PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TỈNH HẢI DƯƠNG TỪ 1934 ĐẾN 1945
PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
TỈNH HẢI DƯƠNG TỪ 1934 ĐẾN 1945
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Chùa Côn Sơn
Năm 1934, ở Bắc Kỳ, nhờ nỗ lực hoạt động của nhóm Phật học tùng thư mà nòng cốt là các sư ông Trí Hải, Đỗ Trân Bảo (Thái Hòa, Tâm Bảo), Vũ Đình Ứng (Hải Châu, Tâm Ứng), Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu), một hội nghị trù bị thành lập Hội Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ nhằm ngày rằm tháng Bảy - Phổ độ Trung Nguyên năm Giáp Tuất (1934). Một Ban Quản trị Lâm thời được lập soạn thảo đơn xin phép thành lập Hội và dự thảo Điều lệ kèm theo. Và, ngày 6 tháng 11 năm 1934, nhà cầm quyền Bắc Kỳ ký Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội viên sáng lập gồm 5 tăng sĩ và 27 cư sĩ, do Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Trưởng ban Chứng minh Đạo sư, năm 1936 suy tôn lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 9 tháng 12 năm 1935, tuần báo Đuốc Tuệ - cơ quan ngôn luận của Hội ra số đầu tiên.
Tháng 1 năm 1935, Hội thành lập Ban Khảo cứu Phật học, do học giả Trần Trọng Kim làm Trưởng ban, nhiều trí thức cựu học và tân học làm ủy viên trong đó có các ông Trần Văn Giáp, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang Oánh là người quê Hải Dương hoặc đang là quan chức tại tỉnh nhà như ông Nguyễn Huy Xương[1].
Ngày 17-3, Ban Quản trị Trung ương họp, quyết định: “cấp cho ông Nguyễn Trọng Thuật mỗi tháng 20$00 để ông lưu trú ở Hà Nội mà làm Thư ký cho Ban Khảo cứu[2];
Phong trào Phật giáo ở Hải Dương lúc bấy giờ đang trên đà phát triển, lại có sự giúp đỡ của các vị như Nguyễn Trọng Thuật, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Ngọc… là thành viên Ban Quản trị Trung ương Hội nên ngày 22 tháng 4 năm 1935 (20-3 năm Ất Hợi), Ban Đại lý Phật giáo (BĐLPG) tỉnh Hải Dương đã được thành lập. Hội quán đặt tại chùa Đông Thuần gần thị xã Hải Dương. Trưởng ban bên Tăng (TBBT) là sư cụ Tâm Liên, trụ trì chùa An Ninh (tức chùa Trăm Gian), huyện Nam Sách, Hải Dương. Trưởng ban bên tại gia (TBTG) là quan Bố chánh Nguyễn Huy Xương.
Tại đại hội đồng thường niên Hội tại chùa Quán sư ngày 10 tháng 5 năm 1935 phái viên BĐLPG Hải Dương thỉnh cầu xin xây lại chùa Hội quán Đông Thuần vì hiện tại chùa rất chật hẹp. Dự tính làm chùa mới hết 3000$. Nhưng lúc bấy giờ Ban Quản trị Trung ương không thể giúp chi hội về tài chính được, vì Trung ương cũng đương trù liệu xây lại chùa Quán Sứ; Ngày 23-6-1935, Ban Quản trị họp, ưng thuận để Chi hội tự quyên lấy tiền mà làm5[3].
Ngày 22 tháng 8 năm 1935, Ban Quản trị Trung ương họp chuẩn y BĐLPG Hải Dương bầu cụ Trần Văn Đại, Tuần phủ hưu trí làm Trưởng ban Đại lý Hội Phật giáo tỉnh, thay quan Bố chánh Nguyễn Huy Xương thăng chuyển tỉnh khác.
Ngày 29 tháng 8 năm 1935, BĐLPG huyện Tứ Kỳ thành lập. TBBT là sư cụ Nguyễn Văn Tường trụ trì chùa Gia Xuyên, TBTG là nghị viên Phạm Văn Huống xã An Lão, Hội quán đặt tại chùa Gia Xuyên.
