Thông tin

QUÊ HƯƠNG VÀ CHỮ HIẾU

QUÊ HƯƠNG VÀ CHỮ HIẾU

 

HÀNG CHÂU

 

 

Chiếc xe lướt nhanh qua cầu trên con sông nhỏ đến khu trung tâm dân cư nhiều nhà cao tầng rồi nhẹ nhàng qua chiếc cầu vượt, rẽ phải, sang trái trong khu rừng đồi thoai thoải lá xanh. Phút chốc, đằng trước mặt hiện ra hàng cờ Phật giáo màu sắc rực rỡ phất phới tung bay. Đó là ngôi chùa có tên gọi “Thích Ca Như Lai” ở tiểu bang Pennsylvania, nhiều bóng tà áo dài Việt Nam thướt tha bên trong cạnh những chiếc bàn với hàng ghế trắng mướt, dưới tấm bạt khá rộng, phân chia thành nhiều mảnh vải tam giác với đủ màu đỏ tím vàng xanh. Bên tay phải, hai hàng xe dài đậu thứ tự thẳng hàng. Một dàn nhạc với các nhạc công chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Người ta chú ý một khẩu hiệu gần cổng “Không làm việc ác – nên làm việc lành – là lời Phật dạy”. Những chiếc ô tô lần lượt, chầm chậm vượt cổng tiến vào sân. Họ xuống xe với trang phục thanh nhã. Đó là những người con Phật vào chùa vì hôm nay là ngày Vu lan. Họ định cư ở xứ người mà như những người khách. Mọi người cư ngụ ở mỗi vùng khác nhau. Chung quanh họ là những người dân địa phương không đồng ngôn ngữ. Họ đến chùa, có người ở cách xa chùa đến 300 cây số, 200 cây số, gần nhất cũng là 100 cây số.

Trời bắt đầu vào thu, lá xanh mượt trên cành chưa phải là mùa lá rụng. Sau cơn mưa nhẹ lất phất của hai ngày trước, bầu trời cao với vầng mây trắng lững lờ trôi. Đúng 3 giờ chiều, tiếng trống thùng thùng thùng báo hiệu mọi người vào trong chánh điện. Từng bước chân như không nghe tiếng động, các Phật tử lặng lẽ ngồi thứ tự, trước mặt có bàn kệ nhỏ đặt quyển kinh. Ngoài sân trống vắng, chỉ còn đôi người trong ban tổ chức chờ đón khách đến trễ.

Ông mặt trời nghiêng bóng, ánh nắng vàng dìu dịu ngoài đường không một bóng xe qua lại. Một người đàn ông bản xứ mặc đồng phục đen, bên ngoài khoác áo choàng sát vai màu vàng lá mạ đứng cạnh lề đường nơi lễ hội, ánh mắt chăm chú nhìn hướng phải – trái ra dấu như điều khiển giao thông.

Hội trường thật im lặng, những ánh mắt nhìn về phía trước. Bàn thờ Phật đèn sáng choang, mùi trầm lan toả phảng phất hương thơm. Đại đức Thích Linh Quang, trụ trì chùa Thích Ca Như Lai và vị khách mời là thượng tọa Pana Rathana - Soorakkalame, người Ấn Độ bước vào chánh điện bắt đầu giờ phút khai mạc. Trên 100 người đồng phục áo lam với bông hồng cài áo đứng chắp tay nghiêm trang. Nhạc chào cờ Phật giáo Việt Nam bắt đầu:

- Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay. Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng. Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương, vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam.

Nhạc chào cờ chấm dứt, bốn cô gái trang phục áo dài màu hồng, vàng, xanh, trắng, tha thướt nâng giỏ hoa tươi thắm nhẹ nhàng từng bước múa dâng hoa lên bàn thờ Phật. Kế tiếp, đôi song ca với bản nhạc “Bông hồng cài áo” - Mẹ ơi! Cả cuộc đời con, mẹ là dòng suối dịu hiền, mẹ là nàng tiên, như ánh trăng sao vằng vặc giữa bầu trời cao, dẫn dắt con trong suốt con đường dài thế kỷ đầy chông gai của đời người.

Tiếp theo, một giọng trầm ấm mở đầu với sự tích Mục Kiều Liên, lưu truyền từ bao năm nói về sự hiếu thảo của người con đối với mẹ. Đại đức Thích Linh Quang như nhắc lại - Lễ Vu lan là ngày lễ hội mà người con Phật nào cũng phải ghi nhớ - chữ Hiếu là cái tâm, là trái tim thế hiện cái đức của mỗi người có mặt trên thế gian này. Tiếng nói của thầy như dịu lại - Cha mẹ sanh ta ra đời, thấm đẫm nước mắt khi con vấp phải chông gai, nâng niu đỡ con đứng dậy. Người mẹ là bậc vĩ nhân khai sáng trí tuệ của đời ta, là hình ảnh Đức Phật bên cạnh ta chỉ dạy từng lời ăn tiếng nói, biết dừng khi trong lòng chớm dậy nhiều sân hận. Ước ao trái tim nhỏ bé tràn ngập miền yêu thương đồng loại, biết đau khi người khác nhiều nỗi khổ vất vả thiếu cơm ăn áo mặc. Nhân loại trên trái đất nầy tất cả đều yêu cuộc sống. Mọi người luôn cầu nguyện trời Phật được bình yên, nhớ ơn ông bà tổ tiên, giữ chữ hiếu với cha mẹ, khắc sâu trong lòng hình ảnh người đã sinh thành nên vóc dáng, truyền cho ta cái tâm trong sáng.

Ngoài sân trên cành cây cao, chim mẹ ôm ấp chim sẻ con ríu rít ca trong buổi chiều vàng xuống thấp.

Thượng tọa Pana Rathana - Soorakkalame truyền những suy nghĩ của mình như lời tâm sự:

“Mỗi người chúng ta cần tu sửa mình, con người không ai hoàn toàn tuyệt đối. Nó sẽ lan tỏa dây chuyền từng nhóm nhỏ ra ngoài xã hội lớn. Các chùa thường được tỏa bóng mát cây bồ đề, tượng trưng cho sự tĩnh lặng, lòng nhân hậu bao la. Mỗi khi có điều gì phiền muộn người ta thường vào chùa với vóc dáng ngồi, đôi mắt khép kín, vầng trán thư giãn của sự hành thiền tĩnh lặng. Chúng ta là con của Đức Như Lai, luôn luôn nuôi dưỡng trong lòng mình tấm lòng nhân ái”.

Đại diện cho 100 Phật tử tham dự trân trọng ghi ơn hai vị, thầy chủ tọa buổi lễ Vu lan, tiếp theo là giây phút trang nghiêm. Từng vần kinh lễ Phật, kinh Vu Lan Bồn, chú Đại bi, cả hội trường với âm thanh lên bổng xuống trầm dìu dịu điệu nhạc đồng ca, vang vang như sâu lắng vào cõi xa xôi nơi tâm thức của con người.

Giữa ngày lễ truyền thống giáo dục Á Đông lưu truyền từ ngày Đức Phật tìm ra chân lý của đời người, tất cả đồng phục tà áo dài màu lam họ ngồi xếp bằng chắp tay, xen kẽ rải rác người Âu da trắng ngồi sát cạnh đứa bé theo cha mẹ vào chùa lễ Phật, có người là nhiếp  ảnh, trân trọng từng bước ghi hình song hành lễ Phật với chàng trai trẻ Việt Nam.

Buổi lễ chấm dứt, mọi người ra sân dự buổi biểu diễn văn nghệ mà họ là diễn viên. Dàn nhạc trỗi dậy với âm điệu êm dịu, lòng người bâng khuâng nhớ về miền xa xôi kỷ niệm.

Ông mặt trời khuất dạng, ngọn gió nhẹ với hàng cây sau khu rừng, đong đưa cành lá. Trên cao bao phủ vầng mây xám nhạt, đêm nay là đêm trăng rằm, chị Hằng sẽ tỏa sáng thế gian soi cho từng bước đi vững chắc. Trên hàng bàn trắng muốt, được bày những đĩa bánh mang đậm màu sắc quê hương do bàn tay khéo léo của những người phụ nữ tham dự làm nên.

Bài hát mở đầu “Lòng mẹ” do chị Trinh với giọng hát trời phú thật ngọt ngào, bay bổng. Rồi Bảo Huy với bài “Đạo làm con”. Con là nhịp thở, là trái tim nhỏ bé của mẹ. Hình bóng mẹ khắc sâu vào đời con từ khi cất tiếng khóc chào đời. Chữ hiếu in vào tâm thức là đức hạnh của người.

Tràng vỗ tay tán thưởng ca sĩ Bảo Huy khi bản nhạc vừa chấm dứt. Từ giữa hàng ghế khán giả, người phụ nữ áo trắng điểm hoa cà đi về hướng sân khấu khẽ cúi đầu chào duyên dáng. Chị giới thiệu bài hát - “Đường về Việt Nam”:

- “Biết bao giờ trở về Việt Nam. Thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang. Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre xanh, theo gió chiều nhẹ đưa. Quê hương ơi! Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút từng giây. Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời…”.

Với giọng hát buồn, trầm ấm, tha thiết như xoáy sâu vào tim những người có mặt trong ngày rằm tháng Bảy hôm nay. Người nữ ca sĩ như rơi từng giọt chữ. Quê hương ơi! Quê hương ơi! Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút từng giây! Âm thanh như nghẹn ngào, tràn đầy nước mắt mà chị không sao giữ nổi. Hình ảnh buổi chiều tà, mẹ già tay chống gậy, chầm chậm ra ngõ hun hút con đường làng rợp bóng tre xanh, trông ngóng đứa con mình rứt ruột sanh ra trở về, ôm hôn lên vầng trán in đậm nếp nhăn thời gian. Mẹ đã già, tóc đã bạc phơ mà vẫn chưa thấy bóng con đâu.

Quê hương! Hai tiếng quê hương mà chị được học trong quyển “Quốc văn giáo khoa thư” đã nói cho đứa bé vào học lớp dự bị rằng - “Chỉ có quê hương là đẹp hơn cả”. Hai tiếng quê hương luôn là nơi hội tụ của cả dòng họ, ông bà, cha mẹ, là nơi về cõi tiên của cả bao đời ghi nhận trong quyển gia phả.

Ôi Quê hương với bao nỗi niềm thương nhớ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6057786