PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI Ê ĐÊ Ở ĐẮK LẮK HIỆN NAY
PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG
NGƯỜI Ê ĐÊ Ở ĐẮK LẮK HIỆN NAY
(Tiếp theo và hết)
THÍCH TỊNH QUANG
Điểm qua đôi nét về các tôn giáo lớn đã và đang có mặt trên vùng đất Tây Nguyên nói chung, buôn làng người Ê Đê nói riêng, có thể thấy rằng, ngay từ đầu, khi vừa du nhập vào Tây Nguyên, mỗi tôn giáo đều mang theo một ‘thiện chí” như nhau. Đó là, làm sao cho đời sống tinh thần của con người nơi đây tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn. Đó cũng là tinh thần chung của hầu hết các tôn giáo và các đấng giáo chủ sáng lập nên tôn giáo ấy. Tuy nhiên, do nhưng điều kiện khách quan, do tác động của hoàn cảnh lịch sử, chính trị ở mỗi quốc gia, dân tộc, đôi khi, đã khiến cho tôn giáo ấy bị biến đổi đi ít nhiều. Ở đây, Tây Nguyên lại là một vùng đất khá “nhạy cảm” về mọi phương diện. Do đó, không khó để lý giải vì sao các tôn giáo khi đến với vùng đất này thường bị “biến đổi” thành một phiên bản khác, có khi không còn giống với “bản gốc” ở nơi tôn giáo ấy đã được sinh thành.
Tuy nhiên, khác với các tôn giáo khác, Phật giáo đến với người Ê Đê, dù khá muộn, nhưng đây lại là tôn giáo hầu như không gây ra bất cứ “biến động” nào trong đời sống chính trị và cả tâm linh của đồng bào. Như vậy, điều gì đã giúp Phật giáo đi vào lòng người Ê Đê một cách “hòa bình” như hiện nay.
Với tộc người Ê Đê, có khá nhiều luật tục, có những niềm tin, những định chế cộng đồng khá nghiêm ngặt, một tôn giáo bất kì muốn “đi” vào lòng cộng đồng người Ê Đê, được đồng bào “đồng ý” đón nhận, ít nhất, tôn giáo ấy phải có những nét tương đồng nhất định. Hơn nữa, đây phải là những nét tương đồng về văn hóa truyền thống, về quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức… Trước tiên, hãy xem xét ở khía cạnh đạo đức xã hội. Luật tục của người Ê Đê quy định khá rõ về điều này ở chương I Điều 5: “Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”. Luật tục cho rằng: “Măng to vì có cây le tốt, cắc kè lớn nhờ có cây to, con cháu lớn khôn, nhờ có ông bà cha mẹ nuôi dưỡng, Mẹ đã có công đẻ, Cha đã có công dạy, Công mẹ nuôi nấng chăm sóc, Đêm thức ngày trông, kiếm cơm dẻo thịt ngon cho con, Từ khi mới đẻ cho đến trưởng thành, công cha gọi bà đỡ, công mẹ tìm thầy thuốc, để con ăn no ngủ khỏe, nuôi con lớn khôn thành người, nuôi con trai đến lớn có nghề, có vợ biết nuôi con nuôi vợ, nuôi con gái đến lúc ngực nở, biết nuôi con làm mẹ, nếu bỏ mẹ ở ngoài đồng, nếu bỏ cha ở ngoài sân, cái chuôi muốn to hơn lưỡi dao, trẻ con muốn hơn ba mẹ, con cháu muốn hơn cha mẹ, chặt cây tre đừng nên quá ngọn, không nên to tiếng với ông bà, bắp vế đã to cứ muốn đạp người cha, bắp đùi đã lớn cứ muốn chà người mẹ, uốn cán cuốc không thể nào cong, uốn cán rựa không thể nào thẳng, bố mẹ dạy bảo không thể chịu vâng lời, mẹ nói như ống tre nổ, là có tội với cha mẹ, là có lỗi với ông bà, trách nhiệm của con cháu, phải biết nuôi cha mẹ, phải biết trọng ông bà, biết sống vì tổ tiên, biết sống vì cộng đồng, chiêng kêu hay nhờ người đánh, trống vang xa nhờ người vỗ, Đạo làm con phải hiếu nghĩa với ông bà mẹ cha”1. Từ luật tục này, có thể thấy rằng, người Ê Đê rất xem trọng trách nhiệm của một con người đối với gia đình, cha mẹ, thân tộc. Tinh thần này rất gần với giáo lý Phật giáo về đạo hiếu của con người. Phật giáo đặc biệt xem trọng điều này, lấy đó làm chuẩn mực, thước đo giá trị con người. Sự tương đồng này chính là “tiếng nói chung” của Phật giáo và văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Đồng bào Ê Đê khi đến với giáo lý Phật giáo, nghe giảng giải về đạo hiếu, chắc chắn sẽ cảm thấy Phật giáo thật “gần” với tâm hồn mình, dân tộc mình. Đây chính là điểm đầu tiên tạo nên sợi dây liên kết giữa Phật giáo và cộng đồng người Ê Đê.
