Thông tin

PHẬT GIÁO QUẢNG BÌNH TỪ NĂM 1946 ĐẾN 2009

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
NNC, Phó Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Phật giáo phía Bắc
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

 


Chùa Phổ Minh (Quảng Bình) được đại trùng tu vào ngày 21 tháng 5 năm Bính Tuất (2006),
đến ngày 26 tháng 1 năm 2007 thì hoàn tất và làm lễ khánh thành.

 

Bối cảnh lịch sử

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ba tháng sau, ngày 27 tháng 3 năm 1947 thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn hải, lục, không quân đánh chiếm tỉnh Quảng Bình. Trong một thời gian ngắn, quân Pháp đã thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc, tiến hành các vụ tàn sát đẫm máu. Quảng Bình trở thành chiến trường ác liệt, gian khổ và giữ một vị trí quan trọng trên địa bàn Liên khu IV1. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Liên khu IV, Đảng bộ tỉnh, nhân dân Quảng Bình đã biết vận dụng một cách sáng tạo trước mọi tình huống của chiến tranh, đồng thời tổ chức, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Đầu năm 1948, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, phá thế liên hoàn của ta. Hầu khắp đồng bằng các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, thị xã Đồng Hới, phần lớn huyện Bố Trạch, một phần ba huyện Quảng Trạch và vùng địa đầu huyện Tuyên Hoá đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, kiểm soát.

1. Hoạt động của Phật giáo Quảng Bình từ 1946 -1954

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Hòa thượng Hồng Tuyên, trụ trì chùa Phổ Minh, tham gia Phật giáo cứu quốc, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Ngài tổ chức đội y tế phục vụ chiến đấu ở các nơi. Chùa Phổ Minh là nơi che giấu nhiều cán bộ cách mạng về chùa họp bàn công tác. Có lần ông Nguyễn Đức Đẳng, Bí thư Thị ủy Đồng Hới về chùa họp thì bị giặc phát hiện, chúng bao vây chùa, nhưng Hòa thượng Phổ Minh đã nhanh ý, cho ông khoác áo cà sa, đội mũ nhà Phật ngồi trước hương án Tam bảo tụng kinh gõ mõ, giặc không phát hiện được, bỏ đi. Lần khác, ông Võ Ty (tức Cai Búa) Trưởng Công an thị xã Đồng Hới về chùa công tác cũng bị địch đánh hơi, Hòa thượng đã cho ông trèo lên nằm trên máng xối của nhà chùa và thoát nạn. Mấy lần lãnh đạo Thị về họp ở chùa hoặc các cán bộ trên chiến khu về liên lạc với cơ sở tại chùa đều được Hòa thượng và các nhà sư bảo vệ an toàn. Hòa thượng Phổ Minh không ngại nguy hiểm, gian nan, vẫn quyết tâm bảo vệ cán bộ cách mạng.

Tháng 6 năm 1948, Hội Việt Nam Phật học - hậu thân của An Nam Phật học hội trước đây được thành lập, đặt trụ sở tại số 1B đường Nguyễn Hoàng, Huế do cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm Hội trưởng. Hội bắt đầu nối liên lạc và tái thành lập các tỉnh hội và chi hội ở miền Trung. Từ năm 1949, Phật giáo Quảng Bình từng bước ổn định và phát triển, chùa Phổ Minh được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chi hội Phật giáo và Hội Phật học Quảng Bình. Chính trong thời gian này, chùa đã được Chi hội Phật giáo, Hội Phật học kết hợp với Hòa thượng Phổ Minh trùng tu lại quy mô hơn. Đến năm 1951, chùa được xây dựng thành 3 gian cao rộng, hai bên tả hữu của chùa còn được xây dựng thêm nhà Tăng, nhà Thiền rất khang trang. Kể từ đó, chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình.

Có lẽ Phật sự nổi bật nhất của Phật giáo Quảng Bình trong thời kỳ này là mở đại giới đàn tại chùa Phổ Minh ở thị xã Đồng Hới vào ngày 15 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1952) sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng.

