Thông tin

QUAN NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC TU SĨ PHẬT GIÁO

CỦA GIÁO HỘI LỤC HÒA TĂNG

 

NCS. NGUYỄN VĂN QUÝ
Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học Xã hội

 

1. Đặt vấn đề

Trong lời giới thiệu công trình “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN viết: “Theo dòng chảy của Phật giáo nước nhà, vào năm 1969, dưới sự chủ trì của quý Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý... một đại hội chính thức được tiến hành để hiệp nhất hai giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử thành lập nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Như vậy, trên phương diện hành chánh, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời vào năm 1969 (Kỷ Dậu), thế nhưng về nguồn gốc thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vốn là hậu thân (có mối liên hệ chặt chẽ) của các tổ chức như “Lục Hòa Liên Xã” (ra đời vào năm 1922), Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (ra đời vào năm 1947) và Giáo hội Lục Hòa Tăng (ra đời vào năm 1952), trong suốt quảng thời gian này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và toàn dân tộc đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có sự đóng góp phần công sức đáng kể của các tổ chức tiền thân (có mối liên hệ chặt chẽ) của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”1.

Như vậy, Giáo hội Lục Hòa Tăng (GHPHT) là tổ chức tập hợp tu sĩ Phật giáo Nam bộ giàu lòng yêu nước trong bối cảnh lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam. Theo nghiên cứu của Hòa thượng Thích Huệ Thông, GHLHT thành lập vào tháng 2 năm 1952 trong bối cảnh sau cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền thực dân tăng cường đàn áp các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước tình hình đó, “tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam bộ buộc phải chuyển hướng và thay đổi phương châm hành động. Vào năm 1948, để thực hiện yêu cầu lịch sử, phù hợp với tình hình thực tiễn, nên xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ đạo cho Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp. Cũng trong thời điểm lịch sử này, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tuyên bố tự giải tán tổ chức, mà chỉ để lại đại diện Phật giáo trong các cấp Mặt trận Liên Việt”2. Do đó, khi thành lập GHPGLHT, thành phần chủ yếu của Giáo hội chính là các vị tôn đức trong Phật giáo cứu quốc Nam Bộ3. Tiêu biểu là Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Tòng; Phó tăng trưởng: Hòa thượng Thích Pháp Nhạc; Tăng giám kiêm Phó Ban Hoằng pháp Lục Hòa Tăng: Hòa thượng Thích Thành Đạo; Phó Tăng giám: Hòa thượng Thích Minh Đức; Tổng Thư ký: Hòa thượng Pháp Lan; Thư ký: Thượng tọa Thích Huệ Chí; Thủ quỹ: đạo hữu Đoàn Trung Còn; Hòa thượng Thích Pháp Lan và Hòa thượng Thích Huệ Thành cùng phụ trách công tác hoằng pháp. Văn phòng Trung ương Hội đặt tại chùa Trường Thạnh, số 97 đường Yersin, Sài Gòn. Ngoài ra, tại các địa phương cũng thành lập trụ sở GHPHT ở hầu khắp miền Nam và miền Trung như Tỉnh hội Lục Hòa Tăng Tiền Giang đặt tại chùa Vĩnh Tràng, (Mỹ Tho); Tỉnh hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một đặt tại chùa Hội Khánh, Tỉnh hội Lục Hòa Tăng Bình Định đặt tại chùa Minh Tịnh (Qui Nhơn)...; cùng với các Tỉnh hội Lục Hòa Tăng thì Đại diện GHLHT ở các khu vực cũng được định hình ở miền Tây, miền Trung... Trong quá trình đấu tranh, GHLHT phân thành hai tổ chức là Hội Lục Hòa Tăng do Hòa thượng Thành Đạo làm Tăng trưởng và Hội Lục Hòa Phật tử do Hòa thượng Thích Minh Thành làm Chánh Hội trưởng. Từ đây, uy tín và ảnh hưởng của GHLHT ngày càng lan rộng với nhiều tổ chức hoạt động khắp Nam bộ ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời không để thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ lợi dụng, thao túng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều vị lãnh đạo GHLHT bị chính quyền Ngô Đình Diệm theo dõi hoặc bị bắt và tù đày, nhiều tu sĩ Phật giáo thuộc GHLHT cũng bị bắt đi lính.

