QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ PHẬT GIÁO
THÍCH TUỆ MINH*
1. Dẫn nhập
Có không ít người đã từng viết và nhận định về cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì đứng ở những góc độ, những phương diện khác nhau mà sẽ có những nhìn nhận về các giá trị cũng khác nhau. Lấy nguyên tắc nào để xác định tiêu chuẩn đánh giá. Phải chăng dựa vào chính những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho cuộc đời? Như Trần Viết Lưu - Nguyễn Văn Lũy trong “Phong Cách Giao Tiếp Hồ Chí Minh” đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời Người đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam và của toàn nhân loại. Phong cách giao tiếp của Người là một phần sinh động, minh chứng cho giá trị nhân cách lãnh tụ Hồ Chí Minh”[1].
Trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định:
“Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quan ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sản sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.[2]
Và nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá Người là “một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của chủ tịch hồ chí minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”[3].
Qua những dẫn luận trên, chúng ta có thể rút ra được hai yếu tố quan trọng trong con người của Hồ Chủ tịch:
Thứ nhất, nói theo Trần Viết Lưu - Nguyễn Văn Lũy “tuy Hồ Chí Minh mang phong cách nhà Nho nhưng lại là nhà Nho cách mạng. người tiếp thu cái hay, cái đẹp trong Nho giáo, song Người không lấy Nho giáo làm cái lý thuyết cứng nhắc cho tư tưởng và lối sống của mình”[4] mà nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, phần lớn đều xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lênin[5]. Vì chính đây được xem là bước ngoặt đánh dấu sự định hình và khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng của giai cấp vô sản-chủ nghĩa Mác- Lênin, mang bản chất cách mạng và khoa học triệt để”[6]. Điều này chính Hồ Chủ tịch cũng khẳng định rằng “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[7].
Thứ hai, nói theo Hòa thượng Thích Minh Châu[8] thì Hồ Chủ Tịch là một người Mác xít, nhưng đồng thời cũng là con người chân chính của dân tộc Việt Nam. Và vì là con người chân chính của dân tộc Việt Nam cho nên Người không thể không thừa hưởng, tiếp thu, vận dụng tất cả những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhiều yếu tố Phật giáo”[9]. Bởi Phật giáo kể từ khi có mặt trên đất nước Việt Nam, trải suốt hơn 2000 năm luôn đồng hành cùng vận mệnh với dân tộc, bất khả phân ly. Nói đến dân tộc, không thể không nói đến văn hóa Phật giáo và ngược lại, văn hóa Phật giáo luôn gắn kết keo sơn như nước hòa với sữa cùng dân tộc. Và chính cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một nhà nghiên cứu Phật học thâm sâu, một trí thức yêu nước rất thân cận với chư tôn túc Phật giáo[10]. Riêng Hồ Chủ tịch lúc còn đi học trong khoảng thời gian 10 năm ở Huế, nơi có nhiều chùa lớn, kinh luận đủ, sư tăng giỏi, nơi đắm chìm trong không khí Nho- Phật[11], thì không lẽ nào lại không chịu ảnh hưởng trong tư tưởng sau này của ông?. Do đó, trong con người vĩ đại như Hồ Chủ tịch nếu cho rằng chẳng có quan hệ gì với tinh thần Phật giáo thì thật sự sẽ chẳng bao giờ xuất hiện một nhân cách tầm cỡ Hồ Chí Minh!
Với người viết, không có tham vọng trình bày tất cả những gì liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Hồ Chủ tịch, mà chỉ giới thiệu một khía cạnh về phương diện trong cuộc đời của Người đã có sự quan tâm sâu đậm với Phật giáo thông qua những tài liệu lịch sử, những liên đới mà bản thân của Người cũng đã đóng góp rất thiết thực cho Phật giáo, hay nói một cách khác là làm rõ được tinh thần Phật giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang
Đây chính là lời khẳng định một cách mạnh mẽ, chắc chắn của Hồ Chủ tịch thông qua lá thư gửi cho Hội Phật tử Việt Nam ngày 13/8/1947 (tức Rằm tháng 7):
“Từ ngày nước ta trở nên dân chủ cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. thế là: nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang.
Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta, chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tăng Ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật.
Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng để đánh tan thực dân phản động để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ, đại bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”[12].
Trong một lá thứ khác gởi các vị Tăng Ni và đồng bào Phật tử nhân dịp lễ đức Phật Thích Ca thành Đạo ngày 8/1/1957 (nhằm 8/12 âm lịch), Người đã viết:
“Trong dịp này tôi mong các vị Tăng Ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi. Hãy gia sức giúp đỡ cán bộ hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”[13]
Qua hai lá thư này, gợi ý cho chúng ta hiểu thêm một ý nghĩa sâu sắc trong đạo Phật đã được thấm nhuần trong tư tưởng của con người Hồ Chủ tịch. Nếu không thông hiểu về đức Phật, không thong hiểu về giáo lý đạo Phật, và không quan tâm một cách sâu sắc đến giới Phật giáo, chắc có lẽ Người không thể diễn tả được quan điểm của mình bằng những lời nhắn nhủ rất mực chân thành như trên. Người khẳng định: “dân ta có một truyền thống nồng nàn yêu nước..từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”[14]. Đây là một thực tế.
Bởi lẽ “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập…toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[15].
Vậy thì giới Phật giáo há có thể đứng yên bên ngoài mà nhìn đất nước bị diệt vong sao? Điều này hoàn toàn không có trong tinh thần của Phật giáo vì:
“Nhìn lại lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo kể từ khi được truyền vào nước ta, đều khẳng định là trên cả hai phương diện dựng và giữ nước, cũng như đấu tranh chống bất công và cường quyền, Tăng Ni Phật tử Việt Nam đã khẳng định mình là một bộ phận gắn bó chặt chẽ với dân tộc, đã góp tiếng nói và công sức vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”[16].
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trên cuộc đời này không ngoài mục đích “đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[17] cho nên suốt cuộc đời mình, đức Phật cũng chỉ làm duy nhất một công việc “xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ"[18].
Hồ Chủ tịch thì quan niệm “chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tức là phục tùng chân lý”[19]. Vì thế mà Người đã khơi thúc được lòng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của đức Phật cho đồng bào tín đồ Phật tử, hầu nhắc nhở tinh thần đoàn kết trong công cuộc xả thân để bảo vệ nước nhà.
Thậm chí, ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, Người đã sớm xác định “muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã”[20] hoặc “ toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[21]. Điều này rất giống tinh thần của đức Phật thường dạy cho các đệ tử: “Này A nan! Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, và tự nương tựa chính mình. Hãy lấy pháp[22] làm hòn đảo, làm nơi nương tựa, đừng lấy nơi nào khác làm nơi nương tựa, làm hòn đảo, đừng nương tựa nơi nào khác”[23].
Lại nữa, thời nhà Trần của Việt Nam, Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của triều đại, khi gặp đớn đau về nhân tình thế thái, đã chán nản và muốn bỏ ngôi cao để vào núi rừng tu tập. Gặp được Thiền sư Trúc Lâm Viên Chứng khai thị: “Phàm làm vua, phải lấy tâm thiên hạ làm tâm mình, lấy chỗ mong muốn của thiên hạ làm chỗ mong muốn của mình. tức là mình làm vua là vì đúng theo sự mong muốn của muôn dân, chớ không phải làm theo lòng riêng tư cá nhân của mình”[24].
Như vậy, vai trò trong việc mưu cầu hạnh phúc cho tha hay tinh thần lo cho nước, cho dân, cho sự an lạc hạnh phúc của bá gia bá tánh mà đức Phật, Vua Trần Thái Tông, Hồ Chủ tịch, cả ba vị ấy nào đâu có khác?
Ðức Phật hay Hồ Chủ tịch cũng chỉ là những người chỉ cho chúng ta con đường đi đến sự hạnh phúc an lạc, là người đưa ra nguyên tắc sống để mọi người nương vào đó thực hiện, đó là vai trò và trách nhiệm của đức Phật cũng như Hồ Chủ tịch. Việc chúng ta có đạt được mục đích hay không, đều tùy thuộc vào sự nỗ lực giúp lấy mình, hay tự giải phóng cho ta hoặc nương tựa vào chính mỗi cá nhân. Ðây là tinh thần tự do của đạo Phật đã được Hồ Chủ tịch vận dụng một cách triệt để vào tất cả sự thành công mà ngày nay các nước trên thế giới vẫn luôn tôn trọng và đề cao.
Như vậy, Dân tộc với Phật giáo, Phật giáo với Dân tộc tuy là hai thực thể nhưng cùng chung một mục đích. Vì thế, nếu một trong hai mà mất đi, thì bên còn lại sẽ khập khiễng. Và ngược lại, sự phát triển của một bên, bên còn lại sẽ theo đó mà hưng thịnh. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh dạn tuyên bố Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang.
Tinh thần “Phật giáo với Dân tộc như bóng với hình. Dân tộc bị nô lệ dưới chế độ thực dân thì người Phật giáo cũng bị lầm than khổ sở. Do sự liên quan mật thiết giữa Phật giáo và Dân tộc Việt Nam như vậy nên khi Cụ Nguyễn Ái Quốc xuất hiện đấu tranh giành độc lập trên chính trường quốc tế, thì cả Dân tộc Việt Nam, trong đó có người Phật giáo, đều hướng về sự lãnh đạo của Người”[25].
Tóm lại, Phật giáo đi đến đâu cũng hòa nhập một cách tài tình vào tinh thần cũng như cách sống, phong tục, văn hóa, tập quán của nơi đó và đã trở thành một nếp sống luôn đề cao vị trí con người và hạnh phúc cá nhân của tự thân. Chính điều này đã ảnh hưởng thật sâu sắc trong con người của Hồ Chủ tịch, để sau này, kết hợp với đường lối cách mạng, Người đã tạo nên được một sức mạnh từ nhu cầu của quần chúng, đoàn kết sự nghiệp từ quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng[26], đặc biệt là giới Phật giáo, từ phương pháp tuyên truyền giáo dục, tổ chức, và xử lý các mối quan hệ[27] mà có. Thông qua đó Người cũng đã khẳng định, nếu đất nước được độc lập thì Phật giáo sẽ được mở mang, và cũng từ đó, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp nhận đạo lý tinh thần mà Phật giáo truyền trao.
3. Mối quan hệ giữa Hồ Chủ Tịch với Phật giáo
Nói đến mối quan hệ của Hồ Chủ tịch với Phật giáo thì thật không thể kể hết, bởi cả cuộc đời Người chính là những gì tiêu biểu nhất được kết tinh bằng tất cả tinh hoa của dân tộc để tạo nên một Hồ Chủ tịch vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trong đó có yếu tố hơn 2000 năm của Phật giáo. Vì ở Phật giáo có một chất liệu thẩm thấu rất ly kỳ, nó giống như nước, cứ chảy đến đâu là thấm vào lòng đất tại đó và không bị đất đẩy ngược lại.
Là một người hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch hiểu rõ hơn ai hết về mối quan hệ giữa nước và dân, nên lợi ích của nhân dân không tách rời, không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, trong đó yếu tố lực lượng trong tôn giáo, nhất là Phật giáo bấy giờ được xem là một nền văn hóa của Việt Nam luôn gắn bó với cuộc sống người dân thì không thể không lưu tâm!.
Chính Người đã nhận định: “tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm[28]”.
Qua đó Người cũng chỉ ra một cách cụ thể về mục đích của công cuộc chủ nghĩa xã hội như sau:
“…Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc[29]…là làm sao cho dân giàu nước mạnh[30]…là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ[31]…mọi người được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành[32]…tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng[33]…”.
Vậy những điều trên so với tôn chỉ mục đích của Phật giáo có khác gì đâu? Chính vì lẽ đó mà trong suốt cuộc đời mình, ngoài việc gắn bó với phong trào cách mạnh thì cũng không ngót hàng trăm lần Người đã thân hành đến các di tích chùa chiền, đình, đền, miếu mạo nổi tiếng như chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... để thắp hương tưởng niệm đến đức Phật, các bậc thần linh, anh hùng chiến sĩ và cùng với các nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công”[34] để đất nước mạnh giàu, nhân dân an lạc.
