Thông tin

PHẬT TẠI TÂM, MA CŨNG TẠI TÂM

PHẬT TẠI TÂM, MA CŨNG TẠI TÂM

 

VU GIA

 

 

 

Tôn giáo không phải là luật pháp, nhưng tôn giáo nào cũng giáo dục, nhắc nhở con người tu tập cái tâm, trau dồi cái tâm, gìn giữ cái tâm trong sáng… Ngấp nghé đẳng tuổi “xưa nay hiếm”, tôi thấy lời Phật dạy khi tâm được trong sáng (minh tâm) thì cuộc sống yên vui, ngược lại là đau khổ, luôn luôn đúng. Chữ tâm, chữ tài hiện nay sao mà lạc lối thế?

 

Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều). Chưa lúc nào bằng lúc này, người ta nói nhiều về cái tâm của con người trong cuộc sống, về tài năng và tài lộc, và dường như… lạc lối. Về tài năng, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ, đồng thời tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng của cả nước; đến bây giờ số lượng người có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có học vị tiến sĩ nhiều nhất trong khu vực, song chất lượng thì đứng ở… xa xa. Về tài lộc thì ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, có phân tích rất sâu sắc trong bài trả lời phỏng vấn báo Lao động, ngày 5-6-2011: “Cái gì làm ra tiền thì đổ xô vào, cái gì không làm ra tiền thì bỏ, ngó lơ... là đang phổ biến. Khi bước vào thời kinh tế thị trường, chúng ta có một cái quên rất cơ bản, đó là kinh tế thị trường này chỉ phát triển khi các yếu tố khác cũng được phát triển thì mới có thể phát triển tốt và lành mạnh. Nếu chỉ thuần túy là thị trường, tức làm ra tiền, thì nó phát triển không những không bền vững mà còn đầy thảm họa. Hãy nhớ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, kèm theo đó là các hệ tư tưởng quan trọng về dân chủ, nhân đạo, về quyền con người, về bảo vệ di sản truyền thống... để làm cho con người vững vàng hơn trước các giá trị đồng tiền. Còn hiện ta như đang thả hết, chỉ coi kinh tế là quan trọng. Chúng ta như một người lâu nay đói khát, bỗng dưng thấy một đống tiền trước mặt là tất cả cùng nhào vồ lấy cho thật nhiều mà quên mất các giá trị làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người”.

Vì thế, cả chục năm qua, người ta thường kêu gọi mọi người hướng tới cái tâm thiện lương. Nhưng tâm là gì? Về nghĩa gốc, tâm là trái tim. Ở phương Đông, ngày xưa, người ta tưởng lầm rằng trái tim là chỗ nghĩ ngợi lo lắng, nên phàm cái gì thuộc về nghĩ ngợi lo lắng đều gọi là tâm. Sách Đại học luận rộng về cái tâm, lấy sự tu thân làm gốc, và viết: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ tu thân vi bổn”. Nho giáo nhắc nhở mọi người “Tồn tâm dưỡng tánh” nghĩa là gìn giữ cái tâm, nuôi nấng cái tánh. Nho giáo quan niệm “tiên thiên” là tánh, “hậu thiên” là tâm. Do vậy, cái tâm không phải do trời sinh mà ảnh hưởng từ gia đình và xã hội. Nhà Phật cũng nói: “Minh tâm kiến tánh”, nghĩa là làm sáng cái tâm thì sẽ thấy cái tánh, và một khi “kiến tánh” thì sẽ “thành Phật”. Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Ở phương Tây, người ta cho rằng sự suy nghĩ, khôn ngoan do cái não; còn cái tình gốc ở tâm. Tâm mà phát ra lộn xộn, có khi trái lẽ là vì thiếu suy nghĩ. Các triết gia phương Tây gọi tâm là lương tâm. Về lương tâm, có phái chủ trương do sự kinh nghiệm mà hiểu biết, có phái cho rằng cái tâm tự nhiên khôn thiêng, có việc chẳng cần phải học hỏi hay là kinh nghiệm mà cũng biết được.

Đức Thích Ca Mâu Ni, cho rằng tâm là chìa khóa để mở cánh cửa thiện lương trong mỗi con người và cần phải thường xuyên tu tập mới có. Ngài dạy:

“1- Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu, lại khó sử dụng, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập thì khó sử dụng.

2- Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu, lại dễ sử dụng, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập thì dễ sử dụng.

3- Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu, lại đưa đến bất lợi lớn, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập đưa đến bất lợi lớn.

4- Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu, lại đưa đến lợi ích lớn, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập đưa đến lợi ích lớn.

5- Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu, đem lại đau khổ, như tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, đem lại đau khổ.

6- Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ khưu, đem lại an lạc, như tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại an lạc”1.

Do đó, tâm không phải là vật có hình tướng mà hễ ai đó muốn là có thể tìm nó ở đâu đó mang về cho mình là được chứ không cần tu tập, chẳng cần trau dồi. Đạo giáo cũng khuyên con người cần phải “Tu tâm luyện tánh”, chứ không phải tự dưng mà có. Cái xấu cứ như cỏ dại, không cần chăm sóc nó cứ tốt tươi. Cái tốt như danh hoa, phải che chắn nắng mưa, tưới bón cẩn thận, thậm chí phải thức khuya dậy sớm chăm sóc thì nó mới tỏa hương, tỏa sắc. Do vậy, chăm sóc cái tâm ít ra cũng như chăm sóc danh hoa mới hy vọng cái tâm trong sáng, cái tâm thiện lương, mới hy vọng cuộc đời tươi đẹp.

Khi con người không có cái tâm thiện lương, tức là không có lương tâm thì dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11-2016 vào chiều 28-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”. Tôi nghĩ, Bộ Nội vụ chỉ làm được phần nổi. Điều quan trọng là ý thức, tức là cái tâm của mỗi con người. Nếu một người có lương tâm thì không đợi người khác nhắc nhở, kêu gọi từ chức khi thấy mình không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ Đông sang Tây, khi nhà nước hình thành đều có luật pháp. Luật pháp là “bức tường lửa” ngăn chặn cái xấu phát ra từ cái tâm không trong sáng ở mỗi con người. Luật pháp giúp con người sống có đạo đức hơn, văn minh hơn. Pháp luật sẽ bị vi phạm nếu xã hội có môi trường đạo đức tha hóa. Ngược lại, pháp luật không nghiêm cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống môi trường đạo đức.

Tôn giáo không phải là luật pháp, nhưng tôn giáo nào cũng giáo dục, nhắc nhở con người tu tập cái tâm, trau dồi cái tâm, gìn giữ cái tâm trong sáng… Ngấp nghé đẳng tuổi “xưa nay hiếm”, tôi thấy lời Phật dạy khi tâm được trong sáng (minh tâm) thì cuộc sống yên vui, ngược lại là đau khổ, luôn luôn đúng. Chữ tâm, chữ tài hiện nay sao mà lạc lối thế?

Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh, không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai” (Kinh Pháp Cú – Phẩm Tự Ngã). Như vậy, Phật cũng ta mà ma cũng ta. Phật tại tâm, ma cũng tại tâm. Trong lòng ai cũng có ma và cũng có thể trở thành ma, nếu lơ là, buông lỏng bản tâm của mình. Muốn có bản tâm trong sáng, không thể không tu tập. Nếu mỗi người đều có bản tâm trong sáng thì xã hội chỉ có tốt đẹp trở lên. Lúc đó, chính phủ chỉ tập trung lo những việc to lớn hơn cho đất nước, không còn phải kêu gọi “văn hóa từ chức”, không còn kêu gọi “tìm người tài chứ không tìm người nhà”, không còn phải lo “tất cả cùng nhào vồ lấy cho thật nhiều”…

Mùa xuân – mùa của niềm tin và hy vọng – đang về với muôn loài. Chúng ta là chúa của muôn loài. Vì thế, chúng ta cố gắng trau dồi cái tâm, gìn giữ cái tâm để “làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6057823