Thông tin

PHẬT GIÁO TRONG TÂM THỨC

NHÀ NHO XỨ NGHỆ THẾ KỶ XVIII

 

PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN*

 

Việc nhận diện vùng văn hóa Phật giáo xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh) gắn với lịch sử truyền thừa các hệ phái, danh tăng và hệ thống di sản văn hóa vật thể (di tích nhà chùa, đất chùa, mộ tháp, bia ký, điêu khắc,…) vốn mang tính bản địa, có tín chỉ vật chất và địa chỉ rõ ràng, nên không khó xác định. Tuy nhiên, nói đến đội ngũ danh tăng xứ Nghệ lại là điều không đơn giản bởi bên cạnh những nhà sư sinh ra và suốt đời hoằng dương Phật pháp trên đất xứ Nghệ thì lại có nhiều vị từ nơi xa đến nhập tự đất Nghệ Tĩnh, mặt khác lại có nhiều vị sinh ra ở xứ Nghệ song lại học đạo, trưởng thành và khơi mở Phật đạo trên một vùng quê mới. Đối với vấn đề nhà Nho xứ Nghệ và Phật giáo trong tâm thức nhà Nho xứ Nghệ, tình hình còn phức tạp hơn. Ở đây cần xác định rõ khái niệm “nhà Nho xứ Nghệ” với hàm nghĩa bao quát tất cả các nhà Nho sinh ra ở xứ Nghệ, có gốc gác ở xứ Nghệ hoặc “Nghệ hóa”, có tác phẩm viết về xứ Nghệ hoặc chuyển hóa, nâng cấp vốn tri thức văn hóa xứ Nghệ vào tổng kho di sản tinh thần dân tộc. Trong phạm vi cụ thể hơn, vấn đề “Phật giáo trong tâm thức nhà Nho xứ Nghệ” – nói khác đi là thái độ tiếp nhận, ứng xử của nhà Nho xứ Nghệ với Phật giáo – thực chất là cần xem xét, qui chiếu Phật giáo qua Nho giáo; khảo sát, nhận diện tư tưởng nhà Nho với Phật giáo qua các chặng đường đời; từ đó xác định những đặc điểm cơ bản mối quan hệ Nho – Phật và chính diện mạo tư tưởng Phật giáo xứ Nghệ thế kỷ XVIII – XIX.

Số lượng các nhà Nho xứ Nghệ trong hai thế kỷ XVIII – XIX rất phong phú, đa dạng. Ở đây chúng tôi chỉ tập trung xem xét những nhà Nho xứ Nghệ tiêu biểu với điều kiện sáng tác của họ có mối liên hệ nhất định với Phật giáo, phản ánh phần nào thái độ, tư tưởng của nhà Nho với Phật giáo như Hồ Sĩ Đống, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Thúc Trực…

1. Hồ Sĩ Đống (1739-1785), tự Long Phủ (Long Cát), hiệu Dao Đình (Trúc Hiên); người làng Hoàn Hậu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), thuộc dòng dõi Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (1324-?). Có thể coi ông là một Nho sĩ thành danh, thành đạt, từng đậu Hoàng Giáp khoa Nhâm Thìn (1772), từng sung Phó sứ sang triều Thanh, thăng thưởng đến chức Tham đốc Quyền phủ sự, tước Dao Đình hầu. Ông có tập thơ đi sứ Hoa trình khiển hứng và được Bùi Huy Bích chép lại trong Hoàng Việt thi văn tuyển. Trên tư cách nhà Nho, thơ văn Hồ Sĩ Đống về cơ bản hướng theo tinh thần nhập thế và chỉ trong hoàn cảnh, tâm trạng đặc biệt mới thấp thoáng có sự giao hòa với tư tưởng Phật giáo. Khi đi sứ Trung Hoa, ông có bài thơ Hoãn Thành hoài cổ, trong đó nhấn mạnh những cảm nhận buồn vui trước tạo vật và lẽ hưng vong thế sự, trước kiếp người qua nhanh và thời gian vô cùng vô tận:

Trần kiếp toán quy thành nhất thuấn,

Vô cùng duy hữu thiện nhân danh.

(Kiếp trần tính lại chỉ như một chớp mắt,

Chỉ có tên tuổi người thiện là vô cùng mà thôi)[1]

(Đinh Thanh Hiếu dịch)

Ở đây mới chỉ thấy thấp thoáng nỗi buồn thương về số kiếp con người, sự nhỏ bé, mong manh, hữu hạn của sự sống trước vô cùng vô tận thời gian. Đời người “Sinh ký tử qui”, dù là bậc quan cao tước trọng thì cũng có lúc nao lòng nhìn lại tháng năm quá khứ và vọng tưởng đến kết cuộc đang đợi chờ phía trước. Có được sự giao thoa này là bởi trong bản chất tư tưởng Phật giáo đã tiềm tàng những cách hình dung mang tính triết học muôn thuở về sự sống đời người mà bất cứ nhà Nho ưu thời mẫn thế nào như Hồ Sĩ Đống cũng không thể bỏ qua.

2. Phạm Nguyễn Du (1739-1786), vốn tên Huy Khiêm, hiệu Thạch Động và Dưỡng Hiên, sinh tại làng Đặng Điền, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, trấn Nghệ An (nay thuộc xóm Tiên Lạc, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Năm Kỷ Hợi (1779), ông thi đỗ Hội nguyên, làm quan trải các chức Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương, Thiêm sai và Đông các Đại học sĩ tại triều, sau về làm Đốc đồng tại quê nhà Nghệ An. Năm 1786, quân Tây Sơn ra Bắc, ông tránh vào rừng rồi mất ngay trong năm đó, thọ 47 tuổi.

Có thể nói trước sau nhà Nho Phạm Nguyễn Du vẫn trung thành với lý tưởng nhập thế trung quân ái quốc nhưng việc người vợ của ông (chị ruột Nguyễn Hữu Chỉnh) mất năm Nhâm Thìn (1772) đã buộc ông phải “xử biến mà đạt lấy tình” (Đoạn trường lục). Trong tâm cảm sâu xa, Phạm Nguyễn Du nói đễn nỗi buồn sinh ly tử biệt, nói đến mối nhân duyên vợ chồng trong kiếp đời nafym à mơ về một “kiếp sau” hạnh ngộ:

Thử sinh duyên trái ta hà cập,

Nguyện kết lai sinh mỹ mãn nhân.

(Vãn thi)

(Than ôi, duyên nợ kiếp này chưa trả được,

Nguyện xin kiếp sau duyên phận đôi ta mỹ mãn mọi phần)[2]

(Thơ viếng)

Tự cừ thủy thạch trường tương thủ,

Ta ngã nhân duyên đoạn bất tề.

(Chu thích Dục Thúy sơn)

(Như nước non chốn này cứ bám riết lấy nhau mãi mãi,

Buồn thay cho ta, nhân duyên đứt đoạn hóa so le)

(Thuyền đưa linh cữu đến núi Dục Thúy)

Đặc biệt ở bài từ Nguyệt trung hành - Đề Vũ cung họa đồ (Bài từ theo điệu Nguyệt trung hành - Đề bức họa Mưa trong cung), nhà Nho Phạm Nguyễn Du xem bức họa mưa trong cung mà tưởng tượng, cảm nhận được vẻ đẹp của miền sơn thủy hữu tình, một cõi thiên nhiên Phật sắc sắc không không, một cảnh chùa Phi Lai mộng ảo:

Cận xứ sơn liên viễn xứ sơn,

Sơn tịch thủy vô lan.

Trường tùng bách xích ỷ tằng loan,

Đông phong thí bất hàn.

Tự nhàn nhật cao tăng vị khởi,

Khinh thuyền khách trạo qua tiền than.

Tầm thường thiên thượng nhân gian,

Biệt chiếm nhất hồ nhàn.

Nhất hồ cảnh sắc thanh hà hứa,

Thậm xứ hà tằng tương tự.

Nghi Bồng Châu dữ Ngưu Chử,

Tùng đông bất động thiền quan thâm tỏa,

Hoặc thuyết Phi Lai tự.

(Sau trước núi liền ngút mắt trông,

Non quạnh, nước lặng trong.

Nương theo vách đá trăm thước tùng,

Gió đông chẳng lạnh lùng.

Chùa nhàn sáng bảnh sư chửa dậy,

Thuyền êm chèo nhẹ khách qua sông,

Cảnh trời, nhân thế? Thảy đều không.

Riêng một cõi thung dung.

Một trời cảnh sắc xinh nhường ấy,

Liệu có nơi nào tương tự.

