Thông tin

QUYỀN NĂNG CỦA BÀ BÓNG

QUYỀN NĂNG CỦA BÀ BÓNG

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Suốt thời gian dài tìm hiểu nghệ thuật hát Bóng rỗi, tôi dành sự quan tâm cho lĩnh vực âm nhạc, kế đến đối tượng thờ tự, rồi mon men tới gần nhân vật trung tâm của loại hình nghệ thuật này là Bà Bóng. Bà Bóng đóng vai trò thực hành nghi lễ thông qua hoạt động trình diễn nghệ thuật trong tín ngưỡng nữ thần. Năng lực và địa vị của Bà Bóng tự thân toát lên quyền năng thiêng liêng. Bà có khả năng hành khiển, thỉnh cầu thần linh, cũng như huy động nguồn lực để thực thi, triển khai hoạt động nghi lễ.

Bà bóng sinh ra gắn bó hầu hết cuộc đời với tín ngưỡng nữ thần. Để trở thành người có khả năng hay được ủy thác giao tiếp với thế lực vô hình, Bà Bóng phải biết cúng, kiếng, múa, hát, sử dụng trống lệnh... sở đắc gần như trọn vẹn nghi thức thực hành nghi lễ, trong đó có nghệ thuật hát Bóng rỗi. Bên cạnh đó, Bà Bóng còn đóng vai trò truyền thừa trong phạm vi tín ngưỡng nữ thần và truyền nhân của nghệ thuật hát Bóng rỗi. Hai phương diện này liên kết với nhau tạo nên tính chất “hợp pháp”, “chính thống”, “đại diện” trong thực thể Bà Bóng, đồng thời thể hiện quyền năng ở con người này.

1. Tính hợp pháp

Hoạt động nghi lễ sau thời gian dài thích nghi với những thay đổi văn hóa, xã hội đã có xu hướng ngả sang màu sắc thế tục. Trên thực tế, nhiều Bà Bóng đóng vai trò trình diễn nghệ thuật thuần túy, song, trước khi đến với hoạt động nghi lễ, bao gồm kỹ năng hát, múa, diễn tấu nhạc cụ (sử dụng trống lệnh), thực hành nghi lễ… Bà Bóng có tố chất đặc biệt để thừa hưởng nhiệm vụ phụng sự thánh thần thông qua hoạt động nghi lễ. Trong tín ngưỡng Tứ phủ miền Bắc, người ta gọi con người đặc biệt này là có “căn”. Trước mắt thiên hạ, Bà Bóng nói chung khác với người thường, còn trước mắt thần linh, Bà là người được chọn để hầu việc tiên cung, tiên thánh. Sau khi lọt vào mắt xanh của thần linh, họ trải qua tình huống bị “bắt đồng”, “bắt lính” và gắn bó cuộc đời với công việc thờ tự như một sứ mệnh.

“Căn duyên”, “Căn tu” là khái niệm phổ biến trong địa hạt tín ngưỡng, nó như một tính từ nhằm chỉ phẩm chất khác biệt, thông qua những dấu hiệu đặc biệt chứng tỏ ai đó có khả năng gia nhập môi trường này. Hiểu theo nghĩa thế tục, “Căn duyên”, “Căn tu”, kể cả “Căn tính” chính là năng khiếu, thiên hướng ở một người. Trong bất kỳ hoạt động nào, từ văn hóa, kinh tế, giáo dục, chính trị cho đến tôn giáo, triết học, văn chương, nghệ thuật… đều có dấu hiệu riêng giúp nhận biết “Căn duyên”.

Bà Bóng được ký thác trên vai nhiệm vụ cao cả phụng sự thánh thần thông qua hoạt động nghi lễ và trình diễn nghệ thuật. Để tham gia lĩnh vực này, Bà phải có đầy đủ năng lực cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nghi lễ. Trước và sau khi tham gia môi trường tín ngưỡng, Bà Bóng vừa thể hiện năng lực, phẩm chất (hiểu là căn tu như đã đề cập), vừa phải nhận được sự ủy thác của đấng bề trên, trong đó có người ở vị trí, quyền năng cao hơn, như sư phụ chẳng hạn. Giống như các tín ngưỡng khác, quyền uy một mặt thể hiện bằng năng lực, như cầu tắc ứng, “kêu đến đâu được đến đấy”, nhờ vậy mà có thể “kêu thay lạy đỡ cho kẻ khác”; một mặt mang tính truyền thừa, như trong Phật giáo được biểu trưng bằng y, bát (trang phục và bình bát), Đạo giáo có sắc chỉ, đạo Thiên chúa có lễ thụ phong, tín ngưỡng Tứ phủ có trình đồng mở phủ…  một sự bảo chứng bằng hình thức (nghi thức) và hiện vật. Như vậy, trước khi trở thành Bà Bóng, con người này phải trải qua thử thách nhằm chứng tỏ năng lực, phẩm chất cũng như nhận được sự chuyển giao, thừa tiếp của người thầy.

Tờ sắc là một trong những dấu hiệu, bảo chứng cho thấy Bà Bóng là người thừa kế hợp pháp. Nó giống như Tấm thẻ hành nghề, một bảo chứng về tính hợp pháp theo dòng truyền thừa. Điểm đáng lưu ý là “giấy phép” này không do cơ quan quản lý cấp mà được người có thẩm quyền chuyên môn chỉ định. Nếu như căn duyên, căn tu là dấu hiệu “vô hình” để nhận biết năng lực, tố chất của Bà Bóng, thì ở góc độ hữu hình, tờ sắc lại khẳng định năng lực, trình độ nghề nghiệp. Giới bóng lâu nay đã có có sự lầm lạc về thiên hướng nghề nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến tính hợp pháp, cũng như tố chất nghề nghiệp trong lưu truyền văn hóa.

Qua đây thấy rằng, tính hợp pháp không hoàn toàn liên quan đến giá trị pháp lý trong hoạt động nghi lễ truyền thống mà nằm ở vai trò ủy thác của người truyền thừa. Ở những tôn giáo lớn, tổ chức Giáo hội đóng vai trò quyết định trong công tác nhân sự, nên việc chỉ định người đóng vai trò gì, ra sao, thậm chí trong từng phạm vi hoạt động đã thể hiện bằng hệ thống văn bản pháp quy, như giới luật trong Phật giáo chẳng hạn. Trong hoạt động biểu diễn nói chung, cơ quan, tổ chức nhà nước đóng vai trò quản lý chung, trong đó có cả việc thừa nhận tính pháp lý bằng chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn xảy ra khi cơ quan quản lý chưa chắc đã có quyền uy về mặt chuyên môn, còn cơ quan chuyên môn lại không được phép bảo chứng cho mọi hoạt động liên quan đến nghề nghiệp. Điều này dẫn đến tính bất cập trong thực tiễn. Trong môi trường tín ngưỡng, tính hợp pháp được đảm bảo bằng sự ủy thác từ trên xuống theo dòng truyền thừa, chuyển giao quyền năng và theo khả năng thừa tiếp của người thụ nhận.

 

 

2. Tính chính thống

Quyền uy tín ngưỡng, tôn giáo cũng giống như quyền lực chính trị. Nó tuân thủ những quy phạm mang tính nguyên tắc, cho dù tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo độc thần. Các vị đạo sĩ, pháp sư, kinh sư, giáo hoàng, hòa thượng, phù thủy… đều có quyền lực ở cả hai thế giới: hữu hình và vô hình. Tính chất này tự nhiên kết nối những con người liên quan vào một nhiệm vụ mang sứ mệnh chung, tức không thuần túy là nhiệm vụ được giao phó.

Vì vậy, trước khi đến với quyền lực mang tính đại diện trong nhà nước thế tục, “nhà nước” tôn giáo, tín ngưỡng đã tồn tại dai dẳng trong lịch sử loài người. Ngay cả khi nền văn minh phương Tây đã chạm đến vùng xa xôi hẻo lánh của vùng Cận Đông, các vị vua lửa, vua nước, potao… từ chức năng tâm linh đã trở thành đại diện cho cộng đồng. Bà Bóng trước khi đến xã hội hiện đại như một người sở đắc nhiều năng lực, một quyền uy mềm đã tồn tại trong con người này suốt thời gian dài. Nó không chỉ thể hiện trên phương diện giới tính (trung tính), qua năng lực (nghi lễ và nghệ thuật), mà còn được ủy thác vai trò truyền thừa mang tính chính thống. Ở Đạo giáo, Phật giáo, các vị kinh sư, hòa thượng, đạo sĩ tham gia thực hành nghi lễ thông qua biện pháp âm nhạc thường có hai vị thầy: thầy pháp và thầy nhạc. Thầy nhạc có thể kiêm chức năng thầy pháp hoặc ngược lại, nhưng chắc chắn chỉ có thầy pháp mới có khả năng đảm bảo năng lực thừa tiếp hoạt động pháp sự của học trò với tư cách truyền nhân. Chưa kể, như hoạt động “thụ phong” còn có những dấu chỉ từ đấng bề trên ủy thác, thông qua thác mộng hay xin keo chẳng hạn. Nhiều tổ chức trong môi trường này vẫn bảo lưu tính chất Thế tập, hiểu là cha truyền con nối. Đối với Bà Bóng, đa số là phụ nữ không chồng hoặc bán nam bán nữ. Họ có xu hướng thu nhận đệ tử có bản thể tương đồng, từ đó, tính chất truyền thừa quyết định bởi yếu tố “căn duyên”, như ở tín ngưỡng Tứ phủ chẳng hạn. Mặc dù, Bà Đồng trong tín ngưỡng Tứ phủ không có sự bảo chứng bằng tờ sắc mang tính pháp lý về vai trò truyền thừa, song mỗi phủ đền đồng đều có sự ủy thác của chủ đền trong việc phân chia “vai vế”, “chức sắc” hay giữa họ vẫn hình thành đẳng cấp qua sứ mệnh, nhiệm vụ hầu bóng. Hầu vai quan lớn thì hưởng uy lớn, vai nhỏ sẽ có uy nhỏ, từ đó, các Bà Đồng nảy sinh sự tranh giành quyền lực với nhau. Dân gian có câu: “Ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng”. Ghen ở đây nhằm chỉ thói đố kỵ, cạnh tranh nhau giữa các Bà Đồng, Bà Bóng nhằm xác lập tính chính thống của mình.

3. Tính đại diện

Quyền lực hợp pháp của Bà Bóng giúp cho việc thâu tóm quyền lực và nhóm đệ tử hay con nhang được thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi. Nó thể hiện quyền năng hành khiển thông qua các khóa lễ. Có những cô đồng “hùng cứ một phương” nhờ khả năng “tấu đến đâu, được đến đấy”, hiểu là mong muốn của con nhang, đệ tử được hiện thực hóa thông qua vai trò đại diện của Bà Đồng, Bà Bóng. Ở đây, cơ chế “xin – cho” thể hiện một cách rõ ràng và ràng buộc Bà Bóng vào kết quả, mục đích cuối cùng của hoạt động nghi lễ. Trong tín ngưỡng dân gian, khái niệm linh thiêng được hiểu đơn giản là khả năng hiện thực hóa mong muốn chủ quan. Bởi vậy, nghi lễ hầu đồng có đất dụng võ trên cả phương diện “buôn thần bán thánh”. Bên cạnh giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tâm linh, còn có tính chất móc ngoặc, môi giới, cung phỉnh, lừa lọc… thể hiện, tập trung trong môi trường này. Không ít người giàu lên từ hoạt động tổ chức nghi lễ, cũng có người khuynh gia bại sản, tan hoang cửa nhà. Riêng ở góc độ hiện thực có thể quan sát thấy một quyền lực mạnh mẽ ẩn trong con người Bà Bóng. Bất kỳ tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng có tham vọng gây ảnh hưởng trên phương diện huy động sự ủng hộ của nhiều người. Ở tín ngưỡng nữ thần, Bà Bóng cũng vậy. Việc xây dựng vây cánh thông qua mạng lưới phức tạp, tác động, thấm sâu vào tầng lớp bình dân. Hễ ở đâu có phần tử yếm thế, ở đó có phần tử thừa tiếp trung gian “móc ngoặc”, dẫn mối, tổ chức “khóa lễ”, một hình thức cứu chuộc tội lỗi của con người đi kèm với quyền năng hành khiển của Bà Bóng. Không có một khóa lễ nào chỉ đơn giản có cầu khấn bằng lời lẽ, mà còn có lễ vật, tiền bạc hữu hình, vô tình… đi kèm. Lễ vật mới là vấn đề khiến nhiều người sa vào hành vi tha hóa, suy đồi. Giữa khoảng cách hữu hình và vô hình tự nhiên tạo nên sự hư hao, mòn mỏi về vật chất lẫn tinh thần.  

Trong xã hội truyền thống cũng như hiện đại đều nổi lên những nhân vật có quyền năng chi phối đời sống. Ở tín ngưỡng nữ thần, con người đó chính là Bà Đồng, Bà Bóng. Sự đảm bảo về tính hợp pháp, chính thống, đại diện ở Bà Bóng tự thân tạo nên sức mạnh vô hình lẫn hữu hình nhằm hợp lý hóa vai trò trung tâm, đồng thời thể hiện quyền năng vô song của con người này.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 5
    • Số lượt truy cập : 6131044