Thông tin

PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TỘC NGƯỜI Ê ĐÊ Ở ĐẮK LẮK HIỆN NAY

PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG

TỘC NGƯỜI Ê ĐÊ Ở ĐẮK LẮK HIỆN NAY

 

THÍCH TỊNH QUANG 
(Y CHANG)

 

Lễ quy y Tam bảo cho các Phật tử là đồng bào Ê Đê
tại chùa Phổ Minh (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

 

Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên đại ngàn nói chung, đón được bước chân du nhập của Phật giáo khá muộn mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Phật giáo theo bước chân người Kinh lên Tây Nguyên lập nghiệp và được xuất hiện với địa danh Pagode (chùa tháp) trên địa bàn thị xã Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk1. Từ đầu thế kỷ XX, theo bước chân của lưu dân, chư Tăng từ miền xuôi cũng bắt đầu lên Đắk Lắk hành đạo, hỗ trợ đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Đến những năm trước 1945, khi vua Bảo Đại thực hiện những chuyến công du lên Buôn Ma Thuột, Phật giáo đã có dấu hiệu lan tỏa bởi những đóng góp của Hoàng thái hậu Từ Cung và bà Thứ phi Mộng Điệp khi lập nơi thờ Phật và tụng niệm ngay Hồ Lắk.

Vào năm 1949, số động Phật tử người kinh đã quy tụ và xây dựng 4 căn nhà ở đường Quang Trung (TP. Buôn Ma Thuột) làm nơi thời Phật để lễ bái dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Trí Nhiễm (pháp hiệu Thiện Minh), lúc bấy giờ được Giáo hội Phật giáo Trung phần giao trách nhiệm tổ chức công cuộc hoằng pháp ở các tỉnh Trung trung bộ và Tây Nguyên2.  Với những nỗ lực và thông qua sự giúp đỡ của bà Mộng Điệp cũng như Đoan Huy Hoàng thái hậu một ngôi chùa theo phong cách Huế đươc hình thành trên khu đất trên 7 ha do cụ Bùi Huy (anh ruột bà Bùi Mộng Điệp) hiến cúng, lấy tên là Khải Đoan và cũng là ngôi chùa đầu tiên ở Đắk Lắk dưới sự gia tâm cầu nguyện của đức Hội chủ Thích Tịnh Khiết cùng quý Hòa thượng Thích Trí Thủ... Năm 1953, sau khi xây dựng xong nhà Tổ chùa Khải Đoan, Giáo hội Phật giáo Trung phần đã bổ nhiệm Đại đức Thích Đức Thiệu đảm nhiệm trụ trì chùa. Từ đó, Khải Đoan trở thành trung tâm sinh hoạt tu học của Phật giáo Đắk Lắk. Tại đây, chúng ta đã thấy kiến trúc chùa Khải Đoan đã có sự hòa nhập, gần gũi với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số “từ nhà hậu tổ cũng như Chánh điện đều do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân cố đô vào thực hiện. Tất cả các nét điêu khắc chạm trỗ hoa văn trên gỗ, đến cả giao long trên nóc mái đều rất hài hòa. Hình ảnh giao long uốn lượn mềm mại giữa khung cảnh núi rừng Tây Nguyên tạo thành nét đặc thù mang ý nghĩa đoàn kết Kinh – Thượng trong cộng đồng dân tộc Việt3. Đặc biệt, tại chùa Hoa Nghiêm, huyện CưM’gar tỉnh Đắk Lăk đã thể hiện tinh thần hòa nhập của Phật giáo với văn hóa dân tộc đó là hai câu đối trước cổng là: “Nhà bất biến không kể thượng kinh cồng chiêng chuông trống trầm bổng thảy là lời diệu Pháp/ Cửa tùy duyên chẳng phân thiền tịnh lớn nhỏ nhanh chậm trước sau đều đến cõi chân như4.

Từ sau năm 1951, Phật giáo Đắk Lắk thể hiện sự phát triển vượt bậc khi nhiều cơ sở thờ tự của nhiều hệ phái được xây dựng, Tổ chức Gia đình Phật tử được hình thành và nhân rộng, các cơ sở giáo dục và từ thiện xã hội Phật giáo ra đời… Năm 1963, cùng cả nước, Phật giáo Đắk Lắk đi vào khúc quanh lịch sử đau thương nhưng hào hùng khi dấn thân đấu tranh bảo vệ Phật giáo trước sự kỳ thị của chế độ Ngô Đình Diệm, trong đó ngọn lửa Thích Quảng Hương vị pháp thiêu thân5 là một trong những biểu tượng.

Sau khi nước nhà thống nhất, Phật giáo Đắk Lắk dù hết sức nỗ lực nhưng mãi đến 1986 mới thành lập được Ban Trị sự do thiếu chư Tăng Ni. Lúc này, toàn tỉnh chỉ có 6 vị Tăng Ni trong khi số lượng cơ sở tự viện và Phật tử bắt đầu đông đảo. Tuy vậy, dưới sự dẫn dắt của Thượng tọa Thích Quang Huy, Trụ trì chùa Khải Đoan đồng thời là Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội nhiệm kỳ I (1986 - 1991), Phật giáo Đắk Lắk dần kiện toàn nhiều mặt trong tình hình mới, thành lập được 3 Huyện hội Krông Pach, Krông Buk (Buôn Hồ) và Cư M’gar, chủ yếu do cư sĩ đảm nhiệm.