Thành phần Hội đồng Thập sư như sau:

Đàn đầu: Hòa thượng Hồng Tuyên Chánh Giáo Từ Thông.

Yết ma A xà lê: Hòa thượng Từ Tường.

Giáo thụ A xà lê: Hòa thượng Huyền Cơ.

Tôn chứng: Đệ nhất: Đại sư Thiền Hải; Đệ nhị: Đại sư Thiền Chơn; Đệ tam: Đại sư Thiền Quang; Đệ tứ: Đại sư Thiền Viên; Đệ ngũ: Đại sư Pháp Tạng; Đệ lục: Đại sư Đồng Chơn; Đệ thất: Đại sư Thiền Ấn.

Dẫn thỉnh: Đệ nhất: Đại sư Thiền Phong; Đệ nhị Đại sư Thiền Thâm; Đệ tam: Đại sư Diệu Hạnh; Đệ tứ: Đại sư Diệu Thể.

Căn cứ vào hồng danh Tam sư, Thất chứng và Tứ vị dẫn thỉnh, ta thấy có đến 7 vị đệ tử của Hòa thượng Hồng Tuyên tham dự vào hội đồng Thập sư, trong đó có 6 vị ở ngôi Tôn chứng và 2 vị ở ngôi dẫn thỉnh. Điều này chứng tỏ rằng từ năm 1920 khai sơn chùa Phổ Minh đến năm 1952 hơn 30 năm nỗ lực đào tạo tăng tài, Hòa thượng Hồng Tuyên đã đào tạo được nhiều đệ tử xuất sắc am tường giới luật nên được mời tham dự vào Hội đồng Thập sư tại giới đàn này2.

9 giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1952, tại chùa Từ Đàm Huế Tổng hội đồng thường niên thứ XX Hội Việt Nam Phật học đã cử hành trọng thể dưới sự chứng minh của Ban Chứng minh Đạo sư và sự hiện diện của quý ngài tôn túc Đại đức, quý thầy Tăng già trong Sơn môn, quý thầy đại diện Phật học đường Trung Việt, quý Ni cô đại diện Ni trường Diệu Đức, quý vị sáng lập Hội Việt Nam Phật học, quý đại biểu các tỉnh hội, quý đạo hữu trong thành phố và trên 400 hội viên đại diện các Khuôn Tịnh độ thuộc Tỉnh hội Thừa Thiên. Cuộc hội nghị gồm có Đại biểu 9 tỉnh hội Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Viên. Hội nghị đã họp trong 4 ngày tại chùa Từ Đàm và Hội quán TTS, bế mạc vào ngày 13 tháng 2 năm 1952 lúc 18h15 với kết quả mỹ mãn.

Trong tháng 4 năm 1952, tỉnh hội Quảng Bình hoạt động hăng hái nhờ sự cộng tác chặt chẽ của các ban viên và sự giúp đỡ của các thiện tín. Hiện nay Tỉnh hội đang dự trù mở tại Đồng Hới chi nhánh của Trường Bồ Đề do Hội Việt Nam Phật học đã mở tại Huế.

Ban Văn hoá tỉnh hội đang cố gắng khuếch trương lớp Giáo lý hiện có ở Đồng Hới và phổ cập tinh thần Phật giáo trong giới trí thức và nam nữ Phật tử ở Quảng Bình.

Gia đình Phật tử hiện đang bành trướng ảnh hưởng trong hàng thanh niên trí thức và thiếu niên học sinh. Tình hình tiến triển khả quan. Số đoàn sinh nam nữ càng ngày càng đông.

Tỉnh hội đã thành lập thêm các phân hội tại địa hạt Lệ Thuỷ và Quảng Ninh.

Tại làng Tả Thiệp thuộc phủ Quảng Ninh, có nhiều gia đình đã giảm tục sát sinh và dung trai bàn trong buổi lễ cúng thường lệ.

