Thông tin

PHẬT DI LẶC VÀ PHO TƯỢNG Ở NÚI CẤM

PHẬT DI LẶC VÀ PHO TƯỢNG Ở NÚI CẤM

HOÀNG VĂN LỄ

Tượng Phật Di Lặc dựng tại Núi Cấm từ năm 2004-2005

Tượng Phật Di Lặc, trên núi Cấm là tượng to nhất châu Á. Tượng này theo dạng thức của văn hóa Trung Hoa, qua tích Hòa thượng Bố Đại (thế kỷ thứ X), khi gần viên tịch tiết lộ qua bài kệ: Di Lặc chân Di Lặc/ Phân thân thiên bách ức/ Thời thời thị thời nhân/ Thời nhân tự bất thức (Di Lặc thật Di Lặc. Phân thân trong muôn ức. Thường thường chỉ dạy người đời. Người đời tự không biết). Từ đó, Phật giáo Trung Quốc hình tượng hóa Bồ tát Di Lặc với dáng vẻ mập mạp, hiền hòa, tự tại, miệng luôn tươi cười.

Văn hóa chúng ta cũng như văn hóa các nước đồng văn khác chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên tượng Phật Di Lặc ở núi Cấm không là ngoại lệ.

Người Ấn, Phật Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử tuấn tú, thanh mảnh, thường mang trên người trang phục của hoàng gia Ấn Độ.

Vùng  Bảy Núi (Thất Sơn) là vùng khai phá độ 300 năm, sự hùng vĩ và bối cảnh khắc nghiệt thời kỳ đầu khai phá mở cõi, rồi thời kỳ thực dân Pháp cai trị khắc nghiệt… khiến người dân nơi miền biên thùy cực Nam của Tổ quốc phải gánh nhiều khốn khó; bù lại núi rừng và bình nguyên nhiều sản vật đã lưu giữ dân cư kiên cường khai phá, góp phần làm nên châu thổ sông Cửu Long trù phú hiện nay, trong đó An Giang và vùng Bảy Núi là địa linh được cả miền Tây và Đông Nam Bộ biết đến với bao kỳ tích sống động.

Từ đây, một số hệ phái tôn giáo địa phương ra đời như Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Nam tông, Khất sĩ…; trong đó nguồn gốc hoặc chịu ảnh hưởng Phật giáo là nhân tố cơ bản. Các hệ phái tôn giáo mới này đều có phần xuất phát từ vùng Bảy Núi, ít nhiều hoài bão về Hội Long Hoa và sự ra đời của Phật Di Lặc.

Theo truyền thuyết và kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Bồ tát sẽ xuất hiện kế thừa đức Phật Thích Ca, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Cõi tu tập của Bồ tát Di Lặc hiện nay là cung trời Đâu-suất, được tiên tri sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa theo năm cõi trời nầy, tức khoảng 5 tỉ 760 triệu năm nữa theo năm trái đất, bấy giờ Phật pháp bị lãng quên trong cõi ta bà. Theo kinh điển của Phật giáo là như vậy, nếu như cõi trời  Đâu suất và trái đất thời gian như nhau thì cũng 30.000 năm nữa Hội Long Hoa mở ra và Di Lặc hoằng pháp giáo hóa chúng sanh như Phật Thích Ca đã làm từ hơn 2.500 năm nay. Do đó, ước mơ của người dân Nam Bộ về sự xuất hiện của Di Lặc Phật là quá sớm, quá quá sớm!


Hình ảnh ban đầu của đức Phật Di Lặc

Trong kinh điển Phật giáo còn lưu giữ, tức lời Phật dạy trên hầu hết các vấn đề của cuộc sống con người. Trước đây kinh là chữ Phạn, được ngài Huyền Trang và nhiều người khác dịch ra chữ Hán, người Việt học chữ Hán đọc theo lời Việt; phần lớn đều không hiểu lời kinh, tức lời đức Phật độ hóa chúng sinh. Trong hàng vạn câu chuyện liên quan, hình tượng Phật Di Lặc từ ngài Bố Đại Hòa thượng như nêu trên, hoàn toàn chỉ là biểu tượng mà thôi!

Chúng ta đều biết, đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử, có lai lịch được chứng thật, đức Phật được sinh ra, làm người từ 2.640 năm trước đây, thọ 80 tuổi, với 45 năm hoằng pháp, sau 6 năm tu hành tìm kiếm con đường giải thoát. Hiện nay, Phật giáo ghi nhận hơn 30.000 bài kinh đức Phật đã truyền giảng, một kho tàng trí tuệ, một minh triết cao siêu có tính giáo dục thiết thực cho mỗi chúng sinh để cứu khổ, giải thoát…

Đức Phật được các sư tăng và người đời tôn kính là “đức Thế Tôn”, nhưng không bao giờ tự xưng mình là thần linh, hay là con của thần linh, hoặc là sứ giả của thần linh. Ngài chỉ là một con người với tư duy sâu sắc về lẽ thường tồn “sinh, già, bệnh, chết”, đã vượt qua các thử thách trong tìm kiếm chân lý và tự cải thiện để trở nên toàn hảo. Ngài không bao giờ bảo đệ tử của Ngài thờ phượng Ngài như một vị thần, hay đấng cứu thế. Ngài khuyên mọi người kính trọng Ngài như một người chỉ đường, một người thầy, và nếu chúng ta noi theo Ngài, ta cũng có thể trở nên toàn hảo như Ngài. Câu triết lý “kia là trăng, đây là ngón tay chỉ trăng”, chớ lầm lẫn ngón tay tức triết lý chỉ đường của Ngài là mặt trăng tức chân lý giải thoát.

Trong nhiều bộ kinh còn lưu lại, đó là sự kết tập của nhiều đại sư trong tiến trình phát triển của xã hội, của đạo Phật. Lời dạy của Đức Phật có thể được thêm bớt qua nhận thức của người đời. Người Phương Tây từ chỗ xem đạo Phật như dạng mê tín, tôn thờ ảnh tượng; đến nay đã thấy tính minh triết và con đường tu tập rất nhân văn, cứu cánh là giải thoát. Những nhà khoa học bậc thầy của thế gian có khuynh hướng thừa nhận minh triết của Phật giáo là khoa học, đức Phật là bậc thầy của nhân loại nhìn thấu suốt lẽ sinh tồn của con người.

Học Phật nơi con người giác ngộ là thực tế sống động của thế giới ngày nay; hiểu minh triết Phật giáo một cách nhân văn trái ngược với cuộc sống nhiều lý lẽ đấu tranh sinh tồn phiến diện. Lịch sử minh chứng, cấp vua quan nước ta có lúc biến đức Phật như thần linh, dùng tượng Phật ra cầu mưa, giải hạn; như vậy đã không hiểu đúng minh triết nhà Phật. Người đến chùa, kể cả người tự nhận mình là con Phật, cầu Phật những điều rất riêng tư, thậm chí trái ngược lại với lẽ sống đời thường; như vậy thực sự rất xa với triết lý nhân quả, một nguyên lý căn bản đức Phật đã truyền thừa. Xu hướng thần thánh hóa, “ban phước, giáng họa” của thế gian đề ra, đi ngược lại với việc tu hành theo “Bát chánh đạo” của đức Phật.

Hồi đức Phật còn tại thế, Di Lặc là người sinh ra ở miền Nam Thiên Trúc, trong dòng Bà-la-môn; gặp Phật, Ngài xuất gia, tu theo hạnh Bồ tát. Đó là hình ảnh thật lịch sử ở Nam Thiên Trúc. Theo kinh Trường A-hàm, ở cõi Ta-bà, tâm con người càng ngày càng ác, tuổi thọ chúng sanh giảm xuống đến cuối cùng còn mười, bấy giờ thế giới sẽ có những tai nạn đao binh: người ta giết chết nhau, những lá cây cỏ cũng có thể biến thành gươm bén chặt cắt người mà chết, tới tai nạn tật bệnh dịch. Vì vậy, dân chúng chỉ còn sót lại một ít người tu ẩn trên núi trên non. Khi họ sống qua thời gian chết đó, họ mới biết rằng dòng họ mình làm điều ác, bây giờ mới bị quả báo chết như vậy, cho nên họ nỗ lực tu mười điều thiện. Khi bắt đầu tu mười điều lành thì tuổi thọ họ tăng, cứ một trăm năm thì tăng lên một tuổi; đến khi tuổi thọ đạt sáu mươi bốn ngàn tuổi, dân chúng đông đảo thuần hậu, làm lành thì Phật ra đời ở dưới cội cây Long Hoa gọi là hội Long Hoa.

Theo kinh sách Phật giáo thì khi Phật Thích Ca nhập diệt thì đức Di Lặc cũng nhập Niết bàn. Ngài sanh lên cung trời Đâu suất, sống bốn ngàn tuổi. Sau đó, Ngài mới sanh trong thế giới Ta bà, thành đạo dưới cội cây Long Hoa giáo hóa chúng sanh kế tiếp đức Phật Thích Ca. Nếu tin lời Phật Thích Ca và tin luôn thời gian định ngày Phật đản sinh, tin có hội Long Hoa, tin đức Phật Di Lặc ra đời thì không thể nào vội vàng nghe đồn thổi, tuyên truyền mê tín dị đoan. Người Phật tử chân chánh phải hiểu rõ điều đó, nghiên cứu từ những bộ kinh như Di Lặc thượng sanh, Di Lặc hạ sanh và Di Lặc bản nguyện. Vậy đừng nghe lời của một số người bàn tán, dựng lên những điều sai lầm.

Về tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm, thuộc chùa Phật Lớn, tọa lạc trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Tượng được thực hiện từ tháng 2 năm 2004 đến tháng 12 năm 2005, do nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật Phạm Dân Chủ, ngụ ở thị xã Tân Châu) phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng. Tượng có chiều cao 33,6 m tính từ dưới chân đế đến đỉnh đầu, cao 710 m so với mực nước biển, diện tích bệ tượng 27x27 m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông, cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của tượng Phật Di Lặc. Bên dưới chân tượng là cửa vào thân tượng, bên trong như tòa nhà 10 tầng, được bố trí mỹ thuật với nhiều hình vẽ, tượng về lịch sử Phật giáo và địa phương An Giang…

Với tượng Phật hùng vĩ giữa núi non xanh thẳm nhiều kỳ tích; và với ý nghĩ, ước mong thịnh vượng sung túc, vùng Núi Cấm được người dân kinh ngưỡng viếng chùa ngắm Phật và cầu khẩn theo ước vọng của mình. Những ngày lễ Tết, hàng vạn người bất kể đường đèo dốc quanh co, lũ lượt đến dưới bệ chân Phật để lễ bái nghiêm túc.

Hàng vạn người bất kể đường đèo dốc quanh co, lũ lượt đến dưới bệ chân Phật để lễ bái

Trước năm 1975, muốn lên núi phải vạt cây rừng, đi trong sương mù lãng đãng. Đầu năm 2000, làm xong đường mòn lên núi, xe gắn máy đặc chủng bươn lên những đá sỏi vượt dốc một cách thú vị, mạo hiểm. Năm 2007, đường lên núi mở rộng, trải nhựa, xe hơi đưa khách lên tham quan, viếng bái chùa chiền, am thất... Từ năm 2003, người ta đã thiết kế, thi công tượng Phật Di Lặc uy nghi với nụ cười bao dung, thánh thiện. Đây là một công trình nghệ thuật, một kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Điều thú vị nhất là khi đứng ở bất cứ vồ nào trên núi cũng đều nhìn thấy tượng phật trắng sáng. Ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”.

Ngày 24-12-2013, khởi công xây dựng tuyến cáp treo đưa người lên đỉnh núi Cấm với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, với chiều dài 3.461m, theo công nghệ Pháp, đảm bảo tiêu chuẩn Hiệp hội cáp treo châu Âu. Điểm đầu cáp treo xuất phát từ Khu du lịch Lâm Viên dưới chân núi và điểm cuối ở vồ Ông Bướm trên đỉnh núi.

Cáp treo núi Cấm không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách lên xuống núi với bốn bề mây phủ, còn là một trong những định hướng phát triển du lịch của tỉnh An Giang, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển du lịch tỉnh biên giới nầy. Hiện tại, ngoài tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, núi Cấm còn thu hút khách tham quan, khám phá “năm non bảy núi”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6796076