Còn một điểm tương đồng khác nữa giữa người Ê Đê và Phật giáo, đó là, cả hai đều rất thường xuyên nhắc đến, sử dụng con số 5 và 7 trong việc thực hành các nghi lễ của mình. Người Ê Đê quan niệm số 5 và số 7 là số tốt lành cho nên để thể hiện một sự ra đi dài dẵng nên họ hay nói: đã ra đi 7 ngày 7 đêm. “Người Ê Đê Adham ở buôn Triă, cũng như người Ê Đê nói chung, có một hệ thống lễ cúng mừng sức khỏe được tổ chức theo từng giai đoạn trong cuộc đời một con người, gọi chung là ngă yang asei meli, gồm có 7 lễ chính: wăt mnu kpiê (lễ với một con gà, một ché rượu), un boong kpiê tlâo (lễ với một con heo đực, ba ché rượu), un krieo kpiê eema (lễ với con heo thiến, năm ché rượu), un krieo kpiê kjuh (lễ với một con heo thiến, bảy ché rượu), êmô sa kpiê êma (lễ với một con bò, năm ché rượu), kbao ana kpiê eema (lễ với một con trâu, năm ché rượu), kbao knô kpiê kjuh (lễ với một con trâu, bảy ché rượu), được tổ chức lặp đi lặp lại nhiều lần trong một đời người, tùy theo khả năng của từng người”2.
Trong Phật giáo, khi Đức Phật sinh ra, Ngài liền đi 7 bước. Vào ngày lễ đầu năm mới, Phật giáo thường có lễ cầu an với 7 vị Phật Dược Sư và hướng về phương Đông. Trong khi đó, khi thực hành nghi lễ cho người chết thì cứ 7 ngày là cúng một thất, cúng đến 7 thất và lễ cầu siêu được hướng về thế giới phương Tây. Tương tự như vậy, với người Ê Đê, các nghi thức cúng sức khỏe đều cúng quay về hướng Đông còn khi thức ma chay như lễ bỏ mả thì quay về hướng Tây. Thật ra, trong tâm thức người phương Đông, hai con số 5 và 7 thuộc vào số những con số thiêng, những con số của niềm tin tâm linh. Điều này không phải là sản phẩm của riêng Phật giáo hay tộc người Ê Đê. Tuy nhiên, ở đây, sở dĩ chúng tôi chọn điểm tương đồng này để khảo sát và lý giải, bởi lẽ chúng tôi cho rằng, chính sự tương đồng ấy sẽ khiến người Ê Đê thấy rằng Phật giáo rất “quen” với đồng bào. Những gì giáo lý Phật giáo có, cuộc đời đều có, và đương nhiên, người Ê Đê cũng có. Tức là Phật giáo ở rất gần người Ê Đê, thậm chí ở ngay bên cạnh người Ê Đê. Không cần bất cứ nghi lễ, không cần một buổi cầu cúng nào, không cả những lễ vật hiến tế tốn kém, người Ê Đê vẫn có thể “mang” bình an, hạnh phúc từ chỗ giáo lý Phật giáo “về” nhà mình, lấy “nó” làm “vật sở hữu” của mình. Rất gần gũi, rất dễ dàng. Và, vô điều kiện.