Tại làng Lương Yến phủ Quảng Ninh, có nhiều gia đình mà người chồng quen sống với nghề đồ tể, còn người vợ mắc bệnh điên. Sau khi phân hội Phật học ở Lương Yến đã thành lập người chồng xin nhập Hội, bỏ nghề đồ tể và thường đến chùa hành lễ. Người vợ tuy điên, nhưng thường theo chồng đến chùa nghe kinh kệ, nay đã khỏi bệnh điên. Hai vợ chồng đã phát nguyện quy y và sám hối tội lỗi.

Năm 1952, trên cương vị Ủy viên Hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Trung Việt, thiền sư Thích Trí Thủ (1909-1984) đã đặt viên đá cho ngôi trường Trung, Tiểu học Bồ Đề đầu tiên của Hội tại Thành nội Huế. Từ đó về sau, các trường Bồ Đề từ bậc Tiểu học đến bậc Trung học được lần lượt ở các Tỉnh hội khắp Trung Việt, lan vào cả Sài Gòn. Năm 1953, một trường Bồ Đề bậc Trung học được lập ở Quảng Bình Quan (thị xã Đồng Hới)3, đã giúp giải quyết phần nào tình trạng thất học của thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ4.

“Ban Văn hóa Tỉnh hội đã khuếch trương Lớp Giáo lý cư sĩ hiện có ở thị xã Đồng Hới và phổ cập tinh thần Phật giáo trong giới trí thức và nam nữ Phật tử ở Quảng Bình. Gia đình Phật tử hiện đang bành trướng ảnh hưởng trong hàng ngũ thanh niên trí thức và thiếu niên học sinh. Tình hình tiến triển khả quan: số đoàn sinh nam nữ càng ngày càng đông. Tỉnh hội đã thành lập thêm các phân hội tại địa hạt huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh5.

“Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1952), một Lớp Giáo lý giành riêng cho phụ nữ mỗi chiều 30 và 14 mỗi tháng âm lịch trước khi làm lễ hồng danh tại chùa Hội quán theo lời thỉnh cầu của các khuôn hội ở Hà Trung, Ban Văn hóa Tỉnh hội tổ chức thuyết pháp 2 lần. Một lần tại làng Sa Động do đạo hữu Hoàng Minh Vui, một lần tại làng Mỹ Cảnh do đạo hữu Ưng An. Kết quả rất tốt đẹp. Khi về qua đò, ông Ưng An đã cứu được một em bé rơi xuống sông.

Phật sự ở Quảng Bình năm 1952 rất khả quan mặc dù có nhiều trở lực bên ngoài”6.

2. Phật giáo Quảng Bình từ 1954 đến 2009

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8 tháng 5 năm 1954, hội nghị Genève bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đêm ngày 21 tháng 7 năm 1954, hội nghị kết thúc, các bên tham gia hội nghị đã ký kết Hiệp định ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định, Việt Nam bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, miền Bắc từ sông Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở ra; phần còn lại là miền Nam.

Hòa bình được lập lại, Hòa thượng Phổ Minh quyết định không di cư vào Huế theo lời mời của đệ tử, mà ở lại Quảng Bình cùng tăng ni Phật tử tỉnh nhà khôi phục và phát triển kinh tế. Hòa thượng đã vận động tín đồ trong tỉnh chấp hành nghiêm Sắc lệnh số 234/SL Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng do Hồ Chủ tịch ký ngày 14 tháng 6 năm 1955. Điều 1 ghi rõ: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo…”.

Ngày 2 tháng 8 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 566 - TTg về việc thành lập các Ban Tôn giáo ở Trung ương (Phủ Thủ tướng), khu, tỉnh. Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng (nay là Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ) có nhiệm vụ: “Nghiên cứu kế hoạch thi hành những chủ trương chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, giúp Thủ tướng phối hợp với các ngành ở Trung ương và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện những chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo”. Theo đó, Ban Tôn giáo các tỉnh được thành lập, tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ… được biên chế 7 người.

Năm 1957-1958, ngài Lệ Hương (1912-1985) trở lại quê nhà ở thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình kiến lập phạm vũ, hoằng pháp lợi sinh, đặt tên là Đức Quang tự, thỉnh tượng Phật từ chùa Phổ Minh ra thờ. Tuy Phan Đăng, tác giả bài “Về bản kinh Thủy Sám chép tay của ngài Lệ Hương” không nói rõ ngài chép năm nào, từ sự việc ngài Lệ Hương được Bổn sư cho thụ Tam đàn Cụ túc tại Đại giới đàn Phổ Minh năm 1952, chúng tôi phỏng đoán ngài chép tay Kinh Thủy Sám khoảng từ 1953-19567. Đây là hiện vật quý của Phật giáo Quảng Bình.

Lúc bấy giờ trên miền Bắc có bốn tổ chức Phật giáo là Hội Việt Nam Phật giáo (hậu thân của Hội Phật giáo Bắc Kỳ), Hội Phật giáo Cứu quốc (thành lập cuối tháng 8 năm 1945) và Hội Phật tử Việt Nam (thành lập tháng 9 năm 1949), thống nhất các tổ chức Phật giáo trở thành vấn đề cấp thiết.

Sau một thời gian tuyên truyền vận động, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 năm 1958, Đại hội đại biểu thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tiến hành tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Trị sự Trung ương Hội gồm 45 vị (10 ghế dành cho đại biểu Phật giáo miền Nam) thực tế gồm 33 vị. Ban Trị sự đã bầu Ban Thường trực do Pháp sư Thích Trí Độ làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Tâm Thi, Thượng tọa Thích Đức Nhuận, Thượng tọa Phạm Đức Chính, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được bầu làm Phó Hội trưởng Hội PGTNVN. Đến ngày 28 tháng 4 năm 1958, Hội có tư cách pháp nhân (theo Nghị định số 167), được hoạt động trong toàn quốc.

Mục đích của Hội là “hòa hợp tăng ni, cư sĩ, các vị nghiên cứu Phật pháp để chung sức chung lòng: Hoằng dương Phật pháp, Lợi lạc quần sinh, Phụng sự Tổ quốc, Bảo vệ hòa bình”, cụ thể là:

- Phát huy lòng yêu nước

- Phát huy tinh thần “vô ngã vị tha” của đạo Phật

- Phục vụ lợi ích của nhân dân

- Thực hiện cương lĩnh của MTTQ Việt Nam góp phần củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà

Một thời gian sau, Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Quảng Bình cùng các Chi hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình có quyết định thành lập. Hòa thượng Hồng Tuyên, trụ trì chùa Phổ Minh làm Chi hội trưởng.

Từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 4 năm 1961 (Tân Sửu), Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Hà Nội. Hòa thượng Phổ Minh, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Quảng Bình và sư bà Đàm Dung, Ủy viên Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tháng 10 năm 1964, Đại hội Đại biểu lần thứ III Hội PGTN Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đoàn Đại biểu Hội PGTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình do Hòa thượng Phổ Minh dẫn đầu tham gia Đại hội. Ngài đã được suy cử vào Ban Chứng minh Đạo sư của Hội PGTN Việt Nam gồm 27 vị.

Hoạt động của Phật giáo Quảng Bình lúc đó như Báo cáo tại Đại hội Phật giáo lần thứ III xác định: “Đối với công cuộc xây dựng miền Bắc, giới Phật giáo ta đã nhiệt liệt ủng hộ và thi hành mọi chủ trương chính sách của Chính phủ. Các Phật tử của chúng ta với điều kiện và khả năng của mình đã tích cực tham gia xây dựng Hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa. Nhiều chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đã xuất hiện trong giới Phật tử. Đặc biệt nhiều chi hội, Ban Đại diện và cá nhân Phật tử đã có thành tích xuất sắc trong việc trồng cây và gửi tiết kiệm. Về trồng cây, theo thống kê của 11 tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hà Đông, Hà Bắc, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Bình, Hưng Yên, Sơn Tây và Nam Định đã trồng được 40.887 cây lưu niên, riêng Hà Nội đã trồng 11.334 cây. Hòa thượng Phổ Minh tỉnh Quảng Bình đã trồng 9 cây dừa và 2.000 cây khác8.

