Thông tin

PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN ĐỒNG NAI

- NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

 

BAN TÔN GIÁO TỈNH ĐỒNG NAI

 

Qua 2000 năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm cùng với sự thăng trầm của lịch sử đất nước. Với mục tiêu lấy đức từ bi để giáo hóa chúng sanh, lấy trí tuệ làm phương châm hành đạo, giáo lý Phật giáo đã in đậm trong nếp sống và đạo đức của dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì vậy, lịch sử Việt Nam luôn có sự đóng góp của Phật giáo vào sự bảo tồn, phát triển các giá trị tinh thần của dân tộc. Đặc biệt, trong những giai đoạn đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cùng với toàn dân tộc, Phật giáo đã tích cực đóng góp công sức, chống lại các thế lực thù địch ngoại bang để đem lại an lạc, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nối tiếp truyền thống “Hộ quốc, an dân”, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa  Xã hội”, ngày nay Phật giáo đã xác định đúng vị trí của mình trong khối đại đoàn kết dân tộc và đã khẳng định vị thế giữa lòng dân tộc với những đóng góp cho đời sống tâm linh và an sinh xã hội. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, những đóng góp to lớn mà Phật giáo Việt Nam đã cống hiến cho Đạo pháp, cho Dân tộc, không thể không nhắc tới Phật giáo Cổ truyền, một trong chín tổ chức, hệ phái đã đoàn kết hợp nhất thành ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Tại Hội thảo khoa học, “Lịch sử hình thành Giáo hội Cổ truyển Việt Nam và sự đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc”, dưới góc độ quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai nêu lên tinh thần phụng sự Đạo pháp, phụng sự Dân tộc của Phật giáo Cổ truyền ở Đồng Nai với tham luận “Phật giáo Cổ truyền Đồng Nai - Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc”.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được hình thành trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức “Phật giáo Lục Hòa Tăng” và “Lục Hòa Phật tử” vào đầu năm 1969, phát triển rộng rãi hơn 35 tỉnh, thành từ miền Trung trở vào Nam. Phật giáo Cổ truyền ra đời với mục đích chính là tinh thần phụng đạo yêu nước, hiện hữu trong lòng dân tộc, tham gia hoạt động cách mạng, giải phóng dân tộc. Tăng ni, phật tử Phật giáo Cổ truyền đã hoàn thành nhiệm vụ của chính mình đặt ra một cách sắc xuất trong cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với nhân dân cả nước, Phật giáo Cổ truyền Việt Nam phấn khởi vừa tổ chức các hoạt động phật sự, vừa tham gia xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

Tại tỉnh Đồng Nai, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành (Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và sự hướng dẫn của chư tôn đức hàng giáo phẩm, tăng ni, phật tử Phật giáo cổ truyền tích cực tổ chức, tham gia nhiều hoạt động với nhiều đóng góp hiệu quả cho Đạo pháp, cho Dân tộc.

Đối với Đạo pháp

Nhằm đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu thọ giới tu học, hành đạo, hoằng dương chánh pháp của tăng ni và trang nghiêm ngôi tam bảo, công tác tổ chức Đại giới đàn với sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai tại tỉnh Đồng Nai luôn được chư tôn đức Phật giáo Cổ truyền chú trọng truyền trao giới pháp cho hàng ngàn giới tử thọ giới tu học tại Tổ đình Long Thiền, Chùa Thanh Long, chùa Bửu Phong, chùa Đại Giác, chùa Đại Phước, chùa Thiên Long,.. Từ năm 1981, sau khi thống nhất Phật giáo Việt Nam, với vai trò là Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Ban Trị sự, Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thiện Khải lãnh đạo tổ chức đều đặn các Đại giới đàn cho đến khi 02 vị viên tịch. Tiếp nối truyền thống đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hiện nay cứ 2 năm lại tổ chức Đại giới đàn, với số lượng tăng ni giới tử tham dự thọ giới đông nhất nhì cả nước. Để tưởng nhớ bậc thạch trụ tăng già, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã lấy danh hiệu của Hòa thượng Thích Huệ Thành và Hòa thượng Thích Thiện Khải đặt danh hiệu cho Đại giới đàn vào các năm 2004, 2007 và 2015.

Tháng 11/1981, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng Thích Huệ Thành được suy tôn giữ chức vụ Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Được sự ủy nhiệm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ ngày 27 – 29/10/1982, Hòa thượng Thích Huệ Thành đã đứng ra triệu tập tăng ni và đồng bào phật tử trong tỉnh Đồng Nai tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ nhất, tại Đại hội, Hòa thượng được suy cử làm Trưởng ban Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai. Sau khi thành lập Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, vào năm 1983, với vai trò Trưởng ban Trị sự, Hòa thượng đã kêu gọi và vận động tăng ni thành lập các Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện như: Biên Hòa, Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành, Vĩnh Cửu,...

