Thông tin

SẮC TỨC THỊ KHÔNG KHÔNG TỨC THỊ SẮC

SẮC TỨC THỊ KHÔNG KHÔNG TỨC THỊ SẮC

                                                                                                                                                                 

ẤN THUẬN

MINH NGỌC dịch

 

 

 

Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, là câu nói tinh hoa nổi tiếng trong Phật pháp - Bát nhã Ba la mật đa. Đối với giới học Phật Trung Quốc sùng chuộng sự tinh giản và viên dung thì nó lại càng rất thích hợp. Cho nên, rốt ráo ý nghĩa của nó là gì, vẫn còn nhiều người không biết rõ, hoặc giả xưa nay cũng chẳng từng nghĩ đến, vì câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” đã trở thành thành ngữ quen thuộc của đa số đệ tử Phật và giới tri thức thông thường, mà hầu như nó được xem như là đại biểu cho giáo lý Phật. Nó thường được nhắc đến từ lâu, nhưng những năm gần đây ở Đài Loan, cũng có một số người đem ra thảo luận. Tôi không có hứng thú tham gia biện bác bàn luận gì cả, chỉ muốn trình bày sơ lược và chỉ ra vấn đề này thật hoàn toàn không đơn thuần như mọi người từng nghĩ.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, thường được biết là ở trong “Tâm Kinh Bát nhã Ba la mật đa” là một thành ngữ được công thức hóa, tối giản hóa. Một tư tưởng này, chính xác phải nói thật sự, căn bản là từ bộ “Kinh Đại Bát nhã Ba la mật đa” mà ra. Từ đây mà có nhiều kinh luận làm thành nhiều giải thích.

“Tâm Kinh Bát nhã Ba la mật đa” bản dịch của Huyền Trang, đoạn văn kinh trước đến sau là:

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị”.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức”.

Văn kinh này chia làm ba đoạn: 1- Nêu Tông. 2- Giải thích. 3- Kết luận.

Phần Nêu Tông, trong Kinh nói: “Ngũ uẩn giai không” (năm uẩn đều không). Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nói đại khái, sắc là hiện tượng thuộc sinh lý, vật lý; thọ, tưởng, hành, thức là hiện tượng thuộc tâm lý. Ngay trong sự quán chiếu của Bồ tát thì tất cả (hiện tượng) tâm lý, vật lý ấy đều là không cả. Vì sao không? Không là nghĩa gì? Trong Kinh nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị”. (Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy). Vì sắc cho nên không, mối quan hệ sắc và không thật rõ ràng nêu ra: Không, không là cái riêng biệt ngoài sắc, chính là cái “chư pháp không tướng” (tướng không của các pháp) nó không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt mà vị Bồ tát đã quán chiếu và thực chứng. Ngay trong cái “tướng không của các pháp” thì năm uẩn này không thể tìm thấy có được (bất khả đắc), vì không thể tìm thấy có được cho nên không thấy, vì không thấy cho nên không dính mắc.

Tâm kinh Bát nhã Ba la mật đa, có khá nhiều bản dịch, đối chiếu với nhau cũng có vài điểm cần được nói rõ thêm ở đây:

“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” giống bản của Cưu-ma-la-thập dịch. Nhưng các bản như của Thi Hộ, Pháp Nguyệt, Trí Tuệ Luân đều dịch là “ngũ uẩn tự tánh giai không” (tự tánh của năm uẩn đều không); bản của Pháp Thành dịch là “ngũ uẩn thể tánh giai không” (thể tánh của năm uẩn đều không). Ở điểm này, “ngũ uẩn giai không” chính là nói cái “tự tánh” của năm uẩn là “không”; “không” là tên gọi khác của “vô tự tánh” (không có tự tánh).

Cái “tướng không của các pháp ấy”, các bản của La Thập, Pháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi Ngôn… đều dịch giống nhau. Nhưng bản của Trí Tuệ Luân dịch là “thị chư pháp tánh tướng không” (cái tánh, tướng của các pháp là không); bản của Pháp Thành dịch là “nhất thiết pháp không tánh” (tánh không của tất cả pháp). Ở điểm này, “tướng không” chính là tên gọi khác của “tánh không”. Qua hai điểm vừa nêu, có thể nói vì để tránh dẫn đến hiểu lầm, mà được dịch thêm vào cho rõ ràng hơn.