Từ 1965, trong khi Phật giáo Quảng Bình thực hiện phương châm hành động của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam là: “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”, thì đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cả dân tộc ta phải chiến đấu chống bọn ác ma xâm lược Mỹ rất oanh liệt và đã thắng lợi rất to lớn. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, Phật tử Quảng Bình có phần đóng góp xứng đáng.

Quảng Bình là vị trí đầu cầu giới tuyến. Quân và dân Quảng Bình nói chung, Phật tử Quảng Bình nói riêng, đã phải chịu nhiều tai họa do bọn ác ma xâm lược Mỹ gây ra.

Bom đạn Mỹ đã trút xuống khắp nơi, xuống cả chùa chiền, nhà thờ, bệnh viện, trường học, nhà giữ trẻ, mẫu giáo, các khu đông dân, các đồng ruộng, đê đập, v.v… thiêu hủy và phá hoại nhà cửa, tài sản của nhân dân, giết hại đồng bào. Tất cả các chùa đều bị phá hủy, có chùa bị địch đánh đi đánh lại nhiều lần như chùa Sùng Phước, chùa Linh Quang, chùa Trầm, chùa Vinh Phú9.

Đặc biệt như chùa Phổ Minh, bao gồm tòa chùa chính, nhà thờ Tổ, hai nhà Tăng, Cổng chùa, có gác chuông, có vườn cây lưu niên , trong chùa có nhiều tự khí có tính chất lịch sử, vì các chùa bị đánh phá đều thu thập về đây để bảo vệ. Nhưng giặc Mỹ đánh đi đánh lại nhiều lần, chúng đánh thì tu sửa, chúng lại đánh lại tu sửa có đến 9, 10 lần. Đến đêm ngày 3 tháng 8 năm 1968, bất ngờ vào lúc đêm khuya chúng cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá và ném xuống đây hàng chục bom phá, bom sát thương, hàng ngàn quả bom bi, bắn hàng chục loạt rốc két, phá nát cả khu chùa và 45 nóc nhà của đồng bào Phật tử ở xung quanh chùa. Tượng Phật, chuông mõ, kinh sách và tất cả đồ đạc tự khí nói chung đều hư hại10.

Trong hàng ngũ tăng ni có 11 vị hy sinh, hàng trăm tín đồ bị chết và bị thương. Nhưng tội ác của giặc càng nhiều thì tinh thần chống Mỹ cứu nước của Quảng Bình càng cao. Cả tỉnh đều tự nguyện thề với cả nước: “Dù Quảng Bình có bị tàn phá hết, có thể bị hy sinh lớn nhất để đồng bào miền Nam, đồng bào cả nước bớt tổn xương máu thì cũng vui lòng”.

Kể từ năm 1968, khi máy bay Mỹ ném bom phá hủy chùa Hội quán Phổ Minh, giết hại 11 tăng ni trong tỉnh và Hòa thượng Hồng Tuyên viên tịch cùng năm phong trào Phật giáo Quảng Bình lắng xuống cho đến khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Huế, rồi năm 1989 lại tách tỉnh thì phong trào Phật giáo tỉnh Quảng Bình vẫn chưa được phục hồi.

Qua một khoảng thời gian khá dài, sự mong muốn có một Tỉnh hội Phật giáo để được nghe giảng kinh thuyết pháp; được chung tay làm Phật sự, được dâng hương lễ Phật ở các chùa đã trở nên mạnh mẽ và cấp thiết.

Năm 2009, các tín đồ Phật tử ở thành phố Đồng Hới tiến hành vận động thành lập Tỉnh hội Phật giáo Quảng Bình. Đơn đề nghị được gửi lên cấp trên có thẩm quyền. Lãnh đạo tỉnh và Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam đồng ý cho phép. Ngày 7 và 8 tháng 11 năm 2009, Đại hội lần thứ nhất thành lập Tỉnh hội Phật giáo Quảng Bình được tiến hành và thành công tốt đẹp. Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình được thành lập do Thượng tọa Thích Tánh Nhiếp (trụ trì chùa bên thành phố Paksế tỉnh Champasăc, CHDCND Lào) làm Trưởng ban để dẫn dắt phong trào Phật giáo tỉnh Quảng Bình bước trên con đường mới, làm cho cuộc sống tâm linh của nhân dân thêm phong phú hơn, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. 

 


1. Liên khu IV gồm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

2. Dẫn theo Thích Như Tịnh, Khảo sát các dòng kệ truyền thừa thuộc thiền phái Lâm Tế trên đất Quảng Bình, đăng trong tạp chí Liễu Quán số 7 ra tháng 1 năm 2016, Nxb Thuận Hóa, tr.83.

3. Quảng Bình Quan là công trình kiến trúc gồm có cổng và hệ thống thành lũy được xây dựng năm 1630 để bảo vệ từ xa kinh đô Phú Xuân của chúa Nguyễn. Đây là một di tích kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Hiện đã được khôi phục như nguyên bản năm 1630.

4. Sau khi giải phóng Đồng Hới (tháng 8 năm 1954), Chính phủ chủ trương không có trường học tư thục, trường này đã giải thể.

5. Theo Viên âm số 114 ra ngày 8 tháng 5 nhuận Phật lịch 2515 (1952)

6. Theo Viên âm số 115 ra ngày 8 tháng 6 Phật lịch 2515 (1952).

7. Bộ Kinh gồm ba quyển thượng, trung, hạ, được chép bằng chữ Hán trên giấy bổi có in chìm hình cánh hoa và chữ thọ cách điệu hình tròn màu đỏ. Tất cả có 41 tờ (82 trang), mỗi trang chính văn được chép thành 6 dòng, mỗi dòng 17 chữ, có một số hình vẽ minh họa.

8. Báo cáo của Ban Thường trực Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ III (1964), đăng trong Kỷ yếu Đại hội, trang 20.

9. Báo cáo của Ban Trị sự Trung ương hội tại Đại hội 4 đánh giá: “Ở miền Bắc, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều vị tăng ni trẻ tuổi đã tạm gác áo cà sa tòng quân diệt giặc” Ở các địa phương, các tăng ni đã hết lòng chăm sóc thương binh, bệnh binh, chăm sóc những gia đình liệt sĩ, góp phần động viên thanh niên hăng hái lên đường giết giặc cứu nước. Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều vị tăng ni đã nêu tấm gương cao đẹp về tinh thần dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phật tử Quảng Bình luôn luôn tỏ lòng sắt son với Tổ quốc, vượt qua muôn vàn gian khổ cùng nhân dân đánh trả bọn cướp Mỹ và giành thắng lợi vẻ vang.

10. Hai năm sau, vào năm 1970, bấy giờ Hòa thượng Phổ Minh đã không còn nữa, được phép của chính quyền địa phương, bà con Phật tử lại đứng ra cùng nhau đóng góp công sức tiền của để dựng tạm lại ngôi chùa. Trong hoàn cảnh chiến tranh khó khăn lúc bấy giờ, cuộc sống bà con thiếu thốn nhiều mặt, nên chùa cũng chỉ được dựng tạm lại bằng những vật liệu thô sơ, chủ yếu là để có nơi thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng cho Tăng chúng và tín đồ Phật tử tại địa phương.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 357
    • Số lượt truy cập : 7079725