Đóng góp của Hòa thượng Thích Huệ Thành đối với Phật giáo Đồng Nai không chỉ về công tác hoằng pháp, đào tạo tăng tài mà còn về công tác tổ chức của Giáo hội, đây được xem là nền móng cho sự ổn định và lớn mạnh về tổ chức và nhân sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa như hiện nay. Trải qua 08 kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, cấp huyện, bên cạnh Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, hàng chục chức sắc, tu sĩ hệ phái Cổ truyền tại Đồng Nai đã tích cực tham gia công tác lãnh đạo và đóng góp nhiều công sức cho Giáo hội, tiêu biểu như: Hòa thượng Thích Thiện Khải (Trưởng ban Trị sự từ khóa II đến khóa V), Hòa thượng Thích Huệ Hiền, Hòa thượng Thích Thiện Hiện, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương,...

Đối với Dân tộc

Tinh thần phụng đạo, yêu nước của hệ phái Cổ truyền tại Đồng Nai được thể hiện trọn vẹn qua quá trình hành đạo và tham gia cách mạng của Hòa thượng Thích Huệ Thành. Với tinh thần yêu nước, không chấp nhận sự xâm lược của ngoại bang, vào đầu năm 1944, Hòa thượng Thích Huệ Thành đã tham gia các phong trào chống quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Vào ngày 06/9/1945, Hòa thượng được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa kiêm ủy viên Mặt trận Việt Minh (Trụ sở Phật giáo cứu quốc đặt tại Chùa Long Thiền). Năm 1947, Hòa thượng được mời tham dự thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ tại Chùa Ô Môi (Đồng Tháp Mười), Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được bầu làm Hội trưởng và Hòa thượng Thích Huệ Thành được bầu làm Đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Ủy viên Liên Việt Nam bộ. Năm 1951, Hòa thượng được lệnh của tổ chức về hoạt động nội thành Biên Hòa, cơ sở đặt tại Chùa Hiển Lâm. Năm 1954, Hòa thượng là thành viên của tổ chức trí vận và tôn giáo vận (phụ trách Phật giáo) tại Sài Gòn - Gia định và khu Đông Nam bộ cho đến năm 1975. Từ năm 1975 đến năm 1990, Hòa thượng được cử làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai các khóa I và khóa V; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai khóa I, II, III. Trải qua hơn 70 năm tu học, hành đạo, hoằng pháp lợi sanh và đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ghi nhận những cống hiến của Hòa thượng đối với Đạo pháp và Dân tộc, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên tặng Huân chương kháng chiến, Huân chương độc lập, Huy chương đại đoàn kết và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tiếp nối tinh thần của Hòa thượng Thích Huệ Thành, thế hệ truyền thừa của hệ phái Cổ truyền tại Đồng Nai trong những năm qua luôn gắn bó với dân tộc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát động... đã góp phần cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh, chính trị, củng cố khối đoàn kết dân tộc trên địa bàn. Các chức sắc, tu sĩ tiêu biểu của hệ phái đã tham gia vào các tổ chức chính trị và xã hội như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, hội từ thiện, Hội liên hiệp phụ nữ,….và cũng tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, các phong trào quốc phòng toàn dân bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu. Bên cạnh đó, công tác từ thiện xã hội được quý chư tôn đức, tăng ni hệ phái Cổ truyền quan tâm và thực hiện hiệu quả, nổi bật là Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương, Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm, Sư cô Thích Nữ Diệu Trí,…

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển cho đến ngày hôm nay, hệ phái Cổ truyền tại Đồng Nai cũng bộc lộ hạn chế cần được nhìn nhận và khắc phục: một là, sau khi các bậc tiền bối thạch trụ của Phật giáo Cổ truyền viên tịch thì lớp kế thừa cho Phật giáo Cổ truyền hiện nay tại Đồng Nai chưa có một ai đủ tầm để gánh vác trọng trách, sứ mệnh thiêng liêng đúng với tôn chỉ và mục đích của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã hình thành và xây dựng; hai là, tinh thần đoàn kết nội bộ của Phật giáo Cổ truyền chưa cao; ba là, tinh thần nhập thế, đưa đạo vào đời bằng tinh thần dấn thân, phục vụ đạo pháp và dân tộc của thế hệ kế thừa Phật giáo Cổ truyền Đồng Nai chưa được phát huy đúng với ý nghĩa và giá trị mà các bậc tiền bối đã để lại. Đó là những thách thức mà đòi hỏi Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Phật giáo Cổ truyền Đồng Nai cần có cuộc cách mạng trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp để các Tăng ni, phật tử Phật giáo Cổ truyền Đồng Nai viết tiếp truyền thống vinh quang mà các bật tiền bối đã gầy công xây dựng, tất cả vì mục tiêu “phụng sự cho Đạo pháp, phụng sự cho dân tộc”.

Trên đây là tham luận của Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai về chủ đề “Sự hình thành, phát triển của Phật giáo Cổ truyền và những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc tại Đồng Nai”.

Chúc Hội thảo khoa học thành công tốt đẹp. Trân trọng kính chào!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6116392