Thông tin

SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN ẤN

SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN ẤN

                                                                                                                        

HỮU CHÍ

 

Núi Ấn  sông Trà

 

Sau khi kết thúc Hội thảo “Thân thế và Sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng” vào ngày 20 tháng 4 năm 2012 tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, trên đường xuôi Nam, tôi dừng chân lại Quảng Ngãi 5 ngày để có dịp tham quan đảo Lý Sơn, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, khu chứng tích Sơn Mỹ, Cổ Lũy Cô Thôn, khu di tích Đặng Thùy Trâm, Trường Lũy, và viếng mộ cụ Huỳnh, chùa Thiên Ấn.                                                           

Núi Ấn sông Trà được xem như biểu tượng của Quảng Ngãi.

Núi Ấn ở phía bờ Bắc sông Trà Khúc, có quốc lộ 24B áp sát chân núi, cách quốc lộ 1A khoảng 3 km về hướng Đông. Do vậy, khách theo quốc lộ 1A vào Nam hay ra Bắc đều có thể thấy rõ núi Ấn.

Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên núi Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Núi Ấn thật sự là một ngọn đồi cao hơn trăm mét, đỉnh núi là một trảng đất rộng, bằng phẳng, có hình dáng như một chiếc ấn lớn do trời sinh ra.

 

Cổng chùa Thiên Ấn  - Ảnh HC

Chuông đồng chùa Thiên Ấn có từ năm 1845  - Ảnh HC

 

Tôi lái xe máy men theo con đường quanh co sườn đồi, đường dốc thoai thoải trải nhựa. Hai bên ven đường đầy cỏ tranh, cây xanh rậm rạp ở triền núi, không khí vào buổi sáng mát mẻ, làm cho khách phương xa cảm thấy dễ chịu và an tâm.   

Trước tiên, tôi viếng mộ cụ Huỳnh, kính cẩn thắp nén hương hoài niệm đến một bậc chí sĩ yêu nước từng bị tù đày ở Côn Đảo và đã đóng góp nhiều công sức cho quê hương trong giai đoạn khó khăn của đất nước.

Sau đó, tôi quay lại viếng chùa Thiên Ấn. Thoạt nhìn, bên trong sân chùa vẫn còn một số cây cổ thụ vươn cao với những cành cây chỉa ra hàng chục mét với tán lá rộng, tạo bóng mát cho nền đất.    

Không như phần nhiều các chùa cổ đều có cổng tam quan với 4 trụ cột, cổng chùa Thiên Ấn chỉ là một cổng lớn với một lối đi giữa 2 trụ cột có 2 câu đối và phần bảng hiệu tên chùa đều đắp nổi các hàng chữ Nho. Cổng chùa ghi hàng chữ  “SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN ẤN”, còn 2 câu đối thì không rõ (có lẽ do người thợ đắp nét chữ không đúng nên người dịch không đọc được).

Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695, đời Lê Huy Tông (chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong). Tổ khai sơn chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670 - 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, trụ trì tại tổ đình 41 năm, viên tịch giờ Ngọ ngày 17 tháng Giêng năm Giáp Tuất, thọ 84 tuổi, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Lúc đầu, chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau được dần trùng tu mở rộng thu hút được nhiều tăng ni Phật tử và trở nên nổi tiếng.

 

Vườn Lâm Tỳ Ni và tượng Phật Quan Âm - Ảnh HC

 Bia mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng  - Ảnh HC 

 

Kiến trúc nội thất chùa không có gì nổi bật, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn. Di tích được khách thập phương lưu ý nhất là quả chuông lớn thỉnh về từ làng đúc đồng Chú Tượng năm 1845 vào thời vua Thiệu Trị, tục gọi là Chuông Thần và Giếng Phật ở trong khuôn viên chùa. Hai di tích này đều có sự tích  truyền tụng và đã đi vào thơ ca vịnh cảnh:

Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt

Chuông Thần đêm vắng giọng đưa thanh”.  

Tích xưa trên vùng núi Ấn kể lại rằng: “Sau bao nhiêu năm vỡ núi tìm nguồn nước, vị sư trụ trì đã đụng đến viên đá tảng khổng lồ chắn ngang nguồn nước. Tưởng rằng vô vọng nhưng ngày hôm sau các vị sư đã tìm cách nạy tảng đá lên thì một nguồn nước lớn phun từ đáy giếng lên, cũng lúc đó các vị sư “hóa” thành dòng nước biến mất”. Tương truyền vào năm 1845, tổ sư thứ ba của chùa Thiên Ấn là Thiền sư Bảo Ấn biết có một quả chuông ở làng Chí Tượng đánh không kêu. Kỳ lạ thay, khi được thỉnh về chùa, sau khi cầu nguyện, thiền sư Bảo Ấn gióng chuông thì chuông phát ra tiếng kêu ngân vang khắp cả vùng.

Những năm gần đây, với sự ủng hộ về vật chất của các tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, chùa Thiên Ấn đã tổ chức trùng tu và xây mới các hạng mục như: vườn cây Lâm tì ni (vườn thượng uyển), bảo tháp 9 tầng, tượng Phật, Bồ tát...

Từ đỉnh Thiên Ấn, du khách có thể ngắm nhìn cả một khoảng không gian bao la, rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình. Nhìn xuống hướng đông, du khách có thể thấy cửa Ðại Cổ Lũy với mặt biển lấp lánh, nơi có cảnh đẹp nổi tiếng “Cổ Lũy cô thôn”. Nhìn về hướng tây bắc sẽ thấy nổi lên giữa đồng lúa xanh tươi dãy núi Long Ðầu với mình rồng uốn lượn. Gần hơn là thành phố Quảng Ngãi và sông Trà Khúc, nổi lên giữa những dải cát trắng.                            

Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu là một người rất sùng đạo Phật, đã ban cho nhà chùa biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946.

Trải hơn 300 năm, chùa đã có 15 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi chung là lục tổ. Chùa cũng trải qua 5 lần trùng tu vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959.

Khu viên mộ, nơi an táng của các vị sư tổ và các thiền sư trụ trì, nằm tiếp phía đông Thiên Ấn tự, những ngôi bửu tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (3,5,7,9) và tượng hình hoa sen. Bên trong tháp là nơi chôn giữ di hài, phía ngoài là bia ghi công đức, gắn liền với thân tháp. Chính khu viên mộ này là nơi gìn giữ bảo thân của 6 vị thiền sư nổi tiếng, kế tục trụ trì chùa Thiên Ấn, gìn giữ, mở rộng ngôi chùa cũng như mang giáo lý từ bi, hỉ xả của Đức Phật đến đông đảo tín đồ trong tỉnh.

Chùa Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia vào ngày 2/3/1990.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6126789