Thông tin

PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER AN GIANG

TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

VÀ XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI

 

TS. NGUYỄN NGHỊ THANH(*)
Ths.NCS ĐỖ THU HƯỜNG(**)

 

Tóm tắt:

Phật giáo Nam tông Khmer An Giang có hai chi phái đó là Ma- hanikay (Bình dân) và Thommazut (Hoàng gia), là một phần rất đặc biệt của Phật giáo Nam tông Khmer ở khu vực ĐBSCL. Cũng như những nơi có người Khmer sinh sống ở ĐBSCL, ngôi chùa Khmer vẫn được xem như bảo tàng văn hóa của người Khmer ở An Giang. Trong xu thế hội nhập văn hóa tôn giáo, Phật giáo Nam tông Khmer An Giang hiện nay không còn giới hạn trong cộng đồng Khmer thuần mà vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng xã hội. Lễ hội truyền thống Phật giáo của người Khmer An Giang hiện nay cởi mở và giản đơn hơn trước những vẫn giữ được truyền thống. Hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer An Giang vẫn duy trì các ngày lễ cơ bản, tuy nhiên thời gian tổ chức cũng như các nghi thức được được rút ngắn và cắt bớt để tiết kiệm thời gian và kinh phí. Trước sự tác động của kinh tế thị trường và xu thế hội nhập, các chùa Khmer đang cùng với chính quyền đang nỗ lực để giữ gìn và phát huy truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phật tử qua các phong trào như xây dựng chùa văn hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những sư sãi đang tu học trong chùa mà đang trong tuổi đoàn đều được tạo điều kiện sinh hoạt đoàn cùng với chi đoàn ấp để tiếp thu nghị quyết của Đoàn và tham gia thực hiện phong trào thanh niên. Sư sãi Khmer ở An Giang hiện nay vừa là nhà tu hành đồng thời là thầy giáo dạy chữ quốc ngữ, chữ Khmer, người chuyển giao khoa học kỹ thuật. Một nét độc đáo “hiếm thấy” của Phật giáo Nam tông Khmer ở An Giang đó là quan hệ giữa sư sãi và các tổ chức chính trị xã hội rất gần gủi. Ngôi chùa vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo, đồng thời vừa là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội, là nơi tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Pháp luật Nhà nước.

1. GIỚI THIỆU VỀ NGƯỜI KHMER VÀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER Ở AN GIANG HIỆN NAY

Hiện nay toàn tỉnh An Giang có 24.011 hộ dân tộc thiểu số, với 114.632 người, chiếm 5,17% tổng dân số toàn tỉnh. Dân tộc Khmer có 18.512 hộ, 86.592 người, chiếm tỷ lệ 75,54% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 3,9% so với tổng dân số toàn tỉnh; trong đó có 16.838 hộ với dân số khoảng 80.000 người (chiếm gần 92% tổng số dân tộc Khmer toàn tỉnh) sống tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn(1). Tôn giáo truyền thống của người Khmer là Phật giáo Nam tông Khmer thuộc hệ phái Thommazut và Mahanikay. Về dân tộc, người Khmer ở An Giang có mối quan hệ rộng rãi với đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và người Khmer ở Campuchia. 

Lịch sử người Khmer ở An Giang gắn liên với lịch sử người Khmer ở khu vực ĐBSCL. Tác giả Nguyễn Khắc Cảnh cho rằng: “Là dân bản địa kì cựu, hầu hết đều sinh ở Việt Nam nên gọi là người Việt gốc Khmer, tập trung nhiều nhất ở các quận Tri Tôn và Tịnh Biên. Phong tục và tiếng nói của họ cũng không khác người Khmer ở chánh quốc. Họ sùng bái đạo Phật, tôn kính các sư sãi và sẵn sàng dâng cúng cho chùa những huê lợi do họ làm ra để cầu phúc.- Người Chăm và người Mã Lai đến ở vùng Châu Đốc từ năm 1840. Trước kia họ sống ở Cao Miên”(2).

Lịch sử dân tộc Khmer ở An Giang gắn với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn 1945- 1975, vùng Bảy Núi vừa là căn cứ địa cách mạng của tỉnh vừa là đầu cầu của đường hành lang chiến lược từ Campuchia về miền Tây Nam bộ. Do vậy, địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt. Các chiến sĩ cách mạng và đồng bào Khmer nơi đây phải đương đầu với nhiều đội quân hùng hậu của đế quốc Mỹ và tay sai, chịu đựng biết bao loại vũ khí hủy diệt tối tân nhất lúc bấy giờ để tồn tại, vượt lên giành chiến thắng. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 21-7-1954), Mỹ dần thay thế vai trò của Pháp ở miền Nam, nhân dân Bảy Núi phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”.

