Thông tin

RƯỢU BIA VÀ NHỮNG TÁC HẠI

RƯỢU BIA VÀ NHỮNG TÁC HẠI

 

AN TUỆ

 


 

Giựt mình khi nghe hôm qua, trên tivi chiếu phóng sự về vấn nạn rượu bia, giựt mình hơn khi biết Việt Nam là nước đứng vị trí thứ 3 châu Á và quán quân khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia rượu. Thật không có gì để bàn cãi khi người ta chỉ uống một, hai chai để vui và giữa thân mình cho tỉnh táo, gia đình êm xuôi nhưng giậu đổ thì bìm leo, chúng ta uống sống, uống chết, ép nhau uống, uống xong ói, ói xong uống, bao nhiêu tai nạn giao thông, bao nhiêu cuộc bạo hành gia đình cũng vì đây mà ra. Những ngày gần đây, báo chí đưa tin vì rượu vào lời ra, anh đã giết em, con đã chém cha, than ôi, buồn cho kiếp nhân sinh.

Các buổi chiều, hãy ra các quán bia, đủ mặt nam phụ lão ấu, đến cả các chị phụ nữ, mà đa phần là các thanh niên bàn tán xôn xao, tiếng hô 1, 2, 3 dzô náo động. Người ta nhậu vì nhiều mục đích khác nhau từ kinh doanh bàn chuyện công việc, sinh nhật, vui uống, buồn uống, và không vui không buồn cũng uống. Giá bia ở Việt Nam trên dưới 1 đô la tức gần 20.000 đồng một lon. Khi kinh tế phát triển, ông bà ta thường hay nói phú quý sinh lễ nghĩa, vì khi sinh lễ nghĩa, người ta thường mời nhau vì chúc tụng, mời vì kính nể và khi kinh tế phát triển, rung rỉnh 200 hay 300 ngàn cũng có thể có buổi nhậu say, và khi “ngựa quen đường cũ” thì “tửu lượng” ngày càng tăng, được tính theo ngày, theo tuần.

Tôi nhớ có lần coi phóng sự của đài AFP về vấn nạn rượu bia ở Việt Nam, có bạn trẻ lại nói “Uống bia là phải say, không say thì uống làm gì, phí tiền?”. Có người lại nói “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (trai tráng không uống bia rượu thì như cờ không có gió). Nguy quá, hại quá nếu như ai ai, nhà nhà đều nói vậy. Vậy, thế hệ vàng 30, 40 của Việt Nam sẽ ra sao khi sức khỏe, tâm trí con người ngày càng bị đục khoét bởi con ma men vô hình? Tổ chức Y tế thế giới - WHO, đã từng cảnh báo mức độ sử dụng rượu bia ở nước ta là mức “gây nguy hiểm”. Một lời cảnh báo, một cơn bão đang gây nguy hại, càng quét qua đất nước chúng ta.