Nhìn chung, GHLHT ra đời và phát triển trên cơ sở tổ chức Lục Hòa Liên Xã trước đó. Tuy nhiên, mục đích của GHLHT không chỉ “là nhằm giữ vững tổ chức và người để đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo của Pháp”4, mà trong thực tế, đặc biệt trong giai đoạn Ngô Đình Diệm nắm quyền, GHLHT có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực góp phần không nhỏ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Song, trên Phật học tạp chí – cơ quan ngôn luận của GHLHT lại chuyên về Phật học và dường như không bàn luận về những đấu tranh xã hội mà chính những người tham gia GHLHT đang hoạt động. Đúng như trong “Lời phi lộ” đã viết: “Kích thích cảnh khổ sở thật tế của đời người mà tìm được cách giải thoát bao nhiêu khổ sở cho loài người, lẽ tất nhiên cái phương pháp giáo hóa của Phật phải nhắm ngay trên nền tảng thật tế mà lập giáo. Cái nguyên lý căn bản của Phật giáo như thế, cho nên trong ba tạng kinh điển đều nhắm ngay vào chủ trương từ bi, bác ái, tự giác, giác tha của Phật mà dựng ra, cốt yếu làm cho bao nhiêu cảnh khổ đều biến thành cảnh an vui, hạnh phúc. Phật Học tạp chí xuất bản lấy ba tạng kinh điển làm tài liệu. Lấy phổ biến giáo lý chơn chánh của Phật,

- Đề cao gương đạo đức, giới hạnh trong giới Phật tử.

- Cải thiện tư tưởng các hàng Phật tử.

- Ôn hòa thành thật, không bài xích môn phái nào làm tôn chỉ và mục đích”5

Vì thế, phần lớn các bài viết trên Phật học tạp chí đều có nội dung Phật học, trong đó, quan niệm về đạo đức tu sĩ Phật giáo của GHLHT rất đặc biệt.

2. Quan niệm về đạo đức tu sĩ Phật giáo

Đạo đức là khái niệm có nội hàm và ngoại diện rộng. Theo nghĩa Hán Việt, đạo là con đường, đức là những tính tốt. Do đó, một người có đạo đức hàm ý chỉ người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn6. Hay nói cách khác, “Đạo đức là từ miêu tả những giá trị đặc biệt và tính tình, thái độ ứng xử, hành vi của một người hay một nhóm người, đồng thời đánh giá hành động của họ là đúng hay sai, có lợi hay có hại đối với họ và đối với những người khác”7. Đạo đức đã trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học của nhiều ngành khoa học khác nhau và trở thành một bộ môn quan trọng trong các nền giáo dục trên thế giới trong lịch sử và hiện tại.

Trên phương diện tôn giáo học nói chung và Phật giáo nói riêng, có thể thấy những lời Phật dạy chính là nội dung của đạo đức học và đạo đức học Phật giáo. Bởi “Đạo đức học Phật giáo nêu rõ những nguyên lý căn bản, khoa học được ngài dùng trí tuệ siêu việt phát hiện ra, không phải do ngài hay vị thần tối cao nào đặt để, tạo dựng. Mọi người tu học đạo đức Phật giáo nhằm tạo hạnh phúc cho mình và tìm cách truyền bá Phật pháp, giúp người khác được an vui trong tinh thần tự lực, tự do, tự quyết kết quả những hành vi của mình. Tự do, tự tạo, nhân văn, nhân bản là đặc tính của đạo đức học Phật giáo”.8

Trong quan niệm chung về đạo đức tín đồ Phật giáo của GHLHT rất với thực tế đời sống tín đồ Phật giáo trong thập niên 50, 60 của thế kỷ 20: “Với tinh thần trách nhiệm chung, đứng trước đời sống cơ cực, đau thương và tâm hồn thường bị điên đảo của bao nhiêu tín đồ, chúng tôi không có quyền thấy mình với lòng ngã mạng công cao, tự tôn, tự đại và ích kỷ, thế nên chúng tôi thành khẩn đem hết tâm tư và đạo đức của mình, xây dựng chung một đường hướng đúng ý nguyện “cứu khổ” của Phật:

- Xây dựng quan niệm “Từ bi bác ái” cứu khổ chúng sanh chung cho Phật giáo đồ trên cụ thể hành động: Không trừu tượng, viễn vông, ích kỷ.

- Nâng cao sự đoàn kết nhứt trí của toàn thể Phật giáo đồ trên nghĩa vụ “Dữ lạc, bạc khổ.

- Thanh toán ý thức chùa chiền, tín đồ, tông phái là của riêng để phụng sự tông phái hay cá nhân mình9.

Quan niệm “Từ bi bác ái” là một trong những nội dung đạo đức cốt lõi trong giáo lý đạo Phật và phải có những hành động cụ thể mới hiện thực hóa lời dạy của Đức Phật. Do đó, “Đạo đức có hai hình thức biểu hiện: một là lòng thương yêu, một là làm việc cứu khổ cứu nạn. Đi chùa lạy Phật, cầu nguyện cho bá tánh an hưởng hòa bình, no cơm, áo ấm: Thấy người hoạn nạn đau ốm, động lòng thương cảm nhủ lời an ủi v.v... đó là “lòng đạo đức”. Chia sớt cho người nghèo, đói chén cơm, đồng bạc: phụ giúp những công việc nhọc nhằn cho những người xung quanh mình trong khi họ thiếu người giúp đỡ.v... đó là “làm đạo đức”10.

Như vậy, người đạo đức là những người có “lòng đạo đức” và đồng thời phải “làm đạo đức”. Bởi “người có lòng đạo đức, không bao giờ họ xúi giục ai làm bậy, làm dữ, họ gặp người tàn ác họ không dám ngó chán chường, họ khuyên con em, bầu bạn của họ xa lánh. Người ra làm đạo đức, họ căm thù những kẻ bóc lột, hà hiếp nhân dân, họ chê ghét những người xài phí hủy hoại các món ăn, đồ mặc trong lúc đồng bào còn lắm người đói lạnh, khổ sở. Hai hạng người kể trên, đều là người đạo đức”.11 Nhưng hiện nay (1955), theo quan điểm của GHLHT thì: “xét đến hiện trạng của người Phật tử làm ra đạo đức hôm nay, chỉ mới chen chưn vào hạng “giàu lòng đạo đức” mà thôi, còn bên hạng “làm ra đạo đức” thì vẫn còn loe hoe như sao buổi sáng trên trời!”12.

Đối với tín đồ Phật giáo xuất gia, tác giả Tịnh Quang cho rằng: “Người xuất gia phải có bổn phận giáo dục và hướng dẫn tín đồ tu hành đúng theo giáo lý chân chính của Phật. Nói như vậy để thấy trách nhiệm hành đạo của mình đối với tín đồ vô cùng khó khăn và nặng nhọc, không phải chỉ thông suốt giáo lý kinh điển, mà còn phải nghiên cứu áp dụng giáo lý cho đúng từng lúc, từng nơi, hợp với nhu cầu của nhân sanh hiện tại mà còn phải hành động như thế nào cho gương mẫu để lời nói và việc làm của mình đều có tác dụng giáo dục tín đồ. Như vậy, muốn cho tín đồ nghe theo, ngoài việc thông hiểu kinh điển ta còn phải trau dồi đạo đức riêng của cá nhân nữa”13.

Trau dồi đạo đức như thế nào, không ngoài Từ bi hỷ xả. Nhưng không phải hiểu Từ bi hỷ xả chung chung mà phải rất cụ thể, thực tiễn. Hòa thượng Thành Đạo cho rằng: “Từ là phải gần gũi giúp đỡ chúng sanh hết khổ được vui, hết mê được giác. Bi là phải thương xót những cảnh trạng đau đớn khổ sở của chúng sanh: Đau đớn về tinh thần hoặc khổ sở về xác thịt. Mỗi khi thấy chúng sanh đói cơm rách áo, tàn tật bịnh hoạn, vợ con đói rách vất vả lang thang, chúng ta tùy theo sức mình mà giúp đỡ áo cơm thang thuốc, hoặc giúp đỡ ý kiến phương tiện để họ tự lực giải quyết những việc khó khăn. Giúp đỡ thương xót đồng bào với một lòng từ bi trong sạch đúng đắn, chớ bố thí ra một phần mà mưu cầu phước lợi bằng mười, thì lòng tham lam ích kỷ lại càng sôi nổi đẩy đầy nhơn đó mà sanh ra tánh kiêu căng ngạo mạn”.14 “Hỷ là mừng, xả là tha thứ cho kẻ lầm lỗi. Thấy nhân dân giác ngộ biết yêu thương lẫn nhau như tình cốt nhục là Phật tử chúng ta vui mừng. Nghe thế giới hòa bình, dân tộc khỏi chịu nạn máu chảy thịt rơi, trai thanh niên khỏi đem sanh mạng giao cho tử thần ở chiến trường nữa là ta vui mừng. Thấy dân trí đoàn kết để củng cố nền hòa bình, hạnh phúc chung cho nhau là chúng ta vui mừng. Mừng sự lợi ích chung của toàn thể nhân dân. Xả là chúng ta tha thứ cho kẻ đã lầm đường lạc lối, nay biết ăn năn hối ngộ nhờ nghe và làm theo những lời dạy dỗ của ta hoặc những người xung quanh. Nếu chúng ta hẹp hòi, không hết lòng dìu dắt chúng sanh, bỏ mặc hoặc chê đè những người ấy là chúng ta không làm theo đúng ý Từ bi hỷ xả của Phật”15.

Trong bối cảnh lịch sử cụ thể, một mặt Hòa thượng giải thích rõ làm sao áp dụng giáo lý Phật giáo vào thực tiễn đời sống, những mong mọi người biết yêu thương nhau, dân tộc không phải chịu đau thương do chiến tranh và cao hơn là nhân dân được sống trong hòa bình, sống trong hạnh phúc. Song thực tế lúc bấy giờ, như Hòa thượng cảm thán: “Nhưng than ôi! Phần nhiều ít ai nghĩ đến những tình trạng đau khổ của nhân sanh, muốn mưu cầu quả Phật, muốn đạt thành cái ý nguyện lợi tha của Phật mà tứ đức: Từ bi hỷ xả không được một đức nào, vẫn còn cái tánh sân si giận hờn, nhân ngã bỉ thử. Tu theo hạnh nguyện: Từ bi hỷ xả thì phải cải tạo lòng tự tôn tự đại, giữ thái độ ôn hòa vui vẻ, đi sát cánh với xã hội thật tế, làm việc thật tế như Phật dạy”16. Hòa thượng Thích Hải Quang nhấn mạnh đối với cá nhân mỗi tu sĩ Phật giáo: “Tu tức là sửa, sửa những cái xấu xa từ trước. Hành là gì, hành tức là làm! Làm những việc mình đã sửa đổi đó!... Tóm lại, tu hành tức là chúng ta cải tạo tư tưởngvà hành động: Con người xấu trở nên tốt, hung ác trở nên hiền lương, ngu đần trở nên trí huệ, ích kỷ hại nhơn trở nên thương người giúp đời”17. Trên phương diện cộng đồng, thì “Tu hành tức là cùng xây dựng một xã hội đạo đức, công bằng và bác ái. Từ cá nhân tiến lên xã hội, ai ai cũng có quyền tự chủ, sống chung trong tình chan chứa của Phật đà. Nhưng muốn làm người Phật tử nhận rỏ thêm ý nghĩa quan trọng của việc tu hành”18.

Bên cạnh đó, sau một thời gian chấn hưng, Phật giáo Việt Nam đã có những bước phát triển, trình độ hiểu biết về Phật giáo của Phật tử ngày càng được nâng cao. Họ không chỉ tin những lời dạy mà còn quan sát những việc làm hàng ngày của tu sĩ Phật giáo. Do đó, vấn đề “đạo hạnh” của tu sĩ Phật giáo tiếp tục được đặt ra, đúng như học giả Tịnh Quang nhận định: “Ngày nay tín đồ đã có một nhận xét thật tế về việc tu, nghĩa là họ tìm xét việc làm hằng ngày của chúng ta có giúp người, cứu đời không? Đạo hạnh của ta đáng làm gương sáng cho đời học tập không? Vì vậy họ luôn luôn chú ý đến cách hành đạo của từng chùa, từng sư”19. Vì thế, cần thiết phải có sự phản tỉnh, nhìn nhận thực trạng đạo hạnh và hoạt động hành đạo của tu sĩ Phật giáo: “chúng ta phải tỉnh tâm mà xét lại công việc hoằng pháp trong thời gian qua về giáo lý cũng như đạo hạnh có phần nào sai lệch không? Chúng ta phải nhận là có. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta nên tự kiểm điểm lại, nhận xét cho thật tỉ mỉ, từ việc nhỏ đến việc lớn, đúng sai rõ ràng, để tích cực sửa chữa cái sai, đồng thời phát huy cái đúng, làm với tinh thần tự giác, tự độ hăng hái tiến lên thì công việc hoằng pháp mới giúp ích cụ thể cho nhân sanh và đạo hạnh ngày thêm sáng tỏ. Nếu không thì dầu ta có đăng tòa thuyết pháp bao nhiêu năm đi nữa, Tăng giới chúng ta vẫn bị nhân dân hoài nghi dị nghị, vì họ thấy giảng kinh nói đạo cho người khác làm chính bản thân ta chưa làm. Như: “Giảng luận đến giới thứ 5: Phật cấm uống rượu, thế mà trong người nhà sư còn có người say sưa be bét. Như thế là ta nói luật chớ chưa giữ luật. Cái việc nhỏ như vậy mà ta áp dụng với Tăng đoàn chưa kham còn nói chi đến thành Phật tác Tổ”20. Chính vì thực tế như vậy, một số tu sĩ Phật giáo đã có những có những nhìn nhận về tương lai Phật giáo Việt Nam. Như Sa môn Từ Sơn nhận định vì “Gần đây có một số Phật tử chúng ta, tỏ vẻ băn khoăn lo ngại cho tương lai Phật giáo, ngày mai sẽ không còn tươi sáng, huy hoàng nữa, hay cơ hội trùng hưng phát triển, sẽ gặp nhiều khó khăn và đi xuống một chiều suy đốn: Hình thức Tam bảo lần lần bị tan vở không còn được tôn trọng cúng dường như trước, bởi một trào lưu tiến hóa trên con đường vật chất của nhơn loại! Do cái ý nghĩ ấy mà nảy ra một số hành động của thanh niên Tăng học và làm chênh lệch phần nào ý thức tu hành của một vài vị lãnh đạo Phật giáo. Vì vậy mà quý ngài lần lần đi xa căn bản vị tha cứu thế của đạo Phật”21. E ngại về lối sống thiên về vật chất của con người sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm Tam bảo, hay nói đúng hơn là vấn đề tu học Phật pháp là của một bộ phận như tu hành trả tuổi xem là một “nghề” chứ chưa phải là vấn đề “giải thoát, giác ngộ”, thực hiện lý tưởng Từ bi hỷ xả của Đức Phật. Sa môn Từ Sơn viết: “Chúng ta thấy một số thanh niên Tăng lữ hiện nay, riêng lo học lấy một nghề nghiệp, và thỉnh thoảng những tà áo nâu sồng, thậm thượt phất phơ trên các chiếc xe đạp, để đi đến các lớp Anh văn, Pháp văn, đồng thời một phong trào Tăng học xuất dương cũng đang sôi nổi thúc mạnh ý thức của Tăng già với một lý luận: Có du học, sau này mới chống đỡ bảo tồn Phật pháp được... Chúng tôi bắt phải bóp óc suy nghĩ: Các bực đại đức cao minh đã liễu ngộ chơn lý của Phật: tùy theo thời đại cơ duyên mà thuyết pháp hóa độ, nhưng không vì biến thiên mà thay đổi chơn lý (tùy duyên bất biến)”.22 Những vấn đề này được Sa môn Từ Sơn chỉ ra trên cơ sở thực tế Phật giáo Việt Nam lúc bây giờ. Trong đó, một bộ phân tăng ni du học không phải là phục vụ đạo pháp mà là phục vụ chính trị của đế quốc Mỹ “Đế quốc Mỹ đã lợi dụng lôi kéo một bộ phận Tăng Ni làm chỗ dựa chính trị để chúng lèo lái phong trào Phật giáo di cư. Giới quan chức Mỹ đã dàn dựng đưa Tổng hội Phật giáo Việt Nam tham gia “Liên hữu Phật giáo Thế giới”, lợi dụng mối quan hệ quốc tế này chúng đã tạo điều kiện thuận lợi bằng cách cấp hàng loạt học bổng cho Tăng Ni du học, nhằm đào tạo lực lượng nòng cốt cho các tổ chức Phật giáo thân chính quyền sau này”23. Vì thế, đúng như Hòa thượng Phật Ấn nhận định: “Đạo Phật hôm nay không còn cái tánh chất tinh thuần nữa? Mà nó đã bị pha trộn rất nhiều màu sắc u uẩn bên trong, mặc dầu giống nhau ở đầu tròn áo vuông, sớm hôm cúng lạy tụng niệm? Chúng ta có thể nói: đạo Phật hiện tình là đạo bị lợi dụng nhứt: Một người ngày hôm qua còn bao lợi danh ràng buộc, tham lam còn đầy dẩy, nghiễm nhiên ngày hôm nay là một vị đại đức thiền sư, hoặc hôm qua họ còn ngất nghểu say sưa trong trà đình tửu điếm, mà hôm nay sặc sở chiếc áo cà sa, vang lên lời vị tha cứu thế”.24

3. Đôi lời tạm kết

Có thể nói, quan niệm về đạo đức tu sĩ Phật giáo của GHLHT không chỉ là vấn đề Phật học mà theo chúng tôi rất gần với thực tế sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo Việt Nam ở Nam Bộ thời bấy giờ, đồng thời mang hơi thở, ý nghĩa của thời đại, đó là:

- Đề cao giá trị đạo đức tu sĩ Phật giáo không chỉ là thuyết giảng giáo lý Phật giáo cho Phật tử, mà còn là vấn đề đạo hạnh, giữ gìn giới luật, thực hành đạo đức Phật giáo trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời còn là nêu cao vai trò lãnh đạo Tăng già. “Đứng trước một sự vật biến chuyển, mọi hoàn cảnh chi phối nếu chúng ta quên căn bản Phật pháp là vì “chúng sanh”, và quên vai trò lãnh đạo của Tăng già là vì “chúng sanh”, thì lòng ta dễ bị vật dục cám dỗ, lợi danh mua chuộc, lần lần đến chỗ phá hoại Phật pháp”.25

- Làm sâu sắc hơn giá trị, vai trò của những tu sĩ Phật giáo trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ: “Giá trị của Tăng bảo là con người tự giác, giác tha, cắt đứt tình thân ái hẹp hòi của gia đình đoạn tuyệt những tư tưởng cá nhân danh lợi, và dẹp hết bao nhiêu trần lao phiền não, gia nhập vào đại gia đình chư Phật, xem tất cả đồng bào nhân loại như anh em một nhà, không câu nệ mọi hy sinh, gian khổ của thân tâm, sớm hôm cần cù tu học, tinh nghiêm giới đức, phẩm hạnh tinh vi, quyết tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, để được hoàn toàn giác ngộ, hầu hướng dẫn những người đời cùng đi trên con đường giải thoát, như thế mới mong ra ngoài vòng sanh, tử, luân hồi, mới chắc chắn hết khổ được vui và mới gọi là “báu”26.

- Nhấn mạnh nhiệm vụ của tu sĩ Phật giáo, trọng trách của Tăng già: “Nhiệm vụ Tăng bảo cơ cấu: “Phật pháp nhị bảo, tỉnh giả Tăng hoằng”. Nghĩa là khi hai báu của Phật và pháp, chỉ nơi do sự hoằng hóa của tăng bão, vì Tăng bão, là người lãnh sứ mạng của Đức Như Lai giao phó, thì trước phải gia công tu học, sau mới mong giáo hóa nhân sanh, nếu kém tu, ít học thì lấy chi hóa độ người đời, đó là phải tự mình cô phụ lấy chăng! Vì cái trọng trách của Tăng già là lấy hoằng pháp, lợi sanh làm sự nghiệp, nếu không tu học, thì sự nghiệp do đâu mà có. Vậy phải lo tu học là sự tối cần, có vậy trên mới trả được bốn ân, dưới mới cứu vớt ba đường khổ”27.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sư Phật Ấn (1955), “Trên đường tu học”, Phật học tạp chí, số 7.

2. Thích Pháp Chiếu (1956), “Chỉnh giáo: Nhiệm vụ và địa vị của Tăng bảo”, Phật học tạp chí, tháng 9, số 12.

3. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1953), “Lời phi lộ”, Phật học tạp chí, số 1.

4. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Mấy lời chân thành”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9.

5. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1955), “Đạo đức”, Phật học tạp chí, số 7, tr3.

6. Hòa thượng Thành Đạo (1954), “Từ bi hỷ xả là đạo đức quan trọng của người xuất gia”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9.

7. Hội Dân tộc học Tp.HCM, đề tài nghiên cứu khoa học (2011), Phật giáo ở Bình Dương: Lịch sử và hiện trạng, chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trần Hồng Liên.

8. Thích Hải Quang (1955), “Quan niệm tu hành”, Phật học tạp chí, số 7.

9. Tịnh – Quang (1954), “Đạo đức cần thiết cho nhà sư”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9.

10. TT.TS. Thích Nguyên Thanh (2019), “Giáo dục đạo đức học Phật giáo và sự ảnh hưởng đối với xã hội”, trong: Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Thích Nhật Từ chủ biên, Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

11. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM.

12. Sa môn Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật học tạp chí, số 7.

 


1. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, tr5.

2. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, tr161

3. Một số tôn đức thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt vào tháng 06 năm 1951

4. Hội Dân tộc học Thành phố Hồ Chí Minh, đề tài nghiên cứu khoa học (2011), Phật giáo ở Bình Dương: lịch sử và hiện trạng, chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trần Hồng Liên, tr77.

5. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1953), “Lời phi lộ”, Phật học tạp chí, số 1, tr1

6. Dẫn lại từ wikipedia.org/wiki/Đạo_đức

7. TT.TS. Thích Nguyên Thanh (2019), “Giáo dục đạo đức học Phật giáo và sự ảnh hưởng đối với xã hội”, trong Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Thích Nhật Từ chủ biên, Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr47.

8. TS.TS. Thích Nguyên Thanh (2019), “Giáo dục đạo đức học Phật giáo và sự ảnh hưởng đối với xã hội”, trong: Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Thích Nhật Từ chủ biên, Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr48

9. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Mấy lời chân thành”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr1-2

10. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1955), “Đạo đức”, Phật học tạp chí, số 7, tr3.

11. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1955), “Đạo đức”, Phật học tạp chí, số 7, tr3

12. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1955), “Đạo đức”, Phật học tạp chí, số 7, tr3

13. Tịnh – Quang (1954), “Đạo đức cần thiết cho nhà sư”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr12.

14. Hòa thượng Thành Đạo (1954), “Từ - bi hỷ xả là đạo đức quan trọng của người xuất gia”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr20-21.

15. Hòa thượng Thành Đạo (1954), “Từ - bi hỷ xả là đạo dức quan trọng của người xuất gia”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr21.

16. Hòa thượng Thành Đạo (1954), “Từ - bi hỷ xả là đạo dức quan trọng của người xuất gia”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr21-22.

17. Thích Hải Quang (1955), “Quan niệm tu hành”, Phật học tạp chí, số 7, tr12.

18. Sa môn Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật học tạp chí, số 7, tr12.

19. Tịnh Quang (1954), “Đạo đức cần thiết cho nhà sư”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr12.

20. Tịnh Quang (1954), “Đạo đức cần thiết cho nhà sư”, Phật học tạp chí, số 4, tháng 9, tr13.

21. Sa môn Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật học tạp chí, số 7, tr5.

22. Sa môn Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật học tạp chí, số 7, tr5.

23. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, tr,271.

24. Sư Phật Ấn (1955), “Trên đường tu học”, Phật học tạp chí, số 7, tr15.

25. Sa môn Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật học tạp chí, số 7, tr6.

26. Thích Pháp Chiếu (1956), “Chỉnh giáo nhiệm vụ và địa vị của Tăng bảo”, Phật học tạp chí, tháng 9, số 12, tr4.

27. Thích Pháp Chiếu (1956), “ Chỉnh giáo nhiệm vụ và địa vị của Tăng bảo”, Phật học tạp chí, tháng 9, số 12, tr4.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6114375