Ngỡ Bồng Châu lẫn Ngưu Chử,

Phía đông tùng lặng, cửa thiền then chặt,

Kẻ nói: Phi Lai tự)[3]

3. Nguyễn Hữu Chỉnh (?-1787), người làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), từng theo tướng Hoàng Ngũ Phúc giúp chúa Trịnh, từng theo Tây Sơn – Nguyễn Huệ, rồi lại khuông phò Lê Chiêu Thống, cuối cùng bị Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc bắt giết vào cuối năm Đinh Mùi (1787). Là người theo nghiệp võ nên những sáng tác của Nguyễn Hữu Chỉnh khá phong phú, tất thảy bằng chữ Nôm. Nhìn chung, sáng tác của Nguyễn Hữu Chỉnh ghi lại khá sắc nét dấu ấn con người tác giả, một kẻ có tài, có bản lĩnh nhưng đầy tham vọng và có tính chất cơ hội. Một mặt ông đề cao phẩm chất trung hiếu theo tinh thần Nho giáo:

Nẻo lợi danh tuy dở bước,

Lòng trung hiếu hãy bền cầm[4]

(Bài I)

Mặt khác lại bày tỏ tiếng nói thương thân:

Ai hay ai chửa chăng thời chớ,

Vạn sự thân này đã biết thân.

(Bài II)

Trong từng hoàn cảnh cụ thể, một số tác phẩm của Nguyễn Hữu Chỉnh cũng thấp thoáng in dấu ấn cảm quan Phật giáo, cảm nhận về sự còn mất, nỗi đau thân phận, kiếp người. Đôi khi ông nói đến những “duyên”, “vô duyên”, “kiếp”, “trái kiếp”:

Vô duyên trái kiếp thiệt hòa hai,

Chẳng biết ai là giống máu ai.

(Bài VII)

Đặc biệt trong bài Văn tế chị, ông cảm nhận về cuộc sống đời người có nhiều điểm tương đồng với cách hình dung của Phật giáo về kiếp người “Sinh ký tử qui” (Sống gửi thác về), cuộc đời qua nhanh như chớp mắt, như trong một sát - na:

Ôi! Kiếp nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như lửa đóm, như chiêm bao, giây phút nên không, dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy.

Thương thay chị! Mới hai mươi chín tuổi, cùng là kiếp hóa sinh. Gửi mình vào tài tử mười ba năm, đã dốc một lời nguyền, song cay đắng có nhau mà vinh hiển bao giờ chưa được thấy…

4. Nguyễn Du (1765-1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), sinh ở Thăng Long, từng được cử làm Chánh sứ trong đoàn sứ thần sang Trung Quốc, làm quan tới chức Hữu tham tri Bộ Lễ.

Bên cạnh những sáng tác khác, có thể nói bộ phận thơ chữ Hán giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Ba tập thơ chữ Hán cho thấy những chặng đường sáng tác phù hợp với từng chặng đường đời và tư tưởng tác giả. Cảm quan Phật giáo bàng bạc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du cùng những chiêm cảm về kiếp người và đời người trước thời gian, quê hương, sông núi, đất trời, vũ trụ. Ngay cả khi viết về chiến tranh, ông mừng vui khi đất nước thu về một mối, rồi gián cách ngay cả với những ta - địch, chính - phản, thắng - thua mà đề cao đức hiếu sinh, vẻ đẹp hồn toàn của tạo hoá và cuộc sống thanh bình:

Nam Bắc xa thư khánh đại đồng,

Pháo đài hư thiết thổ thành đông.

Sơn băng thạch liệt thành do tráng,

Hán đoạt Tần tranh sự dĩ không.

Tạc giả đại khuy sinh vật đức,

Nhĩ lai bất quí sát nhân công.

Thanh bình thời tiết vô tranh chiến,

Ngưu độc ưu sừ chính trọng nông.

(Pháo đài)

(Nam bắc, xe và chữ viết, mừng đã giống nhau,

Pháo đài bỏ không ở phía đông thành đất.

Núi lở đá tan, nhưng bức thành  còn vững,

Nhà Hán nhà Tần tranh giành nhau, chuyện đã qua.

Trước kia thương tổn thất nhiều đến đức muốn muôn vật sinh tồn,

Giờ đây không quí cái công giết người nữa.

Trong buổi thanh bình không có chiến tranh,

Trâu bò cày bừa, chính giờ là lúc coi trọng nghề nông)[5]

Phải ghi nhận rằng tâm thức Nhĩ lai bất quí sát nhân công (Giờ đây không quí cái công giết người nữa) của Nguyễn Du thật vô cùng siêu việt, hiện đại, đạt đến tầm cao giá trị nhân văn muôn thuở, đạt tới tính Phật, tinh thần yêu chuộng hoà bình của bậc hiền triết, minh triết.

Với Truyện Kiều, âm hưởng cảm quan Phật giáo thể hiện sâu sắc trong cả khuynh hướng tư tưởng thẩm mỹ (duyên nghiệp, quả báo, tu tâm…) và hình tượng nhân vật (Thúy Kiều, Giác Duyên…)… Đặc biệt thi phẩm Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi Văn chiêu hồn) gồm 184 câu thơ song thất lục bát khóc thương cho mười loại chúng sinh (cũng là chung cho mọi kiếp con người) và đi đến đoạn kết trực diện hướng về cõi tâm linh, dẫn độ chúng sinh tìm về cửa Phật:

Lôi thôi ẵm trẻ dắt già,

Có khôn thiêng hỡi lại mà nghe kinh.

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,

Phóng hào quang, cứu khổ độ u…

… Phật hữu tình từ bi tế độ,

Chớ ngại rằng có có, chăng chăng.

Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,

Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.

Có thể nói sự gặp gỡ, giao thoa giữa con người nhà Nho Nguyễn Du với Phật giáo nằm trong bản chất cỗi rễ văn hóa của ông. Không chỉ am hiểu Phật giáo, Nguyễn Du đã thật sự trải nghiệm trong đời sống tâm linh nhà Phật và tìm thấy ở đó con đường giải thoát, sự siêu sinh, an nhiên vĩnh hằng cho chính mình và cho mọi kiếp chúng sinh.

5. Nguyễn Công Trứ (1778-1859), tên tục là Củng, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, quê làng Uy Viễn (nay thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Khác với phần đông các danh nhân dưới thời phong kiến, Nguyễn Công Trứ là người thành danh khá muộn màng. Vốn là nhà nho - một nhà nho hành đạo điển hình - nói chung Nguyễn Công Trứ không mặn mà với giáo lý và tư tưởng Phật giáo. Suốt một thời ông sống dấn thân nhập cuộc, nghiệm sinh trong cõi đời và trăn trở với lý tưởng hành đạo và chí hướng lập công danh, trước những sự đời - thói đời - người đời - cảnh ở đời - nghĩa ở đời - thế tình - nhân tình thế thái - danh lợi - tạo hóa - tạo vật.

Đặt trong tương quan Nho - Phật - Đạo, nhà nghiên cứu Trương Tửu xác định thái độ cầu nhàn và thoát tục của Nguyễn Công Trứ:

 “Đã đi tới chỗ chủ trì quan niệm hư ảo về nhân sinh thì tất nhiên phải có thái độ tiêu cực trong cuộc sống. Các nhà Nho, khi muốn theo thái độ tiêu cực này, thường vin vào hai hệ thống tín ngưỡng đồng thời với Khổng thị: Phật giáo và Lão giáo.

Phật thì chủ trương xuất thế (tu hành) để diệt dục, lấy khổ hạnh và trầm tư mặc tưởng làm phương tiện. Lão thì chủ trương phóng nhiệm để phiêu dật trong cõi thiên nhiên, lấy nhàn tản vô vi làm kế hoạch. Cái chỗ mà Phật và Lão giống nhau là cả hai đều khởi thuyết ở quan niệm nhân sinh hư ảo.

Các nhà Nho, trong những thời kỳ sa đọa của đẳng cấp đều phải bước vào thế giới Phật, Lão để tìm sự an ủi. Nhưng họ có nhiều khuynh hướng thiên về Lão hơn là Phật, vì nhà Nho đã đến lúc thoát lui thì ưa nhàn tản vô vi và hiếu lạc hơn là khổ hạnh diệt dục. Nhà Nho cầu nhàn không phải để suy nghĩ về đạo lý mà là để hưởng thụ cuộc đời lạc thú. Họ thoát tục không phải bằng tu hành mà là bằng rượu, thơ, cờ, đàn, ả đào, giăng gió, núi sông. Họ có cốt cách giang hồ, cốt cách tài tử hơn là cốt cách khổ hạnh.

Nguyễn Công Trứ cũng cầu nhàn và thoát tục theo lối ấy”[6]

Nhưng rồi cái điều phải đến sẽ đến. Đã tới lúc Nguyễn Công Trứ không chỉ bất chợt thức tỉnh, đo đếm từng chặng đường đời nữa mà ông tự cảm thấy cần tổng kết lại cả một cuộc đời, đánh giá lại cả một kiếp người.