Quay về với giáo pháp của đức Phật để nhìn nhận vấn nạn này, tìm hiểu xem, Phật giáo giải quyết ra sao? Tất cả đều biết rằng Phật dạy mọi người phải giữ gìn đạo đức trong sạch, giữ cho thân, ý mình trước những cám dỗ của ham muốn, không bị sa vào những sai lầm rồi gây đau khổ cho mình và mọi người, đó là giới mà Phật tử nào cũng cần giữ gìn. Trong Bát chánh đạo, ai cũng biết Chánh kiến để mình nhìn nhận mọi biểu hiện của cuộc đời bằng suy nghĩ và có cái nhìn đúng đắn, vậy ta nhận ra rằng, uống rượu là có tác hại rất lớn cho sức khỏe, hủy hoại tinh thần và đôi khi lại gây đỗ vỡ hạnh phúc gia đình, phải có cái nhìn đúng đắn khi nhận thấy rượu là tác nhân chính gây ra bao cuộc đánh nhau, tai nạn giao thông, anh em không hòa thuận, gan ruột bị suy yếu,... Khi có cái nhìn như vậy, ta thấy rằng bằng cuộc sống có chánh niệm, quan sát mọi sự việc đang xảy ra để ta quay về chính mình, chuyển hóa và thực hành điều dạy trong giới thứ 5 của người Phật tử, đó là không uống rượu và các chất kích thích gây nghiện. Vậy tại sao Phật lại dạy và răn chúng ta vậy? Quay về bối cảnh lúc đức Thế tôn còn tại thế, khi xưa có vị tỳ kheo tên là Sāgata trong một dịp thuần hóa được một con rắn hổ mang hung dữ bằng năng lực tinh thần của mình, nên được mọi người xung quanh khen ngợi và mời uống rượu chúc mừng. Vì quá say nên vị tỳ kheo đó đã nằm lăn tại cổng thành. Những tỳ kheo khác biết được đã khiêng vị này về tu viện trong một tình trạng hết sức tệ hại. Khi đức Phật đến thì Sāgata vẫn còn nằm sóng soài, không thể đứng dậy nổi, hai chân hướng thẳng về đức Thế tôn. Nếu không say rượu, Sāgata đã không có thái độ bất kính này. Sau đó, đức Phật đã hỏi những tỳ kheo khác về chuyện này: “Trước đây, tỳ kheo này có lối cư xử bất kính đối với Như Lai như vậy không?”. Họ đáp rằng: “Dạ không, thưa Thế tôn”. “Vậy nguyên nhân gì khiến tỳ kheo Sāgata thay đổi thái độ như thế?”. “Dạ đó là hậu quả của việc uống rượu”. Sau đó, Ngài đã giảng cho các vị tỳ kheo về tác hại của các chất làm say sẽ khiến cho những ai sử dụng chúng đều dẫn tới lối cư xử tệ hại, hạ nhân cách của chính mình cũng như nhân cách của người khác.

Ta thấy rõ ràng, rượu làm cho con người mất đi tâm trí, mất đi tính sáng suốt của mình, phóng dật, vô mình trước mọi thứ xảy ra… Phật đã dạy trong một bài kệ của kinh Dhammika (Kinh tập 2.14)

“Chớ sống theo nếp sống,

Uống rượu và say rượu,

Với vị là cư sĩ,

Đã chấp nhận pháp này,

Chớ khiến người uống rượu,

Chớ chấp thuận uống rượu,

Sau khi biết uống rượu,

Cuối cùng là điên cuồng”.

 

“Chỉ kẻ ngu say rượu,

Mới làm các điều ác,

Và khiến các người khác,

Sống buông lung phóng dật,

Hãy từ bỏ, tránh xa,

Xứ phi công đức này,

Khiến điên cuồng si mê,

Làm kẻ ngu thỏa thích”.

Như vậy, xuyên suốt trong 45 năm hành đạo, Ngài chỉ mọi người sống theo Giới Định Tuệ, để nhận thấy đâu là chân thiện mỹ, để làm tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mình. Và bài học đó, mãi đến ngày nay không sai khác, vẫn còn giá trị. Không chỉ rượu, những chất kích thích như ma túy, hay chất gây nghiện, Phật cũng dạy y như rượu, vì những tác hại của nó gây ra.

Nếu một cá nhân nào trong xã hội cũng suy nghĩ, nhìn nhận có chánh kiến, lối sống chánh niệm để cảm nhận niềm an lạc trong từng lời dạy của đức Thích Ca thì xã hội này tốt đẹp hơn, gia đình hạnh phúc, và có nhiều thời gian cống hiến cho sự tiến bộ của đất nước mình. Người trẻ là trụ cột của nước nhà, ví như mảnh đất có những hạt mầm chất lượng cao thì sẽ tạo ra nhưng cây xanh tươi tốt và một rừng cây mạnh khỏe chống chọi tất cả những bão dông, nếu không thì chỉ là những sa mạc khô cằn, yếu ớt trước những giông tố của toàn cầu hóa. Đất nước này sẽ đi về đâu thì bắt đầu từ hôm nay, bằng những hành vi nhỏ nhất là không nên uống rượu say để tâm trí ta có thời gian học hỏi những cái mới, cái hay, tiến bộ của nhân loại và cống hiến trí tuệ của mình cho một xã hội phồn vinh. Cần lắm những bạn trẻ biết quay về và chuyển hóa chính mình bằng cách thực hành lời dạy của đức Phật. Đạo Phật không cao xa, trái lại rất gần gũi và luôn hiện hữu trong từng hơi thở khi chúng ta tiếp chạm với sự sống nhiệm mầu này.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6124881