Thông tin

RẰM THÁNG BẢY, NHỚ CƯ SĨ TRẦN VĂN ĐẠI

RẰM THÁNG BẢY, NHỚ CƯ SĨ TRẦN VĂN ĐẠI

 

TS. NINH THỊ SINH

Khoa Lịch sử, ĐHSP Hà Nội 2

 


 

Ông sinh năm 1876 ở Quảng Xuyên, Hải Dương. Đậu cử nhân năm 24 tuổi, ông sớm bước vào nghiệp quan trường. Ông nhanh chóng leo lên nhiều vị trí khác nhau cho đến tận chức Tuần phủ. Trong sự nghiệp, ông dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển nông nghiệp trong xứ cũng như các công trình xã hội. Ông cũng là người gánh vác trách nhiệm thành lập các trường công học và một nhà hộ sinh1.

Kể từ khi hưu trí, ông chủ yếu dành thời gian vào việc nghiên cứu đạo Phật. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ (1934-1945), ông là một đại diện tiêu biểu của giới quan lại đã hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng đạo Phật. Không chỉ giữ cương vị Chánh Đại lý chi hội Phật giáo Hải Dương, Trần Văn Đại còn được tín nhiệm bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ trong những năm 1938-1941. Xin giải thích ở đây một chi tiết nhỏ để thấy được vai trò của Trần Văn Đại đối với Hội Phật giáo Bắc Kỳ trong thời gian ông giữ cương vị Phó Hội trưởng. Mặc dù ông Nguyễn Năng Quốc giữ cương vị hội trưởng, nhưng từ năm 1939, vì lý do sức khỏe, Nguyễn Năng Quốc về an dưỡng ở Thái Bình, do vậy, các việc của Hội Phật giáo Trung ương do Trần Văn Đại, nhất là trong việc giao thiệp với chính quyền đương thời, chủ yếu do Trần Văn Đại thay mặt hội giải quyết. Ở địa phương, dưới sự lãnh đạo của ông, chi hội Phật giáo Hải Dương là một chi hội tích cực họat động và đạt được nhiều thành tựu tiêu biểu.

Được thành lập ngày 22/4/1935, là một trong số những chi hội được thành lập sớm nhất, chi hội Hải Dương có hai ban Đại lý, trưởng ban đại lý bên tăng là sư cụ Tâm Liên, trụ trì chùa An Ninh, phủ Nam Sách và trưởng ban Đại lý bên tại gia là quan Bố chánh Nguyễn Huy Xương. Tháng 8 năm 1935, quan Bố chánh Nguyễn Huy Xương được điều sang tỉnh khác, do vậy, ban Đại lý Hải Dương nhất trí bầu Tuần phủ Trần Văn Đại thay Nguyễn Huy Xương giữ cương vị Chánh đại lý. Quyết định này được Ban Quản trị Trung ương chuẩn y. Kể từ đó, Trần Văn Đại có những hoạt động và đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Hải Dương.

Trước hết, chi hội Hải Dương là một trong số ít chi hội đã thành lập được một ban kịch, diễn viên là hội viên của chi hội Hải Dương và con cái họ. Trên thực tế, chi hội Ninh Bình mới là chi hội đầu tiên thành lập ban kịch, Hải Dương học tập Ninh Bình nhưng ban kịch của chi hội Hải Dương mới hoạt động thực sự hiệu quả. Các tài liệu hiện nay cho biết ban kịch không chỉ diễn các vở kịch tại hội quán, chùa Đông Thuần để phục vụ hội viên mà còn đi lưu diễn ở các phủ, huyện khác trong tỉnh Hải Dương như Vĩnh Bảo, Đông Triều…

Hoạt động của Ban kịch mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là một hình thức “vui thú, dễ cảm” để “tuyên dương giáo lí của đạo Phật”. Bằng cách diễn chèo, cải lương theo phép “tùy thời thiết giáo” đã có tác dụng lớn trong việc “cảm hóa nhân tâm”, nhất là đối với nhi đồng và phụ nữ. Tác dụng của nó được Công Chân, thư ký của chi hội Hải Dương đánh giá “mạnh hơn một hội thuyết pháp hay là một cuộc diễn thuyết2. Các vở kịch đã được diễn mà tài liệu hiện nay còn lưu lại là vở Tu là cõi phúc, Quả báo luân hồi. Nội dung các vở kịch có tính cách tuyên truyền giáo lý đạo Phật, khuyến thiện khuyến tu. Chẳng hạn như trong vở Quả báo luân hồi, được diễn vào tối ngày 11 tháng Ba năm 1939 tại chùa hội quán Đông Thuần để phục vụ đông đảo hội viên, soạn giả Đinh Gia Thuyết đã khéo léo đưa vào những câu hát chứa đựng các giá trị đạo đức, trân trọng giá trị lao động, công bằng trong phán xử…