Ở chặng cuối cuộc đời, dường như Nguyễn Công Trứ thực sự có đọc sách nhà Phật, mong tìm được niềm thích thảng nơi cửa chùa và thực sự có ý nguyện tôn tạo nhà chùa, gắn bó với sân chùa cảnh Phật. Nhà nghiên cứu Lê Thước xác định: “Năm Tự Đức thứ hai (1849), cụ vào ở một cái chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại, gần tỉnh lỵ Hà Tĩnh bây giờ. Nguyên chùa ấy lập ra từ đời Lê nhưng trải qua bao phen gió dập mưa vùi nên đã tồi tàn cũ rích. Lúc cụ còn làm quan, mỗi khi ra Bắc kỳ đi qua đó thường lên núi du lãm, nhân có tự hẹn rằng: “Nếu ta được thỏa chí nguyện của ta thì quyết không phụ cái núi nầy”. Nên khi cụ vừa về hưu, đi qua chỗ ấy, dân xã Đại Nại nhớ lời, ra đón rước xin cụ lưu ở lại, vì thế nay cụ sửa sang chùa ấy lại mà lưu cư luôn. Thường khi các quan chức trong kinh ngoài quận đi qua về lại, ai cũng lên núi vào chùa, hỏi han thăm viếng, dấu xe chân ngựa lúc nào cũng tấp nập ở trước cửa ngoài… Năm thứ tư (1851), cụ ra chơi Bắc kỳ, lúc trở về tu sửa chùa Viên Quang và chùa Trung Phu tại làng chính quán rồi nhân làm nhà bên cạnh chùa mà ở”[7]

Trong sáng tác của nhà nho Nguyễn Công Trứ cũng thấy thấp thoáng một vài câu chữ ít nhiều liên quan đến Phật giáo: Phật, Di đà, Như Lai, kiếp,  duyên, tiền duyên, chùa, tiếng chuông… Và cũng thấp thoáng trong thơ Nguyễn Công Trứ là những cảm nhận về cuộc đời qua nhanh, về nỗi “Đời người thấm thoát”, về những bâng khuâng “Lúc về già”, về tâm trạng khi “Thoát vòng danh lợi” và đến bản tổng kết “Bảy mươi tuổi tự thọ”, ông mới thực sự trải nghiệm qui luật cuộc sống và ngộ ra cái điều hữu lý “sắc sắc không không” trong cốt lõi tinh thần nhà Phật và bừng tỉnh như Nguyễn Gia Thiều: Bả vinh hoa lừa gã công khanh (Cung oán ngâm khúc)... Trên tất cả, nhà Nho thuần thành Nguyễn Công Trứ đã có được bài thơ Vịnh Phật thực sự độc đáo:

Thuyền từ một lá vơi vơi,

Bể trần chở biết mấy người trầm luân.

Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,

Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.

Chiếc thuyền từ một lá vơi vơi,

Vớt chìm đắm đưa lên cõi tĩnh.

Chữ “kiến tính” cũng là “suất tính”,

Trong ống dòm đổ tiếng hư vô.

Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, lư kỳ cư,

Song đạo thống hỏi rành rành công cứ.

Bàng y thiên lý hành tương khứ,

Đô tự nhân tâm tố xuất lai.

Bát khang trang chẳng chút chông gai,

Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc.

Trong nhật dụng sao rằng đạo khác,

Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.

Nghiệp duyên vốn tại mình ra,

Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục.

Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,

Nên mơ màng một bước một khơi.

Khiến cho phiền muộn Như Lai![8]...

Bài thơ thể hiện rõ cách cảm, cách hiểu của Nguyễn Công Trứ về Phật giáo. Trước hết, đây là cách hiểu của một người có vốn kiến văn sâu rộng, bao quát nhiều phương diện nội dung tư tưởng văn hóa, kể từ Phật học đến Nho học, Đạo học và chính Phật giáo - xã hội sử. Nội dung bài thơ không chỉ biểu cảm tư tưởng Phật giáo mà luôn mở rộng so sánh, đối sánh với các hệ phái tư tưởng khác - chủ yếu với Nho học. Điều này khiến cho sắc thái chủ thể tác giả thiên về tiếng nói của người ngoài cuộc, ngoại đạo nhận xét về Phật giáo. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Công Trứ trình bày những ý niệm cơ bản trong tư tưởng và giáo lý nhà Phật như thuyền từ (thuyền từ bi, ân đức), bể trần (bể khổ, trần cảnh, cõi trần), người trầm luân (người chìm đắm trong bể khổ), cõi tĩnh (Niết bàn), kiến tính (kiến tính thành Phật), hư vô (thực thể của vô vật, vô vi tự nhiên), bát khang trang (bát nhà chùa, nhà Phật), luân hồi (vòng sinh tử), nghiệp duyên (nhân duyên, duyên kiếp), Như Lai (chân thân Như Lai, đức Phật)…

Trên cơ sở nhận thức khung cốt tư tưởng Phật giáo, nhà nho Nguyễn Công Trứ đem chiếu ứng chữ “kiến tính” với “suất tính” và cho rằng chúng có nội hàm tư tưởng, nội dung và ý nghĩa như nhau. Nói khác đi, chúng có tính tương đồng, nghĩa là “kiến tính” của Phật giáo cũng giống như “suất tính” trong Nho giáo!? Trên thực tế, “kiến tính” có nghĩa là thấy rõ được Phật tính trong mình. Sách Ngộ tính luận chép lời Bồ - đề Đạt - ma (?-528): “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”[9]. Còn “suất tính” lại có nghĩa: “Cứ theo tính tự nhiên mà không cần uốn nắn, sửa đổi. Quản lĩnh được tính mình, khiến cho nguyên tính phải theo ý chí của mình”[10]. Trong thực chất, “kiến tính” và “suất tính” có vẻ tương đồng về phương thức coi trọng sự hồn toàn của bản ngã nhưng lại rất khác nhau về tính mục đích: một bên hướng đến khả năng chuyển hóa về chất, hướng đến hòa đồng với tính Phật, một bên dừng lại ở tính khắc kỷ, vị kỷ, hoàn thiện chính mình. Rõ ràng hai khái niệm này có những điểm khác biệt, không thể tương đồng như nhau, khó có thể qui về một mối.

Trong tư cách nhà nho, Nguyễn Công Trứ tiếp tục đo đếm Phật giáo theo quan điểm Nho giáo, qui theo cách hiểu của Nho giáo, coi Phật cũng dựa theo Nho, đều có nguồn gốc từ “thiên lý” (lẽ trời):

Bàng y thiên lý hành tương khứ,

Đô tự nhân tâm tố xuất lai.

(Nương dựa theo lẽ trời mà có,

Đều từ trong lòng người mà ra)

Không dừng lại ở việc xác định cội nguồn và bản chất Phật giáo theo cách nhìn, cách đánh giá, cách hình dung và thước đo của nhà nho, Nguyễn Công Trứ còn tiếp tục suy diễn về giá trị nhân văn của đạo Phật “bát khang trang” và định danh, bình giá, xếp loại cũng ngang ngửa với việc bói toán của… Hà Lạc (Hà đồ Lạc thư):

Bát khang trang chẳng chút chông gai,

Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc.

 Cách giải thích về Phật giáo qua Nho giáo như thế có phần khá giống với định hướng/ tình trạng “nhìn Phật giáo qua khoa học” ở không ít công trình nghiên cứu Phật giáo thời hiện đại - đặc biệt rõ ở phái Tây học.

Từ điểm nhìn và thước đo Nho giáo, Nguyễn Công Trứ duy lý quan sát thấy sức mạnh trường tồn của Phật giáo bất chấp thể chế xã hội, bất chấp việc có người như Hàn Dũ (768-824) từng dâng biểu xin vua nhà Đường bỏ đạo Phật, buộc thầy chùa về làm dân, đốt sách Phật và lấy chùa làm nhà ở:

Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, lư kỳ cư,

Song đạo thống hỏi rành rành công cứ.

Vậy mà đạo thống này vẫn được muôn người “công cứ”, tin cậy noi theo.  Nguyễn Công Trứ tỉnh táo thừa nhận và ghi nhận sự thật ấy. Tuy nhiên, với cái thước đo “Trong nhật dụng sao rằng đạo khác”, ông vẫn trở lại so sánh, tính đếm giá trị bằng sự tiện ích, nhật dụng thường ngày. Hơn nữa, ngay cái cách ông nhận thức, phát hiện, khám phá, khâm phục, thán phục, đề cao khi diễn giải về “luân hồi”, “nghiệp duyên” và chữ “tâm” - “nơi vuông tấc” lòng người… dường như vẫn có khoảng cách và một sự gián cách nhất định trước cõi Không:

Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.

Nghiệp duyên vốn tại mình ra,

Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục.

Rút cuộc, Nguyễn Công Trứ thừa nhận căn trần còn nặng, còn mơ hồ, còn nhiều lầm lạc và đích đến cõi Phật Như Lai còn xa vời phía trước:

Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,

Nên mơ màng một bước một khơi.

Khiến cho phiền muộn Như Lai!...

Với một nhà nho hành đạo ngang tàng như Nguyễn Công Trứ, chỉ nội một việc hồi thú, hồi đầu, hồi hướng “đáo bỉ ngạn” cũng chứng tỏ sức hấp dẫn của tư tưởng Phật giáo. Nguyễn Công Trứ đã gắn bó gần trọn cuộc đời với cửa Khổng sân Trình và con đường quan chức, ông chỉ có thể đến với nguồn sáng Phật giáo bằng tất cả vốn tri thức và những giới hạn thực có của mình.

Cuộc đời nhà nho Nguyễn Công Trứ là cả một sự nối tiếp những tháng năm dấn thân, nhập cuộc không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, trên từng chặng đường đời và đến cuối cuộc đời, ông vẫn phải nhìn lại, tính đếm lại, tổng kết lại tháng năm quá khứ. Chính những thời khắc đó đã cho phép ông có được cách đánh giá, hình dung về cõi đời và kiếp người thông kênh với quan niệm Phật giáo. Nguyễn Công Trứ căn bản là nhà nho hành đạo nhưng hiện tượng “dĩ Nho nhập Thích” ở ông càng soi sáng thêm giá trị nhân văn và chiều sâu minh triết Phật giáo, khả năng hòa giải, dung nạp của Phật giáo đối với các nguồn sáng tư tưởng khác. Đặt trong thế ứng xử với Phật giáo, hiện tượng nhà nho Nguyễn Công Trứ tiếp tục khẳng định tính qui luật của đời sống tinh thần trong thế kỷ XIX, xu thế vừa phân hóa vừa đan xen, giao hòa giữa các hệ phái tư tưởng, đặc biệt giữa Nho giáo và Phật giáo[11]

6. Phan Thúc Trực (1808-1852), còn có tên Dưỡng Hạo, hiệu Hành Quý, Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Phủ, Dưỡng Hạo Hiên, người ở làng Phú Ninh, tổng Vân Tụ, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành). Ông đỗ Thám hoa (Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam) khoa Đinh Mùi (1847), được bổ vào Hàn lâm viện, sau vào Nội các, được thăng Tập hiền viện Thị độc, sung chức Kinh diên khởi cư chú… Tác phẩm của ông chủ yếu có Quốc sử di biênCẩm Đình thi văn toàn tập[12].

Qua Cẩm Đình thi tuyển tập có thể thấy Phan Thúc Trực đã từng ngược ra Bắc đến với các ngôi chùa và nhiều nơi danh thắng như núi Dục Thúy (Ninh Bình), chùa Bạch Mã (Hà Nội), chùa Quang Khánh (Hải Dương), chùa Thái Bình, núi Bằng Sơn (Hải Phòng); núi Thứu, chùa Quỳnh Lâm, Lôi Âm, Yên Tử (Quảng Ninh)…; xuôi vào Nam qua núi Di Lặc, Đông Thành (Nghệ An), núi Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Thành Hạc, Nguyệt Viên (Hà Tĩnh)... Ông có nhiều bài thơ đề vịnh cảnh chùa in đậm cảm quan Phật giáo như Vọng Dục Thúy sơn tự ngẫu đề (Ngắm chùa trên núi Dục Thúy ngẫu hứng đề thơ), Hiểu đăng bằng trình Thái Bình tự (Buổi sớm lên chùa Thái Bình ở núi Bằng Sơn), Du Linh Sơn tự (Chơi chùa Linh Sơn), Khâm phái cầu thư đồng Quảng Yên lãnh binh Nguyễn, Yên Hưng tri huyện Lê Nhuận phủ du Lôi Âm tự, nhân thư nhất luật vu bích (Phụng chỉ đi tìm sách cùng với ông họ Nguyễn là lãnh binh ở Quảng Yên là ông Lê Nhuận lên chời chùa Lôi Âm, nhân làm một bài thơ đề ở vách chùa), Vịnh Trúc Lâm tam tổ, Quỳnh Lâm tự hoài cổ (Trước chùa Quỳnh Lâm hoài cổ), Đề Quỳnh Lâm tự tăng phòng chi nam bích (Đề ở vách tường phía nam phòng tăng), Biệt tặng phòng ngũ ngôn nhất luật (Ra về tặng nhà chùa một bài thơ ngũ ngôn), Quang Khánh tự khiết trai phạn mạn thư (Ăn cơm chay ở chùa Quang Khánh viết thơ vui)… Trong bài thơ Vịnh Trúc Lâm tam tổ, nhà Nho Phan Thúc Trực tỏ bày niềm ngưỡng vọng trước tấm gương tu hành đạt đạo của sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258-1308):

Yên sơn hóa tích tự hà niên,

Tam tổ chân thân tục thượng truyền.

Phú quý tự năng đồng thoát tỉ,

Giác Hoàng tối thị ngộ tiền duyên.

(Núi Yên Tử, ngài hóa tự bao giờ,

Chân thân của Tam tổ người đời còn truyền tụng.

Giàu sang có thể vứt bỏ như trút bỏ đôi giày,

Giác Hoàng quả đúng đã giác ngộ tiền duyên)

Nghiệm sinh trên cõi đời 45 năm, Phan Thúc Trực trước sau vẫn là nhà Nho hành đạo và suốt đời trung thành với lý tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, ông cũng có cái nhìn thân thiện với Phật giáo, biết lắng mình trong tiếng chuông chùa nơi non cao cảnh vắng, có sự am hiểu nhất định về Phật giáo và tên tuổi các danh sư. Điều này cho thấy mối tương thông giữa con người nhà Nho Phan Thúc Trực với Phật giáo nói chung cũng như sự gắn bó, trân trọng với từng nhà sư, từng ngôi chùa ở từng miền quê cụ thể.