Phật giáo đến với tộc người Ê Đê ở Đắk Lắk

Nói đến quá trình Phật giáo đến với tộc người Ê Đê, phải kể đến sư Giác Sỹ - người có công đầu trong việc truyền bá đạo Phật đến với đồng bào Ê Đê. Vào những  năm 1986, có vị Phật tử pháp danh Thiện Ý vào buôn Sut’Mdrang quen với hộ gia đình Y Sê Niê và Y Heo Ê ban, lúc đầu vị đó giúp đỡ người đồng bào trong đời sống, cho thuốc khi có người bị bệnh và  chỉ cách làm cà phê, trồng tiêu v.v… rồi rủ mọi người cùng đi về chùa, tịnh xá tập tu mỗi khi có lễ hoặc vào 14, 15, 30, mồng 1... Sau đó, Thiện Ý  đi xuất gia học đạo với sư Giác Dũng  tại tịnh xá Ngọc Quang và có pháp hiệu là Giác Sỹ. Lúc bấy giờ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa thành lập với người đứng đầu là Hòa thượng Thích Quang Huy. Năm 1987, sư Giác Sỹ lại vào buôn giúp đỡ hướng dẫn đồng bào tu tập. Tại đây, gia đình Y Heo Ê Ban đã cúng cho sư một lô đất trong vườn khoảng năm trăm mét vuông để Sư dựng một cái nhà sàn thờ Phật. Sau khi nhà sàn được dựng lên, có khoảng 20 hộ gia đình (theo văn hóa của người Ê Đê mỗi hộ gia đình sống chung trong một nhà sàn có khi hơn mười thành viên) về đây tu tập. Sư bắt đầu hướng dẫn mọi người ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật. Sư  nói cho đồng bào hiểu về luật nhân quả, khuyên đồng bào sống hiếu kính ông bà tổ tiên, tập ăn chay. Ban đầu, Sư gặp khá nhiều khó khăn để thuyết phục đồng bào Ê Đê đồng thuận và thực hành theo những gì được dạy trong giáo lý nhà Phật. Khó khăn ấy chủ yếu là do đặc trưng văn hóa và luật tục của người Ê Đê. Tộc người Ê Đê vốn theo tín ngưỡng đa thần (vạn vật hữu linh) nên tất cả các nghi lễ trong đời sống đều phải cúng tế. Có lễ thì một con gà, có lễ thì một con heo với ba ché rượu, có lễ thì một con heo với năm ché rượu, có lễ thì một con heo với bảy ché rượu, có lễ thì cúng tới trâu, v.v… Với người Ê Đê, vật cúng tế là cách để đồng bào thể hiện sự tôn kính chư thần, đồng thời, trong mỗi nghi lễ và vật tế lễ ấy còn chứa đựng cả lời nguyện cầu, mong ước một cuộc sống ấm no, an lành, phồn vinh cho buôn làng. Hơn nữa, người Ê Đê theo văn hóa nương rẫy, lao động chân tay là chính nên cần phải ăn uống nhiều mới khỏe. Họ quan niệm muốn khỏe thì phải ăn uống nhiều thịt. Do đó, rất khó để “nói” cho đồng bào đồng thuận với chủ trương ăn chay trưởng dưỡng tâm từ trong mỗi con người. Nhưng, bằng sự kiên trì, lòng yêu thương, thái độ chân thành, tận tâm của chính mình, sư Giác Sỹ đã dần dần thuyết phục được đồng bào thực tập ăn chay hiểu và bỏ đi các nghi lễ không phù hợp (ví dụ như bệnh thì phải đi khám và uống thuốc mới hết chứ không phải cúng mới hết). Tiếp đến, về vấn đề tâm linh về tín ngưỡng đa thần mà bây giờ bảo họ quay về một thần thì cũng rất là khó. Nhưng cũng nhờ trong thời gian tiếp xúc với đồng bào, Sư đã học được tiếng của tộc người Ê Đê nên Sư cũng giải thích cho hiểu rõ về Yang Phật “Yang Phật tốt lắm hay giúp đỡ mọi người!”. Khi người Ê Đê đề cập đến các Yang cõi trời thì sư cũng nói Phật giáo cũng đề cập đến cõi trời, rồi Sư kể những câu chuyện trong kinh Địa Tạng nói về Yang Phật cũng từng lên cõi trời để thuyết pháp độ Hoàng hậu Ma Gia (Hoàng hậu Ma Gia sau khi sinh Thái tử Sĩ Đạt Đa được bảy ngày thì chết về cõi trời Đao lợi, ở cõi trời Đao Lợi tuy đầy đủ phước báu nhưng vẫn khổ vì sau khi hưởng hết phước rồi vẫn phải chịu sinh tử luân hồi trong sáu cõi). Khi đề cập đến các Yang thần sông, thần núi, thần suối, thần đất thì Sư cũng nói trong Phật giáo cũng có vị thần như vân, lôi, âm, điện sau này các thần đó cũng được đưa vào chùa thành chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp lôi, Pháp Điện, còn khi đề cập đến các Yang tầng dưới đất thì Sư cũng kể câu chuyện trong kinh Vu Lan Bồn nói về hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên sau khi tu tập chứng được thần thông rồi ngài đi xuống địa ngục tìm mẹ. Còn nói đến luật tục thì tộc người Ê Đê coi luật tục nhưng một nguyên tắc sống về những quy định thờ cúng tổ tiên, không được trộm cắp, ngoại tình, giữ gìn bến nước, vv... thì trong Phật giáo cũng có những giới cấm như: không được sát sanh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không nói dối, v.v... Như vậy, nhìn chung trong quan niệm về đời sống văn hóa của tộc người Ê Đê và văn hóa phương tiện của Phật giáo cũng có nét tương đồng gần gũi. Từ đó, tộc người Ê Đê hiểu, chấp nhận và quy y với Yang Phật...