Cũng như các dân tộc khác trong tỉnh, người Khmer ở An Giang lúc này tin tưởng tuyệt đối và sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh Ủy. Theo thống kế, hiện An Giang có 1 Mẹ Việt Nam anh hùng, 113 gia đình liệt sĩ, 47 thương binh, 358 gia đình có công với cách mạng, 9 xã và 2 huyện có đồng bào Khmer sinh sống được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, người Khmer lập được nhiều chiến công như đánh tan lực lương “Dân Xã” do tên Ba Cụt cầm đầu. Lịch sử Đảng Bộ Tri Tôn ghi rõ: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ với kẻ thù, vùng Bảy Núi đã xuất hiện nhiều tấm gương Anh hùng Khmer bất khuất, trở thành biểu tượng bất diệt trong lòng mỗi đồng bào. Có thể kể đến nữ Anh hùng Néang Nghé (xã Ô Lâm, Tri Tôn), 18 tuổi đã tổ chức hàng ngàn người Khmer kéo ra dinh quận trưởng đấu tranh trực tiếp với tên quận trưởng nổi tiếng tàn độc. Cũng có thể kể đến chị Có, chị Néang Danh, người trực tiếp chiến đấu với bọn 3K, giáo dục đồng bào phân biệt rõ ai là cách mạng, thương người Khmer, ai là tay sai phản động. Ngoài ra, còn có các anh Châu Pút, Châu Xương vận động cả gia đình cùng anh dũng chiến đấu vì cách mạng, có mẹ Việt Nam Anh hùng Néang Chel (xã An Tức, Tri Tôn) khuyến khích đứa con độc nhất theo bộ đội, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”(3).

Người Khmer An Giang có rất nhiều lễ hội gắn với Phật giáo Nam tông trong một năm như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Phật đản, lễ An cư Kiết hạ, lễ Chấm dứt mùa An cư Kiết hạ, lễ Ok-Om-Bok, lễ Rằm tháng Giêng âm lịch, lễ Dâng y. Mỗi lễ hội có những nghi thức và ý nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung hết độc đáo và luôn lấy chùa làm trung tâm tổ chức nghi thức lễ hội. Đến ngày lễ hội, bà con Khmer quần tụ về chùa tham gia cùng đội ngũ sư sãi tụng Kinh niệm Phật và nghe giảng kinh. Lễ hội là dịp để người dân tổ chức vui chơi, múa hát và trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Gần đây, nhiều lễ hội của bà con Khmer An Giang, điển hình như lễ Ok- Om -Bok và hội Đua bò đã được nâng lên cấp khu vực, chính nhờ đó mà góp phần đưa lễ hội văn hóa Phật giáo Khmer lên tầm cao mới trong hội nhập văn hóa. 

Trong mỗi Phum, Sóc Khmer ở An Giang thường có ít nhất một ngôi chùa. Tổng số chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại An Giang tính đến năm 2012 là 65 ngôi, trong đó có 45 chùa hệ phái Mahanikay, 19 chùa hệ phái Thommazut. Ngoài ra còn có các chùa bị phá trong chiến tranh hiện chưa khôi phục lại, đó là hai chùa Thơ May (Mahanikay) ở xã Cô Tô và chùa Ka Răng (Thommazut) ở xã Châu Lăng thuộc huyện Tri Tôn, chùa Vê Răng Quynh (Mahanikay) ở xã An Hảo thuộc huyện Tịnh Biên. Đặc biệt có chùa chuyển hệ phái như chùa Prey Veng ở huyện Tri Tôn, Chùa Saminhnaram ở huyện Châu Thành lúc đầu thuộc hệ phái Mahanikay sau đó chuyển Thommazut(4).

Chùa đối với người Khmer An Giang rất quan trọng, ngoài chức năng sinh hoạt văn hóa, chùa còn có chức năng giáo dục và chức năng xã hội. Cả cuộc đời của người Khmer đều gắn với ngôi chùa. Theo truyền thống Phật giáo Khmer nói chung, con trai lớn lên phải vào chùa tu để để báo hiếu cho cha mẹ và học kinh Phật, học những điều hay lẽ phải để trở thành người có ích. Sau thời gian tu học, người con trai mang theo sự hiểu biết đã học nơi chùa mà phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của cha mẹ, phục vụ xã hội. Có thể nói rằng chùa là ngôi trường dạy nhân cách, tri thức, đạo đức cho thanh, thiếu niên để họ có những kiến thức gia đình và xã hội cơ bản nhằm thích ứng với xã hội. Ở An Giang gần đây, chùa còn dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Việt - Khmer, dạy nhạc ngũ âm và các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ngoài những ngày lễ, ngày tết, hàng ngày người Khmer An Giang cũng đến chùa lễ Phật, dâng cơm cho sư sãi. Hầu như trong tất cả các sự kiện lớn nhỏ trong gia đình người Khmer ở An Giang cũng đều có sự hiện diện của Phật giáo, cụ thể là có sự tham dự của sư sãi được gia đình mời đến chứng giám để cầu an và ban phước.

Người Khmer ở An Giang có tính cộng đồng rất cao khi tham gia lễ hội ở chùa. Khảo sát cho thấy, người Khmer An Giang trong mỗi phum, sóc mỗi lần có lễ hội đều thông qua Ban quản trị chùa thống nhất thời gian cụ thể để mang lễ đến chùa. Theo thời gian đã thống nhất, người Khmer của phum, sóc không phân biệt già trẻ, gái trai cùng nhau mang lễ vào chùa, cùng nhau làm lễ dưới sự hướng dẫn của các sư hay các achar. Chúng tôi tạm gọi hình thức này là đi chùa tập thể. Các ngày lễ dân gian như cầu mưa, lên đồng Neak Ta thu hút cả phum, sóc tham gia.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế thị trường cũng như hội nhập xã hội đã tác động không nhỏ đến lối sống của người Khmer. Ví dụ  như những thay đổi trong cách thức sinh sống và làm ăn. Người Khmer An Giang xưa sống tập trung ở các Phum, Sóc cụ thể. Mỗi Phum, Sóc lấy chùa làm trung tâm. Hiện nay do tác động của nhiều yếu tố như những thay đổi về cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, những thay đổi trong cách thức làm ăn sinh sống. Nhiều người Khmer chuyển nhà từ Phum, Sóc mình ra ở gần quốc lộ hay vào trong cộng đồng người Kinh, người Hoa để cùng sinh sống và làm ăn, buôn bán. Kiến trúc nhà ở của người Khmer An Giang truyền thống là kiểu nhà sàn làm bằng gỗ, thường thì thiết kế 3 gian lợp bằng lá cây thốt nốt hay ngói. Hiện nay những gia đình có điều kiện chuyển sang xây nhà bằng bê tông cốt thép như người Kinh. Trang phục cổ truyền của người Khmer An Giang là xà rông thì nay hầu hết người Khmer, đặc biệt là thanh niên ăn mặc chẳng khác gì người Kinh.

2. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG VIỆC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở VÙNG DÂN TỘC KHMER Ở AN GIANG

Người Khmer ở An Giang thiệt thòi hơn các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Do địa bàn sinh sống của họ chủ yếu sống ở vùng núi cao, xa xôi hẻo lánh nên rất khó phát triển kinh tế xã hội. Người Khmer ở An Giang còn phải di cư về các vùng Sóc Trăng, Trà Vinh … để tránh bị Khmer đỏ tàn sát năm 1989. Sau chiến tranh Biên giới, họ trở lại quê hương do không thích ứng với cách làm ăn vùng sông nước. Họ trở về với hai bàn tay trắng, nhà cửa và tài sản bị chiến tranh tàn phá. Cũng chính vì điều đó mà Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương rất quan tâm đầu tư cho dân tộc Khmer.

Quyết định số 816/QĐ-TTg, ngày 4/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp các hộ dân tộc Khmer nghèo không có đất hoặc thiếu đất sản xuất và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư được Chính phủ hỗ trợ là 150 tỉ đồng, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng là 62 tỉ đồng; cấp đất, chuộc đất sản xuất, cấp nhà tình thương và hỗ trợ các chính sách khác là 88 tỉ đồng; Chương trình 135 giai đoạn I với tổng giá trị thực hiện là 104.795 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương là 96.333 triệu đồng, vốn địa phương 8.462 triệu đồng.