Xin đừng khinh chị bắt cua,

Tuy không chải chuốt như cô tân thời

Nhưng mà làm lấy ai ơi

Chứ không ăn bám như số đông người trong phái nữ lưu3

Không chỉ là một hình thức mới góp phần tuyên truyền giáo lý đạo Phật, hoạt động của ban kịch còn giúp tăng tài chính cho hội, đóng góp vào quỹ Tăng học, thực hành các công việc trong hội cũng như ủng hộ các cuộc từ thiện khác trong tỉnh. Chẳng hạn như hội đã đóng góp cho hội thể thao hơn 100 đồng, số tiền này được trích từ 600 đồng tiền bán vé cuộc diễn ở Vĩnh Bảo4. Chi hội Hải Dương còn tổ chức diễn hai vở Tu là cõi phúc, Quả báo luân hồi ở rạp Cinéma Sélect trong hai tối 9 và 20 tháng 11 năm 1939 để giúp việc may áo rét cho các chiến sĩ ngoài mặt trận bên Pháp. Kết thúc hai buổi biểu diễn, số tiền thu được là 424,205 đồng Đông Dương đã được gửi đến Tòa Công sứ.

Dấu ấn đậm nét của ông Trần Văn Đại đối với hoạt động của chi hội Hải Dương thể hiện ở khía cạnh “tinh thần tôn giáo” được thực hiện trong dịp Lễ Trung nguyên rằm tháng Bảy năm 1938 đó là việc “bỏ vàng mã” và “chẩn tế chúng sinh trọng hậu”. Lễ Trung nguyên năm 1938 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 13 đến 15 tháng 7. Các nghi thức cũng được tiến hành như mọi năm. Nhưng có hai việc cải cách lớn, đó là thực hành “bỏ vàng mã” và “cải cách thí đàn Mông Sơn”. Chủ trương này được công chúng hoan hỉ thực hiện. Nhân dịp này, thiện nam tín nữ đến lễ Phật chỉ mang hương hoa và nến sáp. Đối với thí đàn Mông Sơn, theo tục thường gồm nhiều đồ vàng mã và các loại hoa trái lặt vặt như thị, ổi, khoai, ngô, kẹo cháo, bỏng nẻ… Tất cả những thứ này dùng để cúng lục đạo chúng sinh, sau khi cúng xong đem phát cho kẻ khó, gọi là bố thí chúng sinh. Bố thí trong lễ Trung nguyên các năm trước luôn diễn ra trong tình trạng “tranh giành”, “cãi cọ nhau”, nhìn rất “thương tâm”. Trong lễ thí đàn Mông Sơn năm 1938, Trần Văn Đại đã làm được một việc thiết thực với nhân sinh, và có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Ông  thay các loại cây trái lặt vặt và vàng mã bằng hương hoa và cơm nắm. Sau khi cúng xong sẽ đem phát cơm nắm cho người nghèo khó. Cách bố thí được tổ chức một cách trịnh trọng. Trước hết, cho gọi kẻ khó đứng đợi ở ngoài đường từ chiều vào cả trong sân chùa, mời ngồi và xếp thành bốn năm hàng dài. Cử một người đứng dẫn thí, cứ mỗi lượt năm người. Mỗi người được lĩnh một nắm. Mỗi nắm “bằng quả bưởi nhỏ, trông rất sạch sẽ, ngon lành6. Lĩnh xong hẳn thì ra về. Trong ngày hôm đó có khoảng trên dưới 300 người được lĩnh cơm.

Đặt trong bối cảnh Hội Phật giáo Trung ương đang hô hào bỏ vàng mã trên báo Đuốc Tuệ thì việc làm của ông Trần Văn Đại quả là một cải cách lớn trong nghi thức, có ý nghĩa nhân đạo và thiết thực đối với dân sinh. Tác giả Mẫn Trai trên báo Đuốc Tuệ sau khi được mắt thấy tai nghe rất ngưỡng mộ cách làm của ông Trần Văn Đại. Mẫn Trai còn tràn đầy hy vọng về tiền đồ của đạo Phật nước nhà nếu như “tất cả mọi nơi từ Hội trung ương cho đến chi hội các nơi, đâu đâu giáo hữu cũng giác ngộ mà đem thực hành việc cải cách về tinh thần – là việc bỏ vàng mã thì tiền đồ Phật giáo nước Việt Nam nhà không biết đâu mà lường được vậy7

Ngoài tham gia Hội Phật giáo, Trần Văn Đại còn là Hội trưởng Hội Chí Thiện (Hải Dương). Với tư cách là Hội trưởng Hội Chí Thiện, ông đề xuất chủ trương hợp nhất hội Chí Thiện với chi hội Phật giáo Hải Dương. Theo ông, mục đích của hội Chí Thiện (được phép thành lập theo quyết định số 1724, do Thống sứ Bắc Kỳ ký ngày 5 tháng 8 năm 1919) là để thực hành các việc từ thiện xã hội; trong khi đó chi hội Phật giáo Hải Dương cũng theo đuổi các việc này. Hơn nữa, hội Chí Thiện còn sở hữu một khu nghĩa trang có diện tích tới 5 mẫu và một ngôi nhà bằng gạch cùng với các đồ tang ma. Nếu hợp nhất được hai hội thì sẽ thuận lợi trong các việc từ thiện. Đề nghị này, nhận được sự đồng thuận của hội viên hai hội. Nhưng rất tiếc lại không được sự chuẩn y của chính quyền, lí do vì hai hội hoạt động theo hai Điều lệ khác nhau8.

Không chỉ là một nhà hoạt động tích cực, Trần Văn Đại còn sử dụng ngòi bút để tuyên truyền, giải thích đạo đức, triết lý Phật giáo. Trên Đuốc Tuệ, chúng tôi thấy ba bài thơ của ông viết về đạo Phật: Phú chấn hưng Phật giáo, Bài học thuộc lòng, Khuyến tu ca. Bằng ngôn từ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc, Trần Văn Đại đã giải thích và giới thiệu tới công chúng những giá trị đạo đức căn bản Phật giáo, có thể vận dụng vào xây dựng nhân sinh, cải cách phong tục. Chẳng hạn như khi nói về Nhân quả trong đạo Phật, ông viết:

Ở hiền thì lại gặp lành

Ở dữ gặp dữ chói quang vào mình

Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Hay Khuyến tu tại gia, ông viết:

“Thứ nhất thì tu tại gia

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa

Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”.

Nói về Phật tại tâm, ông viết:

“Tâm là Phật, Phật là tâm

Tòa sen sẵn đó phải tầm đâu xa

Mới hay Phật ở lòng ta

Muốn rằng tu Phật thời ta tu lòng”.

Đặc biệt Phú chấn hưng Phật giáo thể hiện nhận thức sâu sắc của ông về tầm quan trọng của đạo Phật đối với nhân sinh. Theo Trần Văn Đại, giữa lúc “tranh tối tranh sáng”, “phong tục suy đồi”, “lòng người vơ vẩn” thì “lý thuyết Phật giáo là một bài thuốc không gì hay bằng” có thể dùng để vãn hồi nhân tâm thế đạo. Từ đó, ông hô hào “Phật giáo cần phải chấn hưng”. Ông nhấn mạnh đến “Giới”, “Định”, “Tuệ”, đến luân lý “Lục phương” và “Tứ ân”, đến “Ngũ giới”…, coi trọng “tu tâm”, coi “tu tâm” cũng chính là “tu Phật”. Ông ngợi ca đạo Phật là một đạo “trí thức”, “trí tuệ”. Về phương diện nhân sinh, đạo Phật cũng không khác gì đạo Khổng “bổ ích về tinh thần”, và có thể “mở mang về vật chất”. Nhận thức của ông về đạo Phật là nhận thức của một người được đào tạo trong cửa Khổng sân Trình, đã từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, luôn đau đáu nỗi niềm với nhân sinh thế đạo, do vậy, được thể hiện ra một cách giản dị mà sâu sắc.

Tới đây, chúng tôi xin mượn lời bài Phú chấn hưng Phật giáo của ông để thay cho lời kết:

Ngồi nghĩ người mình, ngẫm cơ mạnh vận

Phong tục suy đồi, lòng người vơ vẩn,

Đương lúc tranh tối, tranh sáng, trong óc mơ màng,

Phần nhiều dở dại dở khôn, theo đường lầm lẫn,

Sách Khổng Mạnh thúc chi cao các luống bỏ mọt hư,

Cửa Trình Chu đành để trăn vu nào ai giáo huấn,

Cha không biết đạo cha, con không biết đạo con, chồng không biết đạo chồng, vợ không biết đạo vợ. Luân lý lấy gì duy trì;

Sĩ chỉ quen nghề sĩ, nông chỉ quen nghề nông, công chỉ quen nghề công, thương chỉ quen nghề thương. Tinh thần nhờ đâu phấn chấn.

Nghĩ đến nhân tình thế thái, tưởng cũng thương tâm;

Nhìn qua xã hội nhân quần, bỏ quên sao nhẫn.

Nhưng mà, muốn vượt sông mê, phải nhờ bảo phiệt,

Muốn khai đường giác, phải có kim thằn,

Muốn bồi thực nhân tâm được vài phần nào gọi là có ích,

Thì lý thuyết Phật giáo là một bài thuốc không gì hay bằng.

Tiếc thay, lâu nay Phật pháp, phó mặc thuyền đăng,

Trên không tín ngưỡng, dưới cũng dửng dưng,

Xét ra cho kỹ, thực chỉ vì chưng;

Kinh kệ không ai diễn giảng, giới luật nào có đãi đằng.

Theo Phật mà không biết tôn chỉ đạo Phật,

Quí tăng mà không theo giới luật chư tăng,

Khiến cho mấy nghìn năm Phật - Pháp nhiệm mầu, tối như đêm dày như đất.

Nay muốn khắp thập phương quang minh phả chiếu, sáng hơn đèn tỏ hơn giăng.

Vậy thì Phật giáo cần phải chấn hưng.

Cửa thuyền gióng giả Hội quán tâng bầng,

Khắp nơi khua mõ rung chuông, công đức nối hai đời Trần - Lý.

Mọi chỗ giảng kinh thuyết pháp trí tuệ theo Lục tổ Huệ Năng.

Phật tức là tâm, tâm tức là Phật,

Tuệ nhỡn là gương, Phật tâm là luật,

Muốn học phép mầu, phải chính tâm thuật,

Nào giới, nào định, nào tuệ, phát nguyện để mà tu trì,

Nào tham, nào sân, nào si, sám hối những điều quá thất,

Mộ khổ hạnh mà bớt xa hoa, tiết dục tình mà chừa dâm dật,

Luân lý thì kinh lễ lục phương, báo ân tứ thân,

Nhân từ thì lân mẫn chúng sinh, giới sát sinh vật,

Trí thức như thế, trí tuệ như thế, Phật dạy tự giác,

Nếu mang ra con đường khai hóa chắc sẽ bổ ích về tinh thần;

Nhẫn nhục nhường nào, tinh tiến nhường nào, Phật dạy tự tu.

Nếu mang ra mọi việc thực hành, có thể mở mang về vật chất,

Dám hỏi tu hành ai đó, mấy kẻ chân tu?

Mong rằng sùng Phật từ nay, phải nên theo thật.

Nếu mà, miệng niệm Nam mô, lòng còn lếu láo,

Đã không biết tu tâm, sao gọi là mộ đạo,

Thời dẫu lễ Phật mỗi lần trăm lễ cũng là vô công.

Mà theo một tháng cúng chùa hai lần cũng là uổng gạo;

Than ôi! Tịnh độ không xa, phúc duyên lòng tạo,

Lòng mà trong sạch, nhân tâm tức là Phật tâm,

Dạy để khuyên lành, Phật giáo khác gì Khổng giáo.

Dám tưởng đâu Nát bàn cực lạc, không thị sắc sắc thị không,

Xin hãy đem nhân quả luân hồi, thiện thiện báo, ác ác báo9.


1. Souverains et Notabilités d’Indochine, Éditions Gouvernement général de l’Indochine, 1943. 

2. Công Chân , Một cuộc du lịch, Đuốc Tuệ, số 110, 15 tháng 6 năm 1939, tr.3

3. Diễn kịch Phật giáo Hải Dương, Đuốc Tuệ, số 105, ngày 1 tháng 4 năm 1939, tr. 30.

4.  Nt, tr. 27.

5.  Công Chân, Hai tối hát giúp việc nghĩa, Đuốc Tuệ, số 121-122, 1-15 tháng 12 năm 1939, tr.43.

6. Mẫn Trai, Một việc cải cách lớn đã thực hành ở chi hội Hải Dương, Đuốc Tuệ, số 93, ngày 15 tháng 9 năm 1938, tr. 37.

7. Mẫn Trai, Một việc cải cách lớn đã thực hành ở chi hội Hải Dương, Đuốc Tuệ, số 93, ngày 15 tháng 9 năm 1938, tr. 35-38.

8. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 79784-01.

9. Trần Văn Đại, Phú chấn hưng Phật giáo, Đuốc Tuệ, số 2, ngày 17 tháng 12 năm 1935.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6712338