PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC
PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC
HOÀNG THỊ THƠ
Phật giáo Ấn Độ trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, sớm du nhập vào Việt Nam rồi trở thành một trong những tôn giáo truyền thống, tôn giáo dân tộc và tới đỉnh cao là trở thành quốc giáo của Việt Nam trong thời kỳ Lý-Trần. Phật giáo đã cùng dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, từ Lạc Việt, Đại Việt đến Việt Nam cận đại và hiện đại, qua bao thăng trầm lịch sử, và hôm nay đang cùng dân tộc Việt Nam bước vào thế kỷ XXI với nhiều cơ hội và thách thức. Bài viết này sẽ không đi sâu vào nội dung giáo lý và triết lý của Phật giáo mà tập trung trao đổi một số ý về trách nhiệm của Phật giáo với tư cách một tôn giáo đối với dân tộc từ góc độ lịch sử tư tưởng.
Phật giáo du nhập một cách hòa bình vào Việt Nam rất sớm. Nhiều sử liệu và dấu tích còn ghi lại về trung tâm Phật giáo Luy Lâu nổi tiếng ở châu thổ sông Hồng, đó còn là trung tâm chính trị, quân sự, thương mại của Lạc Việt. Tín ngưỡng Bụt từ gốc Buddha của Ấn Độ đã bổ sung thêm cho tín ngưỡng bản địa về từ bi, bác ái, vị tha thành một tâm thức của người Việt cổ trong cuộc sống, đấu tranh xây dựng và bảo vệ dân tộc. Dân tộc Lạc Việt lúc đó đã có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước nhưng tổ chức nhà nước và tôn giáo còn đơn giản, lại thêm luôn bị đe dọa xâm lược và đô hộ bởi các giặc ngoại xâm từ phương Bắc. Sự tiếp thu Phật giáo lúc đó không thể không góp phần chống lại sự xâm lược của thực dân phương Bắc, bảo vệ con người, văn hóa và dân tộc Lạc Việt. Phật giáo lúc đó hẳn đã góp phần phát huy vai trò hệ tư tưởng của người Việt chống lại Hán hóa. Tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử hay trước tác của Khương Tăng Hội cũng như nhiều sử liệu khác đều cho thấy Phật giáo Luy Lâu đã tác động không nhỏ đến tư tưởng giới lãnh đạo của Lạc Việt, thậm chí cả những người đến từ Ấn Độ và Trung Quốc theo Phật giáo Luy Lâu cũng đề cao Phật giáo, truyền bá Phật giáo trong so sánh và phê phán Nho và Lão1. Như vậy, trong thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo tuy không phải là quốc giáo nhưng đã đóng vai trò tôn giáo dân tộc để tham gia bảo vệ văn hóa, chủ quyền của dân tộc Việt.
Từ khi Lạc Việt bắt đầu kỷ nguyên Độc lập tự chủ (năm 905) Phật giáo ở đây cũng không ngừng phát triển. Các sư tăng không chỉ nhuần nhuyễn giáo lý nhà Phật mà còn trau dồi kiến thức Nho và Lão - Trang để hiểu hơn thời cuộc và sáng tỏ đường hướng của dân tộc Việt. Đến thời Đinh - Tiền Lê (968-1009) kiến thức uyên thâm và tầm nhận thức chiến lược dân tộc của các cao tăng đã được triều đình đánh giá cao và trọng dụng họ. Vua Đinh cũng như vua Lê đều có những chính sách bảo trợ và phát triển hệ thống tăng đoàn Phật giáo trong cả nước như một tôn giáo chính thống, chùa lớn cũng được nhà nước xây dựng ngay ở kinh đô. Triều đình đã trọng dụng và phong thưởng cho những nhà sư có công giúp vua lo việc triều chính, cả đối nội và đối ngoại2. Nhà vua còn cử các phái đoàn sang Trung Quốc thỉnh kinh Phật về cho in và truyền bá cho chúng dân. Phật giáo thời kỳ này bắt đầu phát huy được vai trò như một lực lượng tinh thần của dân tộc trong các đường lối chiến lược nhằm xây dựng và ổn định nhà nước độc lập sau một thời kỳ dài bị đô hộ.
Sang thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển tới cực thịnh. Nhà nước và tăng đoàn có sự hợp tác và kết hợp vai trò chính trị và tôn giáo chặt chẽ. Các vua Lý và vua Trần đều sùng đạo, nhà vua cũng là học trò của các cao tăng nổi tiếng. Nhiều vị vua tự nhận là Phật tử và trọng dụng các cao tăng uyên bác làm cố vấn cho triều đình3, có thể coi đó là những triều đại Phật giáo điển hình của Việt Nam. Nhiều vị vua được tôn làm tổ của các phái Thiền nổi tiếng4, nhiều thiền sư xuất chúng là những cố vấn chiến lược cho triều đình, và nhờ quan hệ đó mà tăng đoàn Phật giáo luôn hưởng sự bảo trợ trực tiếp của triều đình. Đóng góp của Phật giáo trong thời kỳ này không chỉ thông qua các hoạt động tín ngưỡng hay nghi lễ trong lĩnh vực tâm linh của triều đình và người dân, mà thể hiện trong mọi mặt của đời sống như văn học, nghệ thuật, giáo dục, ngoại giao và thậm chí cả quân sự… Ảnh hưởng của Phật giáo tới quan điểm sống của nhiều vị vua cũng như quan lại trong triều đại Lý - Trần có tác động rất lớn đến đường lối chính trị chuộng hòa bình của Đại Việt thời đó. Nói chung, tinh thần bác ái, vị tha, khoan dung của Phật giáo có giá trị định hướng cho lựa chọn “vương đạo” hơn là “bá đạo”5 - tức là các lập trường chính trị - xã hội của nho giáo - trong những quyết sách quan trọng vì lợi ích của dân tộc. Nhiều vị quân vương sau khi ổn định xong đất nước đã theo tấm gương đức Phật tổ nhường lại ngai vàng cho hậu duệ, sống cuộc sống xuất thế như tu sĩ, song khi tổ quốc lâm nguy họ lại linh hoạt xuống núi nhập thế, cùng triều đình bàn định và giải quyết các vấn nạn của dân tộc, nhưng luôn trên tinh thần từ bi, bác ái, vị tha6. Xong việc, họ lại nhẹ nhàng lên núi tu hành, buông xả hết danh vọng, quyền chức. Cuộc đời của họ trở thành những điển hình trí tuệ và đạo đức đẹp về kết hợp đạo với đời rất thánh thiện của Phật giáo Việt Nam.
Về phía Phật giáo, trước hết tăng đoàn và các tín đồ Phật giáo là các công dân và cộng đồng công dân (Phật tử) gắn quyền lợi tăng đoàn với quyền lợi quốc gia, trung thành với dân tộc. Sự hợp tác giữa tăng đoàn và nhà nước theo hướng vì lợi ích chung của dân tộc đều nhằm củng cố vững chắc pháp luật của triều đình, tinh thần và đạo đức của dân tộc, tạo điều kiện sống lành mạnh, hạnh phúc cho cả tu sĩ và thường dân sống phù hợp với Phật pháp và vì sự phát triển bền vững của dân tộc. Lúc đó, nhiều tu sĩ cũng là thi sĩ, sử gia, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà luyện kim, nhà khai hoang… nhiều chùa chiền cũng là trường học, trạm chăm sóc sức khỏe, viện mồ côi và dưỡng lão, trường học… Vì vậy, Phật giáo tuy không tranh giành vị trí quyền lực chính trị và kinh tế với tư cách một lực lượng trong xã hội, nhưng một khi Phật giáo làm tốt trách nhiệm đối với dân tộc thì trên mọi phương diện phát triển của xã hội đều mang dấu ấn của Phật giáo.
Có thể nhận định, giá trị nổi trội nhất của Phật giáo là bác ái, khoan dung, đặc biệt là khoan dung tôn giáo thể hiện thành năng lực đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo khi cần phải huy động sức người sức của cho tổ quốc lúc lâm nguy.
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa một trang sử nào phải nhuốm máu lửa vì hận thù tôn giáo do Phật giáo gây ra. Riêng thời kỳ Lý - Trần, cũng như các giai đoạn sau đó, lúc Phật giáo không còn là quốc giáo, và cả khi Nho giáo đã chiếm thế độc tôn thì Phật giáo vẫn tồn tại với tư cách một tôn giáo truyền thống gắn kết một cách tự nhiên với tín ngưỡng bản địa của hầu hết người Việt Nam, gồm cả tín đồ và không phải tín đồ Phật giáo, và cả tín đồ các các tôn giáo khác. Đây là một thế mạnh đặc biệt của Phật giáo khi cần phát huy trách nhiệm tôn giáo với dân tộc Việt Nam.
Trách nhiệm dân tộc của Phật giáo với tư cách một tôn giáo truyền thống của người Việt Nam hiện nay.
Việt Nam là một nước đa sắc tộc với không ít hơn ba tôn giáo chính, trong đó Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng lớn và lâu dài nhất. Tuy ngày nay, Phật giáo không ở còn vị trí quốc giáo, song nó vẫn còn tư cách là một tôn giáo truyền thống thấm sâu trong bề dày của dân tộc và trong tâm hồn của người Việt, nên Phật giáo có lợi thế nhiều hơn so với một số tôn giáo khác khi thể hiện trách nhiệm dân tộc của mình.
Người Việt Nam khi trở về với cội nguồn và bản sắc dân tộc rất dễ dàng chia sẻ và phát huy những yếu tố của Phật giáo mà chúng đã tích hợp và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: tính vị tha, khoan dung, từ bi, nhẫn nhịn; coi trọng nhân tâm, sự bình yên, thanh thản hơn danh vọng và vật chất; thân thiện với thiên nhiên và trân trọng sự sống của mọi sinh linh… Đây là những yếu tố nhân văn nổi trội đã được chắt lọc qua chiều dài lịch sử Phật giáo nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, và chúng vẫn rất cần cho dân tộc ta trong thời đại hiện đại hôm nay.
Phật giáo có truyền thống yêu chuộng hòa bình và bằng trí tuệ chứ không phải bằng bạo lực để đấu tranh chiến thắng cái ác, vì Phật giáo coi cái ác, cái bất thiện là bắt nguồn từ “vô minh”. Phật giáo luôn kêu gọi tu dưỡng tâm thiện và khẳng định “tâm Phật” sẵn có trong mỗi người, hãy tìm kiếm sự giác ngộ nơi chính mình. Đây là một cơ sở giáo lý để tất cả mọi người cầu thiện, cầu trí tuệ đều có thể chia sẻ, vượt qua sự khác biệt đẳng cấp, sắc tộc và tôn giáo của đời thường để cùng nhau hướng tới lợi ích chung cao hơn của dân tộc.
Con đường tu dưỡng của Phật giáo là tự giác, làm chủ và chịu trách nhiệm với chính mình. Trở lại, hay tìm lại sự thanh tịnh của chính mình cũng là một đường hướng để giúp con người, dù là Phật tử hay tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào, có thể bình tĩnh và tỉnh táo tránh những cám dỗ của mặt trái của thương trường trong xã hội tiêu dùng… để giữ gìn sự lành mạnh của tâm thiện, cũng như trân trọng những giá trị đẹp của cá nhân, gia đình, cộng đồng và tổ quốc khi hội nhập vào kinh tế thị trường thế giới hiện nay.
Những thành tựu, cũng như các giá trị đẹp của Phật giáo trong lịch sử văn hóa, nghệ thuật đã trở thành một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam. Cái đó lớn hơn một tôn giáo, đủ để cho cả Phật tử và không phải Phật tử Việt Nam tự hào về chúng và giữ gìn chúng trong quá trình hội nhập của Việt Nam hôm nay.
Phật giáo còn là một điển hình phương Đông nếu so sánh với phương Tây như các mô hình văn hóa, văn minh. Việt Nam tiếp tục phát huy những giá trị tinh túy và cao đẹp của Phật giáo như là sự tự khẳng định cái riêng của một dân tộc phương Đông trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Dân tộc Việt Nam sẽ đẹp hơn, thiện hơn, bền vững hơn nếu Phật giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp những mặt tích cực của mình cho lợi ích chung của dân tộc. Trong lịch sử, chính bằng cách đó mà Phật giáo Việt Nam đã từng thể hiện mình như một phần đích thực của dân tộc và những đóng góp của Phật giáo vẫn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay.
1. Tinh thần Phật giáo Lạc Việt rất rõ trong Lý Hoặc Luận. Trong các sử liệu về thời kỳ của Sỹ Nhiếp ở Lạc Việt (khoảng 168-169) cho thấy Phật giáo đã là một tôn giáo có đặc trưng riêng của người Việt, dân tộc Việt trong thời kỳ Bắc thuộc.
2. Nhà sư Ngô Chân Lưu (đời thứ tư của phái Vô Ngôn Thông) được Vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng thống và Khuông Việt Đại sư; Sư Đỗ Pháp Thuận (đời thứ mười của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) được vua Lê Đại Hành tin dùng cả đối nội và đối ngoại.
3. Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều Lý là học trò của sư Lý Khánh Vân, và là đệ tử thụ giáo của sư Vạn Hạnh. Thiền sư Vạn Hạnh được trọng dụng làm cố vấn cao nhất cho vua Lý Thái Tổ. Các sư Đa Bảo, Viên Thông tham gia chính sự của nhà Trần.
4. Vua Lý Thái Tông được tôn làm tổ thứ mười hai của phái Vô Ngôn Thông; Lý Thánh Tông được tôn làm tổ thứ hai của phái Thảo Đường; Trần Nhân Tông là tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một phái Thiền thuần túy Việt Nam.
5. Theo quan niệm của các nhà nho Tiên Tần (Khổng Tử cho đến Tuân Tử) dùng các thuật ngữ “Vương đạo”, “Bá đạo” để chỉ các tư tưởng chính trị và đạo đức. Vương đạo là phương pháp chính trị dựa trên đạo đức nhân từ, lễ nghĩa; Bá đạo thường chỉ phương pháp chính trị dùng mánh khóe, bạo lực, chạy theo lợi ích vật chất trước mắt. Các môn đồ của Khổng - Mạnh đề cao Vương đạo như con đường đúng đắn, bền vững mà các vị quân vương nên noi theo.
6. Tinh thần “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông là một điển hình “xuất”, “xử” của một vị vua - Phật theo tinh thần Phật giáo vì dân tộc.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết