Thông tin

QUAN NIỆM VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO

QUAN NIỆM VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

CỦA PHẬT GIÁO

HOÀNG THỊ THƠ

 

“Trong kinh điển Phật giáo không có khái niệm “trách nhiệm xã hội” song tinh thần trách nhiệm xã hội thì thấm đẫm trong tư tưởng của nhà Phật1”. Trên cơ sở tiếp thu nội hàm khái niệm trách nhiệm xã hội của triết học Mác xít và triết học phương Tây bài viết này sẽ cố gắng làm rõ dần các thuật ngữ, khái niệm tương đương đương, đồng thời so sánh với quan niệm trách nhiệm của Phật giáo với Nho giáo.

QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI 

Khảo cứu nội dung đạo đức của Phật giáo sẽ thấy quan niệm trách nhiệm xã hội đã hàm chứa trong đó. Điều cần lưu ý là Phật giáo chú trọng vào cá nhân với tư cách chủ thể nội tâm, song con người cá nhân này lại là vừa có (hữu) vừa không (vô) theo quan niệm “vô ngã”, “vô thường”, “duyên khởi”. Theo đạo đức Phật giáo, đạt tới vô ngã mới là đích trên con đường tu dưỡng để đạt tới giải thoát. Mỗi chủ thể cá nhân phải vượt qua định kiến “hữu ngã” - tương tự với chủ nghĩa ích kỷ, vị kỷ của phương Tây - thì sẽ phát huy được ý nghĩa lớn lao của sự vô hạn của vô ngã. Đó chính là quá trình từ bỏ tham, sân, si và chuyển biến thành sự bao la của từ bi, bác ái, vị tha, khoan dung… đối với xã hội. Nói theo cách của Phật giáo là “cứu khổ cứu nạn”. Như vậy “vô ngã” qua thực hành trách nhiệm xã hội có ý nghĩa như mệnh lệnh tuyệt đối đối với tự thân cá nhân, và nhờ đó, “vô ngã” lại trở thành “hữu ngã” nhưng trong sự vô hạn, và ở đây ý nghĩa của tự do ý chí của phương Tây có điểm chung với tinh thần cứu khổ cứu nạn mang nội hàm trách nhiệm xã hội của Phật giáo.

Đạo đức của Phật giáo bàn về trách nhiệm xã hội (cứu khổ cứu nạn) nhưng không phải ra lệnh, không có răn cấm. Phật giáo coi trách nhiệm cứu khổ cứu nạn như một phần thể hiện chân - thiện - mỹ của Phật tính và coi đó như là phẩm chất tự giác tối cao vốn có sẵn trong mỗi người và ai cũng có thể tự biết, gọi là “Phật tại tâm”. Nhờ có phẩm chất đó mà mỗi người khi tự vấn lương tâm đều biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là nên và không nên, không những trong quan hệ giữa người với người, mà còn giữa người với muôn vật, với thiên nhiên. “Phật tại tâm”, tức là hãy tự tâm mình biết mình làm tròn trách nhiệm với các cương vị (tối thiểu là tư cách làm người) hay chưa, không cần chờ đánh giá, thưởng hay phạt từ bên ngoài. Và tại tâm mỗi người “Phật tính” đều như nhau, không phân biệt cao thấp, địa vị, sang hèn…

Cũng bởi vậy, Phật giáo khẳng định trách nhiệm đối với Phật tính (nhân phẩm) của bản thân là quan trọng hơn cả, vì từ đó mới có trách nhiệm đối với người khác, với xã hội. Đức Phật từng khẳng định trách nhiệm đối với bản thân là điều khó nhất: “Chiến thắng cả triệu người tại chiến trường vẫn không bằng chiến thắng bản thân. Chiến thắng bản thân mới là chiến công hơn hết… Chiến thắng bản thân thì vẻ vang hơn chiến thắng người khác. Thế nên người khéo thuần hóa mình thì thường xuyên sống với sự tự chế2”. Phật giáo nhấn mạnh, một khi không có trách nhiệm với bản thân thì cũng không thể có trách nhiệm với người khác, với xã hội tốt được: “Hãy tự làm cho mình những gì mình đem dạy người! Phải tự chế ngự mới chế ngự được người! Thế nên khó thay, cái việc tự chế ngự lấy mình!3”.

Đạt được sự tự chế ngự, cũng tức là chiến thắng ý thức và tâm lý “hữu ngã” (tham, sân, si, hay “ích kỷ”) của bản thân để đạt tới vô ngã khi làm điều thiện, hay thể hiện trách nhiệm với xã hội. Tham, sân, si chính là những rào cản tâm, sinh lý đầu tiên đối với trách nhiệm xã hội. Khi đã đạt tới vô ngã thì cá nhân có thể tự do thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và có sức cảm hóa, chuyển hóa vô bờ bến: “Đem tình thương mà thắng giận dữ. Đem đạo đức mà thắng bất lương. Đem tặng dữ (bố thí hào phóng - HTT) mà thắng keo lẫn. Đem chân thành mà thắng xảo trá4”. Ngược lại, nếu để cho hữu ngã (tham, sân, si) thắng bản thân thì nhân phẩm (Phật tính) cao quý cũng không còn: “Ai sống trên đời này mà sát hại, chiếm đoạt, gian dâm, dối trá, say sưa; sống đam mê như vậy thì ngay trong đời sống hiện tại, người ấy đã tự đào bới cái gốc rễ nhân cách của mình5”.


Giáo lý cơ bản của Phật giáo về đạo đức, trong đó hàm chứa tập trung nhất ý nghĩa về trách nhiệm với chính bản thân và xã hội là Bát chánh đạo. Qua Bát chánh đạo có thể thấy quan niệm khá hệ thống về trách nhiệm tự giác của mỗi cá nhân đối với cuộc sống. Bát chánh đạo là sự kết hợp tám lối tu dưỡng đúng đắn cho bản thân mỗi người: Thấy đúng (Chánh kiến); Suy nghĩ đúng (Chánh tư duy); Nói năng đúng (Chánh ngữ); Hành động đúng (Chánh nghiệp); Sống đúng (Chánh mạng); Nỗ lực đúng (Chánh tinh tiến); Ghi nhớ đúng (Chánh niệm); Thiền định đúng (Chánh định). Từ góc độ về trách nhiệm, có thể hiểu cụ thể hơn tám đường lối tu đó như sau: 1- “Chánh kiến” là có cái nhìn đúng đắn có trách nhiệm đối với ý thức sai lầm (vô minh), bất thiện (ác) mà ngồn gốc là từ sự ích kỷ (hữu ngã). Đây là khởi điểm cần thiết cho toàn bộ quá trình tu dưỡng tự giác và thực hiện trách nhiệm như phẩm cách của con người; 2- “Chánh tư duy” là tự có trách nhiệm đúng đắn về ý thức, tâm lý vô ngã, vị tha để từ bỏ ý nghĩ bất thiện (tham, sân, si) tiến tới có được tâm quảng đại, từ bi, vị tha, tức là trách nhiệm với người khác, với xã hội; 3- “Chánh ngữ” là tự có trách nhiệm với mỗi lời nói hàng ngày. Tránh phạm bốn điều bất thiện của lời nói: nói dối, nói không giữ lời (nói hai lưỡi), nói xấu, vu khống, nói bậy; 4- “Chánh nghiệp” là có trách nhiệm với mỗi hành vi, ứng xử đúng đắn, tránh các việc làm bất thiện: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, vọng ngữ; 5- “Chánh mạng” là tự có trách nhiệm sống bằng nghề nghiệp đem lại ích lợi cho bản thân và ích lợi chung cho cả xã hội. Không gây phiền khổ cho bản thân và cho người khác; 6- “Chánh tinh tấn” là tự có trách nhiệm phấn đấu, không ngừng tích thiện trong mọi hành vi, lới nói, ý nghĩ (thân, khẩu, ý); 7- “Chánh niệm” là luôn luôn ghi nhớ rõ trách nhiệm làm điều thiện không chỉ riêng với bản thân mà đối với cả người khác, đối với xã hội, đối với mọi vật, mọi việc, như đã đạt tới “Phật tính”; 8 - “Chánh định” là luôn tự giác, không dao động trên con đường chân chính (chánh đạo), tin tưởng vào ý nghĩa thiện, khi làm, nói và suy nghĩ vì lợi ích chung dù hoàn cảnh khó khăn, thay đổi và nhiều thách thức.

Ngoài ra, bố thí là một nội dung quan trọng ở Lục Ba la mật (sáu sự hoàn hảo gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ). Bố thí trong Phật giáo có nghĩa là cho, san sẻ với người khác, nhưng đặc biệt là cả người cho và người nhận đều bình đẳng. Bố thí có ba loại: Thí tài là tự thấy có trách nhiệm nhường, cho và chia sẻ tài sản, vật chất cho người khác; Thí pháp là tự giác có trách nhiệm dạy dỗ, truyền đạt, giải thích điều hay, điều tốt và đúng đắn cho người khác; và Vô úy thí là luôn sẵn lòng có trách nhiệm giúp gỡ bỏ những ưu tư, khổ đau, sợ hãi của người khác bằng nỗ lực của chính mình. Trong cuộc sống, “bố thí” dù là nhỏ nhặt cũng góp phần làm cho cuộc sống với người bên cạnh, với cộng đồng, với xã hội tốt đẹp hơn. Theo nghĩa rộng, bố thí là một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm vô điều kiện, tùy hoàn cảnh, tùy năng lực đối với cộng đồng, với xã hội. Bố thí Ba la mật cho thấy mọi người, ai cũng có thể làm việc có ích cho xã hội và vô vàn khả năng để thực hiện trách nhiệm; không cần phải có địa vị xã hội, có nghề nghiệp, đàng hoàng… mới thể hiện được trách nhiệm xã hội. Bố thí là một nội dung tu luyện thể hiện rõ nhất phẩm chất đạo đức có ý nghĩa trách nhiệm xã hội của một tâm Phật đối với chúng sinh đau khổ.

Khi trách nhiệm được thực hiện một cách tự giác bằng làm việc thiện, quan hệ cá nhân và cộng đồng đều được nâng lên: “Chúng ta càng làm cho người khác thì càng có thể nâng cao mình lên, và chúng ta càng nâng cao mình lên thì càng có thể phục vụ xã hội, cộng đồng và nhân loại6”, hoặc nhìn theo cách khác: “Không làm việc ác cũng có nghĩa chống ác. Làm việc lành cũng có nghĩa liên minh với chân chính, với thiện mỹ, với chính nghĩa của nhân dân7”.

Đức Phật khi truyền giáo lý không chỉ phân tích trách nhiệm của con người nói chung, mà còn bàn cụ thể tới trách nhiệm của một số hạng người trong xã hội Ấn Độ lúc đó như: Người xuất gia, người lãnh đạo (người làm vua) và dân thường. Đối với người xuất gia, Phật dặn kỹ về trách nhiệm của tăng sĩ đối với xã hội là “Siêu việt mọi sự thiện cũng như ác, chuyên tâm phạm hạnh, đem cái “thấy biết đúng như sự thật” mà sống trong đời, thế mới đích thực là vị Tỷ kheo8”, hoặc “Việc gì cần làm thì làm, và làm hết sức mình, chứ xuất gia mà sống buông thả thì chỉ vung thêm cát bụi vào đời9”. Đối với người lãnh đạo cả xã hội bằng luật pháp, Phật cho rằng trách nhiệm của họ càng khó khăn hơn, đòi hỏi người đó phải vừa có trí vừa có đức: “Người trí thì không lãnh đạo… bằng xảo thuật, mà phải lãnh đạo đúng với pháp luật chứ không thiên vị… như vậy xứng đáng được gọi người sống theo Pháp10”.

Kinh A-hàm của Phật giáo Nguyên thủy là một tập kỳ đại thành những minh hoạ về đạo lý sống có trách nhiệm của xã hội Ấn Độ cổ thời đức Phật, từ việc chính sự quốc gia tới việc giữ hoà khí, làm trọn bổn phận, trách nhiệm trong gia đình... Những cuộc đàm thoại về triết lý sống giữa đức Phật với mọi tầng lớp đệ tử trong xã hội Ấn Độ, kể cả với những người bất hạnh không còn niềm tin, không còn lối thoát trong cuộc sống có ý nghĩa về trách nhiệm xã hội rất nhiều. Chẳng hạn, Phật từng giảng về “Tứ pháp”, tức bốn điều cơ bản để một người bình thường có thể chuẩn bị một cuộc sống có trách nhiệm với bản thân và với xã hội: 1- Phương tiện đầy đủ: Tức là có nghề nghiệp tinh thông để đủ tự mưu sinh; 2- Bảo vệ, giữ gìn đầy đủ: Tức là phải biết giữ gìn của cải và bản thân cẩn thận để không gây ra mất mát không cần thiết; 3- Thiện tri thức đầy đủ: Là biết chọn bạn tốt, thầy tốt, nghề thích hợp để học hỏi và kết giao với điều thiện; 4- Chính mệnh đầy đủ: Là biết làm chủ những hành động của bản thân để vừa có lợi cho bản thân, gia đình, xã hội (Tạp A-hàm quyển 4, kinh 91). Hay về đạo đức cá nhân, Đức Phật cũng giảng về trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ con, anh em trong gia đình và đối với bạn bè, chủ tớ, tín đồ và giáo chủ (sư phụ)... qua bài luân lý “Lục phương lễ” khuyên dạy con người phải sống có trách nhiệm (vị tha, bác ái, từ bi, hỉ xả) với mọi người trong tất cả các phương (quan hệ) để khẳng định phẩm hạnh của bản thân (Kinh Thiện Sinh trong Trường A-hàm và Trung A-hàm). Đối với người làm vua, ở vị trí lãnh đạo của cả nước, Phật cũng giảng giải mười đức (Thập đức) cần thiết để hoàn thành trách nhiệm với muôn dân: 1- Liêm thứ khoan dung; 2- Tiếp thu sự can gián của quần thần; 3- Thường ban ân huệ và vui cùng với dân; 4- Thu của cải đúng pháp luật; 5- Không tham vợ người khác; 6- Không uống rượu; 7- Không ham thú vui ca múa; 8- Theo đúng luật pháp mà không làm điều thiên tư; 9- Không tranh chấp với quần thần; 10- Thân thể phải khoẻ mạnh (phẩm “Du Hành kinh” trong Trường A-hàm).

Điển hình lý tưởng về trách nhiệm chính là đức Phật dấn thân vì tất cả chúng sinh: “Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người… Một vị đại sư đầy đủ đức tánh như vậy, … thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại...”11

Bên cạnh đức Phật, người Ấn Độ nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng còn tự hào về một đệ tử vĩ đại của Phật là vua Asoka (trị vì 268-232 TCN). Ông là người đã sử dụng Phật giáo như một hệ tư tưởng để lãnh đạo và thống nhất toàn Ấn Độ rộng lớn, đa tôn giáo, đa sắc tộc thành một quốc gia phát triển nổi tiếng cả khu vực châu Á và Trung Đông12. Có thể nói, dưới thời vua Asoka, Phật giáo Ấn Độ đã thể hiện xuất sắc trách nhiệm của một quốc giáo đối với xã hội, dân tộc trên hầu hết các phương diện quan trọng của đời sống xã hội Ấn Độ lúc đó. Một số cột kinh do vua Asoka dựng còn lại đến ngày nay có ghi lời của nhà vua nhắc nhở trách nhiệm xã hội của các tôn giáo: “… hãy thôi tự khen tụng và chỉ trích các giáo phái khác mà tập trung trau dồi đạo đức tốt đẹp của dân tộc Ấn Độ như: lòng ngay thật, biết kiềm chế, lòng từ bi bác ái, sống thanh tịnh, hòa nhã, tôn trọng các bậc huynh trưởng và thầy dạy, rộng rãi với bạn bè, thân quyến, người quen, thậm chí với cả nô lệ… và ngăn cấm nghiêm minh các thái độ ganh đua, hiềm khích, gây chia rẽ giữa các đạo…”13 Đạo pháp của Phật giáo mà Asoka sử dụng để trị quốc có những nét cơ bản tương tự với đức trị của Nho giáo Trung Quốc. Phật giáo với tư cách quốc giáo, tuy có lập trường xuất thế (không can dự chuyện thế gian như chính trị, kinh tế) nhưng đã phát huy được nhân tài, vật lực và đoàn kết các tôn giáo toàn dân tộc Ấn Độ thời đó. Phật giáo đã phát huy được trách nhiệm không chỉ trong các lĩnh vực đạo đức, giáo dục, nghệ thuật, lối sống của Ấn Độ, mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế, chính trị và ngoại giao, ngoại thương. Phật giáo từ đó còn lan tỏa văn hóa, lối sống của nó ra ngoài Ấn Độ, và tới nhiều nước láng giềng. Phật giáo từ một tôn giáo dân tộc trở thành một quốc giáo, rồi một tôn giáo ở châu Á. Đến nay những dấu ấn văn hóa và văn minh của dân tộc Ấn Độ qua truyền bá của Phật giáo còn lưu giữ, duy trì và phát triển ở nhiều nước ở châu Á cho đến hiện nay.


1. Nguyễn Tài Đông (2013) “Trách nhiệm xã hội của Phật giáo” trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc”, tr. 200-207 và  Nguyễn Tài Đông (2013) “Trách nhiệm xã hội và trách nhiệm xã hội của Phật giáo”, Tạp chí Triết học số 12/2013, tr. 31.

2. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011). Trí Quang biên tập. Phẩm 103,104. Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr 38-39.

3. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011), phẩm 159. Sđd.tr.49.

4. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011), phẩm 223. Sđd.tr. 66.

5. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011), phẩm 246. Sđd. tr.72.

6. Nikkyo Niwano (1997) Đạo Phật ngày nay. Một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa. Người dịch: Huỳnh Tấn Mẫn. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. tr. 104.

7. Đạo pháp - dân tộc, xã hội chủ nghĩa &  hòa bình (2012). Nhiều tác giả. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương. Nxb. Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, tr. 265.

8. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011), phẩm 269, Sđd. tr. 528.

9. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011), phẩm 317, Sđd. tr. 86.

10. Trích diễm Pháp cú Nam tông (2011), phẩm 257. Sđd. tr. 75.

11. Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền. Kinh Trường bộ (Digha Nikaya) (2013). Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr. 388.

12. Vicent Arthur Smith (1990). Asoka -The Buddhist Emperor of India. Low  Price Publication. Delhi, tr. 182-185.

13. P.V. Bavat (2002). 2500 năm Phật giáo. Người dịch: Nguyễn Đức Tư, Hữu Song, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.86-71.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6367751