Từ năm 1999 đến năm 2005, tỉnh đã thực hiện 252 công trình; trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã biên giới 157 công trình, xây dựng các Trung tâm cụm xã 95 công trình. Tỉnh An Giang đã đầu tư tổng số tiền là 51.445 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 41.090 triệu đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 8.255 triệu đồng, huy động khác 2.100 triệu đồng; đã xây dựng được tổng số 5.420 căn nhà và 54 công trình nước sinh hoạt gồm 05 hệ thống cấp nước tập trung và phát triển gần 57 km đường ống cấp nước, hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước cho từng hộ dân tộc, đến cuối năm 2008 từ Chương trình 134 đã bổ sung thêm 4.493 hộ dân tộc được cấp nước sinh hoạt đến tận gia đình(5).

Trong thời gian qua, các chùa Khmer đã cùng với các ban ngành trong tỉnh triển khai các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội như chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, dạy nghề… Kết quả của các chương trình này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt các Phum, Sóc, nhiều hộ dân thoát nghèo, đời sống vật chất tinh thần ngày càng nâng cao, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND tỉnh An Giang cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình nhằm nâng cao đời sống cho người Khmer như xây dựng Đề án chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2007- 2010. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer- Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia mà cụ thể là Chương trình 135, Quyết định 134 của Chính phủ đã được An Giang triển khai thực hiện quyết liệt trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào Khmer(6).

Người Khmer ở An Giang trồng trọt trên mô hình “Ruộng Rẫy”. Ruộng (srce) và rẫy (chomka) là mô hình sản xuất nông nghiệp cổ truyền căn bản của người Khmer ở An Giang. Ruộng để trồng lúa, rẫy để trồng cây ăn trái. Ruộng được phân chia thành hai loại là ruộng gò (srce tuool), loại ruộng này còn được bà con gọi bằng tên khác là ruộng trên (srce lơ). Loại ruộng này tập trung dưới chân núi. Loại ruộng thứ hai gọi là vùng trũng (srce chumrơn hay srce bâng). Loại ruộng này nằm sâu trong các vùng trũng. Rẫy là loại hình canh tác người Khmer xưa tiến hành đốt rừng lấy đất trồng trọt. Người Khmer ở An Giang chủ yếu trồng được cây màu như sắn, khoai lang.., năng suất thấp. Không cam chịu trước đời sống khó khăn của phật tử, các nhà sư Khmer hiện nay không chỉ là nhà tu hành, giảng kinh sách mà là những người đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao năng suất lao động, đổi mới cách thức làm ăn không hiệu quả của phật tử . Trường hợp sư cả Châu Sơn Hy (chủ trì chùa Sà Lôn) là ví dụ điện hình nhất. Nhà sư đã vận động sư sãi, phật tử đào hồ nước ngọt phục vụ tưới tiêu, cải tạo đất hoang hóa để trồng cây ăn trái cao sản như cây xòai cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, hồng Thái Lan(7). Hay trường hợp sư cả Châu Diên chủ trì chùa Pothivung ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn. Sư đã cùng với địa phương phát động bà con Khmer ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất để nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, Sư cùng với Ban Quản trị chùa thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn phật tử tổ chức các nghi lễ, cúng viếng theo phong tục tập quán trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí. Song song với việc định hướng làm ăn, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, nhà chùa còn vận động phật tử đóng góp hơn 120 triệu đồng mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn kết hợp xây dựng bờ kè, rải đá bụi. Đồng thời, Sư còn vận động Nhân dân làm cột cờ, hàng rào xung quanh nhà, cải tạo vườn tạp, tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp trong phum, sóc và cộng đồng dân cư(8).

3. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER AN GIANG TRONG XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa mới trong cộng đồng dân tộc Khmer, Đảng ta khẳng định: “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa chùa chiền Khơme kết hợp với nội dung văn hoá mới. Ở những chùa có điều kiện, xây dựng chùa thành những trung tâm văn hóa - thông tin, hướng dẫn thực hiện nếp sống mới của đồng bào Khơme ở các phum, sóc, thành nơi thực nghiệm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nghiên cứu để đưa một số chùa Khơme có ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử và văn hoá vào danh mục xếp hạng của Nhà nước. Chăm sóc đời sống và giúp phương tiện làm việc đối với các vị sư sãi chủ trì các ban trị sự Hội phật giáo địa phương. Biểu dương, khen thưởng các vị sư sãi có công với nước, với dân”(9).

Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, hiện nay ở An Giang đang dấy lên phong trào xây dựng chùa văn hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trong số 64 ngôi chùa Khmer ở An Giang thì 22 chùa ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên được công nhận là chùa văn hóa cấp huyện, riêng huyện Tri Tôn đã xây dựng tiêu chí vận động và đã công nhận 19 chùa văn hóa(10).

Phật giáo Nam tông Khmer ở An Giang còn là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa Khmer, đặc biệt là chữ Khmer, đưa việc dạy chữ Khmer thoát khỏi vòng khép kín của sự “biệt truyền”. Đứng trước nguy cơ người Khmer không biết chữ Khmer, An Giang đã mạnh dạn đi tắt đón đầu trong công tác bảo tồn chữ Khmer bằng mô hình “Trường trong chùa”, sư là thầy giáo. Trước đây chữ viết của người Khmer chỉ có sư cả và phó sư cả mới được chính thức dạy chữ. Việc không biết chữ viết Khmer sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống của người Khmer. Đứng trước tình hình đó, UBND tỉnh An Giang, Tỉnh hội Phật giáo An Giang đã chủ trương và kết hợp với các chùa thực hiện phổ cập chữ Khmer. Ở An Giang hiện nay, việc cả người Việt, người Hoa và người Chăm ở An Giang biết chữ Khmer không còn là chuyện lạ.

Mô hình trường chùa tiêu biểu nhất là chùa Kup Plưng, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi mới mở lớp học chữ Khmer tại chùa chỉ thu hút những người quan tâm đến học. Để nâng cao hiệu quả, lúc đầu lựa những gia đình có chí ham học để làm gương, về sau ngày càng nhiểu người xin học. Đặc biệt chùa tài trợ toàn bộ kinh phí cũng như lo nơi ăn chốn ở cho học viên. Từ chùa Kup Plưng , phong trào học chữ Khmer nhanh chóng lan khắp 65 ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Các lớp học chữ Khmer đông đúc nhất là vào dịp hè, khi mà đội ngũ học sinh có dịp nghỉ để vào chùa tu học nhằm báo hiếu cha mẹ. Có chùa còn sáng tạo trong việc dạy chữ Khmer như dạy song ngữ (Việt- Khmer) như chùa Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên. Cách dạy này giúp học viên sử dụng tiếng Việt làm công cụ để tự học tiếng Khmer hiệu quả, nhất là đối với học sinh phổ thông và cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo. Việc dạy chữ Khmer trong chùa không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong đời sống tu học và sinh hoạt của đồng bào dân tộc mà còn góp phần thiết thực bảo tồn tiếng nói và chữ viết, giúp đồng bào có thể thể xem sách, báo và tài liệu bằng chữ Khmer. Do vậy không chỉ có nhà chùa mà từng người dân trong phum, sóc đều quan tâm đến việc học chữ Khmer. Dịp nghỉ hè hàng năm, chí ít mỗi chùa Khmer tổ chức 1-2 lớp dạy. Học sinh được cha mẹ tạo điều kiện tốt nhất nên rất phấn khởi. Còn nhà chùa, thì thấy trước được những tác động tích cực nên cũng dồn hết tâm sức để truyền đạt. Tuyệt với và thiết thực hơn nữa khi chính quyền An Giang cũng như  hai huyện Tịnh Biên và Tri tôn ủng hộ, đặc biệt là có sự tham gia của ngành giáo dục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các chùa ở An Giang tiến tới sẽ được dạy theo chương trình 450 tiết do Sở Nội vụ An Giang biên soạn, hỗ trợ các vị sư sãi đứng lớp 25.000 đồng/tiết; đồng thời mỗi lớp có được 15 bộ bàn ghế, bảng, phấn viết và vở để học viên theo học. Riêng kết quả học, đề nghị xuất Sở GD- ĐT An Giang cấp giấy chứng nhận tạm thời, giống như cán bộ - công chức hoàn thành khóa học tiếng Khmer(11).

Trước những tác động của xã hội, quan hệ giữa hệ phái Mahanikay và Thommazut ngày càng thông thoáng và gần gủi hơn. Theo truyền thống, chi phái Thommazut chỉ dành riêng cho giới quý tộc nên thời gian tu hành thông thoáng hơn. Giới quý tộc thường đến chùa tu vào thời gian rảnh rỗi, có thời gian rảnh rỗi lúc nào thì họ đến chùa tu lúc ấy. Thời gian tu hành cũng không quy định cụ thể, ai có thời gian rảnh rỗi nhiều thì tu lâu do đó có những người vào tu trong chùa Thomma- zut chỉ một vài ngày lấy lễ. Chi phái Mahanikay quy định về tu hành ngặt nghèo hơn, tu theo hai giới rõ ràng, thời gian tu học cũng quy định rõ ràng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì hiện nay rất ít có sự khác biệt giữa hai hệ phái này. Ví dụ như lịch sinh hoạt trong thờ gian An cư kiết hạ. Trong thời gian an cư kiết hạ, lịch sinh hoạt của các sư Khmer như sau: 5 giờ sáng tụng kinh niệm Phật, 9 giờ đến 11 giờ đi khất thực, trước 12 giờ tiến hành dùng Ngọ, 13 giời 30 phút học chữ Pali, 4 giờ làm vệ sinh chùa, 17 giờ tụng kinh niệm Phật, 19 giờ học kinh cho đến 23 giờ thì nghỉ ngơi. Trong thời gian này, nếu sư nào gặp những sự việc của bản thân và gia đình không thể vắng mặt được như hiếu, hỷ, bênh tật thì vẫn được châm chước cho về thăm gia đình hoặc đi chữa bệnh.

Lễ hội truyền thống Phật giáo của người Khmer An Giang hiện nay cởi mở và giản đơn hơn trước những vẫn giữ được truyền thống. Hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer An Giang vẫn duy trì các ngày lễ cơ bản, tuy nhiên thời gian tổ chức cũng như các nghi thức được được rút ngắn và cắt bớt để tiết kiệm thời gian và kinh phí. Hiện nay, tham gia lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer ở An Giang không chỉ có người Khmer mà có cả người Việt, người Hoa, người Chăm và khách thập phương (trường hợp các lễ cấp quốc gia). Điều này chứng tỏ nghi lễ Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng quan trọng và vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng Khmer. Trong lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer ở An Giang không hề có hiện tượng xem bói, xin xăm như trong các lễ hội của người Kinh và người Hoa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay một số nghi thức lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer được bỏ qua do không cần thiết như thay vì dâng lễ nhiều lần thì nay dâng lễ một lần theo thời gian thỏa thuận giữa Ban quản trị chùa với cộng đồng Phum, Sóc và đã được sư cả chủ trì đồng ý. Ví dụ ở chùa Thommit, người Khmer dâng lễ cúng cho ông bà ở chùa thường vào 9 giờ sáng theo một ngày quy định trong tháng

8 âm lịch. Ngày xưa các nghi lễ gắn với việ xây dựng chùa rất nhiều, tổ chức linh đình tốn kém, ngày ngay được tổ chức rút gọn lại. Các công trình xây xong rồi tổ chức lễ một lần như lễ kết giới, lễ an vị tượng Phật. Tuy nhiên tùy vào điều kiện kinh tế của cộng đồng Phum, Sóc cũng như kinh phí của chùa mà quy mô của lễ lớn hay nhỏ. Mặc dù thời gian cũng như các thủ tục không cần thiết trong nghi lễ được loại bỏ nhưng tính nghiêm túc, tính thiêng liêng của lễ vẫn không ảnh hưởng, bà con Khmer vẫn rất coi trọng và tham dự các nghi lễ đầy đủ theo truyền thống.

Một nét độc đáo “hiếm thấy” trong đời sống tu tập của sư sãi Khmer ở An Giang đó là quan hệ giữa sư sãi và các tổ chức chính trị xã hội rất gần gũi. Ngôi chùa vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo, đồng thời vừa là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội, là nơi tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Pháp luật Nhà nước. Trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, bảng niêm yết danh sách đều được bố trí tại chùa, sư sãi còn là những người tư vấn cho bà con về danh sách cử tri. Những sư sãi tu học trong chùa đang trong tuổi đoàn đều được tạo điều kiện sinh hoạt đoàn cùng với chi đoàn ấp. Có những nhà sư được tạo điều kiện để phấn đấu đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số 20 ngôi chùa chúng tôi khảo sát, hàng năm đều tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội của ấp. Nhiều chùa còn tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri trong các kỳ bầu cử như chùa Răng Chai ở xã Tấn Lợi, chùa Thom Mít ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên… Đặc biệt ở chùa Răng Chai, trong hai năm gần đây nhà chùa cùng với phòng Nội vụ huyện Tịnh Biên tổ chức được 3 buổi nói chuyện chuyên đề về dân tộc và tôn giáo. Nhiều chùa còn cùng với địa phương tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh trong đội ngũ sư sãi và Phật tử Khmer như chùa Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên.

4. MỘT VÀI KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Phật giáo Nam tông Khmer An Giang có hai chi phái đó là Ma-hanikay (Bình dân) và Thommazut (Hoàng gia), là một phần rất đặc biệt của Phật giáo Nam tông Khmer ở khu vực ĐBSCL. Hiện nay trên toàn tỉnh An Giang có 65 chùa Khmer, trong đó có 19 chùa Thomma- zut, số còn lại là Mahanikay. Các chùa tập trung chủ yếu tại hai huyện Tri Tôn 36 chùa, Tịnh Biên 25 chùa, Châu Thành 2 chùa, Châu Phú 1 chùa(12). Hiện nay đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông vẫn xem chùa là nơi linh thiêng, nơi để bày tỏ lòng tôn kính, kính trọng sư sãi và là nơi thể hiện văn hóa, phong tục tập quán dân tộc. Xuất phát từ điều này, việc nghiên cứu sâu về những vấn đề cụ thể đối với Phật giáo Nam tông Khmer An Giang như lịch sử, kiến trúc, lễ hội, nghi lễ, đời sống tu tập, kinh sách, chi phái của Phật giáo Nam tông Khmer An Giang là điều rất cần thiết trong việc giữa gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer ở An Giang trong xu thế hội nhập.

Cũng như những nơi có người Khmer sinh sống ở ĐBSCL, ngôi chùa Khmer vẫn được xem như bảo tàng văn hóa của người Khmer ở An Giang. Nghi lễ Phật giáo Nam tông Khmer An Giang hiện nay không còn giới hạn trong cộng đồng Khmer thuần túy, bằng chứng là tham dự lễ hội không chỉ có người Khmer mà có cả người Việt, người Hoa, thậm chí cả người nước ngoài. Điều này thể hiện lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer An Giang không chỉ phục vụ nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh của người Khmer mà còn phụ vụ nhu cầu của Phật tử Phật giáo nói chung và những người quan tâm. Thực tế này cho thấy việc đầu tư cũng như nâng cấp các lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer là cần thiết.

Hiện nay đời sống tu tập của sư sãi Khmer ở An Giang có nhiều thuận lợi, những thuận lợi ấy bắt nguồn từ những chủ trương của GH- PGVN đối với Phật giáo Nam tông Khmer và sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương thông qua các chương trình quốc gia, các chương trình của UBND tỉnh An Giang. Cũng nhờ những chương trình này mà trong thời gian qua đời sống vật chất và tinh thần của Phật tử Khmer ngày càng nâng cao, truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer nhờ đó luôn được giữ gìn. Tuy nhiên một thực tế không thể chối cãi là đa số Phật tử Khmer ở An Giang có đời sống kinh tế xã hội khó khăn. Do sinh sống ở địa bàn bán sơn địa, điều kiện sinh sống sống không thuận lợi như người Khmer ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Hơn nữa người Khmer An Giang còn thiệt thòi hơn người Khmer ở các vùng khác là chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh biên giới như nhà cửa bị đốt, ruộng vườn bị tàn phá. Sau một thời gian tản cư để tránh thảm họa do Khmer đỏ gây ra, họ trở về địa phương với hai bàn tay trắng và tất cả mọi thứ phải làm lại từ đầu. Do đó, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần của bà con Khmer ở An Giang. Phát triển kinh tế, xã hội là cơ sở để thực hiện chính sách dân tộc, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.

Đặc biệt do bà con Khmer ở An Giang chủ yếu sống dọc biên giới với Campuchia, giữa họ có quan hệ dân tộc, tôn giáo. Thực tế này đòi hỏi việc tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và đồng bào dân tộc Khmer về pháp luật Việt Nam, pháp luật Campuchia, đặc biệt là chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đi đôi với việc phổ biến tình hình thời sự trong nước và thế giới, tuyên truyền quyền lợi và nghĩa vụ công dân, cần tổ chức đấu tranh chống những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề lịch sử, vấn đề dân tộc và tôn giáo và những sai sót của cán bộ hòng xuyên tạc, gây chia rẽ, kích động hằn thù dân tộc, gieo rắc hoang mang trong nhân dân, phá hoại việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức và giúp đỡ đồng bào có nguyện vọng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia thăm viếng bà con và người thân quen đúng pháp luật của Nhà nước và quy chế qua lại đường biên giới giữa hai bên, vừa thuận tiện cho đồng bào vừa bảo vệ được an ninh quốc gia và an ninh của nước láng giềng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan An (1985), “Nghiên cứu về người Khmer ở Đồng bằng Sông cửu Long (ĐBSCL)”, Tạp chí Dân tộc học, Số 3.1985.

2. Phan An, Nguyễn Xuân Nghĩa (1981), Dân tộc Khmer. Trong các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

3. Phan An, “Một số vấn đề của Phật giáo Khmer Nam bộ hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 2 năm 2005.

4. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang 1927 - 1975, tập 1, tập 2, Lưu hành nội bộ tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang.

5. Ban tuyên giáo Huyện Tri Tôn (2007), Lịch sử Đảng bộ huyện

Tri Tôn, An Giang: Văn Nghệ An Giang.

6. Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Phum sóc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

7. Nguyễn Đức Hiệp (2007), An Giang đôi nét văn hóa đặc trưng vùng bán sơn điạ, Hà Nội: Nxb. Phương Đông.

8. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Sài Gòn.

9. Lê Hương (1967), Sử liệu Phù Nam, Nhà sách Quỳnh Lâm.

10. Lê Hương (1968), Sử liệu Chân Lạp, Sài Gòn.

11. Phan Văn Kiến (2008), Lịch sử địa phương An Giang, Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

12. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Hà Nội: Nxb. KHXH.

13. Đinh Văn Liên (1980), “Thử tìm hiểu các loại họ của người Khmer phân bố trong các vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Dân tộc học, Số 4/1980.

14. Võ Thế Lưu (1969), Người Việt gốc Miên, Luận văn đốc sự 13, Học viện Quốc gia Hành chính.

15.Thiện Minh (2003), “Một số đặc điểm trong sinh hoạt của Phật giáo Nam tông”, Nguyệt san Giác ngộ, Số 88- tháng 7/2003

16. Sơn Nam (2004), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Tp Hồ Chí Minh: Nxb.Trẻ.

17.Sơn Nam (1984), Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An

Giang, Tp Hồ Chí Minh, Nxb.Trẻ.

 


(*). P. Trưởng khoa Khoa học chính trị - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

(**). Giảng viên khoa Khoa học chính trị - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

1. UBND tỉnh An Giang (2013), Địa chí An Giang, Long Xuyên, tr 221

2. Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Phum sóc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội: Nxb. Giáo dục,tr.57

3. Ban tuyên giáo Huyện Tri Tôn (2007), Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn, An Giang: Văn Nghệ An Giang, tr. 75- 92.

4. Theo các nhà nghiên cứu, thuật ngữ Mahanikay dùng chỉ hội chúng đông, không phải là giáo hội hay tông phái khác . Theo nghĩa này thì Mahanikay có nghĩa là chi phái lớn hay chi phái phổ thông hay bình dân. Theo giải thích của HT Châu Ty, Mahanikay là chi phái bình dân, tức là tu học thông thoáng hơn chi phái Hoàng gia (Thommazut) . Xem Thiện Minh (2003), “Một số đặc điểm trong sinh hoạt của Phật giáo Nam tông”, Nguyệt san Giác ngộ, Số 88- tháng 7/2003.

5. Kế hoạch số 24 của UBND tỉnh An Giang về  Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang đến năm 2010 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1987/ QĐ-UBND ngày 03 /9/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

6. Quyết định 509 của UBND tỉnh An Giang về  việc Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của huyện Tịnh Biên - tỉnh An Giang.

7. Nhất Định Được, Một nhà sư làm kinh tế giỏi, Dân tộc và Phát triển, 23/02/2006.

8. Dẫn theo Ngôn Chuẩn, Đồng bào Khmer góp sức xây dựng quê hương, Báo An Giang, Thứ tư, 10/12/2014.

9. Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18/04/1991 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.

10. Thu Trang (2011), “An Giang: Công nhận 22 chùa văn hóa của đồng bào Khmer”, bài viết đăng trên  trang điện tử Giác ngộ: http://www.giacngo.vn

11. Dẫn theo Thanh Bách, Bảo tồn, phát huy chữ Khmer: “Trường trong chùa” ở An Giang, Báo Lao Động, 15/12/2010.

12. Trước đây chi phái Thommazut chỉa có 17 chùa, hai chùa Mahanikay ở huyện Châu Thành do không có sự chủ trì nên phải thỉnh sư chủ trì theo chi phái Thommazut nên hai chùa này chuyển từ Mahanikay sang Thommazut.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6058212