Lời kết mở

Khảo sát sơ lược qua đường đời, đường thơ và tư tưởng sáu nhà Nho xứ Nghệ tiêu biểu thế kỷ XVIII-XIX có thể thấy họ đều là những nhà Nho hành đạo, sớm thành danh và có cả một sự nghiệp văn chương phong phú. Trong tâm thức của họ, Phật giáo là một cõi tâm linh gắn với những giá trị tư tưởng nhân văn trong cách hình dung về kiếp người và số phận con người; gần cận hơn là những tấm gương tu hành sáng soi kim cổ, hình ảnh những nhà sư đạt đạo, những ngôi chùa và cảnh quan núi sông dễ đưa con người vào cõi thiên nhiên Phật, làm nên những “cảnh giới Phật”. Với từng cảnh ngộ, từng lứa tuổi cụ thể và từng mức độ nhận thức nhất định, nhiều nhà Nho thuần thành có thể “thông kênh” với một số phương diện tư tưởng của Phật giáo và có những sáng tác in đậm chất màu Phật giáo. Trong số họ, chưa thấy ai thực sự có ý nguyện dấn thân nhập cuộc đời sống tu hành nhưng đều chấp nhận, coi trọng và đề cao những giá trị nhân văn trong tư tưởng Phật giáo cũng như cảm nhận được vẻ đẹp thanh cao của đời sống tu hành và chính môi trường nhà chùa thanh tĩnh, yên bình, hấp dẫn cả giới nhà Nho và mọi chúng sinh.



* Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

 

[1] Theo Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập 3. (Bùi Duy Tân chủ biên). Nxb. Giáo dục Việt Nam, H., 2009, tr.393-394.

[2] Theo Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập Ba (Bùi Duy Tân chủ biên). Sđd, tr.407-425.

[3] Xin xem Về sự tiếp nhận và sáng tác Từ ở Việt Nam (Khảo sát từ đầu thời Tự chủ cho đến hết thời Lê). Theo http://vienvanhoc.org.vn.

[4] Theo Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập Ba (Bùi Duy Tân chủ biên). Sđd, tr.954-955. Các trích dẫn tác phẩm Nguyễn Hữu Chỉnh đều theo sách này.

[5] Theo Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập Ba (Bùi Duy Tân chủ biên). Sđd, tr.749-750. Các trích dẫn tác phẩm Nguyễn Du đều theo sách này.

Nguyễn Hữu Sơn (Biên soạn): Thi hào Nguyễn Du – từ thơ chữ Hán đến kiệt tác Truyện Kiều. Nxb. Trẻ - Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, 168 trang.

Nguyễn Hữu Sơn: Từ cõi hư vô nhìn lại kiếp người. Người đại biểu, số 17 (2861), ra ngày 17-1-2012, tr.5.

[6] Trương Tửu: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ. Nxb. Hàn Thuyên, H, 1943. Tuyển in trong Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu, phê bình (Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm, biên soạn). Nxb. Lao động, H, 2007, tr.676.

[7]Lê Thước: Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Nhà sách Mạc Đình Tư Xb, H, 1928, tr.22-23.

[8] Thơ văn Nguyễn Công Trứ (Trương Chính biên soạn và giới thiệu). Nxb. Văn học, H, 1983, 168 trang. Các trích dẫn thơ văn trong bài đều theo sách này.

[9]Dẫn theo Từ điển Phật học Hán Việt, Tập I (Kim Cương Tử chủ biên). Phân viện Nghiên cứu Phật học Xb, H, 1992, tr.683.

[10]Đào Duy Anh: Hán - Việt từ điển giản yếu. In lần thứ ba. Trường Thi Xb, Sài Gòn, 1957, tr.206.

[11] Tham khảo Nguyễn Hữu Sơn: - Nguyễn Công Trứ - “Phải có danh gì với núi sông”. Văn hóa nghệ thuật, số 10-2000. In lại trong Văn học trung đại Việt Nam - Quan niệm con người và tiến trình phát triển. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2005, tr.345-360.

- Nhà Nho Nguyễn Công Trứ với Phật giáo. Nghiên cứu Văn học, số 3-2009, tr.42-54.

[12]Phan Thúc Trực: Cẩm Đình thi tuyển tập (Nguyễn Thị Oanh giới thiệu - phiên âm - dịch chú). Nxb. KHXH, H., 2011, 508 trang. Các trích dẫn tác phẩm Phan Thúc Trực trong bài đều theo sách này.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 57
    • Số lượt truy cập : 6757888