Đối với Phật giáo, Người luôn dành một sự quan tâm ưu ái đặc biệt, luôn thành kính với đức Phật, và rất am tường sâu sắc về giáo pháp của Ngài. Hồ Chủ tịch thừa sức hiểu rằng “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một...”[35] luôn trầm trải cùng dân tộc, và đã gắn liền xuyên suốt với người dân để đóng góp to lớn quan trọng trong việc hình thành nền độc lập tự chủ và mở mang văn hiến bền vững, đa dạng của người Việt.
Năm 1927, Hồ Chủ tịch sống và hoạt động cách mạng ở tỉnh Uđon-thani (Thái Lan), sư cụ Thượng toạ chùa Oắt-phô cho biết: “Hồi ấy, chùa xây điện thờ chính... việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góp công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều...”[36]. Bởi đất nước Thái Lan được mệnh danh là một quốc gia mà ở đó cả chính phủ và người dân luôn xem đạo Phật là tôn giáo chính của họ, tư tưởng Phật giáo thấm sâu và từng mạch máu huyết quản của người dân từ bao thế hệ, cho nên đâu đâu cũng có chùa chiền được xây dựng để đáp ứng đời sống tín ngưỡng của họ.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể lại: “Đầu tháng 12 (năm 1940)… Ngày tết đến với chúng tôi tại biên giới… Gần làng có miếu thờ thành hoàng, nhân dân ai cũng đến lễ bái. Bác cũng đi cùng bà con đến viếng đền”[37].
Đồng chí Vũ Anh, một cán bộ cách mạng cao cấp thời bấy giờ cũng chia sẻ: “Tháng 1/1941, Bác, anh Kiên và tôi về địa điểm Pác Bó... ngày tết quần chúng trong làng lên chúc tết đủ mặt. Các chị phụ nữ mỗi người mang một cái làn đựng thẻ hương và quà bánh, kéo từng đoàn đến lễ tết. Bác vẽ một ảnh Phật treo trên vách đá cho quần chúng có chỗ lễ...”[38].
Ngày 5/1/1946, tại chùa Bà Đá, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia”, cầu nguyện cho nền độc lập. Trước thành viên Chính phủ, tăng ni, Phật tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tâm đọc lời thề: “... Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”[39].
Theo lời kể của cụ Nguyễn Xuân Tửu, một sĩ quan quân đội lão thành cách mạng: “Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946)... Tôi lại có vinh dự được bảo vệ Bác Hồ đến thăm đền Ngọc Sơn...
Vì bảo vệ tầm gần nên được theo Bác vào tận hậu cung. Sau khi thành kính thắp hương,… thấy ba cuốn kinh trên bàn, Bác Hồ đã giở ra xem rồi gấp lại đưa cả cho tôi và bảo: “Chú giữ lấy, khi gặp nạn có thể cứu thân”. Đến nay, sau mấy chục năm kháng chiến…, tôi vẫn còn thuộc bài kinh Tâm pháp và kinh Sám hối...”[40].
Sau thời gian tận tụy tìm kiếm con đường hòa bình thân thiện, tránh để chiến tranh xảy ra với nhân dân và Nhà nước Pháp không thành công, ngày 21/01/1947 (giao thừa 30 Tết) Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hang núi chùa Trầm (Hà Tây), đọc thơ chúc Tết kêu gọi đồng bào: “Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông” chuyển sang giai đoạn khó khăn, gian khổ trường kỳ kháng chiến. Ngày 13/7/1966 (hai mươi năm sau), đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Người cho biết: “Hôm đó, Bác đi một mình không cho ai đi theo, Bác đến chùa Trầm...”. Đồng chí sĩ quan cao cấp đóng quân ở chùa Trầm không quên ngày đó: “Hôm ấy, Bác ở lại và làm việc suốt một ngày ở trong chùa Trầm, Bác bảo chúng tôi: “các chú cứ làm việc của các chú, Bác làm việc của Bác...”, chiều tối Bác về, Bác dặn thêm: “Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân... giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt…”[41]. Và sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vùng đất linh, chùa thiêng và hiểu sẽ đến thời kỳ suy đồi chung trên thế giới, đạo bị cấm, chùa, đền, đình... bị tàn hại, Người sớm khẩn cấp ký Sắc lệnh số 65 (23/11/1945) kịp thời, phần nào chặn tay kẻ ác: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật… có ích cho lịch sử”[42].
Dựa vào những sử liệu trên chúng ta có thể khẳng định rằng, tinh thần của Phật giáo đã thấm sâu vào con người của Hồ Chủ tịch, để rồi tạo nên một mẫu người minh triết, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới…rất nhiều những mỹ từ khác nhau để tôn xưng một con người vĩ đại như Hồ Chủ tịch của chúng ta. Bởi thể, dù là ai, tầng lớp nào, thế hệ nào của người Việt Nam luôn xem người mãi mãi sống trong sự nghiệp của họ không bao giờ phai nhạt.
4. Kết luận
Tóm lại, qua nội dung của những vấn đề trên chúng ta có thể rút ra một vài kinh nghiệm như sau:
a. Có thể nói, đạo Phật là tôn giáo đầu tiên và đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương xã hội bình đẳng, không giai cấp. Theo đức Phật, nguồn gốc của chiến tranh chính là lòng tham lam và sân hận. Tham mà không được thì trở thành thù hận, đi đến giải quyết hận thù bằng con đường chiến tranh. Do đó, nếu biết tôn trọng nhau, biết hòa ái, yêu thương thì làm gì có nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Và chính tư tưởng này, Hồ Chủ tịch là người đã học tập và nêu cao trọn cả cuộc đời mình.
b. Về mặt hình thức, Phật giáo là một tôn giáo, nhưng Phật giáo lại lấy ‘chánh tri chánh kiến’ làm nền tảng cho sự nghiệp giáo dục, tức đề cao sự hiểu biết của con người, lấy trí tuệ để giải quyết vấn đề, lấy tình thương để sống. Dẫu rằng, trong Phật giáo vẫn đề cập niềm tin, nhưng niềm tin đó chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình phát triển trí tuệ. Có trí tuệ sẽ giải quyết tất cả những bế tắc trong cuộc đời. Và Hồ Chính Minh đã giác ngộ cách mạng cũng là đi theo con đường trí tuệ để tìm chân lý giải thoát độc lập tự do cho dân tộc.
c. Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam, sự gắn kết đó là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần đồng hành, hộ quốc an dân mà muôn đời Phật giáo luôn gánh trách nhiệm đó với dân tộc. Và chính Hồ Chủ tịch cũng đã sớm tiên tri rằng:“Phật giáo... đã lan khắp thế giới”[43], Do đó, không hiểu và không quý trọng Phật giáo cũng đồng nghĩa là chưa thật yêu quê hương tổ quốc; và phỉ báng Phật giáo cũng đồng nghĩa là chê bai đất nước dân tộc mình. Điều này há không nên thận trọng sao?
d. Theo người viết, Hồ Chủ tịch trọn cả cuộc đời sống vì dân vì nước, cũng trọn cả cuộc đời Người luôn ưu tư cho vận mệnh quốc gia sau này. “Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác. Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện”[44], đó cũng chính là toàn bộ giáo điển của nhà Phật muốn dạy cho chúng sanh, “các việc ác chớ làm, việc lành nên làm, giữ tâm ý thanh tịnh”. Vậy thì mong sao việc giáo dục tư tưởng đạo đức này được phổ cập trong các hệ thống giáo dục hiện nay của nhà nước, để phần nào Phật giáo đóng góp những gì thiết thực nhất cho dân tộc trong công cuộc hội nhập này.
Tài liệu tham khảo:
1.HT. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi Bộ Kinh tập I, NXBTG Hà Nội 2005.
2. HT. Thích Thanh Từ, Thiền Tông Bản Hạnh Giảng Giải, NXB TPHCM, 1998.
3. Viết Lưu -Nguyễn Văn Lũy, Phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh, NXBGD,
Hà Nội 2007.
4. Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội 2002.
5. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập1, 2,3, 4, 5, 7, 8, 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996.
6. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960.
7. Lê Cung, Phong Trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, NXB Thuận Hóa, Huế 2008.
8. Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Phật Giáo, nhiều tác giả, NXB Tổng hợp
TP. Hồ Chí Minh, 2011.
9. Hồ Chí Minh truyện và ký, NXB Văn học.
10. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia.
11. Hồ Chí Minh, Về mặt trận dân tộc thống nhất, NXB Sự thật, Hà Nội, 1972.
Và một số tư liệu khác...
* Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
[1] Trần Viết Lưu -Nguyễn Văn Lũy, Phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh, NXBGD, Hà Nội 2007, tr.3.
[2] Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội 2002, tr.5.
[3] Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, sđd, tr.5
[4] Phong Cách Giao Tiếp Hồ Chí Minh, sđd, tr.36.
[5] Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, sđd, tr.29.
[6] Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, sđd, tr.36.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tr. 127.
[8] Viện trưởng sáng lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại tp. Hồ Chí Minh.
[9] Theo Hòa thượng Thích Minh Châu, Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong mối quan hệ với Phật giáo và dân tộc, trích trong tập “Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Phật Giáo”, nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 128.
[10] Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Phật Giáo, sđd, tr.6.
[11] Phong Cách Giao Tiếp Hồ Chí Minh, sđd, tr.35.
[12] Theo Phong Cách Giao Tiếp Hồ Chí Minh, sđd, tr. 121-122.
[13] Xem Hồ Chí Minh, Về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb KHXH, 1998, tr. 44 - 47.
[14] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr.336.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 4, sđd, tr.14.
[16] Lê Cung, Phong Trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, NXB Thuận Hóa, Huế 2008, tr. 337.
[17] HT. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi Bộ Kinh tập I, NXBTG Hà Nội 2005, tr.46.
[18] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung B ộ, tập I, NXBTG Hà Nội 2005, tr.140.
[19] Xem Hồ Chí Minh, Về mặt trận dân tộc thống nhất, NXB Sự thật, Hà Nội, 1972, tr.39-50.
[20] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 2, sđd, tr.293.
[21] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 3, sđd, tr. 554.
[22] Chỉ cho giáo pháp đức Phật. Giáo pháp của Phật là chân lý của cuộc sống, là những nguyên tắc sống để được hạnh phúc và an lạc
[23] Xem kinh “Tạp A Hàm”, Kinh số 638 và 639, (ÐCT2.tr.176-177).
[24] Xem HT. Thích Thanh Từ, Thiền Tông Bản Hạnh Giảng Giải, NXB TPHCM, 1998, tr. 133.
[25] Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Phật Giáo, sđd, tr.77.
[26] Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, sđd, tr.356-357.
[27] Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh-Di Sản Văn Hóa Dân Tộc, sđd, tr.371.
[28] Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập 4, NXB Sự Thật, Hà Nội 1958, tr.39.
[29] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 10, sđd, tr.17.
[30] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 8, sđd, tr.226.
[31] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 10, sđd, tr.591.
[32] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 10, sđd, tr.72.
[33] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 10, sđd, tr.317.
[34] Vũ Kỳ, càng nhớ Bác Hồ, tr.330
[35] Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh… 1990 - NXB Khoa học Xã hội, tr. 227
[36] Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, sđd, tr.166
[37] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, 1977, tr.41
[38] Bác Hồ hồi ký, NXB Văn hóa Thông tin, 2001, tr.209
[39] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 4, sđd, tr.148.
[40] Theo Văn nghệ công an số 8/2004
[41] Theo Nguồn sức mạnh… NXB Sự thật, 1995.
[42] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, tập 3, tr.74
[43] Theo Hồ Chí Minh truyện và ký, NXB Văn học, tr.206
[44] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, sđd, tr.428
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết