Thông tin

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)

 

CAO THĂNG BÌNH

 

Kho tàng tâm thức

“Khi ta thường xuyên tiếp xúc với hạt giống tích cực ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, khi tiếp xúc với hạt giống tiêu cực ta sẽ đau khổ. Những dù là hạnh phúc hay khổ đau tất cả cũng đều vô thường...”.

Tâm ta ví như đất nên được gọi là Tâm Địa, ở đó có đủ các hạt giống tốt xấu. Khi hạt giống nào được tiếp xúc thường xuyên, chúng nổi lên bề mặt nên dễ nhớ dễ tìm. Các hạt giống nào bị lãng quên, chúng nằm sâu bên dưới. Tâm ta luôn cuộn xoáy và các hạt giống thay nhau chìm nổi kể cả khi ta ngủ. Khi ta nhớ về một việc gì, tâm sẽ liên tục đào bới cho đến khi tìm gặp mới thôi.

Khi tâm trở nên rộng lớn, nó lớn đến nỗi không có vật nào có thể nằm ngoài nó. Khi tâm nhỏ nhé, nó nhỏ đến nỗi không có vật nào vào được bên trong nó. Tâm ôm ấp mọi sự việc trong đời, kiếp này kiếp trước và nơi lưu giữ những ký ức đó gọi là Tàng thức (tức là kho tàng tâm thức). Người không tu hành thì tàng thức hỗn tạp nên sinh ra nhiều tạp niệm, chúng luôn quấy rối họ kể cả trong giấc ngủ.

Trong Duy thức học, Tàng thức còn gọi là A Lại Gia thức, là thức số 8 đứng sau Ngã thức. Khi sự vật nào đó xuất hiện trong Tàng thức, Ngã thức lập tức bám theo để tư duy, phân biệt, chấp ngã.

Khi ta tiếp xúc với hạt giống tích cực, ngã thức sẽ phân biệt đưa đến cảm giác hạnh phúc, khi tiếp xúc với hạt giống tiêu cực ta sẽ có cảm giác đau khổ. Nhưng dù là hạnh phúc hay đau khổ tất cả cũng đều vô thường, chúng rồi sẽ qua nhanh như giấc mộng.

Người tu hành cần buông bỏ, không chạy theo Ngã thức để cho Tàng thức trở nên thanh tịnh, rỗng lặng.

 

 

Lăng kính tâm thức

“Chỉ có một mặt trăng, nhưng khi nó chiếu vào ao tĩnh lặng thì ta thấy trăng sáng trong, khi chiếu vào ao đục thì trăng mờ đục...”

Khi ta ăn một trái xoài, ta không chỉ ăn chúng bằng miệng.

Trước khi đưa miếng xoài vào miệng, ta đã ăn chúng bằng mắt, bằng mũi, bằng các giác quan khác, bằng cảm xúc, bằng tưởng tượng. Miếng xoài chưa vào đến miệng mà ta đã cảm thấy vị ngon.

Sáu giác quan của ta gồm có mắt (thị giác), tai (thính giác), mũi (khứu giác), lưỡi (vị giác), thân (xúc giác), và não (ý thức).

Chúng là 6 ăng-ten liên tục bắt sóng từ thế giới bên ngoài rồi từ đó giải mã, phân thành tốt xấu, thương ghét. Sự phân biệt này sẽ khắc họa nên hình ảnh của đối tượng vào sâu trong tâm thức, hình thành nên định kiến về vật đó ở những lần gặp lại nó về sau.

Chỉ có một mặt trăng, nhưng khi nó chiếu vào ao tĩnh lặng thì ảnh trăng sáng trong, khi chiếu vào ao đục thì ảnh trăng mờ đục.

Những điều mắt ta thấy chẳng qua chỉ là hình ảnh của vật hiển thị qua lăng kính tâm thức. Thế nên cùng một sự vật mà người thương, người ghét, người thích, người không. Ảo ảnh của vật luôn lừa gạt ta mà kẻ tiếp tay cho nó chính là tâm thức ta. Người theo đạo Phật là người không bị lôi cuốn theo sự biến chuyển của các dòng tâm thức, có thế tâm mới được an định.

 

 

Khi thức chấp ngã

“Mạt Na Thức lừa dối ta về bản ngã của mình, nó là nơi sinh ra tâm phân biệt giữa ta với người...”

Hình hài ta có là từ tinh cha huyết mẹ. Ngày ta mới chào đời, ta chẳng có gì ngoài manh tả. Ta mang ơn muôn loài đã nuôi sống ta, xương thịt của chúng đã hòa quyện để thành một phần cơ thể ta. Khi ta chết đi thân ta trở về với đất, hòa vào thân xác những sinh vật khác.

Những gì ta có đều do vay mượn ngoài đời. Những gì ta thích, ta dùng quyền lực, tiền tài để đoạt lấy rồi xem chúng là “của ta”.

Ngược lại, những gì ta ghét, ta luôn tìm cách xua đuổi. Sự chấp ngã và ngã sở (ta và của ta) gây nên chiến tranh và chết chóc cho muôn loài quanh ta.

Ngã thức là thức thứ 7 đứng sau nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Trong Duy thức học, thức nà còn có tên là Mạt Na thức. Ngã thức này lừa dối ta về bản ngã của mình, nó là nơi sinh ra tâm phân biệt giữa ta với mọi người. Vì vô minh ta không nhận ra Phật tánh trong ta, trong khi đó lại đi tìm lấy những gì không phải của mình.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 296
    • Số lượt truy cập : 6948263