Lại trước đoạn “sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” bản của Pháp Thành dịch có hai câu “sắc tánh thị không, không tánh thị sắc” (tánh của sắc là không, tánh của không là sắc); bản của Trí Tuệ Luân dịch có hai câu “sắc không, không tánh kiến (chữ kiến 見 là lầm chữ thị 是) sắc” (sắc là không, cái tánh của không là sắc).

Văn tự  ở “Tâm kinh” và một đoạn kinh văn Phật thuyết cho Xá Lợi Phất trong “Kinh Đại Bát nhã” gần giống nhau. Nay nêu ra để so sánh.

Kinh “Ma ha Bát nhã ba la mật đa”, bản dịch của Cưu-ma-la-thập (cũng là bản Long Thọ dựa vào viết Đại Trí Độ Luận), quyển 1 nói:

Không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Ly sắc diệc vô không, ly thọ, tưởng, hành, thức diệc vô không” (trong không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức. Lìa sắc ra cũng không có không, lìa thọ, tưởng, hành, thức cũng không có không).

Sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức thị không, không tức thị sắc”… (Sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức là không, không tức là sắc…”.

Chư pháp thật tánh, vô sanh vô diệt, vô cấu vô tịnh cố” (Vì tánh thật của các pháp, không có sanh, không có diệt, không có nhơ, không có sạch).

Còn Kinh “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa” bản dịch của Huyền Trang, phần hai (quyển 402) nói:

Sắc tự tánh không, bất do không cố, sắc không phi sắc. Sắc bất ly không, không bất ly sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Vì tự tánh của sắc là không, chẳng do nơi không, cái không của sắc chẳng phải sắc. Sắc chẳng tách rời không, không chẳng tách rời sắc; sắc tức là không, không tức là sắc).

Thọ, tưởng, hành, thức tự tánh không; bất do không cố, thọ, tưởng, hành, thức không cố phi thọ, tưởng, hành, thức. Thọ, tưởng, hành, thức bất ly không, không bất ly thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức tức thị không, không tức thị thọ, tưởng, hành, thức”… (Vì tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không, chẳng do không, cái không của thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Thọ tưởng, hành, thức chẳng tách rời không, không chẳng tách rời thọ, tưởng, hành, thức. Thọ tưởng, hành, thức tức là không, không tức là thọ tưởng, hành, thức).

Như thị tự tánh, vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh” (Tự tánh như thế, không có sanh, không có diệt, không có nhiễm, không có sạch).

Phần một và ba, đều giống như đây. Ở trước đoạn “sắc bất dị không, không bất dị sắc” có ba câu: “Sắc tự tánh không, bất do không cố, sắc không phi sắc” (vì tự tánh của sắc là không, chẳng do không, cái không của sắc chẳng phải sắc) phù hợp với giáo lý của học giả Duy thức truyền bá. Nhưng “Tâm kinh” bản dịch của Pháp Nguyệt, Trí Tuệ Luân, thì trước “sắc bất dị không, không bất dị sắc” chỉ có hai câu, cũng có thể thấy đó là y cứ bản truyền bá của Duy thức Tông mà ra. Xét từ sự tương đồng giữa hai bản dịch “Tâm kinh” của La Thập và Huyền Trang, thì bản “Tâm kinh” cổ bản (bản Phạn văn cũng có khi diễn biến thêm bớt) thì gần với bản của La Thập truyền hơn.

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, thông thường chỉ nhận biết nó về mặt viên dung, nhưng lại không thật chú ý đến ý nghĩa hoàn chỉnh của kinh Phật, đã sơ sài nhận định cho đây là xiển dương “ngũ uẩn giai không” mà quy tông chỉ về với cái “tướng không của các pháp” và “trong không không có sắc”. Nên biết đây không là vấn đề lý luận mà là vấn đề tu chứng. Như nếu chúng ta cứ loanh quanh trên lý luận “sắc tức thị không” thì sẽ không thể tự biết chỗ đến chỉ cách xa một bước.

“Sắc (cùng với thọ, tưởng, hành, thức nói chung là năm uẩn, nhưng lấy sắc làm đại biểu) tức thị không”, “không tức thị sắc” là có ý nghĩa gì? Vì sao phải nói như thế? Trước tiên, phải lý giải ý nghĩa đại biểu của sắc và không. “sắc v.v.” tức là cái thế giới chúng ta đối diện tiếp xúc và thế giới hiện tượng tâm lý, vật lý (sinh lý). Cái được gọi là cảnh giới của nhận thức, tổ hợp thân tâm của chính mình, tức là “sắc v.v.”, cũng chính là cảnh hiện thực trước mắt. Nhưng mà, đây là hiện thực của chúng sanh. Nếu cứ như thế thì sẽ mãi mãi mê mờ, mãi mãi khổ sở, mãi mãi sống không tự tại, mãi mãi chết không tự tại. Đây là một vấn đề lớn của nhân sinh mà Phật pháp đã xác nhận. Học Phật pháp là cốt yếu ở chỗ hiện thực trước mắt (năm uẩn) quán sát như thật mà được thật sự giải thoát (độ nhất thiết khổ ách). Bất luận là Tiểu thừa, Đại thừa, Hữu tông, Không tông, cũng đều cho rằng tu chứng là thứ thể nghiệm vượt lên trên thường tình. Mà nội hàm của sự thể nghiệm rốt ráo là thứ mà tâm thức bình thường không thể lý giải và tưởng tượng, cũng không thể dùng ngữ ngôn, văn tự thông thường biểu đạt hết. Nó là cái gì cũng đều “không đúng”, ngay đến cái “không đúng” cũng nói không luôn. Đối với người thường mà nói, thì nó là thế nào cũng đều không thể  rõ ràng được.

Đức Phật thuyết pháp không là để thuyết minh cái điều này, mà chỉ là ngay nơi hiện thực thân tâm của chúng sanh, chỉ bảo, hướng dẫn khiến cho người học Phật pháp trong quá trình tu trì, được lìa bỏ sự điên đảo, thác loạn, mà hướng đến đi vào một cảnh địa như thật này. Trong sự tu trì lìa bỏ điên đảo thác loạn, Phật thường lấy Tam Pháp ân: “vô thường” “vô ngã” “tịch diệt”; Tam Tam-muội: “không” “vô tướng” vô tác”; và “yếm” (chán), “ly” (lìa), “diệt” (dứt), “xả” (bỏ) v.v... để dạy bảo hướng dẫn khiến cho thoát khỏi chấp mê thường tình, mà thực hiện việc xuất ly. Vì thế, trong tình huống không có tên gọi, gượng lập tên gọi, gọi đó là “không’, “tánh không” (cũng gọi là vô tướng, vô tác, bất sanh bất diệt v.v…).

Cổ nhân nói: “Không cũng không luôn. Chỉ vì hướng dẫn chúng sanh nên lấy cái tên giả mà nói”. Như nếu cho “không” là rỗng không, không có gì thì rất hiểu lầm rồi. “Không” có thể nói là phù hiệu, biểu thị cái mà chúng sanh không có pháp nào có thể nghĩ bàn, nhưng có thể thông qua sự quán chiếu Không, Vô ngã mà cảnh địa ấy được thể hiện như thật. Như vậy, hiện thực trước mắt (năm uẩn có thể thể nghiệm) là Không, tức chúng ta sẽ hiểu ý là có sự đối đãi. Đối với học giả thế gian, đây là hiện thực và lý tưởng, hiện tượng và bản thể, hình nhi hạ và hình nhi thượng. Trong Phật giáo, thì gọi là tướng và tánh, sự và lý, cũng đều từ trong lý luận đối đãi mà ra. Ví như người bệnh mắt thấy trên hư không có hoa đốm, người mắt sáng thấy hư không trong sáng; cứ đem cái hư không có hoa đốm và hư không trong sáng mà đối đãi nói là đồng là khác thì cho dù đây là cái (thú vui) chúng sanh khó tránh khỏi, mà thật ra nó chẳng cần thiết nói.

“Sắc” (uẩn v.v…) hiện thực, và “không” (tướng, tánh Không v.v…) có thể thực chứng, nói đến cùng thì trong tất cả Phật pháp đều cùng có. Dùng từ ngữ tên gọi bất đồng để biểu thị (căn cứ nghĩa bất đồng, mà trong thuyết minh có ít nhiều khác biệt), như nói đây là “hư vọng” và “như thật”, “sanh tử” và “Niết-bàn”, “thế gian” và “Niết-bàn”, “hữu vi” và “vô vi”, “duyên khởi” và “tịch diệt”. Nếu nói từ phía “năng” (chủ thể), thì đây là “vô minh” và “Bát nhã”, “vô minh” và “Bồ đề”.

Cái “tánh Không”, sự thể chứng của các bậc Thánh có sâu cạn, nhưng thứ được tất cả bậc Thánh cùng chứng thì không khác biệt. Cho nên trong Kinh nói: Bồ tát địa thứ tám, với trí chứng tánh vô phân biệt, thì cùng với Nhị thừa chứng (trong kinh Hoa Nghiêm nói). Nhị thừa hoặc Trí hoặc Đoạn, chính là Bố tát Vô sanh pháp nhẫn (trong Kinh Bát nhã). Việc các ông làm chính là thực hành Bồ tát đạo (Kinh Pháp Hoa).

Ngay trong “năm uẩn” hiện thực mà thể chứng “tướng Không” đã biểu hiện là thuộc Bồ tát Đại thừa, không những “quán chiếu thấy năm uẩn là không” mà còn từ “sắc tức là không”, “không tức là sắc” mà chứng nhập. “Sắc tức là không”, “không tức là sắc” trong tu trì nó là pháp quán, là phương tiện hướng đến vào “tướng Không”, có thể nói đây chính là cái điểm khác biệt với Nhị thừa. Đó là sự thật, là sự thật của giới Phật giáo. Các bậc Thánh bị gọi là Tiểu thừa, quán “năm uẩn” mà chứng vào “không tịch”, một cảnh ý là siêu việt, vượt khỏi sanh tử. Do đó mà có khuynh hướng tự nhiên lìa bỏ năm uẩn mà nhập vào Không, lìa bỏ thế gian mà chứng Niết bàn. Với thể thức đó mà lý luận nói, đây tức sanh tử và Niết bàn là hai thứ khác biệt, hình thành hai hạng mục nội dung bất đồng. Dựa vào đây để lý giải mà tạo thành phong cách không tránh khỏi của một bậc Thánh có tâm tha thiết lìa bỏ thế gian, để phát khởi cái tinh thần “bỏ rơi thế gian, mà một mình sống”, “ra khỏi bùn nhơ để mà không nhiễm”. Sự việc này trong Phật giáo có thể nói là sự thanh tịnh của một vị Thánh rồi! Tuy nhiên, so với một số bậc Thánh chứng nhập khác, dù biết mê ngộ không thể nói cùng lúc, nhưng cái “năm uẩn” hiện tiền của người mê, cái “tướng không” mà bậc Thánh hiện chứng, quyết không thể là vật đối lập. Quán xét năm uẩn mà chứng nhập tướng Không, tướng Không không thể tách rời năm uẩn, mà có thể nói chính thuộc về năm uẩn, chính là thật tướng của năm uẩn, bổn tánh của năm uẩn. Như cái hư không trong sáng của người sáng mắt thấy, và hư không có hoa đốm của người bệnh mắt thấy, quyết không thể là vật đối lập, mà thật sự cái thật tướng hư không thì người bệnh mắt lại thấy hoa đốm bay rơi loạn xạ. Không có cái Không tách lìa năm uẩn, cũng không có năm uẩn tách lìa Không. Một loại Thánh này chính là bị xưng là thuộc Bồ tát. Dựa vào uẩn mà khế nhập tướng Không, cảnh ý là thuộc “nội tại”. Chân lý thì không thể tách lìa tất cả mà tồn tại. Cứ theo đặc tính này, tự nhiên hình thành khuynh hướng “ngay Tục mà Chân”. Do đây phát khởi lý luận chính là “thế gian tức Niết bàn”, “sanh tử tức giải thoát”, “sắc tức thị không”, “thật tánh vô minh tức Bồ đề”. Đồng thời, qua đây mà biểu hiện ra cái phong cách của vị Bồ tát “ngay thế gian mà xuất thế gian”, “không tách rời thế gian mà đồng vào pháp giới”, “không dính sanh tử, không trụ Niết bàn”, “không lìa thế gian”, “không bỏ chúng sanh” mà bộc lộ cái tinh thần “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” vậy.

(còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6126780