Thông tin

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)

CAO THĂNG BÌNH

Lòng tham ích kỷ

 

 

 

“Người trút bỏ được lòng tham sẽ trút bỏ được gánh nặng lớn trong đời, còn nếu để lòng tham sai khiến, ta sẽ mãi mãi khổ đau, không bao giờ có được an lạc...”.

Ngày xưa có một tiều phu khi thấy cha già yếu không còn làm gì được nữa, ông ta đóng một chiếc xe gỗ rồi cùng đứa con đẩy cha lên núi rồi bỏ lại đó. Xong việc, ông bỏ xe gỗ lại đó nhưng đứa con nhất quyết đòi đẩy xe gỗ về. Ông bảo con: “Ta không cần mang nó về làm gì”. Đứa con nói: “Con mang về để khi nào cha già như ông nội thì con sẽ dùng nó để đưa cha lên núi này”. Người cha chợt tỉnh, hối hận, xin lỗi cha rồi đưa về nuôi đến hết đời.

Trên đời, ai cũng có lòng tham không ít thì nhiều. Lòng tham luôn đi liền với sự ích kỷ và ẩn nấp trong các vỏ bọc kín đáo. Càng giàu có, lòng tham càng lớn như người khát uống phải nước muối, càng uống càng khát. Lòng tham chính là một trong “Tam Độc”, gây nên chiến tranh, gia đình ly tán, huynh đệ tương tàn.

Người trút bỏ được lòng tham sẽ trút bỏ được gánh nặng lớn trong đời, còn nếu để lòng tham sai khiến, ta sẽ mãi mãi khổ đau, không bao giờ có được an lạc trên cuộc đời này.

 

Tham ái

“Có nhiều người thương yêu, họ sẽ mang lại cho ta nhiều hạnh phúc, nhưng khi chứng kiến họ ra đi, ta sẽ vô cùng đau khổ...”.

Bà già có đứa cháu nhỏ mất đi do mắc phải bệnh hiểm nghèo. Bà than khóc, ôm xác đứa cháu tìm đến Đức Phật. Đức Phật hỏi: “Bà có biết trong thành này có bao nhiêu người không?”. Bà đáp: “Thưa Thế Tôn, chắc khoảng vài trăm nghìn người”. Đức Phật hỏi tiếp: “Bà có biết trong thành này mỗi ngày có bao nhiêu người mất không?” Bà đáp: “Thưa Thế Tôn, chắc khoảng vài trăm người”. Đức Phật nói: “Nếu tất cả dân ở thành phố này đều là họ hàng của bà thì ngày nào bà cũng phải than khóc”.

Khi có nhiều người thương yêu, họ sẽ mang lại cho ta nhiều hạnh phúc, nhưng khi chứng kiến họ ra đi, ta sẽ vô cùng đau khổ. Sinh ly tử biệt là điều mà không ai có thể tránh được. Ngày thường ta hạnh phúc bao nhiêu thì cũng sẽ có lúc ta phải đau khổ bấy nhiêu khi phải chia tay người thân. Ái sanh Thủ (yêu thì muốn giữ chặt lấy), Thủ sinh Hữu (giữ lấy rồi muốn sở hữu vĩnh viễn).

Đoạn diệt tham ái là việc khó làm nhất trong đời người. Muốn làm được điều này ta có thể chuyển dần Tham ái sang Từ bi. Tham ái là tình yêu ích kỷ muốn giữ chặt người đó với mình, còn Từ bi là lòng yêu thương với ánh sáng trí tuệ, vô điều kiện, sẵn sàng hy sinh để người mình yêu thương được tốt hơn.

 

Hiểu về từ bi

“Người thực hành Bồ tát đạo luôn mang từ bi đến với mọi người, như cơn gió mát đi đến đâu cũng làm dịu bớt đi đau khổ...”.

Nhiều người nghĩ rằng người tu hành vô cảm với cuộc đời vì chỉ lo giải thoát cho riêng mình. Thực ra trong Đạo Phật, Từ bi là thực hành lòng yêu thương vô điều kiện đối với mọi ngưòi. Khi có lòng yêu thương vô điều kiện, ta cứu giúp người khác một cách vô tư, ở đó ta không còn thấy ta là người giúp, ai đó là người nhận, và giá trị của vật ta đem cho (Bố thí). Điều này cũng giống như khi các bậc cha mẹ hy sinh mạng sống mình để cứu con, lúc đó họ không hề suy nghĩ mình là kẻ ban cho, còn con là người thọ nhận. Họ chỉ có một mối quan tâm duy nhất là làm sao cứu được con.

Vì ích kỷ nên phần lớn chúng ta không thể thương ai khác ngoài con mình. Cũng vì ích kỷ, nhiều người đem việc từ thiện để đầu tư đổi chác hòng mang lại món lợi lớn hơn sau này. Qua việc từ thiện họ muốn khuếch đại công việc làm ăn hay mong tránh được tai họa. Khi họ cho ai cái gì họ nhớ suốt đời và mong được báo đáp một ngày nào đó. Với cách làm này, họ chỉ làm cho người khác bất đắc dĩ phải nhận lấy chứ không thể cảm được lòng yêu thương trong việc làm đó.

“Từ” là mang lại niềm vui cho người khác, “Bi” là làm dịu bớt nỗi đau của họ. Người thực hành Bồ tát đạo luôn mang từ bi đến với mọi người, như cơn gió mát đi đến đâu cũng làm dịu bớt đi đau khổ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 52
    • Số lượt truy cập : 6113330