được khoác lên mình bộ đồng phục Oanh Vũ, mở đầu đoạn đường mới của tôi bước vào và trưởng thành với lý tưởng phụng sự chánh pháp. Thứ ba, ngay trong mùa Thành đạo cùng năm, tôi được các anh chị trưởng ưu ái cho tập dượt bài hát “Ánh Đạo Vàng” để biểu diễn solo trong đêm văn nghệ trước sân chùa đêm ấy. Bài hát đó với tôi khi ấy rất lạ nhưng rất thú vị như vừa được khám phá ra trong văn nghệ Phật giáo cũng có những bài hát tuyệt vời như thế ư? Tám, chín tuổi đầu, bước vào môi trường tu học qua ngõ sinh hoạt Gia đình Phật tử (GĐPT), tôi mang theo nhiều “tài lẻ” để mong có dịp thi thố với bạn bè, anh em trong môi trường mới. Do đó, tôi đã sớm được tin tưởng trao nhiều nhiệm vụ như được thay phiên chủ lễ trước buổi sinh hoạt hàng tuần, biểu diễn văn nghệ và vẽ vời bích báo (báo tường) cùng các anh chị lớn khác. Bài hát “Ánh Đạo Vàng” khi tôi biết và được hát chỉ sau 7 năm bài hát ra đời và là bài nhạc đạo đầu tiên tôi được biết, được hát (bài hát được nhạc sĩ Hằng Vang sáng tác năm 1957). Vài năm sau đó, đến khi được “cắt dây” (từ vui để chỉ cho một Oanh Vũ bước lên hàng Thiếu Nam hay Thiếu Nữ, không còn mang dây chéo trước và sau ngực) trở thành Thiếu Nam, tôi mới biết tác giả là nhạc sĩ Hằng Vang. Để rồi từ đó, luôn thầm ngưỡng mộ, ước ao sẽ được gặp vị nhạc sĩ có bài hát đã làm thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều và cũng là tiêu chí, niềm tin cho mình bước vào lãnh vực văn hóa văn nghệ Phật giáo cho đến sau này.

Đơn vị GĐPT nơi mình sinh hoạt cũng như nhiều đơn vị khác, còn nhạc sĩ Hằng Vang là bậc trưởng thượng, có khoảng cách rất xa, muốn được gặp không phải ai cũng dệt thành mơ ước. Mãi đến nhiều chục năm sau này, cũng bên lề sân khấu chào mừng lễ Phật đản, và cũng nhờ tích cực hoạt động trong lãnh vực văn hóa văn nghệ, tôi mới được hân hạnh gặp vị nhạc sĩ mình luôn yêu mến với bài hát đưa tôi vào nẻo đạo sau quá trình trao đổi, liên lạc bằng thư từ, bưu thiếp. Trong rất nhiều lá thư gởi từ Buôn Ma Thuột, nơi vị nhạc sĩ này ở, cuối lá thư vẫn thường dành cho tôi câu nói mà mãi về sau đã trở thành điệp ngữ: “Người em phương Nam thân thiết”. Đó cũng chính là giai đoạn nhạc sĩ và tôi thường xuyên trao đổi về vấn đề văn hóa văn nghệ Phật giáo. Nhiều tài liệu, hình ảnh, thư từ nhạc sĩ đã tin tưởng gởi cho tôi lưu giữ với ý niệm làm tài liệu trong mai sau. Nhờ đó, trong nhiều bài viết, tôi đã giới thiệu và nói nhiều về cuộc đời, sự nghiệp cống hiến cho nền âm nhạc Phật giáo của ông.

Nhạc sĩ Hằng Vang tên thật là Nguyễn Đình Vang, sinh năm Bính Tý (1936) tại Thừa Thiên - Huế, pháp danh Như Niên. Ngay từ khi giác ngộ Phật pháp, sinh hoạt GĐPT Cát Tường - Thành Nội Huế và các đơn vị lân cận; Từ năm 1961 đến 1967, ông là Phó Ban hướng dẫn, Ủy viên Nghiên Huấn, Trưởng Ban hướng dẫn GĐPT Dak Lak, Biên tập và điều hành âm nhạc Đài phát thanh Buôn Ma Thuột trong các ngày lễ lớn Phật giáo. Từ năm 1968 đến 1975, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ tỉnh Phú Bổn, và Đặc ủy Thanh niên kiêm Ủy viên Ban Văn nghệ Phú Bổn, ông đã khép mình trong cuộc sống trường chay thanh tịnh. Trong hơn 300 ca khúc, từ nhạc sinh hoạt, nhạc lửa trại cho đến nhạc trình diễn có hai bài trường ca Phật Sử Lửa Từ Bi; hai bài hợp xướng cùng tên và ba vở kịch dài “Khai Nguồn sáng”, “Đôi mắt Thái tử Câu Na La” “Quán Bên Sông”.

Sau thành công của bài hát “Ánh Đạo Vàng”, có lẽ đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác nhạc Phật giáo của nhạc sĩ Hằng Vang, và như là một sự chứng nhận tấm lòng của ông dành cho Phật đạo, đó là ông được trao giải thưởng danh giá nhất cho bài hát “Lời Sám Nguyện” do đích thân Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo khi ấy trao ngay trên sân khấu Nhà hát lớn Sài Gòn ngày 25 tháng 2 năm 1965.

Người anh cả trong làng nhạc Phật giáo, có vốn sống khiêm cung, đầy chất đạo hạnh như thế nên những dòng nhạc của ông viết ra, người nghe dễ cảm nhận được sự đại lượng bao la của người con Phật, điều mà ít có vị nhạc sĩ Phật giáo nào cũng có được.

Nhạc sĩ Hằng Vang cứ thế vẫn âm thầm sống, cần mẫn cống hiến, không đòi hỏi một sự ban thưởng hay danh hiệu cao cả nào. Nhưng từ sự cần mẫn ấy mà các anh chị em trong lãnh vực âm nhạc Phật giáo đã mạnh dạn “phong tặng” cho ông danh hiệu “Nhạc sĩ Năm mươi năm Phật giáo” trong mùa Phật đản năm Canh Thìn - Phật lịch 2540. Và danh hiệu đó đã được MC Phật giáo Tánh Thuần thường xuyên xướng lên trong các buổi lễ tại các chùa hay trong các chương trình văn nghệ.

Những năm gần đây, khi đã đứng phía bên kia triền dốc cuộc đời, nhạc sĩ Hằng Vang vẫn luôn tỏ ra khao khát, muốn được tiếp tục sáng tác và hát trong niềm thanh thản vô biên của chính cuộc đời mình. Mỗi năm lễ giỗ Bồ tát Thích Quảng Đức (ngày 20 tháng 4 âm lịch) và sau này là lễ giỗ cố Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Quán Thế Âm Thích Thông Bửu (14 tháng giêng) hằng năm, ông vẫn thường xuyên có mặt. không quản tuổi cao sức yếu. Thế nhưng vô thường cũng đã ngăn chặn được những bước chân cần mẫn ấy. Ba năm nay rồi, ông luôn vắng mặt!

Nhận ra những điều này và lo âu trước một cây đại thụ trong âm nhạc Phật giáo còn lại bơ vơ, chơ vơ và hiu quạnh giữa cuộc đời, chưa biết gió giông sẽ kéo đổ lúc nào nên Trung tâm VHVN Nhất Chi Mai đã tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ lên tận nhà để viếng thăm và tạo niềm khích lệ cần thiết. Đặc biệt nhất là chuyến viếng thăm cuối năm 2018 với rất đông anh chị em có mặt. Lần này, cũng trong niềm lo âu đó Trung tâm VHVN Nhất Chi Mai có tổ chức ghi hình, phỏng vấn vị nhạc sĩ của tuổi thơ được nhiều người mến mộ. Và tôi được giao trọng trách ngồi trò chuyện, phỏng vấn ông chung quanh bài Ánh Đạo Vàng.

Lúc này, những người con của nhạc sĩ Hằng Vang cũng thông báo bệnh tình trầm trọng của ông cho anh em chúng tôi nghe mà các con ông vẫn cố giấu kín không cho ông biết. Không kiềm được cảm xúc, tôi nói với những người con của ông đang ngồi chung bàn rằng tất cả anh em hãy đồng ca lên bài Ánh Đạo Vàng của cha mình. Tất cả đều hưởng ứng cất lên tiếng hát, một rồi hai rồi mọi người chạy ùa đến hòa chung giọng ca dâng tặng cho chính người nhạc sĩ đã sản sinh ra bài hát bất hủ này. Hình ảnh rất đẹp, khó phai mờ trong mắt mọi người.

Năm sau đó, 2019 sau mùa Phật đản mưa dầm, tôi lại được Trung tâm VHVN Nhất Chi Mai cử lên Buôn Ma Thuột viếng thăm ông thêm lần nữa cùng với một vài anh chị em nhạc sĩ Phật giáo khác. Trước khi lên, tôi có điện cho ông. Ông nói mình chưa nghe gì hết, rồi chốc nữa ông lại nói “Thành ơi! Thầy lúc nào cũng tạo niềm vui bất ngờ cho anh”. Đó là lần cuối cùng tôi được nghe tiếng nói của ông sau liên tiếp những lần gọi phải lớn tiếng mới nghe được vì ông đã lãng tai mất rồi!

Rồi một mùa Phật đản nữa lại đến, khi bài hát Ánh Đạo Vàng vẫn còn vang vọng trong khắp các sân khấu, cổng chùa. Vị nhạc sĩ trong lòng tuổi thơ tôi đã lặng lẽ ra đi vào lúc 15 giờ ngày 20 tháng chạp năm Canh Tý 2020 nhằm 01/02/2021, hưởng thọ 85 tuổi. Ông đã thực sự giã từ cuộc chơi trần thế, mang theo nhiều hoài bão dở dang mà có lẽ rồi đây trong vô số tài liệu ông gởi khi còn sinh tiền, tôi phải lật lại từng trang và thay ông thực hiện.

Tôi rất bàng hoàng, hụt hẫng, xoay xở chung quanh mà vẫn không nhận được thêm bất cứ thông tin nào về sự ra đi của ông ngoài tin nhắn của gia đình lúc 15 giờ hôm ấy. Ngay hôm sau, rất cảm động khi biết nhạc sĩ Đức Quảng đã sáng tác kịp thời bài hát tưởng niệm ông với nhan đề “Triều Âm Pháp Vũ”, trong đó nói lên đầy đủ từ tên gọi cho đến ý nghĩa bài hát cũng như cuộc đời của nhạc sĩ Hằng Vang.

Trong lòng tôi, nếu không có bài hát Ánh Đạo Vàng thì những bước chân sáo Oanh Vũ của tôi ngày xưa chắc hẳn còn nặng nề nhiều lắm vì khi tham gia vào GĐPT mình chỉ nghĩ có tu học, khô khan và tuân lệnh rập khuôn như đã từng thấy. Và cũng phải cảm ơn khung cảnh của Phật đản huy hoàng 2508-1964 năm ấy đã góp phần đưa bước chân sáo của tôi nhanh nhẩu bước vào nẻo đạo qua cánh cổng GDPT. Hình ảnh một con chim Oanh Vũ còn lạ lẫm, ngơ ngác trước sân chùa nhưng rất đầy cá tính, tự tin, nương thừa, lớn dậy cho đến hôm nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6058890