Ngày 25-26 tháng 8 năm 1935, BĐLPG tỉnh Hải Dương đã xuống chùa làng Ninh Xá, phủ Kinh Môn để làm chay bắc cầu phả độ cho vong hồn những người bị nạn đắm tàu Chấn Long ngày 8 tháng 8 năm 1935.
Buổi làm chay có quan Tuần phủ trí sĩ Trần Văn Đại-Đại biểu và ông Đỗ Công Chân-Thư ký; 6 vị sư và Ban Hộ niệm Hội Phật giáo Hải Dương.
Thuyền ghé vào chùa An Ninh để thỉnh kinh, rước xuống thuyền rồi thuận dòng thẳng đến Ninh Xá. Đến nơi đã thấy dân sở tại đem long đình, hương án, cờ quạt và chiêng trống đứng đón ở bờ sông.
Bắt đầu vào việc làm chay, tiếp linh ngay bên cạnh chỗ tàu đắm. Tràng phan phất phới theo chiều gió khi lên khi xuống như hòa với tiếng bổng trầm của một ông trong Ban Hộ niệm cất giọng đọc bài độ vong nghe rất não nùng ai oán. Xong, rước linh vào chùa làng Ninh Xá để cúng Phật tụng kinh, cắt kết. Khách thập phương thiện tín đến chỗ ước đến 2000 người. Quan phủ Kinh Môn được tin Hội Phật giáo làm chay đã cử 1 cai và 3 lính cơ về đây giữ trật tự. Đến hôm sau, Ban Đại biểu từ giã Ninh Xá ra về[4].
Ngày 20 tháng 10 năm 1935, BĐLPG huyện Ninh Giang, Hải Dương thành lập. TBBT là sư cụ Tạ Uyên Sào trụ trì chùa Phù Mã, xã Mai Sơn, tổng Kê Sơn, phủ Vĩnh Bảo, Hải Dương, TBTG là ông Bùi Khắc Ngữ, Hội quán đặt tại chùa Sùng Quang, Đỗ Xã, huyện Ninh Giang.
Ngày 29 tháng 11 năm 1935, BĐLPG huyện Kim Thành thành lập. TBBT là sư cụ Phạm Chính Đức trụ trì chùa Quang Khánh làng Dưỡng Mông, Kim Thành. TBTG là chánh tổng Nguyễn Văn Điện[5].
Ngày 16 tháng 1 năm 1936, BĐLPG huyện Chí Linh thành lập. TBBT là sư cụ Tâm Khang trụ trì chùa Triều Âm, Đồng Đôi, Chí Linh, TBTG là ông Trịnh Đình Vỵ, Hội quán đặt tại chùa Côn Sơn, Chúc Cương, Chúc Thôn, tổng Chí Nghĩa, Chí Linh.
Ngày 12 tháng 2 năm 1936 (20-1 năm Bính Tý), lễ khánh thành BĐLPG chùa Hun (tức chùa Côn Sơn) ở huyện Chí Linh. Các ông Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật và Dương Bá Trạc đã về dự.
Ngày 29 tháng 10 năm 1936 (16-10 Bính Tý), khánh thành CHPG Gia Lộc, Hải Dương. Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, tổ Bằng Sở, các ông Lê Dư, Bùi Kỷ, Trần Tuấn Khải về dự.
Ngày 13 tháng 4 năm 1937 (Đinh Sửu), khánh thành BĐLPG chùa Kính Chủ, phủ Kinh Môn, Hải Dương. Hội quán tại chùa Kính Chủ (Thạch Sơn động) TBBT là sư cụ trụ trì bản tự, TBTG là ông Nguyễn Tử Tư. Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, sư cụ Tế Cát, các ông Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật về dự.
Ngày 15 tháng 9 năm 1937, khánh thành chùa Hội quán của CHPG Hải Dương. Chùa Đông Thuần ở ngay bên vệ đường số 5 khi qua phố Maréchai Toffre thị xã Hải Dương. Chùa đồ sộ nguy nga, ở trong có thể chứa được hàng nghìn người đến lễ. Ông Trần Văn Đại Chánh Đại lý CHPG Hải Dương là người có công lớn trong việc này.
Ngày 20 tháng 8 năm 1938 (15-7 Mậu Dần), tại chùa Đông Thuần đã bỏ vàng mã, đây là một cải cách lớn thực hành tại CHPG Hải Dương. Cầu nguyện đức Phật phù hộ cho tất cả mọi nơi từ Hội Trung ương cho đến các chi hội các nơi, đâu đâu các giáo hữu cũng giác ngộ mà thực hành việc cải cách về tinh thần ấy - là việc bỏ vàng mã. Một Phật sự nổi bật Phật giáo xứ Bắc trong thời kỳ này là việc CHPG Hải Dương đã lập một Ban Kịch do cư sĩ Đỗ Công Chân - Chánh Thư ký BĐLPG tỉnh phụ trách. Diễn viên là các nhà thân hào cùng các viên chức trong thị xã lại là hội viên CHPG. Mục đích để giúp các việc công đức, việc từ thiện cùng các việc nghĩa khác, diễn những vở có tính cách tuyên truyền giáo lý, khuyến thiện, khuyến tu. Các tài tử trong Ban đều tận tâm vì đạo ra công luyện tập đã lột tả được tinh thần các vai trong vở. Bấy giờ Hội được phép đưa Ban Kịch đi diễn các phủ, huyện thuộc tỉnh Hải Dương, trước là tuyên dương giáo lý, khuyến hóa nhân tâm, sau lấy tiền để mở mang các việc công ích và chấn hưng Phật giáo. Công cuộc được tiến hành, đến đâu đều được công chúng hoan nghênh[6].
Tối ngày 11-3-1939, Ban Kịch Phật giáo Hải Dương biểu diễn vở Quả báo luân hồi (do ông Đinh Xuân Thuyết ở Chi hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình sáng tác) phục vụ các hội viên tại chùa Hội quán Đông Thuần ở gần sân vận động thị xã Hải Dương. Ban Kịch đã đi diễn ở 4 phủ, huyện đến đâu cũng được hoan nghênh. Tại Vĩnh Bảo bán được 600$00 tiền vé, cúng cho Hội Thể thao hơn 100$00. Ông Trần Văn Đại, Chánh Đại lý Hải Dương đã mời Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc và mấy vị cư sĩ trên Trung ương Hội về xem. Tháng 8 năm 1939, Hội trưởng Hội PGBK Nguyễn Năng Quốc kính đạt tôn ông Chánh Đại lý cùng các CHPG địa phương: “... về phần tôi, tuổi ngày một già, mỗi ngày một yếu tự liệu không còn đủ sức để đảm đương hết thảy mọi việc cho được hoàn toàn, nên tôi xin từ chức Chánh Hội trưởng để Hội bầu người khác thay tôi. Nhưng vì các ban đồng chí cố sức giữ lại không cho tôi từ chức nên tôi phải bàn với Ban Quản trị Trung ương mời cụ Trần Văn Đại lên sung chức Phó Hội trưởng và mời cụ trông coi các việc thơ từ vãng lai với các chi hội và trông coi các việc nội tại trong Hội giúp tôi.
Cụ lớn Trần là một bậc khoa danh lão thành lại sẵn có nhiệt tâm vì đạo, chắc các giáo hữu đã biết và sau đây chắc là cụ sẽ giúp tôi mà làm cho đạt tới mục đích chấn hưng.”
Ban Kịch CHPG Hải Dương diễn 2 tối lấy tiền mua áo rét cho binh sĩ người Việt tham gia đại chiến bên Pháp. Tối 9 tháng 11 năm 1939 vở Quả báo luân hồi tại rạp Sélect. Tối 10 tháng 11 năm 1939 diễn vở Tu là cõi phúc. Cả 2 buổi thu 424$20, Hội nộp lên chính quyền tỉnh, các phí của 2 buổi biểu diễn là 57$95 thì Chi hội Hải Dương trích tiền quĩ Hội ra chi không tiêu vào tiền bán vé.
Ngày 2 tháng 12 năm 1940 (Canh Thìn) sư cụ Trịnh Mạnh Đinh, Giám viện chùa Côn Sơn đã cúng cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ ngôi chùa Côn Sơn là một nơi phát tích của tổ Huyền Quang đời Trần. Ngày 15-12-1940 (17-11 âm lịch), ngày vía đức Di Đà tại Hội quán Trung ương (chùa Quán Sứ) đã làm lễ cất nóc chùa chính điện. Sau lễ cất nóc Ban Thiền học đã họp. Đúng 12 giờ khai mạc hội đồng, có mặt quí Hòa thượng: Phan Trung Thứ, Phúc Chỉnh, Tế Cát, Hương Tích, Bát Mẫu, Chánh Giám viện và Phó Giám viện trường Thiền học, các Thượng tọa: Trí Hải và Thái Hòa do Hòa thượng Phan Trung Thứ chủ tọa. Hội đồng đã bàn và quyết định:
1) Cử Thượng tọa Tố Liên đi trụ trì chùa Côn Sơn và trông nom khai thác 50 mẫu ruộng ở xung quanh chùa (thực tế chỉ cấy được 20 mẫu, còn lại là hoang thảo phải khẩn điền khai sơn mà cầy cấy trồng trọt).
2) Bàn việc làm Tùng lâm Côn Sơn, Hội đồng đã nhất trí cử Hòa thượng Phan Trung Thứ (tổ Bằng Sở) sung Chánh trụ trì, Hòa thượng Triều sung Phó trụ trì, Hòa thượng Tuệ Tạng (tổ Cồn) sung Chánh thủ tọa, sư cụ Thọ trụ trì chùa Ngái sung Chánh Duy na. Thượng tọa Thanh Đinh (Trịnh Mạnh Đinh nguyên Giám viện chùa Côn Sơn) sung Phó Duy na kiêm Tri khách, Đại đức Thanh Đỗng là Thư ký kiêm Tri tạng, Đại đức Thanh Hạnh làm Phó Giám tự, Thượng tọa Tố Liên làm Phó Phó tự.
Ngày 22 tháng 5 năm 1941, CHPG Hải Dương họp Đại hội đồng thường niên do Chánh Đại lý Trần Văn Đại chủ tọa. Sư cụ An Ninh ngồi ghế Chứng minh. Hội đồng đã bầu sư cụ An Ninh Trần Chấn Đức làm Chánh trụ trì kiêm TBBT thay sư cụ Hòa Xá Vũ Đình Chân mới thị tịch, sư cụ An Tĩnh Tạ Đăng Mẫn làm Phó trụ trì thay cụ An Ninh, ông Bùi Đăng Khoa - Lục sự tòa án Hải Dương làm Phó Đại biểu thứ nhất thay Tham tá Địa chính Nguyễn Đức Khởi chuyển đi Sơn Tây. Hội đồng quyết định cuối năm nay sẽ đúc một quả chuông thông thủy 1 thước 2 tấc ta dự tính 1200$00.
Tháng 2 năm 1942, do Phó Hội trưởng Trần Văn Đại từ chức vì bệnh duyên, Hòa thượng Viên Hải ở chùa Đào Viên, Thanh Hóa đương sung chức Phó Đốc giáo Ban Thiền học và lại thường trụ ở Hội quán Trung ương, bầu Hòa thượng làm Phó Hội trưởng thứ 2. Cử tọa nhất trí.
Các vị đại biểu các Chi hội Phật giáo Hải Dương, Nam Định, Nam Sách và Kiến Thụy trình hội đồng rằng có nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh để thi hành cho được duy nhất; đại khái như y phục của chư tăng, chương trình các ngày đại lễ ở các chi hội, các hội viên phải mua đủ huy hiệu và phải đeo trong các ngày đại lễ. Ông Phó Hội trưởng trả lời: hiện nay công việc của Hội ta phạm vi hết sức rộng, có nhiều việc về tinh thần cần thiết hơn nữa và những vấn đề nói trên Hội cũng đã lưu tâm từ trước. Xin các giáo hữu nhất tâm hợp tác với Trung ương về hết thẩy các phương diện thì kết quả mới mau thành tựu được.
Cuối năm 1944 (Giáp Thân), các Hội và toà báo ở Hà Nội như: Hội Phúc thiện, Hội Hợp thiện, Hội Quảng thiện, Hội Phật giáo, Hội Thánh (bên Công giáo), báo Đông Pháp, Ngọ Báo, báo Trung Bắc Tân Văn thành lập Ban Cứu tế mùa đông để giúp đỡ đồng bào thiếu áo chống rét. Đầu năm 1945 (Ất Dậu), tuy không bị đói kém trầm trọng như nơi khác, nhưng các làng lân cận chùa Hương Hải, huyện Nam Sách, Hải Dương cũng có một số người bị đói. Để chia sẻ nỗi khốn khó khổ cực cùng đồng bào, Hòa thượng Tuệ Tạng-Thích Tâm Thi (tổ Cồn) trụ trì chùa Hương Hải đã cho tăng chúng xem xét số thóc chuẩn bị để ăn hàng năm của chùa, chỉ để lại cho gần 40 tăng ni đủ ăn cho đến tháng 6 là có lúa mới; mỗi ngày bữa sáng ăn cháo, bữa trưa ăn cơm nhưng cầm chừng, bữa tối không ăn, còn dư bao nhiêu đều đem chia ra nấu cháo đặc để phân phát cho đồng bào tới chùa buổi sáng, mỗi người một bát ăn tạm, để giữ lấy sức sống cho tới mùa gặt lúa chiêm. Việc phân phát kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 5 năm 1945. Việc làm của tăng ni chùa Hương Hải đã giúp một số đồng bào qua được cơn đói.
Ngày 8 tháng 8 năm 1945 (1-7 Ất Dậu), sư Như Như về chùa Đông Thuần, Hội quán CHPG Hải Dương giảng về vấn đề “Phải tẩy trừ mê tín để nâng cao dân trí” theo thỉnh cầu của CHPG tỉnh lỵ Hải Dương.
Tạm kết
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo từ 1934-1945 Phật giáo Hải Dương đã có nhiều thay đổi: các chi hội Phật giáo tỉnh, huyện được thành lập với đầy đủ hai ban bên tăng sĩ và bên cư sĩ với những hoạt động hoằng pháp và từ thiện xã hội khá phong phú. Chùa Côn Sơn được trao về Trung ương Hội và đặt trường Tiểu học Phật giáo với 15 tăng sinh tại chùa. Hòa thượng Tuệ Tạng về trụ trì chùa Hương Hải và mở rộng tùng lâm này với trên dưới 40 tăng ni sinh.
Phật giáo Hải Dương đã đi đầu trong phong trào bỏ tục đốt vàng mã và cải tiến nội dung tiến hành lễ Vu Lan -rằm tháng 7. Ngoài việc duy trì đều việc đặt mua và tổ chức đọc báo Đuốc tuệ, BĐLPG tỉnh đã thành lập Ban Kịch Phật giáo biểu diễn nhiều buổi phục vụ tốt cho việc hoằng dương giáo lý của đức Phật.
[1]Biên bản số IX , Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo Bắc Kỳ, 1935.
[2] Biên bản số XVI, Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo Bắc Kỳ, 1935.
[3] Biên bản số XXVII, Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo Bắc Kỳ, 1935.
[4] Báo Trung Bắc Tân Văn số ra ngày 3-10-1935.
[5] Các sự kiện trên dựa theo sách Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953) của Nguyễn Đại Đồng, Nxb Tôn giáo, 2008.
[6] Đuốc Tuệ số 103 ra ngày 15-2-1938 (Mậu Dần).
Tài liệu tham khảo
1. Báo Đuốc Tuệ từ 1935-1945.
2. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc từ 1920-1953,Nxb. Tôn giáo, 2009.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết