Thông tin

QUAN ĐIỂM DÂN TỘC QUA TÁC PHẨM CỦA SƯ THIỆN CHIẾU

 

Đọc các tác phẩm của Sư Thiện Chiếu người đọc cảm nhận một điều gì rất đổi tha thiết, bức xúc, thật hiếm thấy nơi các tài liệu giảng dạy giáo lý thông thường, ngay cả các tác phẩm Phật giáo ở thời hiện đại này. Vì sao các tác phẩm của ông lại gây cho người đọc một cảm nhận như vậy? Suy đi xét lại, tác phẩm để lại ấn tượng thật sâu sắc vì người viết thể hiện một quan điểm xuyên suốt trong từng vấn đề đồng thời gửi gắm cả một tấm lòng tha thiết. Quan điểm đó là lập trường dân tộc gắn liền với đạo pháp, thể hiện qua những điểm sau:

– Tiếp thu Phật giáo trên tinh thần độc lập tích cực sáng tạo của dân tộc.

Trong "Lời di cảo", Sư Thiện Chiếu đã trình bày rất tỉ mỉ về quá trình đấu tranh "chống thiên nhiên", "chống bất công xã hội" và đặc biệt là "chống ngoại xâm" của dân tộc ta. Mục đích của tác giả là để chứng minh rằng qua quá trình đấu tranh đó, dân tộc ta đã trui rèn và phát huy được tính "độc lập tích cực và sáng tạo" để làm cơ sở phán đoán phân biệt. Ông viết "Tính độc lập tích cực và sáng tạo là yếu tố quyết định sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt nam trong đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, thiện và ác, chính và tà, ngay và gian, chơn và ngụy, bình đẳng và bất công, tiến bộ và bảo thủ, dân chủ và độc tài, tự do và áp bức, bác ái và bạo tàn, chính nghĩa và phi nghĩa, nhân đạo và vô nhân đạo v.v., tính độc lập tích cực và sáng tạo đó loại bỏ một cách không thương tiếc tất cả những gì ngăn trở bước tiến của dân tộc ta...". Như vậy, khi "tiếp thu những học thuật tư tưởng bên ngoài" nhân dân ta đã vận dụng tính độc lập tích cực sáng tạo để "phê phán chọn lọc, hút lấy tinh hoa, loại bỏ cặn bã, để bồi dưỡng thêm cho sức sống của mình". Việc tiếp thu đạo Phật của ông cha ta trước đây và bây giờ cũng theo cách đó, để đạo Phật được du nhập trở thành một đạo Phật Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc.

Lập luận về tôn giáo của ông khi bàn về đạo Phật, mà Sư Thiện Chiếu gọi là "món quà tặng cho nhân dân ta" được ông phân tích "bất cứ một giai cấp áp bức bóc lột nào, người da trắng cũng như người da vàng, người bản xứ cũng như ngưới ngoại quốc đều lợi dụng tôn giáo ru ngủ nhân dân. Chúng cố làm cho người nô lệ, cho người bị áp bức bóc lột quên đời sống thực tại, bỏ phần xác lo phần hồn để hưởng "hạnh phúc" ở một thế giới khác, trên Thiên đường, trên cõi Phật hoặc cõi niết bàn, hoặc đầu thai kiếp khác".

Lập luận này của ông chỉ rõ khuynh hướng tư tưởng của ông đã ở sang bước ngoặc mới, trên lập trường dân tộc mà tách biệt khỏi quan điểm Phật giáo thuần túy, muốn làm một cuộc cải cách lớn hơn nữa sau cuộc cải cách chấn hưng Phật giáo đầu tiên mà ông và Hòa thượng Khánh Hòa đã khởi xướng năm 1930. Lần cải cách này đi theo một hướng khác để sàng lọc tinh hoa là những tư tưởng của Phật phù hợp với truyền thống yêu chuộng tự do bình đẳng nhân ái của nhân dân ta. Sư Thiện Chiếu đã dùng những từ "thích thú", "cảm động", "phấn khởi" để mô tả sự tâm đắc của ông cha ta khi nghe những câu nói của Phật "Pháp ta cũng như không gian, gái trai, già trẻ, giàu nghèo hay sang hèn, ai vào đều tự do bình đẳng như nhau", "Nếu vì ích lợi cho chỉ một trong chúng sanh mà phải ở địa ngục thà ở Địa ngục chớ quyết không thay dạ đổi lòng", "Người họ thích sống trên đất nước họ, họ có quyền tự do đùa nghịch, cũng như chim ở trong rừng tự do ra vào trong tổ của chúng vậy"...

Như vậy, những cái cái mà ông cha ta chọn lọc từ đạo Phật hợp với truyền thống yêu chuộng độc lập – tự do – bình đẳng và tấm lòng nhân hậu của nhân dân ta, nên Phật giáo được chọn làm quốc giáo chứ không phải Nho giáo và trên con đường đồng hành với dân tộc, Phật giáo đạt đến chỗ cực thịnh, với những đóng góp rất nhiều cho đất nước, dân tộc trong từng hoàn cảnh lịch sử phát triển của đất nước.

– Đứng trên quan điểm dân tộc để tấn công những thứ "cặn bã" Phật giáo.

Phê phán những thứ cặn bã Phật giáo trong phong trào chấn hưng không chỉ có mỗi một Sư Thiện Chiếu, nhưng cách phê phán của ông mang những đặc điểm riêng: truy tìm nguồn gốc, xuất xứ, lý do vì sao những cách hiểu sai lầm về Phật giáo như thế lại được truyền bá rộng rãi để gây hại cho chính pháp và cho dân tộc. Sự phê bình của ông thẳng thắng và sử dụng ngôn từ rất mạnh mẽ, gần như là tuyên chiến. Sau đây là một vài ví dụ: phê bình bài Khuyến phát tâm văn trong Khóa Hư tập trong có đoạn khinh miệt các giống người sinh nơi mà người ta gọi là man rợ và cho rằng có hạnh phúc lắm mới được sanh làm người trên đất nước Trung Quốc; ông khẳng định là "có ngụy tạo" vì "tác giả sách đó là vua của một dân tộc anh hùng, từng đánh bại quân Nguyên, đã chẳng nói được như câu" Nam quốc sơn hà nam đế cư "mà lại thốt ra những lời ngu xuẩn như thế à?"; phê bình các câu: "Nếu không phải oan khiên kiếp trước, cũng chắc là nghiệp chướng đời nay" (Truyền kỳ tân phổ), "Đã đành túc trái tiền oan... kiếp nầy nợ trả chưa xong... kiếp sau họa thấy, kiếp nầy hẳn thôi" (Kim Vân Kiều) của thi hào Nguyễn Du ông viết "chịu ảnh hưởng Phật giáo trong lúc suy tàn... vô tình ủng hộ cho thế lực phản động, kiềm hãm sức sống của dân tộc, không thể không gánh lấy một phần trách nhiệm đối với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam" (Lời di cảo).

Lời văn của Sư Thiện Chiếu khi viết về những điều ngụy tạo, sai trái làm hoen ố tinh hoa Phật giáo rất thống thiết. Trong lời tựa của quyển "Phật giáo vấn đáp", ông đã phải kêu lên "Đau đớn thay! lạ lùng thay! Muốn bênh vực rằng Phật giáo không phải là một đạo mê tín hoang đường thì sờ sờ ra đó biết bao nhiêu là việc huyền hoặc dị đoan". Trong Phật giáo Tổng yếu, ông đã kết thúc những lời nói đầu bằng tiếng thán oán "Than ôi" kèm theo 3 dấu chấm than sau khi đã chỉ trích những kẻ chỉ biết trông cậy vào thần quyền là "một giống độc trùng sẽ phá hoại Phật giáo có ngày phải tiêu diệt".

Sự phê phán của ông với ý đồ tấn công vào mặt tiêu cực yếm thế của một bộ phận tăng sĩ Phật giáo quay mặt đi trước hiện tình đất nước, không mang lập trường dân tộc để đối diện với đại cuộc đất nước, đó là nhiệt huyết của ông nói lên tâm trạng một sĩ phu trong mầu áo tăng lữ.

–  Nêu cao các tinh hoa Phật giáo có lợi cho cuộc đấu tranh của dân tộc.

Khi đi vào việc giảng dạy giáo lý Phật giáo, Sư Thiện Chiếu đã nỗ lực giải thoát tín đồ khỏi "mê hồn trận" của sách vở viết về Phật giáo. Không phải những điều kinh sách, tài liệu viết về Phật giáo đều trung thành với tư tưởng của đức Phật. Có rất nhiều điều sai trái do trình độ người viết bị hạn chế, do hiểu sai hay do cố tình thêm thắt bịa đặt để phục vụ cho mục đích đen tối nào đó. Ông viết: "Toàn là chuyện hoang đường, thần thoại đầy dẫy trong kinh sách Phật. Muốn duy trì địa vị là người chỉ lối đưa đường nhưng tiếng nói của họ không còn nghị lực. Họ phải cầu cứu với uy linh của người chết (cách đây hai nghìn năm) bằng tượng gỗ sơn son thếp vàng, hương trầm nghi ngút, chuông trống rình rang... Ngoài ra, họ còn cầu cứu với lũ quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa trên bức vẽ "mười cửa ngục..." (Tìm hiểu về Phật).

Để giải thích những điều rất căn bản của Phật giáo, Sư Thiện Chiếu đã đặt ra những tiểu tựa tóm tắt từng ý cơ bản hay gạch dưới để nhấn mạnh những ý quan trọng giúp người đọc thấy rõ sự gắn bó giữa tinh thần Phật giáo chân chính với lợi ích dân tộc. Ví dụ dùng chữ in đậm, viết hoa, lại còn gạch dưới nhan đề: Có Đúng Với Những Hành Động Cương Quyết Bảo Vệ Tự Do Độc Lập và Triệt Để Chống Đế Quốc Xâm Lược Của Loài Người Tiến Bộ Trên Thế Giới Hay Không? khi dẫn một số lời của Phật như các câu "Người họ Thích sống trên đất nước của họ..."; "Tâm lý của người làm vua là ham muốn tăng cường quân đội, xâm lấn nước ngoài, cướp đoạt tài sản, mở rộng biên cương" (Sư Thiện Chiếu bình luận thêm: "mặc dù Phật là con vua, vẫn thẳng tay lên án Vua là hiếu chiến, là xâm lược, không khác người Mác Xít ngày nay nói rằng Bản chất của đế quốc là xâm lược vậy"); lời đối đáp giữa Phật và A Nan khi vua A Xà Thế sai đại thần Võ Xá đến hỏi ý kiến về việc xâm lấn Bạt Kỳ (Sư Thiện Chiếu bình là Phật đập tan âm mưu xâm lược của A Xà Thế bằng những lời đối đáp đó. Dẫn những lời nói trên của Phật, Sư Thiện Chiếu làm cho người đọc tin rằng "Nếu sinh vào giữa thế kỷ 20 nầy, Phật sẽ kiên quyết ủng hộ (nếu có khả năng) sẽ làm hết sức mình, viện trợ chính trị, kinh tế, quân sự cho Việt nam và quét sạch, không cho xót lại một tên xâm lược" (Tìm hiểu về Phật).

* * *

Không thể dẫn hết những chỗ Sư Thiện Chiếu giải thích lời dạy của đức Phật theo hướng tích cực ủng hộ chính nghĩa của dân tộc ta trong giai đoạn lịch sử cụ thể lúc bấy giờ. Hành trạng của ông mang nặng trách nhiệm trước dân tộc bằng sự thể nhập của bậc Đại thừa Bồ tát, như lời kết ở tác phẩm "Chơn lý của Đại thừa" ông đã viết về tâm nguyện của mình: "Ngoài cái phương pháp Lục độ, còn có biết bao nhiêu là phương tiện. Như ở thời đại nầy, hoặc lấy phương pháp khoa học, hoặc dùng cái chánh sách kinh tế, nếu thuyết Duy tâm không thích hợp thì dùng thuyết Duy vật, dẫu có khác với phương pháp của Phật dạy hồi nguyên thỉ, miễn đạt được mục đích "chúng sanh hết khổ được vui" vậy mới được viên mãn cái hoằng nguyện lợi sanh, và mới phải là bực Đại thừa Bồ tát!". Quan niệm "chúng sanh" ở đây chính là nhân dân còn đang chịu lầm than bởi áp bức bóc lột của chính quyền thực dân, với ông chỉ có giải pháp làm thế nào đưa dân tộc thoát khỏi nền đô hộ mới là ý nghĩa "giải thoát" của người thực hành hạnh nguyện Bồ tát độ sanh vậy.

Điều rất đáng khâm phục là chính người đưa ra những lời diễn giảng đó giữ được "thế – pháp" vẹn toàn, làm tròn trách nhiệm của một nhà sư Việt Nam trong một giai đoạn lúc đất nước bị xâm lăng. Phần "thế", ông gói lại Cà sa để dấn thân vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, rồi "được kết nạp vào tổ chức cách mạng", trực tiếp "tham gia vào phong trào Nam Kỳ Khởi nghĩa tại Hốc Môn", và "bị thực dân Pháp bắt đày Côn đảo", ông đã bị "bị tra tấn đến bại xuội", và từng "giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh Gò Công"... (Tiểu sử Danh tăng tập I). Phần "pháp", ông là một trong các vị có công lao khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam mà lịch sử mãi ghi khắc, ông đã viết nên những tác phẩm Phật giáo tích cực để làm trong sáng giáo lý, chính lòng nhiệt huyết với chánh "pháp" này, đã khiến ông trở thành kẻ cô đơn trong công trạng của mình từ quan điểm cải cách, đối đầu trực diện với một bộ phận lớn Phật giáo còn nặng tính bảo thủ cầu an, mang tư tưởng yếm thế tiêu cực phản ứng đối kháng rất gay gắt với quan điểm hiện thực của ông lúc bấy giờ.

Để lại cho lịch sử một quá trình cống hiến cho sự nghiệp của Phật giáo và dân tộc, ngày nay chúng ta nhận thức và tôn vinh ông cũng chính từ những tác phẩm với quan điểm dân tộc đã một thời gây nên sóng gió trong giới Phật giáo. Sư Thiện Chiếu đã đóng góp công sức không nhỏ vào tư tưởng tinh hoa của đạo Phật thêm rạng ngời và góp phần đưa Phật giáo Việt Nam xu hướng về hiện thực trong mạch sống của cội nguồn dân tộc.

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01-12-2002

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6794464