Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN ĐI LÊN TỪ PHẾ TÍCH

 

DƯƠNG KINH THÀNH*

 

Tôi chưa có dịp đến xứ Nghệ, nơi sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt, làm rạng danh cho đất nước. Tôi chỉ biết vùng đất địa linh nhân kiệt này qua câu ca “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Rồi qua các tài liệu, các tư liệu và qua sách vở, tôi còn biết thêm có một xứ Nghệ khác, một xứ Nghệ mộc mạc nhưng không kém phần thi vị:

Mời anh về xứ Nghệ quê em

Để được nghe mô, tê, răng, rứa

Cùng em đi bẫy chim trưa hạ

Cơn gió Lào thổi rát cả hàng tre[1]

 Người Nghệ An vẫn tự hào về vùng đất đã sinh ra mình và không ngại ngần mời gọi người thương cùng về.

Về làm dâu xứ Nghệ đi em

Về để nghe câu gừng cay muối mặn

Đất Thành Vinh quê anh chất phác…[2]

Đất và người Nghệ An là vậy đó, nhưng có lẽ tôi thương nhất là cái chất chân thật của người xứ Nghệ, giống như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã khắc họa, xin trích:

Nói giọng thì nặng như  bổ củi

Mô, tê, răng, rứa nghe nhức đầu

Được cái trời cho tài chịu khó

Nhà tranh cơm độn chẳng kêu đâu!...

Đã nói khi nào thì cũng nói to

Đã nhìn ai thì nhìn thẳng mặt

Biết bao nhiêu bận bị mất lòng

Đánh chết cũng không chừa thói thật…[3]

Địa danh Nghệ An (châu) đã  xuất hiện từ đời Lý Thái Tông năm 1030 thay cho tên Hoan Châu (cùng Hà Tỉnh thời Bắc thuộc) từ mấy trăm năm về trước(năm 627). Tiếp theo sau đó là những  thay đổi nhỏ từng thời như Xứ Nghệ (năm 1490 thời vua Lê Thánh tông); thời Tây Sơn  còn có  tên Nghĩa An trấn; rồi đến Trấn Nghệ An (năm 1831 vua Minh Mạng chia Trấn Nghệ An thành hai tỉnh là Nghệ An (Bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (Nam Sông Lam). Hai tỉnh này tồn tại cho đến năm 1976 thì được sáp nhập thành Nghệ Tĩnh. Cho đến năm 1991 hai địa danh của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mới được trả lại và tồn tại cho đến tận hôm nay[4].

Nếu ngược dòng thời gian trước năm Thiện Thành thứ 3, đời Lý Thái Tông về trước, bao gồm cả các thời gian bắc thuộc cho đến tận thởi Hùng Vương thì Nghệ An còn  có rất nhiều tên khác nữa, thậm chí từng là kinh đô của nước độc lập cổ đại Việt Thường ở chân núi Hồng Lĩnh[5].

Những gì tôi biết về Nghệ An là  thế đấy. Những cái biết qua văn thơ, qua sách sử nhưng cũng đủ đọng lại trong tâm khảm tôi những hình ảnh đẹp và thật vô cùng. Trong quá trình lịch sử dày đặc, hình thành nên địa danh Nghệ An đó, tất nhiên  trong khía cạnh đời sống và lối sống con người  Nghệ An nền đạo dức  chuẩn mực  chung  của  con cháu Lạc Hồng đã được định hình như bao vùng miền khác .

Từ trong tình cảm đó, tôi luôn ưu tư về tính chất quan trọng làm nên nhân cách con người Nghệ An là giá trị nhân bản của nền đạo lý Tam giáo mà trong đó Phật giáo luôn đóng vai trò chủ yếu, ít nhất cũng  kể từ thời Lý, nền tảng đạo đức Phật giáo đã được chan hòa nơi này. Vai trò đó đã song hành chung cùng đất nước, dân tộc hơn hai ngàn năm qua. Riêng ở đất Nghệ An này điều đó chỉ còn được thể hiện qua nhiều di tích Phật giáo, mà hiện nay một số nơi đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo dòng lịch sử hình thành đất Nghệ An, Phật giáo Nghệ An luôn đồng hành với mảnh đất thân yêu này. Cũng có những bước thăng trầm, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, con người và Phật giáo Nghệ An luôn  gắn mình vào trong tình thương yêu hết lòng và bảo vệ tổ quốc triệt để. Chỉ đọc những trang sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Nghệ An luôn là đầu mối tạo nên các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Lương không thiếu một câm, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” … Phật giáo Nghệ An, ngoài ý chí xuất trận cao cả của tăng chúng “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” còn có những hy sinh không tiếc cơ sở chùa chiền cho kháng chiến.

Và vì thế, những gì còn lại của Phật giáo Nghệ An như đã nêu chỉ còn là phế tích. Tuy chùa chiền còn lại rất ít, có thể tính trên đầu ngón tay như chùa Đại Tuệ, chùa Phổ Nghiêm, chùa Cần Linh, chùa Chung Linh, chùa Cổ Am, chùa Ân Hậu, chùa Tập Phúc… Nhưng văn hóa Phật giáo Nghệ An, dòng mạch đạo Pháp vẫn hiện hữu trong tấm lòng người dân xứ Nghệ.

Chùa Đại Tuệ. Ngôi chùa này nay chỉ còn là phế tích, thuộc địa phận huyện Nam Đàn. Theo sách Nghệ An cổ lục: Thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng lóa, hình như Sao Chổi. Sao hóa đá, đá ấy rất thiêng..”. Đây là ngôi cổ tự có từ đời vua Mai Hắc Đế đánh quân nhà Đường (năm 627 sau CN). Chùa Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ, tức đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiểm, Tuệ Lực, Tuệ tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Ngôi chùa này có những nét lịch sử rất đặc biệt như :

- Đây là ngôi chùa duy nhất trên đất nước ta có thờ Phật Bà Đại Tuệ.

- Trước chùa có một “Thạch Ngai”(tảng đá lớn rất giống ngai vàng) không ai dám ngồi vì cho rằng đây chính là nơi xưa kia Hồ Quý Ly và vua Quang Trung từng ngồi.

- Thế kỳ XV, chùa được Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.

 - Thời Quang Trung Nguyễn Huệ, trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh (1789) đã dừng chân tại đây, chiêu mộ thêm binh sĩ và luyện tập võ nghệ. Bãi đất trước chùa hiện nay có tên Bãi Tập là từ sự kiện này.

Quang trung Nguyễn Huệ còn được sư thầy chùa Đại Tuệ hiến kế, chỉ đường đi theo lối thượng đạo Nộn Băng, vừa tránh được tai mắt kẻ địch, vừa rút ngắn đáng kể hành trình tiến đánh Thăng Long. Sau này khi hoàn thành đại nghiệp và lên ngôi, Quang Trung  xuống chiếu cắt hai mươi mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng có điều kiện chăm lo hương khói, lễ bái quanh năm. Cánh đồng dưới chân núi Đại Huệ hiện nay vẫn còn đó tên gọi ruộng Chùa.

Trong khuôn viên chùa Đại Tuệ, cách trung tâm 40m về hướng Đông, hiện vẫn còn hai ngôi mộ lớn được ghép bằng đá, người dân cho rằng  ngôi mộ nằm cạnh chùa nhất là của sư thầy, ngôi mộ nằm ngoài là của Hoàng đế Cảnh Thịnh – Nguyễn Quang Toản (?).

Từ các nguồn sử liệu quý giá này, khẳng định giá trị văn hóa lịch sử tâm linh Nghệ An, và thể theo nguyện vọng của tăng ni Phật tử xứ Nghệ, UBND tỉnh nghệ An quyết định phục dựng lại chùa Đại Tuệ. Ban Vận Động xây chùa Đại Tuệ được thành lập ngày 16/6/2010 do trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (nguyên tư lệnh Quân Khu bốn) làm trưởng ban.[6]

Chùa Phổ Nghiêm : Chùa còn có tên là Hoàng Lao hay Trung kiên, tọa lạc ở làng Trung Kien, xã Nghi Thiết, Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Chùa được dựng vào thế kỷ XVII (1690), đã được trùng tu nhiều lần. Chùa có một phiến đá to cao 107cm có hình dáng giống một vị sư nên dân gian thường gọi là Tượng Sư Đá. Chùa còn có bia cổ, giếng cổ. Chùa đã được Bộ Văn hóa –Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Chung Linh: Theo chứng tích lịch sử, chùa này đã có trên 500 năm, tọa lạc trên núi Chùa, xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trải qua bao dâu bể và sự vô tâm của con người, chùa Chung Linh xưa không còn nữa, chỉ còn lại tấm bia đá. Trong tâm tưởng người dân, Chung Linh cổ tự như vẫn còn trên một vùng quê này với tên gọi thân thương: Chợ Chùa. Trước sự hoài vọng về một quá khứ tốt đẹp của PGNA nói chung và chùa Chung Linh nói riêng, ngày 20/12/2010, UBND Tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phục dựng lại ngôi chùa  này. Ngày 17/4/2011 đã làm lễ động thổ. GHPGVN đã bổ nhiệm Đại Đức Thích Quảng bảo đảm nhiệm chức trụ trì chùa Chung Linh[7].

Chùa Cổ Am: Chùa nằm trên địa bàn xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An. (Lèn Hồ Lĩnh- nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai). Chùa có niên đại 600 năm.     

Trải qua thời gian, chùa Cổ Am chỉ còn lại dấu tích nền móng và bia đá, lư hương đá, cùng chuông đồng nằm lẫn lộn trong cỏ dại.

Năm 1994, Bộ Văn hóa –Thông tin công nhận di tích lịch sử quốc gia theo QĐ số 3211/QĐ/BT ngày 12/12/1994. Năm 2010, UBND trỉnh Nghệ An ban hành quyết định phục dựng chùa Cổ Am, theo Quyết định số 2802/QĐ.UBND-NC, ngày 30/6/2010. Đồng thời công nhận Đại Đức Thích Tâm Thành là sư trụ trì chùa Cổ Am (văn bản số 5255/UBND-NC ngày 08/09/2011).[8]

Chùa Ân Hậu: thuộc xã Nghi Đức, thành phố Vinh. Được biết, chùa có bề dảy lịch sử 700 năm, khơi nguồn từ một nhũ mẫu của hoàng đế Trần Duệ Tông. Sau khi rời kinh thành bà đã về quê cùng nhân dân địa phương xây dựng chùa này tại làng Ơn, xã Ân Hậu, huyện Châu Phúc (nay thuộc xã Nghi Đức, thành phố Vinh).Đây cũng là nơi hai cận thần của vua Trùng Quang đế (thời nhà Trần) Trương Quốc Điển, Trần Văn Định lánh nạn vào chùa xuống tóc rồi xuống tóc đi tu. Chùa đã bị hư hoại theo thời gian, chỉ còn lại vài thảo am lụp sụp thờ Phật và hơn một ha đất trồng tỉa hoa màu. Ngày 27/10/2009 (mùng 10/09/Âl) đã diễn ra lễ công bố Quyết Định phục hồi và bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí trụ trì chùa Ân Hậu.[9]

Chùa Tập Phúc: Ngôi chùa này được xây dựng trong nửa đầu thế kỳ XX (1926) do các nhà hảo tâm và Phật tử có lòng mộ đạo quyên góp. Tuy thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn” nhất nhưng chùa Tập Phúc không được may mắn bình yên như các ngôi chùa trên. Cho đến nay chùa cũng chỉ còn là phế tích. Đây là ngôi chùa diễn ra nhiều sự kiện lịch sử rất cần được phục dựng và tôn xưng xứng đáng với tầm vóc và giá trị mà nó đã đóng góp cho Nghệ An nói chung và PGNA nói riêng.[10]

Chùa Cần Linh: Còn được gọi là Chùa Sư Nữ. Chùa có quy mô tương đối lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An hiện nay, được Bộ VH-TT &DL chứng nhận di tích lịch sử  cấp Quốc gia.

Chùa xây dựng từ thời tiền Lê (năm 886) thuộc Làng Vang, tổng Yên Tường, huyện Hưng Nguyên. (Nay thuộc phường Cửa Nam, thành phố Vinh). Tương truyền do danh tướng đời Đường - Trung Quốc là Cao Biền, được cử sang nước ta làm Tiết Độ Sứ xây dựng và đặt tên là Linh Vân Tự.

Theo những dòng sử liệu gần đây nhất, chùa từng được hai vị vua triều Nguyễn là Tự Đức và Bảo Đại ngự giá. Trong đó, Tự Đức được coi là người đã có ý tưởng đổi tên chùa thành Cần linh như ngày nay với ý nghĩa mong muốn ngôi chùa linh thiêng này  gần gũi  hơn với nhân dân địa phương. Vì vậy, vua Tự Đức đã trao tặng bức hoành phi “Cần Linh tự” và từ đó trở thành tên gọi chính thức thay cho tên Linh Vân cũ.[11]

Trong những biến động thời cuộc, chùa Cần Linh cũng nhiều lần đứng nguy cơ bị tàn phá. Thế nhưng: tưởng rằng mất hết dấu tích Phật giáo nơi xứ Nghệ, song cũng như sức sống bền bỉ của con người Nghệ An, chùa Cần Linh tại thành phố Vinh còn lại tương đối nguyên vẹn và là ngôi chùa duy nhất  tại Nghệ An có sư trụ trì. Tiếng chuông, tiếng mõ đã lại được khơi lên, dù chỉ như một cánh én nhỏ chờ mùa xuân Phật pháp. Phật tử xứ Nghệ lại vân  tập về đây củng cố đạo lực sau bao năm chiến tranh gian khổ, từng bước khôi phục phát triển lan tõa về những phế tích Phật giáo vùng quê.[12]

Đất nước đã thống nhất 37 năm và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã tồn tại 30 năm qua. Thế nhưng PGNA lại chỉ mới chỉ chính thức hoạt động gần một năm nay và sự kiện đầu tiên là Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất, ngày 22-23/09/2011 (nhiệm kỳ 2011-2016). Đó là sự kiện lớn, đem lại niềm phấn khởi, hi vọng cho tăng ni Phật tử Nghệ An và cũng là điểm mốc đánh dấu sự hồi sinh trở lại của Phật giáo xứ Nghệ.



* Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

[1]. Nguồn: lamchame.com

[2]. Nguồn: lamchame.com

[3]. Lấy chồng xứ Nghệ

[4]. TheoWikipedia tiếng Việt

[5]. Theo cuocsongviet.com

[6].  ”Phục Dựng Chùa Đại Tuệ”, Theo Mai Thục, -http://newviert.com…

[7]. Theo quehuongngaynay.com/inder.php?vie…

[8]. Theo Nguyễn Trọng Tạo: http://nhathonguyentrongtao.Wordpress.com

[9]. Huệ Minh”Côngh Bố Quyết Địnhvà Bổ Nhiệm Trụ Trì chùa Ân Hậu”-Phattuvietnam.net

[11]. Bùi Hiển, “Ngôi Chùa Hàng nghìn Năm Tuổi”, Phattuvietnam.net. 

[12]. Viên Thức “Phật Giáo Nghệ An Hôm Qua Và Hôm Nay”.Phattuvietnam.net. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6757901