Một điểm đặc biệt đáng ghi nhận nữa chính là sự hòa hợp, gắn kết giữa nghi lễ Phật giáo và văn hóa nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Mỗi dịp lễ lớn của giáo hội tổ chức đều có sự tham gia của đội cồng chiêng đón rước có một sự hài hòa giữa nghi lễ Phật giáo và văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tiếp nối tinh thần Phật giáo đến với đồng bào dân tộc thiểu số, chùa Phước Bình, huyện Krông Păk hàng tuần tổ chức khóa tu “Một ngày an lạc” dành cho đồng bào dân tộc mỗi tuần một lần, trung bình khoảng 100 lượt người tu học, với nghi lễ đan xen Kinh – Thượng nhịp nhàng theo bước chân kinh hành niệm Phật hòa trong tiếng mõ được làm bằng ống tre. Chùa Hoa Nghiêm ở huyện CưMgar hàng tháng tổ chức khóa tu “Một ngày an lạc” dành cho đồng bào dân tộc Ê Đê mỗi tháng một lần, trung bình khoảng 300 lượt người tham gia tu tập với các nội dung như: Tụng kinh, kinh hành niệm Phật, ăn cơm trong chánh niệm, ngồi thiền và chia sẻ Phật pháp.  Bên cạnh đó còn có chùa Quảng Trạch, huyện Lăk, vị trù trì chùa này dạy đồng bào hãy xem đây là “ngôi nhà chung” nên Phật tử người dân tộc tập trung về đây xây dựng chăm lo công việc của chùa như công việc cho gia đình và tối về tụng kinh hàng đêm.

Huyện Lăk, mặc dù chỉ có 3 tự viện chính thức được sinh hoạt trong lòng Giáo hội, Tăng Ni cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng các công tác Phật sự, đặc biệt là các công tác thiện sự đối với đồng bào Ê Đê đã được các chùa quan tâm, thường xuyên tổ chức các chuyến từ thiện, trao tặng nhà tình thương, trao học bổng, tặng quan tài cho gia đình có tang chế. Và nay, Giáo hội Phật giáo huyện Lăk đã mạnh dạn tổ chức khóa tu cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số để góp phần vào sự nghiệp trồng người và nuôi dưỡng tính thiện trong tâm hồn những chủ nhân tương lai của đất nước, đây là việc làm hết sức có ý nghĩa. Khóa tu sẽ được duy trì mỗi tháng một lần vào các ngày Chủ nhật và sẽ luân phiên tại các chùa trong huyện.

Phật giáo được truyền vào Tây Nguyên từ đầu thế kỷ XX, theo hai hướng: từ Lâm Đồng qua Đắk Lắk; từ Bình Định lên Gia Lai, Kon Tum. Hiện nay, toàn vùng có 762.098 Phật tử, với trên 2.000 ngôi chùa, thiền viện, 8 cơ sở đào tạo, 6.348 chức sắc, 126 ban đại diện Phật giáo. Số lượng Phật tử các tỉnh như sau: Kon Tum 26.959; Gia Lai 85.403; Đắk Lắk 73.117; Đắc Nông 26.429; Lâm Đồng 447.490. Đa số chức sắc, Phật tử sống gắn bó với dân tộc, hòa vào cuộc sống cộng đồng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xứng và lãnh đạo, Phật tử đã nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Trên vùng đất Tây Nguyên, chức sắc, Phật tử luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sát cánh cùng các dân tộc kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, chức sắc cực đoan, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị địa bàn, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(Còn tiếp)


1.  Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk - Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột ( 2014), Lịch sử Đảng bộ thị xã Buôn Ma Thuột (1930- 1975), Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk.

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội năm 1994 trang 304.

3. Thích Minh Đăng, Lịch sử tự viện tỉnh Đắk Lắk, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.13.

4. Sdd. Trang 289.

5.  Trang web http://khaidoan.com.vn/vi/news/Gioi-Thieu/THANH-TU-DAO-THICH-QUANG-HUONG-2196/

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6712182