PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM 1963
ĐỈNH CAO CỦA SỰ NHẬP THẾ
PGS.TS. NGUYỄN NGỌC DUNG
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-TP.HCM
Ra đời cách nay trên 2.500 năm, ngay từ đầu, đạo Phật đã là một giáo lý nhập thế. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Một số ý kiến dựa trên những kinh điển và lối sống của Phật giáo Nguyên thủy đã nhìn Phật giáo như một tôn giáo xa lánh trần tục. Những quan điểm như thế, rõ ràng phản ánh nhận thức không đầy đủ về đạo Phật.
Khác với nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Hinduism, Christianism, Islam – những thần giáo dựa trên đức tin vào Thượng đế, đạo Phật dường như là tôn giáo vô thần, rất nhân bản và lấy con người làm trung tâm. Giáo lý nhà Phật đặt căn bản (nền tảng) trên con người, coi con người là chủ nhân của chính mình, tự mình tu luyện dẫn đến giải thoát, chứ không nương nhờ vào bất cứ lực lượng thần quyền nào. Nhiều học giả thời nay khi nghiên cứu về đạo Phật đã thấy rằng đây là một tôn giáo thực nghiệm (empirical), khoa học (scientific), thực tiễn (pracmatic) và rất dân chủ (democratic); tóm lại, đó là tôn giáo của những vấn đề thế gian.
Bài viết đi từ những vấn đề nhập thế của đạo Phật vốn là tự tính của tôn giáo này; từ đó làm cơ sở để trình bày truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử. Trong giai đoạn nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại thì đỉnh cao là phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, góp phần vào sự lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm nửa thế kỷ trước.
1. VẤN ĐỀ NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VÀ TRUYỀN THỐNG NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Phật giáo có những đặc tính nhập thế là bởi bản thân nó là một thứ “tôn giáo trị liệu”, nghĩa là chữa trị những căn bệnh gốc của nhân gian như sợ hãi, bất công, đau khổ, tham dục… Đức Phật là tấm gương nhập thế độ nhân sinh cao cả nhất. Trong toàn bộ cuộc đời tám mươi năm của Ngài, hơn nửa số thời gian đó Ngài lăn lộn với chúng sinh giúp họ “nhập tri kiến Phật” đặng thoát khỏi ách Luân hồi. Những chân lý Ngài truyền đạt cho chúng sinh mang đầy tính thực tiễn; đó là Tứ diệu đế, thuyết Duyên khởi, Bát chánh đạo, Từ bi, Hỷ xả. Ngài cho thấy sự phân chia xã hội thành những đẳng cấp và sự đề cao quá đáng vai trò của giới tu sĩ trong đạo Bà-la-môn là một sự giả dối.Tất nhiên, điều quan trọng là mỗi chúng sinh có ý muốn tự thực hành theo con đường kinh nghiệm của đức Phật để được giải thoát hay không? Bởi lẽ con đường hành trì của đức Phật thực sự là con đường đầy khó khăn.
Theo chúng tôi, sự nhập thế của Phật giáo có thể xem xét dưới hai cấp độ cá nhân và xã hội. Ở góc độ cá nhân, đó là quá trình chuyển hóa thân tâm cả bên trong và bên ngoài – một khả năng độc đáo của Phật tử. Sự chuyển đổi đi từ đạo đức sang hành động, từ tâm linh sang thế tục; không còn sự khác biệt giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, vì cuộc hành trình ra bên ngoài là sự tiếp tục và làm sâu sắc hơn cuộc hành trình chuyển hóa bên trong (thân tâm).
Trong khi nhiều học thuyết và định chế xã hội khác nhau liên tiếp được lập ra nhằm thay đổi con người từ bên ngoài – mà nhiều người cho rằng đó là bước khởi đầu của sự thay đổi xã hội hoặc tiến bộ xã hội - thì Phật giáo lại bắt đầu từ sự thay đổi từ bên trong mỗi cá nhân. Có lẽ, chỉ có sự thay đổi từ bên trong cá nhân, may ra mới dẫn đến sự thay đổi toàn xã hội mà thôi. Phật giáo nhập thế hành trì Bồ tát đạo, giúp chúng sinh bớt khổ đau ngay ở đây, trong đời này chứ không đợi đến sau khi họ chết.
Ở góc độ xã hội, sự nhập thế của Phật giáo chính là sự tham gia tích cực của tổ chức tôn giáo này vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ lực lượng tín đồ đông đảo, Phật tử đã xiển dương những giá trị đạo đức nhân văn, vun đắp tinh thần tương thân tương ái, thực hành công tác xã hội. Sự nhập thế có tầm vóc cao hơn khi Phật tử quan tâm đến những vấn đề chính trị của đất nước, vì hòa bình, hòa hợp dân tộc; rộng hơn nữa là những vấn đề toàn cầu. Ken Jones đã quan niệm sự nhập thế của Phật giáo như là sự “áp dụng một quá trình xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường, phát sinh từ quan điểm nhân sinh của đạo Phật”(1).