Đối với các dân tộc ít người đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất đá vùng núi Tây Nguyên thì lễ hội cùng với các nghi lễ đã gắn liền xuyên suốt cuộc đời của họ. Nó được xem là một phần giúp con người giải tỏa những buồn phiền, mất mát trong cuộc sống và là minh chứng thể hiện nét độc đáo và riêng biệt của cả buôn làng. Còn đối với người dân Ê Đê ở Đắk Lắk nói riêng, họ còn xem những lễ hội này là một chất dính gắn kết mọi người trong làng lại với nhau, là một sợi dây vô hình kết nối giữa những người còn sống với các linh hồn tổ tiên. Điều ấy càng khiến cho ý nghĩa của các lễ hội này trở nên đặc biệt và không thể thay thế đối với người Ê Đê. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu về những tập tục của họ để thấy rõ được nét độc đáo của những buổi lễ nghi này và sự xuất hiện của Phật giáo trong lối suy nghĩ và cách người Ê Đê tổ chức lễ hội. Chúng ta có thể nhận thấy một cách dễ dàng những quy định trong lễ nghi của người Ê Đê xuất hiện từ lâu đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Phật giáo. Nó đã thấm nhuần và đan xen vào trong văn hóa xã hội của cả dân tộc và thể hiện thông qua các hoạt động lễ hội của người dân Ê Đê hiện nay. Sự tồn tại của Phật giáo đã góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các mặt về văn hóa, xã hội, đời sống và tư tưởng tiến bộ của người Ê Đê. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, thế nên trong bất kì hoạt động nào liên quan đến hệ thống vòng đời con người đều phải thực hiện các nghi lễ để tượng trưng cho cột mốc trôi qua của một đời người.
Lễ thổi tai
Cột mốc đầu tiên đánh dấu sự tồn tại của một người trong vòng đời là lễ thổi tai. Lễ thổi tai là một loại hình nghi lễ phổ biến của các dân tộc miền núi vùng Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Ê Đê trên cao nguyên Đắk Lắk. Thuyết luân hồi của đạo Phật hay còn được gọi là thuyết Samsara (luân hồi) sự sống và cái chết là quá trình xoay vần. Phật giáo cho rằng, sau khi sinh vật chết đi thì linh hồn sẽ tách khỏi thể xác và đầu thai dưới hình dạng của một thể xác khác. Người Ê Đê tin rằng khi một người ra đi thì linh hồn của họ sẽ thông qua cơ thể của đứa trẻ mới sinh khác trong cùng dòng họ để đầu thai làm người và tiếp tục sứ mệnh dang dở kiếp trước của mình. Thế nên, khi một đứa trẻ được sinh ra thì chưa thể có linh hồn. Ba mẹ đứa trẻ bắt buộc phải mời tất cả các người dân trong làng tụ tập trước sân nhà mình và mời thầy cúng để thực hiện nghi lễ này để chọn ra tên của người đã khuất trong dòng họ đặt tên cho đứa trẻ. Cuối cùng, thầy cúng sẽ thổi linh hồn này vào đứa trẻ như một cách để hồi sinh. Ngoài ra, người Ê Đê
cũng hy vọng rằng sau lễ thổi tai, đứa trẻ hiểu biết được chuyện đời và phân biệt được phải trái trong cuộc sống để khi lớn lên có thể trở thành người có ích cho cả cộng đồng và xã hội. Do vậy, khi thuyết Luân hồi đến với người Ê Đê được bà con dễ dàng chấp nhận.
Lễ kết hôn
Cột mốc quan trọng thứ hai trong vòng đời người Ê Đê đó là khi những đứa trẻ lớn lên và mong muốn xây dựng gia đình cho riêng mình. Theo luật tục của người Ê Đê, trai gái trong làng đều có quyền tìm hiểu nhau và tổ chức lễ kết hôn như bao dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, do văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê mang đậm đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Từ xưa phụ nữ được xem là biểu tượng quyền lực từ trong nhà ra đến xã hội. Vậy nên phong tục cưới xin của họ cũng mang nét độc đáo khi phụ nữ là người quyết định trong tất cả mọi việc. Từ tình yêu đến hôn nhân, rồi về quản lý gia đình đều do phụ nữ làm chủ. Đây được gọi là tập tục đi hỏi chồng và hôn nhân cư trú bên nhà vợ. Điểm đặc biệt và thú vị của lễ kết hôn chính là nghi lễ trao vòng cầu hôn. Sau khi tìm được chàng trai ưng ý thì cô dâu tương lai sẽ được mẹ đưa cho một chiếc vòng xem như là vật giao ước ban đầu giữa nhà trai và nhà gái. Chiếc vòng sẽ được gửi đến nhà trai cho đến khi được đồng ý. Trong trường hợp chàng trai nhất định không đồng ý thì lễ hỏi cưới sẽ được hoãn lại chờ đến sợi tơ hồng được nối nên duyên. Còn nếu như nhà trai đồng ý thì động tác trao vòng sẽ được thực hiện ngay trong nghi lễ hỏi chồng. Một khi cả hai người đều cùng chạm tay vào chiếc vòng thì họ đã có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Như vậy, hôn nhân của họ đều dựa trên tìm hiểu và sự phù hợp lẫn nhau, hoàn toàn không hề có sự thúc ép. Trong lúc đó, kinh Đại Bảo Tích, Phật có nói: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”. Do vậy, giáo lý Phật giáo cũng “dễ hiểu” với người Ê Đê. Gia đình của đôi trẻ sẽ được xây dựng dựa trên nhân duyên và họ sẽ cùng nhau đi đến hết cuộc đời bằng sự chia sẻ và thông cảm lẫn nhau. Còn đối với chiếc vòng, nó là biểu tượng của hẹn uớc cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng và là minh chứng cho tâm hồn đồng điệu của cặp đôi mới cưới. Sau khi lễ trao vòng kết thúc, gia đình bên trai và bên gái sẽ trở thành thông gia với nhau và chính thức sẽ nhờ dăm dei và ông mối (pô ba êlan). Nhiệm vụ của dăm dei và ông mối sẽ thay mặt gia đình hai bên thực hiện các lễ nghi còn lại để se duyên vợ chồng và còn đóng vai trò khuyên răn đôi vợ chồng phải sống biết quan tâm, tôn trọng lẫn nhau và kiên nhẫn cùng nhau duy trì mối quan hệ lâu dài bền vững. Đạo lý này của người Ê Đê rất giống với câu đức Phật đã từng răn dạy chúng sinh: “Để duy trì mối quan hệ lành mạnh, chúng ta cần nhiều thứ hơn là tình yêu”. Sự vun đắp và bao dung từ hai bên chính là chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nắm bắt và hiểu biết được tầm quan trọng của đạo lý này nên ngay từ khi mới làm đám cưới thì người dân đã nhờ dăm dei và ông mối (pô ba êlan) như người thúc đẩy và hàn gắn đời sống vợ chồng của đôi trẻ. Ngoài ra, người Ê Đê còn nghĩ ra những luật tục để đảm bảo duy trì hôn nhân bền vững và hạnh phúc cho mọi gia đình trong buôn làng. Với những luật tục nghiêm khắc như vậy dễ dàng để chúng ta nhận ra người dân Ê Đê hiểu được tầm quan trọng và thiêng liêng của tình yêu và hôn nhân gia đình.
Lễ tang, lễ bỏ mả
Phật giáo quan niệm về cái chết là sự chuyển tiếp của sự sống, là một quá trình ngược chiều mà ở đó chúng ta không thể tận mắt nhìn thấy sự xoay vần này. Nó chính là quy luật hiển nhiên vận hành của vũ trụ. Người Ê Đê bao đời nay cũng đã có và tuân theo đạo lý này mà tổ chức tang lễ tiễn đưa linh hồn sang thế giới bên kia khi có ai đó đi hết vòng đời ở trần gian. Chúng ta thường có suy nghĩ về lễ tang như một bước để đưa người chết về nơi chín suối, thế nhưng người Ê Đê
tin rằng linh hồn của người thân họ trước khi làm lễ bỏ mả vẫn còn quanh quẩn quanh nhà hoặc quanh mồ mả, chưa thể đoàn tụ cùng ông bà tổ tiên để đầu thai làm kiếp khác. Theo đạo Phật thì linh hồn của người chết này còn được gọi là Thân Trung Ấm – nghĩa là sau khi một người đã chết, thần thức của họ sẽ thoát khỏi cơ thể và trụ lại thế giới trung gian này một thời gian; sau đó Thân Trung Ấm mới tìm một nơi thích hợp với nghiệp báo của mình mà đầu thai. Vì vậy, trước khi làm lễ bỏ mả để chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ này thì người thân vẫn chuẩn bị cơm đem ra mộ hằng ngày và họ còn nói chuyện với những linh hồn đã khuất. Bằng cách này, người Ê Đê có thể biểu thị được sự kính hiếu của mình. Bên cạnh đó, thông qua lễ tang, tinh thần đoàn kết của cả làng cũng được thể hiện rõ nét khi có một người ra đi, tất cả người dân trong buôn đều được tụ tập trước nhà của tang chủ và không khí đau buồn, mất mát của gia đình sẽ nhanh chóng được xoa dịu. Đặc biệt, trong những ngày này, người dân sẽ ngừng các hoạt động lễ hội, ăn uống, vui chơi cũng như ngưng sản xuất và không mua bán gì. Tất cả sẽ cùng nhau đến an táng người chết, an ủi và phụ giúp gia đình mọi việc trong lễ tang.
Sau khi chôn cất ba năm, người Ê Đê sẽ tổ chức lễ bỏ mả để cắt đứt mối quan hệ giữa người sống và linh hồn người đã chết, để họ có thể trở về bên tổ tiên và tiếp tục sứ mệnh dang dở của mình bằng cách đầu thai ở thân thể đứa trẻ khác trong cùng dòng họ ở trần gian. Tại lễ hội này, vòng quay samsara sẽ chính thức quay vòng mới và điều đó cứ tiếp tục lặp lại trong vòng đời của một người Ê Đê. Chính vì lý do này mà lễ bỏ mả đặc biệt quan trọng với họ. Không còn không khí tang thương hay đau buồn, thay vào đó là một lễ hội mang màu sắc tươi mới với nhiều hoạt động mang đậm nét truyền thống của dân tộc Ê Đê
như âm nhạc cồng chiêng, nhảy múa, ca hát. Có thể nói lễ bỏ mả là lễ hội sinh động bậc nhất tại vùng đất Tây Nguyên. Điểm khiến chúng ta phải lưu ý chính là luật tục không thờ cúng ông bà tổ tiên của người Ê Đê. Điều này góp phần làm cho lễ bỏ mả càng thêm quan trọng. Thông qua việc tổ chức lễ hội, những người ở lại trần gian có thể làm tròn bổn phận của mình với các linh hồn đã khuất. Cách người Ê Đê thực hiện các nghi lễ cũng đã thể hiện họ không chỉ tôn trọng, hiếu thuận với người còn sống mà với người ra đi họ cũng thể hiện trọn vẹn chữ nghĩa và chữ tình.
Nhìn chung, những quy định riêng và luật tục của người Ê Đê đa phần phù hợp với những đạo lý, học thuyết mà Phật pháp bao đời nay đã răn dạy chúng sinh. Mặc dù trong chúng ta vẫn còn chưa lãnh ngộ được hết những gì Phật đã dạy, nhưng nó vẫn cứ như một luồng kiến thức của một xã hội cần có và luôn chảy trong tư tưởng của mọi người. Từ những điều nhỏ nhặt nhất, như về cách giáo dục con cái trong nhà cho đến những điều to lớn như cách con người đối nhân xử thế với nhau đều khắc họa một cách rõ nét sự tồn tại của Phật giáo trong cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk hiện nay. Không đao to búa lớn mà cứ nhẹ nhàng đong đưa như lời mẹ hát ru con, Phật giáo đã từ từ đi vào lòng người và trở thành những chuẩn mực của xã hội mà người Ê Đê đang tuân theo và khiến cho họ trở thành một cộng đồng nổi tiếng với cách sống và cách tổ chức xã hội.
Tóm lại, theo dòng lịch sử, người Ê Đê đã tự “định hình văn hóa” cho chính mình với những đặc trưng độc đáo trong sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, văn học, kiến trúc… và Phật giáo đến muộn hơn trong dòng chảy văn hóa của người Ê Đê ở Đắk Lắk, song Phật giáo cũng đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống tinh thần của đồng bào. Trong quá trình giao thoa văn hóa, tín ngưỡng giữa văn hóa Ê Đê truyền thống và văn hóa Phật giáo, chúng ta tin rằng, đời sống văn hóa của người Ê Đê nơi đây sẽ có một diện mạo mới, đẹp hơn, rạng rỡ hơn, nhân văn hơn.
(1) Trương Bi, Bùi Minh Vũ, Kra Y Wơn, Vận dụng luật tục Ê Đê vào việc xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, trang 45-47
(2) GS, TS Ngô Đức Thịnh, Nghi lễ và phong tục các tộc người ở Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, tr.108.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết