Thông tin

QUAN NIỆM VỀ SỰ BÁO HIẾU

 


 

THANH DIỆP
Trích Phật học Từ Quang số 2/1951

 

Không cần nói ai cũng biết rằng: Sở dĩ, chúng ta có trên thế giới nầy là do sự sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây là điều hiển nhiên không ai chối cãi được.

Là người, chúng ta không thể không biết công ơn ấy, mà nói đến sự biết công ơn nầy, tức là đi gần đến vấn đề "Hiếu".

Hiếu là gì? Định nghĩa một cách giản dị và sơ lược thì Hiếu tức là lòng thành kính, biết ơn và tận tâm phụng dưỡng, của con đối với cha mẹ. Theo luân lý Đông phương, thì Hiếu chính là nền tảng đầu tiên của con người muốn hoàn thành một nhân cách. Sách Nho có câu: "Dĩ Hiếu vi tiên" là thế.

Hiếu, không riêng gì chúng ta là kẻ phàm tục phải noi theo mà thôi, dầu các Thánh nhân cũng không thể không lấy nó làm nền tảng cho sự lập công tu đức. Cho nên bất cứ tôn giáo nào cũng đều có dạy về Hiếu và báo Hiếu. Như đạo Phật có kinh "Đại báo phụ mẫu ân", đạo Khổng có tập "Nhị Thập Tứ Hiếu" v.v...

Thông thường, theo thế gian, người con hiếu là người con hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, lúc mạnh khỏe thì chăm lo giấc ngủ được an lành miếng ăn được đầy đủ, tẩm bổ hằng ngày những chất ngon ngọt để cho cha mẹ vừa lòng; khi ốm đau, chăm lo chạy chữa thuốc thang, hầu hạ chầu chực, không rời nửa bước. Đấy gọi là Hiếu. Nhưng xét cho kỹ thì sự hiếu ấy rất hẹp hòi, nằm trong khuôn khổ nhất định, đầy thành kiến. Đành rằng một người con hiếu thảo ít ra cũng là một người con hết lòng phụng sự cha mẹ lúc sanh tiền bằng cách cung phụng nhu cầu của cha mẹ về vật chất luôn luôn được đầy đủ, không để cho người sinh lòng phiền não. Và sau khi cha mẹ mãn phần phải lo phụng thờ đơm cúng. Nhưng sự báo hiếu như vậy chỉ có giá trị nhất thời trong quãng đời hiện tại, chứ chưa thực sự hoàn toàn lợi ích, hơn nữa, nếu chúng ta phóng tầm mắt nhìn sâu rộng thêm một chút nữa, thì thấy rõ sự báo hiếu như thế đã không ích lợi gì, trái lại còn gây thêm mầm tội lỗi nữa là khác.

Chắc có bạn sẽ hết sức ngạc nhiên và hỏi: Tại sao người con hết lòng phụng dưỡng cha mẹ trong lúc sống và phụng thờ cha mẹ sau khi chết một cách đầy đủ bổn phận như thế mà lại bảo là có hại?

Thưa các bạn, sở dĩ tôi nói có hại là lấy về bề sâu và bề rộng của nó kia. Như chúng ta đã biết gây nhơn gì thì chịu quả ấy; đấy là một định luật bất di bất dịch. Nếu chúng ta phụng dưỡng cha mẹ bằng cách lo kính dâng những thức ngon, vật lạ, tẩm bổ cơ thể người, cho được tráng kiện, nhưng chúng ta đâu hiểu rằng chúng ta đã vô tình gián tiếp gây nhân khổ cho cha mẹ. Là vì sát sinh để cung cấp và thờ cúng cha mẹ, chúng ta đã gieo rắc mầm giống xấu xa cho ta để rồi chịu lấy kết quả không tốt đẹp, đồng thời chúng ta cũng trút phần tội lỗi cho cha mẹ. Các bạn nên nhớ rằng: Trong khi cha mẹ chúng ta đang sung sướng trong cuộc đời hiện tại, nhưng chính là người đang đi dần đến những quả báo không tốt ở tương lai. Và sau khi chết rồi, linh hồn người không được siêu thoát một phần cũng vì lẽ ấy. Như thế, sự báo hiếu của người không hiểu Đạo, chẳng những đã không làm cho cha mẹ được vui mà trái lại còn làm cho cha mẹ phải khổ, nên tôi nói là chỉ có giá trị nhất thời, chưa thật hoàn toàn lợi ích.

Là Phật tử theo giáo lý của đức Thế Tôn, lẽ nào chúng ta lại bằng lòng sự báo hiếu như thế được? Chúng ta phải báo hiếu như thế nào cho cha mẹ trong đời hiện tại cũng như tương lai được hoàn toàn lợi ích.

Trước hết, về hiện tại chúng ta phụng dưỡng cha mẹ không gì hơn là cung phụng thực phẩm hằng ngày bằng hoa quả. Những người không hiểu cho rằng ăn chay không đủ chất bổ. Thực ra thì, theo các nhà khoa học nghiên cứu về ăn chay, trong hoa quả có rất nhiều chất sinh tố [vitamin], đủ sức bồi bổ cơ thể, chúng ta không sợ thiếu chất. Vả lại, hoa quả, rau xanh là vật ăn rất nhẹ nhàng thanh khiết, lại tránh được nhiều chứng bịnh nguy hiểm phát sinh bởi vi trùng trong các thứ thịt. Đối với những bậc chưa thể bỏ hẳn những thực phẩm như cá, thịt v.v... thì khuyên nên ăn tứ trai hay lục trai, còn với những bực có thể bỏ được, thì khuyên nên ăn trường trai là tốt hơn cả. Đây là đứng về phương diện vật chất mà nói. Còn về phương diện tinh thần, muốn cho linh hồn người được siêu thoát, an vui ở miền Lạc quốc, khỏi đọa đày trong kiếp trầm luân, không gì hơn là khuyên cha mẹ thực hành pháp môn Tịnh Độ, giữ gìn Ngũ giới cấm: Sát, Đạo, Tà dâm, Vọng và Tửu. Cha mẹ không tin, làm con phải cố gắng khuyên nhủ mọi cách làm cho cha mẹ phải tin; cha mẹ tin rồi phải khích lệ để thêm phần tinh tiến. Có khó chăng chỉ trong lúc bước đầu mà thôi, khi cha mẹ có lòng tin tưởng thì đạo tâm tự nhiên tuần tự phát khởi, mầm phước quả cũng do đó mà nẩy lá đâm chồi.

Hiện tại, trong gia đình thấy một không khí hiền hòa, một hạnh phúc rõ rệt. Như thế cũng chưa đủ trong khi cha mẹ đã sẵn có đức tin, thực hành theo phương pháp kể trên, đồng thời không quên khuyên người bố thí, một cử chỉ đẹp rất cần cho người hành đạo. Có bố thí thì công việc tu hành mới hoàn toàn mỹ mãn. Sự báo hiếu như thế gọi là sự báo hiếu của người Phật tử.

Báo hiếu thế gian chỉ có lợi ích trong một đời mà thôi, nếu kể là có lợi ích. Còn báo hiếu xuất thế gian không những trong một đời mà là vô lượng kiếp. Vậy chúng ta là Phật tử, còn đắn đo gì nữa mà không theo phương pháp báo hiếu xuất thế.

Kính lạy đức Thế Tôn! Hôm nay, ngày rằm tháng bảy, ngày báo hiếu của đức Mục Kiền Liên, chúng con kính cẩn cúi đầu trước lò trầm nghi ngút, trong hào quang rực rỡ, lung linh màu sắc vị tha, xin nguyện noi theo công hạnh của đức Mục Kiền Liên hơn hai ngàn năm về trước, hướng tất cả tấm lòng thành vào ngày hội Vu lan Bồn để cầu nguyện cho cha mẹ chúng con trong đời hiện tại và đời quá khứ, được sống an lành dưới bầu trời thanh sắc, đầy nhạc, hoa, và tình thương.

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN TÔN GIẢ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6058725