Ngày nay, Phật giáo nhập thế nhạy cảm hơn với những bất công xã hội. Các giáo lý căn bản được nhìn nhận trong một bối cảnh hiện đại, được giải thích theo những góc độ mới. Tham, sân, si không còn được hiểu như những tác động tâm lý biểu hiện qua đau khổ mang tính cá nhân, mà chính là những thành tố tác động trong cơ cấu chính trị, kinh tế, quân sự đang ảnh hưởng lớn lao đến đời sống nhân loại(2). Cho nên những người thực hành Bồ-tát đạo đã lồng lòng tin cá nhân vào triết lý độ sinh của Đại thừa mà nhập cuộc, để thay đổi và tạo ra những thiết chế xã hội mới tiến bộ hơn.
Phật giáo Việt Nam có truyền thống nhập thế lâu đời. Tính ra đã có khoảng hai nghìn năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Được truyền bá vào nước ta từ thế kỷ đầu Công nguyên (có ý kiến cho rằng thời điểm đạo Phật xâm nhập vào Việt Nam trước cả Tây lịch), trải qua thời gian, Phật giáo đã sớm được bản địa hóa cùng phương châm “Đạo pháp và Dân tộc”.
Khi xâm nhập vào Việt Nam, đạo Phật – một tôn giáo hòa bình đã góp phần định hình đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Tinh thần Phật giáo đã thấm vào dòng chảy chống Hán hóa trong lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc của dân tộc, tạo ra những đề kháng trong tâm thức dân gian. Trong bóng tối những thế kỷ đồng hóa và áp bức dân tộc của thế lực phong kiến phương Bắc, hình ảnh ông Bụt trong folklore Việt Nam là bằng chứng tín ngưỡng của nhân dân tin vào sức mạnh của cái Thiện và của Chính nghĩa. Vào năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng đã ban chức Tăng thống cho Thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông và ngài Khuông Việt Thái sư, thể hiện sự trọng thị Phật giáo. Về sau, vua Lê Đại Hành cũng mời Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Vạn Hạnh thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi làm cố vấn chính sự. Lịch sử cho thấy, từ khi Việt Nam giành được quyền độc lập tự chủ thì Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu hưng thịnh và trở thành quốc giáo của hai triều đại Lý – Trần, với khoảng thời gian gần bốn trăm năm.
Phật giáo Việt Nam thời kỳ này đã nhập thế tới mức khá toàn vẹn. Lý Công Uẩn từng là một Phật tử, nên khi đứng đầu quốc gia thì những ảnh hưởng của Phật giáo lên đời sống chính trị, văn hóa, xã hội đất nước lúc bấy giờ là điều dễ hiểu. Để xây dựng một quốc gia non trẻ, thì những tư tưởng từ bi, hòa hợp, đoàn kết nhân dân trên tinh thần giải thoát của Phật giáo lại là những yếu tố cần thiết, phù hợp với tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc thời bấy giờ. Như thế, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã đồng điệu với tinh thần độc lập dân tộc của người Việt, tạo nên sức mạnh chính nghĩa chống lại những cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang.
Đặc điểm nổi bật của Phật giáo Lý – Trần là triết lý sống nhập thế. Phật tử Lý – Trần đã thực hiện triết lý đó bằng chính cuộc sống của mình. Họ không chấp tướng, không giáo điều, không vướng mắc vào hình thức, không bó hẹp trong chùa chiền tu viện. Dù là nhà vua, nhà quý tộc, tu sĩ hay thường dân đều có thể thực hành đạo pháp, miễn là hiểu rõ tâm mình. Một trạng thái thân tâm như thế được Trần Thái Tông gọi là “biện tâm” – ông viết: “Không kể là sống ẩn trên núi hay giữa thành thị, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có phân biệt nam nữ sao còn chấp tướng” (Khóa Hư lục). Với tinh thần không chấp tướng, Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã đi khắp nước khuyên bảo mọi người sống theo năm giới, mười thiện là những nguyên lý căn bản của đạo đức Phật giáo(3).
Triết lý sống nhập thế trên tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo đã khiến cho vua tôi, quý tộc thời Lý – Trần đưa ra được những chính sách an dân trị nước hiệu quả, tạo ra một xã hội hòa hợp thuần từ. Phật giáo bấy giờ trở thành sức mạnh bên trong của dân tộc, góp phần xây đắp cho con người niềm tin mạnh mẽ vào bản thân để sống hướng thượng, sống đẹp theo con đường chánh kiến, chánh tư duy và chánh mệnh – một lối sống tích cực, hữu ích cho xã hội và cho giống nòi. Sau này, khi nhận xét về triều đại nhà Lý, học giả Hoàng Xuân Hãn viết “Sau các đời vua hung hãn họ Đinh – Lê, ta thấy xuất hiện những người cầm quyền có lòng độ lượng khoan dung, những cận thần đức độ trung thành. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”.
Sau thời Lý – Trần, Phật giáo Việt Nam dần dần nhường bước cho Nho giáo với tư cách là ý thức hệ thống trị. Đến triều Nguyễn, từ thời Tự Đức, Việt Nam rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, văn hóa dân tộc lại tiếp nhận thêm một tôn giáo mới của phương Tây là Ki tô giáo, khiến cho sự vận động lịch sử dân tộc từ đây thêm phức tạp bội phần. Tuy nhiên, tinh thần khai phóng và dung hợp của Phật giáo vẫn được gìn giữ. Phật giáo vẫn là tôn giáo chính của dân tộc, tiếp tục sứ mệnh “đạo pháp – dân tộc”, đóng vai trò hòa giải giữa các thế lực tranh chấp, tiếp tục góp phần củng cố, phát huy tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam, vì sự nghiệp hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà.
2. HOÀN CẢNH NHẬP THẾ CỦA PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM 1963
Tính cao cả trong tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua mọi thời đại là phương châm “Đạo pháp và Dân tộc”. Nói rõ hơn là trong việc hoằng đạo, không gì cao quý hơn là phụng sự dân tộc.
Tình thế của dân tộc Việt Nam sau 1954 đã khiến cho Phật giáo Việt Nam mặc nhiên bị ràng buộc cùng thân phận lịch sử của dân tộc mình. Theo Hiệp định Geneve, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chính thể khác nhau; hai năm sau đó, một cuộc tổng tuyển cử tự do sẽ thống nhất lại đất nước. Tuy nhiên bấy giờ ở miền Nam, chính thể Ngô Đình Diệm dưới sự bảo trợ của Mỹ đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định, phế bỏ tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Giải thích nguyên nhân phá hoại Hiệp định Geneve, một sử gia phương Tây viết: “Việc dùng vũ lực quá mức và sự trả thù những người kháng chiến của Diệm là sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Geneve (khoản 14c), cũng như là sự từ chối không thi hành điều khoản tổng tuyển cử trên toàn quốc (tháng 7 năm 1956) của Diệm. Lý do chính mà Diệm không thi hành điều khoản này vào những năm 1955 – 56 thật là hiển nhiên: viên quan lại ly hương nhập cảng từ Mỹ chỉ có sự ủng hộ tối thiểu của quần chúng và ít có hy vọng thắng trong cuộc tổng tuyển cử”(4).
Như thế, trong khi cam tâm làm tay sai cho chủ nghĩa đế quốc, tập đoàn Ngô Đình Diệm đã tự đánh vào dân tộc, đánh vào giống nòi. Ông ta đã xây dựng một chế độ phát-xít và chế độ gia đình trị trên toàn miền Nam. Một học giả Mỹ đã miêu tả chế độ Diệm bấy giờ như sau: “Để làm vui lòng cố vấn Mỹ, đôi khi Diệm cũng nói trên đầu môi chót lưỡi về dân chủ, nhưng trên thực tế, ông ta đã nắm mọi quyền lực tối thượng. Đích thân ông ta ngự trị ngành hành pháp của chính phủ; nhằm dành riêng cho mình và anh em trong gia đình, ông ta đã bổ
nhiệm ba người nắm ba chức vụ trong nội các gồm sáu nhân vật, mọi quyền quyết định. Sự tấn công dữ dội của Diệm vào các đảng phái chính trị đối lập đã gây nên sự bất mãn trong thành thị cũng như nông thôn. Báo chí chỉ trích chính phủ bị đóng cửa ngay.”(5)
“Dùng quyền hành trong các sắc lệnh của tổng thống, chính quyền Diệm đã lùa vào trại cải huấn hàng ngàn người Việt Nam, cộng sản cũng như không cộng sản, những người bị coi là đe dọa cho trật tự công cộng. Chương trình cải huấn lúc đầu nhắm vào các thành phần kháng chiến của Việt Minh ở lại miền Nam, nhưng rồi với thời gian, chương trình này được áp dụng cho bất cứ ai dám chống đối chính quyền”.(6)
Ngoài những sự thật cay nghiệt trên, vẫn còn những sự thật cay nghiệt nữa xảy ra dưới thời Ngô Đình Diệm, đó là Phật giáo và Công giáo đã bị Diệm đặt vào thế đối đầu. Ban đầu, mầm mống này xuất hiện trong Đạo dụ số 10 (năm 1950), phản ánh lập trường thiên vị Kito giáo của Chính phủ Bảo Đại. Ngô Đình Diệm sau khi trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã bãi bỏ hầu hết những sắc lệnh của chính quyền trước nhưng vẫn cho giữ lại Đạo dụ số 10. Ông là người có lòng tin nồng nhiệt vào Kitô giáo. Vì thế đã xảy ra một điều rất khó tin nhưng lại là sự thật, đó là việc Diệm đặt lợi ích tôn giáo lên trên quyền lợi dân tộc, chắc là để trả ơn cho Hồng y Spellman và Giáo hoàng Pius XII đã “trồng” ông ta vào cái ghế tổng thống(7).
Ý đồ của Ngô Đình Diệm là nhằm xây dựng miền Nam thành một quốc gia Công giáo và mong muốn Công giáo hóa miền Nam. Neil Sheehan nhận xét: “Dòng họ Ngô tiến tới áp đặt trên miền Nam Việt Nam cái tín ngưỡng Kito ngoại lai của họ, đảng Công giáo bảo thủ từ ngoài Bắc vào, và từ quê hương của họ ở miền Trung. Diệm và gia đình bổ nhiệm những sỹ quan chỉ huy đơn vị, những nhân viên hành chính và cảnh sát là những người Công giáo miền Bắc, miền Trung mà ông ta tin tưởng. Những nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phát hiện ra mình bị cai trị bởi những tỉnh trưởng, huyện trưởng, hạng viên chức hành chính ngoại lai và thường tỏ ra cao ngạo, tham nhũng”(8).
3. SỰ NHẬP THẾ CỦA PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM 1963 – NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT
Lập trường phản dân tộc và kỳ thị tôn giáo ngoài Kito của tập đoàn Ngô Đình Diệm hoàn toàn mâu thuẫn với đường lối “Đạo pháp và Dân tộc” của Phật giáo. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, buộc Phật giáo miền Nam phải nhập cuộc chính sự.
Nhân bức Công điện số 5159 của Chính phủ Ngô Đình Diệm yêu cầu các địa phương bắt buộc các tôn giáo thực hiện nghiêm túc quy định của chính phủ về việc treo cờ tôn giáo (không được treo ngoài cơ sở tôn giáo - NND), ngày 7 tháng 5 năm 1963, tại Huế, chính quyền cho cảnh sát đến từng nhà dân buộc hạ cờ Phật giáo xuống. Sự việc này khiến nhân dân phẫn nộ. Ngay chiều hôm đó, quần chúng Phật tử Huế đã biểu tình bao vây Tòa Hành chính tỉnh phản đối chính quyền cấm treo cờ Phật giáo trong lễ Phật đản.
Ngày hôm sau (Phật đản), từ chùa Diệu Đế, một cuộc diễu hành lớn của quần chúng Phật tử Huế được tổ chức với những khẩu hiệu “Tự do tín ngưỡng”, “Phật giáo bất diệt”. Buổi tối, quần chúng tập trung tại khu vực Đài phát thanh Huế đòi chính quyền thực thi yêu sách của mình. Nhưng chính quyền đã phái xe bọc thép và binh lính đến bao vây, dùng vòi rồng đàn áp và sau đó xả súng vào đám đông, gây nên cái chết của 8 người (trong đó có 7 trẻ vị thành niên) và nhiều người khác bị thương.
Biến cố ở Đài phát thanh Huế đã bộc lộ rõ bản chất đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cho nên ngày 9-5, Phật tử Huế tiếp tục biểu tình tố cáo chính quyền tàn sát tín đồ.
Ngày 10-5 nhiều vị lãnh đạo Phật giáo cùng các Tăng Ni, Phật tử meeting tại chùa Từ Đàm lên án chính quyền Diệm, đồng thời soạn thảo một bản Tuyên ngôn 5 điểm đòi quyền tự do bình đẳng tôn giáo, yêu cầu chính quyền chấm dứt khủng bố Phật giáo, bồi thường cho những người dân vô tội bị sát hại, xét xử kẻ chủ mưu(9)…
Để đoàn kết thống nhất và tập hợp lực lượng đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 25/5/1963 Ủy ban Liên giáo phái Phật giáo được thành lập, quy tụ hầu hết các giáo phái, hội đoàn thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam và đại diện các tổ chức và môn phái Phật giáo khác. Ủy ban cũng ra bản tuyên ngôn “Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam” đã ghi trong bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963, “Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy”.
Ngày 30-5-1963, hơn 350 nhà sư xuất phát từ chùa Ấn Quang diễu hành đến trụ sở Nghị viện, biểu tình ngồi, yêu cầu Nghị viện xác định lập trường đối với những yêu sách của Phật giáo, khởi đầu cho cuộc tuyệt thực của Tăng Ni, Phật tử toàn miền Nam.
Cho đến cuối tháng 5-1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo đã bùng nổ thành một phong trào dân chủ rộng lớn. Tham gia phong trào không chỉ có đồng bào Phật tử mà còn nhiều tầng lớp nhân dân khác, trong đó có cả lực lượng sinh viên trí thức. Ngày 31/5/1963 sinh viên tất cả các phân khoa Viện Đại Học Huế hội nghị tại chùa Từ Đàm, đưa ra bản kiến nghị đòi Chính phủ Ngô Đình Diệm giải quyết năm nguyện vọng của Phật giáo, thực thi chính sách tự do, dân chủ, chấm dứt những thủ đoạn đàn áp tín đồ đạo Phật.
Đáp lại cuộc đấu tranh dưới hình thức bất bạo động của đồng bào Phật tử, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn đàn áp bằng vũ lực, chia rẽ tổ chức Phật giáo, bỏ tài liệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng vào các chùa, giả danh Phật tử để bôi nhọ Phật giáo v.v...
Chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm đã gây nên làn sóng phẫn nộ toàn miền Nam, dư âm ra thế giới, thúc đẩy tinh thần nhập thế của Phật giáo miền Nam lên đỉnh cao.
Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài gòn. Sự kiện này gây chấn động không chỉ với đồng bào trong nước mà đối với toàn nhân loại. Sau hành động hiến sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức, nhiều cuộc tự thiêu khác của thiền sư và ni cô tiếp tục xảy ra nhằm phản đối chế độ phát xít và chính sách áp bức Phật giáo của Ngô Đình Diệm; như cuộc tự thiêu của Thiền sư Nguyên Hương 23 tuổi (ở Bình Thuận) ngày 4-8, tự thiêu của Thiền sư Thanh Tuệ 18 tuổi (ở Thừa Thiên) ngày 13-8-1963, tự thiêu của Ni sư Diệu Quang 27 tuổi ở Khánh Hòa ngày 15-8-1963...
Kể từ sau sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu tỏ ra nhượng bộ, bằng việc cùng Ủy ban Liên phái Phật giáo ký Thông cáo chung ngày 16-6-1963, với sự chấp thuận của Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Tịnh Khiết và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng với bản chất phản động, phản dân tộc của chế độ Ngô Đình Diệm, thì đây chỉ là bước thoái bộ tạm thời để họ thực hiện dã tâm đàn áp phong trào Phật giáo và dân chủ một cách quyết liệt hơn. Trong một cuộc họp với tướng lĩnh đầu tháng 7-1963, Ngô Đình Nhu phát biểu rằng “Nếu chính phủ này không giải quyết vấn đề Phật giáo, nó sẽ bị lật đổ vì cuộc đảo chính quân sự”.(10)
Đêm 20-8-1963, chính quyền Diệm đã huy động cảnh sát và lực lượng đặc nhuệ đồng loạt tấn công các ngôi chùa trung tâm tại Sài Gòn và Huế như Ấn Quang, Xá Lợi, Từ Đàm, Diệu Đế, Linh Quang và nhiều chùa chiền khác vốn là căn cứ cho cuộc đấu tranh của Phật giáo. Họ đã bắt và giam giữ hàng nghìn nhà sư cùng các vị lãnh đạo của Tổng hội Phật giáo và Ủy ban Liên phái. Các thành viên Ban Chấp hành Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn và Huế cũng bị bắt cùng nhiều trí thức, sinh viên khác. Sáng ngày 21-8, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh thiết quân luật tại những thành phố lớn và loan tin “chính phủ đã diệt xong bọn phản động”.
Chiến dịch đàn áp Phật giáo dã man lần này không giúp chính thể Diệm vững mạnh lên, mà ngược lại, đánh dấu một sự rệu rã của nó từ bên trong. Tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa Đỗ Mậu – vừa là người trong cuộc, vừa là nhân chứng lịch sử - đã ghi hồi ký như sau “Biến cố Phật giáo vào mùa thu năm 1963 đã để lại những ấn tượng sâu xa trong tâm hồn tôi. Báo cáo của các Ty, Sở an ninh quân đội cả khắp bốn quân khu gởi về đều nhấn mạnh đến tình trạng suy sụp tinh thần quân nhân các cấp. Riêng Quân khu I, đa số sĩ quan đều trực tiếp hoặc gián tiếp yểm trợ cho phong trào đấu tranh của Phật giáo chống đối chính phủ”(11). Chính thể của Diệm từ đó cũng bị mất hết sự ủng hộ của đồng minh quốc tế. Sự phân hóa trong hàng ngũ tướng lĩnh chóp bu cùng với sự giật dây của người Mỹ tiếp theo, đã dẫn đến cuộc đảo chính quân sự ngày 1-11-1963, kết thúc chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.
4. TÍNH CHẤT VÀ TẦM VÓC LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM 1963
Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 là một phong trào dân chủ rộng lớn nhằm phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đòi tự do và bình đẳng tôn giáo; thu hút không chỉ đồng bào Phật tử mà rất nhiều tầng lớp xã hội khác như công chức, binh lính, trí thức, học sinh sinh viên và ngay cả những tín đồ Công giáo cấp tiến. Phong trào diễn ra trong nhiều đợt, làm rung chuyển toàn bộ đời sống chính trị xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Mục tiêu của phong trào là phủ định chính sách đàn áp và kỳ thị Phật giáo một cách có hệ thống của chính quyền Diệm.
Lập trường chống Phật giáo của tập đoàn Ngô Đình Diệm đã gây ra những hệ lụy chính trị nguy hiểm. Bắt đầu từ Dụ số 4, ngày 9/1/1956 Ngô Đình Diệm hủy bỏ ngày lễ Phật đản trong danh sách những ngày nghỉ lễ tôn giáo dành cho công chức và binh lính. Sau đó là hàng loạt những biện pháp thâm độc như việc chính quyền Diệm o ép các hoạt động kinh tế của tín đồ Phật giáo, vu khống họ hoạt động chính trị để bắt bớ tra tấn, tịch thu tài sản, kết án khổ sai họ; việc buộc đồng bào Phật tử ở Tây Nguyên cải đạo Thiên Chúa; việc binh lính Diệm bắn súng cối vào Phật tử, sư sãi Khmer tại chùa Cao Dân, Cà Mau ngày 27-7-1961 v.v...
Ông Chan Htoon, Hội trưởng Hội Phật giáo thế giới bấy giờ xác nhận rằng: “Ngay khi chế độ Ngô Đình Diệm được thiết lập, dân chúng Cambodia khoảng sáu trăm ngàn người theo Phật giáo Nam tông sinh sống tại miền Nam Việt Nam đã kêu ca là họ bị chính quyền Nam Việt Nam và Giáo hội Thiên Chúa giáo ngược đãi một cách có tổ chức. Từ năm năm qua, sự áp chế ngược đãi đã trở nên phổ biến, cho đến nay thì Phật tử Việt Nam cũng chịu chung số phận. Mặt khác, Giáo hội Thiên Chúa giáo ảnh hưởng đến tận toàn bộ chính phủ xuống viên xã trưởng (kể cả lực lượng vũ trang), đã có rất nhiều đặc quyền và ân sủng. Thí dụ, Giáo hội và tín đồ Thiên Chúa giáo được đặt ngoài Dụ số 10, một dụ hạn chế và gây nhiều khó khăn cho các chùa, các tu viện và các hoạt động của Phật giáo và các tôn giáo khác”(12).
Từ việc phản đối chính sách đàn áp Phật giáo, phong trào đã đi tiếp đến mục tiêu là phản đối chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, dân chủ hóa xã hội miền Nam. Việc ủng hộ, hoặc tham gia trực tiếp vào phong trào trên của nhiều tướng lĩnh, chính khách Việt Nam Cộng hòa và tầng lớp sinh viên trí thức, nhà tư sản đã minh chứng điều đó. Mặt khác, phong trào Phật giáo miền Nam 1963 đã góp phần khẳng định và bảo tồn văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc văn hóa, tín ngưỡng bên ngoài, chống văn hóa ngoại lai.
Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 thể hiện một khuynh hướng Phật giáo nhập thế hiện đại.
Có thể hiểu khuynh hướng Phật giáo nhập thế hiện đại như là sự tham dự, nhập cuộc, hành động để chuyển hóa thế giới bên ngoài của những cộng đồng Phật tử.
Chế độ Ngô Đình Diệm bấy giờ là một chế độ phản dân tộc, phản dân chủ, nói rộng ra là phản văn hóa. Theo thế giới quan Phật giáo, đó là hiện thân của sự vô minh, Phật giáo miền Nam là lực lượng bác bỏ sự vô minh ấy; như thế nghĩa là duyên khởi: Cái này có là cái kia có, không tránh được, nên nhiều Phật tử gọi biến cố Phật giáo1963 là “Pháp nạn”.
Một bài kệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng:
“Khi đạt được chánh kiến phải hành động
Phải quan tâm những gì xảy ra quanh ta
Nhờ chánh niệm chúng ta biết sẽ phải làm gì
Biết không được làm gì trên con đường độ sinh”(13)
Các lãnh tụ Phật giáo miền Nam bấy giờ đã chủ trương dấn thân vào cuộc đấu tranh chống chế độ tàn ác của Ngô Đình Diệm bằng con đường bất bạo động (Satyagraha), đấu tranh không nhằm lật đổ chính phủ mà chỉ nhằm thay đổi chính sách của chính phủ, thực hiện bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội(14). Phật giáo tham gia chính sự mà không tham gia chính quyền.
Đường lối đấu tranh bất bạo động thực chất là sự hiến sinh những giá trị của Phật giáo để xóa bỏ sự vô minh và tàn bạo trong nhân tính kẻ cầm quyền, là tự nguyện hy sinh mạng sống của mình để bày tỏ tình yêu quê hương và nòi giống, yêu hòa bình, cảnh tỉnh, ngăn chặn sự tàn sát đồng loại của những tên bạo chúa. Từ những cuộc tuần hành tay không của đồng bào Phật tử đối diện với súng đạn, hơi cay của quân đội, cảnh sát Ngô Đình Diệm, đến các cuộc tự thiêu của nhiều Tăng Ni, mà ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963 là đỉnh điểm của tinh thần phản kháng bất bạo động của Phật giáo miền Nam.
Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 có ảnh hưởng quốc tế rộng lớn. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào Phật tử miền Nam đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều chính phủ, tổ chức chính trị, tôn giáo, hãng thông tấn báo chí trên thế giới. Ngày 24-10/1963, Liên Hiệp Quốc cũng đã cử một phái đoàn đến Sài Gòn điều tra vụ việc.
Tại Mỹ, tờ Bưu điện Washington viết: “Cuộc tranh chấp không còn là một biến động mang tính địa phương nữa. Vì chế độ Ngô Đình Diệm liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ nên có nguy cơ tín đồ Phật giáo khắp châu Á sẽ có cảm tưởng rằng Hoa Kỳ cũng dung túng sự kỳ thị tôn giáo. Tuy đó là một ý nghĩ sai lầm nhưng vì là đồng minh của một chế độ độc tài và áp bức cho nên Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng”(15). Thượng nghị sỹ Mỹ, Wayne L. Morse tuyên bố rằng ông không đồng ý dành một đôla nào nữa để ủng hộ chế độ độc tài tàn bạo của Tổng thống Diệm(16). Ngoại trưởng Mỹ, Dean Rusk thì bày tỏ trong cuộc họp báo ngày 16/6/1963, rằng phía Mỹ rất buồn về những chia rẽ đang xảy ra ở miền Nam Việt Nam(17).
Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một tuyên ngôn có đoạn như sau “Căn cứ vào các tin loan đi từ Sài Gòn, rõ ràng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp nghiêm khắc những lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của Chính phủ Việt Nam vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động đàn áp loại này”(18).
Báo Le Monde ngày 10-6-1963 viết: “Biến cố ở Huế đã xảy ra do sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền, và đã là một cơ hội tốt để sự bất mãn của nhân dân bộc phát. Sự tranh chấp này đã lột trần sự cô lập và thất nhân tâm của một nhóm thiểu số Thiên Chúa giáo được ưu đãi”.
Ở châu Á, Phật tử nhiều nước như Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, gây sức ép dư luận lên chính phủ nước họ lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Nguồn tư liệu của Việt Nam Cộng hòa, Công văn số 43/DK/VP/M ngày 21-8-1963 của Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Tokyo tiết lộ rằng “Dư luận Nhật Bản trở nên sôi nổi đối với vấn đề Phật giáo ở Việt Nam, một số đoàn thể hoặc tư nhân có uy tín đã tiếp xúc thẳng với Thiểm tòa để thăm dò tin tức và chất vấn về những biến cố đáng tiếc mới xảy ra; một số khác viết thư, gửi điện tín đến Thiểm tòa để phản kháng những hành động mà họ cho rằng có tính cách đàn áp Phật giáo ở Việt Nam”(19) Ông Shigenobu Shima, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật cũng đã tiếp xúc với Đại sứ Việt Nam Cộng hòa, bày tỏ quan ngại về biến cố Phật giáo.
Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 góp phần chấm dứt nhanh chóng chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, thay đổi cục diện chính trị miền Nam.
Bắt đầu từ việc phản đối chính quyền Diệm cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật đản, sau hơn năm tháng đấu tranh, Phật giáo miền Nam đã khiến chính thể Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm mất hết lý do tồn tại. Có vẻ như phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo đã làm bộc lộ hết mọi khía cạnh tàn bạo, vô luân của chế độ này.
Tập đoàn Ngô Đình Diệm bị cô lập cực độ ở cả phạm vi trong nước và quốc tế. Trong hàng ngũ tướng lĩnh cao cấp của Diệm đã xuất hiện một số nhân vật chống đối. Trên bình diện quốc tế, quan trọng nhất là Mỹ, đồng minh số một của chế độ Diệm đã không chấp nhận kéo dài thêm chế độ độc tài, gia đình trị của ông ta. Ngày 1/11/1963, dưới sự giật dây của Mỹ, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chế độ Diệm – Nhu, chấm dứt chín năm mưu đồ xây dựng một quốc gia Kito giáo và “chống Cộng” ở miền Nam Việt Nam của gia đình họ Ngô.
Sau cuộc đảo chính quân sự phế Diệm, tình hình chính trị miền Nam đã có những biến đổi lớn. Mỹ không thể dùng một chính phủ dân sự kiểu Diệm để can thiệp vào miền Nam được nữa, mà phải dùng những chính phủ bán quân sự của những Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát hay quân sự toàn phần như Nguyễn Văn Thiệu về sau này. Thực tế cho thấy, là sau thời kỳ Ngô Đình Diệm, nền chính trị Việt Nam Cộng hòa thực sự đã lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên cho đến khi sụp đổ hoàn toàn vào mùa xuân 1975.
Trong khi gây ra những hậu quả nặng nề đối với chính quyền Mỹ-ngụy ở miền Nam thì phong trào Phật giáo 1963 lại có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đây được xem như bước khởi đầu của phong trào đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá tác động của phong trào này đối với cách mạng miền Nam như sau “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch,làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn… Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”(20).
THAY LỜI KẾT LUẬN
Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 thực sự là một công cuộc nhập thế lớn lao của Tăng Ni, Phật tử miền Nam vì Đạo pháp và Dân tộc. Đây là một cuộc hiến sinh cao cả vì hòa bình, tình yêu thương nòi giống, xóa bỏ hận thù, thức tỉnh lương tâm những kẻ phản dân hại nước.
Cuộc vận động Phật giáo này lấy bất bạo động làm phương tiện đấu tranh; mục tiêu không nhằm lật đổ Chính phủ Ngô Đình Diệm mà chỉ nhằm thay đổi chính sách của chính phủ đó, thực hiện bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội; thể hiện rõ truyền thống của Phật giáo là tham gia chính sự mà không tham gia chính quyền.
Cuộc vận động Phật giáo này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Diệm – một chế độ dựa dẫm vào ngoại bang để tạo ra bất công, giết chóc, hận thù và chia rẽ dân tộc.
Cuộc vận động Phật giáo miền Nam 1963 còn góp phần khẳng định và bảo tồn văn hóa dân tộc, sự khoan dung tín ngưỡng, chống văn hóa ngoại lai; gìn giữ tinh thần khai phóng và dung hợp của Phật giáo. Phật giáo miền Nam thật xứng đáng với truyền thống ngàn năm lịch sử cùng dân tộc, tiếp tục góp phần củng cố, phát huy tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam, vì sự nghiệp hòa bình, độc lập thống nhất nước nhà.
1. Ken Jones (1989). The Social Face of Buddhism. Wisdom, Londoon, p. 223.
2. Batchelor S. in Gay Watson, Ed (1999). The Psychology of Awakening. Rider, London, p. 67.
3. Minh Chi. Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam.
4. Noam Chomsky, Edward S. Herman (1979). The Political Economy of Human Rights, vol. 1, Black Rose books, Canada, p.303.
5. George C. Herring, John Wiley&Sons (1979). America’s Longest War. New York, p.62.
6. Ibid, p.65.
7. Avro Mahattan (1984). Vietnam: Why did we go? Chick Publication, California, p.56.
8. Neil Sheehan (1989). A bright Shining Lie, Vintage Books, New York, p.143.
9. Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam đọc tại chùa Từ Đàm (Huế), ngày 10-5-1963. TTLTQG II, ký hiệu SC.04-8352.
10. Jerrold Schecter (1967). The New Face of the Buddhas, John Weatherhill, Tokyo, p.197.
11. Đỗ Mậu 91993). Việt Nam máu lửa quê hương tôi (Hồi ký chính trị), Văn nghệ, Westminster, CA, USA, tr. 155.
12. Tuệ Giác (1964). Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, tr. 184.
13. Nhat Hanh (1998). Fragrant Palm Leaves, Parallax, California, p. 45.
14. Phụ đính của Tuyên ngôn của Phật giáo miền Nam ngày 10-5-1963
15. Washington Post, 19-6-1963.
16. Tuệ Giác, sđd, tr. 211.
17. Xuân Thâm, Cuộc đấu tranh của Phật giáo đang làm cho chế độ Mỹ-Diệm khủng hoảng trầm trọng. Báo Thống Nhất, số 322, 23-8-1963.
18. Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng Pháp nạn 1963, bản Ronéo 1984, tr.333.
19. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu tài liệu: SC.04-HS.8467.
20. Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, Sự thật, Hà Nội, tr. 248.
Bình luận bài viết