Thông tin

SAO CHIẾU MẠNG TUỔI CHÀO MÀO

SAO CHIẾU MẠNG TUỔI CHÀO MÀO

                                               

TUỆ ÂN

 

 

 

“Cậu tuổi gì? À, 1971 là Tân Hợi, năm nay sẽ là sao Thái Dương, Mộc Đức... Năm nay sẽ thế này, thế này...". Tôi nghe mà thấy ù cả tai, hoa cả mắt.

"Ớ thế có sao Mai, sao Hôm thì sao không thấy cho vào ạ? Ớ thế ai tuổi Tân Hợi cũng giống thế ạ? Ớ thế tại sao chỉ có 12 con vật được đại diện cho tuổi thôi ạ? Có tuổi Dậu (gà) sao không có tuổi Họa Mi, Chào Mào? Sao không có tuổi Cá, tuổi Lươn, tuổi Cá Sấu? Sao lại thế này ạ? Sao lại thế kia ạ?".

Thầy nghe ù cả tai, chóng cả mặt "Thôi ông lướt đi cho con nhờ".

"Ơ không được! Thầy phải giải thích đàng hoàng thì mới là "biết tuốt" chứ, cứ phán theo sách thì hóa ra ai cũng giống nhau à? Anh em sinh đôi lắm người cũng có giống nhau hoàn toàn đâu? Vậy sao mà sách dám phán là giống nhau? Mà thầy đưa đây xem sách này ai viết? Ối giời ơi! Lại mấy ông hồi xưa hút thuốc phiện phê lòi mắt xong khoác lác vào đây để dọa ma bọn ngu si để nó mang tiền đến cống cho đi mua thuốc phiện về hút chứ có phải là bậc thông tuệ gì đâu?".

"Thằng này láo! Sách này do các tổ sư bên Tàu viết ra cả ngàn năm rồi. Bao đời nay, cụ kỵ ông bà nhà mày cũng xem nhờ sách này đấy".

"Các tổ sư của thầy bên Tàu là những vị nào? Tu pháp gì? Chứng ngộ được điều gì? Thuyết giảng về điều gì?".

"Thế thì bố thầy cũng chịu rồi".

"Vậy là thầy chỉ luyên thuyên truyền bá mê tín để bịp bợm lấy tiền rồi còn gì. Nếu mà cúng được thì thầy chả cúng cho họ hàng của nhà thầy, nhà vợ thầy... thăng quan tiến chức, buôn đâu thắng đó, mua hết cả phố hàng Ngang, hàng Đào rồi. Việc gì phải đi xem cho thiên hạ? Quần thầy còn rách đít thế kia, giờ Tết nhất vẫn ngồi lê la đi lừa thiên hạ từng xu từng cắc, nếu thầy xem được thì mỗi chiều chỉ cần uýnh 1 con đề là mai mua Lexus vi vu du xuân chứ việc gì phải lê la thế này?".

Bói tuổi, soi sao... gỉ gỉ gì gì có thật không thì tôi sẽ đi tìm cho ra nguồn giải thích cho tỏ tường.

Tại miền Bắc, hầu như chùa nào tôi cũng thấy chương trình cầu an cúng sao giải hạn đầu năm. Thử ghé một ngôi chùa, tôi thấy khá đông Phật tử đến nhờ Sư thầy xem tuổi, xem sao hạn và ghi danh vào danh sách cầu cúng sao giải hạn: “Nhà cô năm nay sao Thái Bạch, vào hạn khánh tận, thái bạch là sạch cửa nhà, phải dùng tám ngọn đèn hay tám ngọn nến làm lễ hướng Tây, mỗi tháng cúng vào ngày Rằm, khấn đức Thái Bạch Tinh Quân”. Tới lượt người khác và cứ như thế, người vào người ra mang trong lòng nỗi buồn vui đầu năm theo những vì sao đã an bài cho đời mình trong năm.

Tôi rời chùa mà lòng như không vui, tự hỏi ai đã đem tập tục cúng sao giải hạn vào nơi cửa chùa, biến chốn thanh tịnh thành nơi cúng bái mê mờ, mong cầu may rủi cho con người. Thật thương thay cho những kẻ nhẹ dạ ngu si, cổ súy cho sự mê mờ qua việc khấn sao xin giải trừ hạn xấu.

Theo một số sách Tàu như Đường Thư Lịch Chí thì có chín ngôi sao phát sáng nhất trên bầu trời. Có sách nói là bảy sao, rồi về sau có sách thêm vào hai sao La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao đó là Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Có sách thêm sao Thái Bạch nữa thành mười sao. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Theo sách này cho rằng thì hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Hai sao La Hầu và Kế Đô là sao xấu, là loại ám hư tinh vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.

Vậy trong Tam Tạng Kinh Điển của Phật giáo có giải thích, quy định về tuổi, về sao không? Tôi tìm mãi, tìm mãi mà không thấy sự liên hệ nào giữa đạo Phật với những điều u mê và mông muội này. Bảy ngôi sao, chín ngôi sao hay mười ngôi sao nói ở trên là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ Đức Phật không hề nói về chúng. Trong thuyết Nhân Quả mà Đức Phật thuyết giảng thì chính ta đã tạo nên thiện nghiệp, đã tạo nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp), rồi tích lũy trong tâm, nhưng ta không có quyền điều khiển, bắt buộc, cầu xin thiện nghiệp này cho quả đối với ta như thế này; bất thiện nghiệp (ác nghiệp) kia đừng cho quả đối với ta như thế kia. Sự thật, nếu khi nghiệp nào hội đủ nhân duyên, có cơ hội thì nghiệp ấy sinh quả của nó một cách tự nhiên, hoàn toàn không lệ thuộc vào một ai cả.

Nếu thiện nghiệp nào hội đủ nhân duyên, có cơ hội, thì thiện nghiệp ấy cho quả an lạc của thiện nghiệp ấy.

Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào hội đủ nhân duyên, có cơ hội, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy cho quả khổ của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

Như vậy, thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) khi cho quả hoàn toàn không tùy thuộc vào một ai cả. Cho nên, nghiệp và quả của nghiệp đều là pháp vô ngã. Tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Ngài dạy rằng không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua thân, khẩu và ý của mình tạo ra. Hãy hình dung rằng ta đang mang trên vai 2 cái túi, bên trái là túi đựng đầy hạt gai, bên phải là túi đựng đầy hạt ngũ cốc như lúa, ngô, các loại đậu... Khi ta tạo được 1 thiện nghiệp thì tay ta đã rắc ra 1 hạt ngũ cốc, hạt đó sẽ tùy duyên và cảnh, đúng thời sẽ mọc thành cây, sẽ trổ quả ngọt trái lành, trong một lúc nào đó ở kiếp này hoặc kiếp vị lai, đủ duyên và đúng thời thì ta sẽ được hưởng vị ngon ngọt của quả do mình đã tạo trong quá khứ. Tương tự cũng vậy, khi ta tạo bất thiện nghiệp thì tay ta đã móc vào túi bên vai trái để rắc ra 1 hạt gai, hạt này cũng sẽ mọc thành cây, thành cánh đồng, khi đủ duyên trổ quả ác thì ta sẽ tùy vào mức độ nặng nhẹ của nghiệp báo mà hoặc là dẫm 1 cái gai chảy máu chân, hoặc dẫm cả cành gai để bị què chân, hoặc ngã vào đống gai dẫn đến mạng chung. Ta hái được quả ngọt hay ta dẫm gai là do ta tạo nghiệp mà ra, chứ đâu có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa.

Đức Phật dạy: "Tassa dāyādo bhavissāmi" nghĩa là: Ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp, quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, nghĩa là ta đã tạo thiện nghiệp nào, rồi chính ta sẽ là người trực tiếp hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy. Và ta đã tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào, rồi cũng chính ta sẽ là người trực tiếp chịu quả khổ của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy. Thiện nghiệp nào, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào mà ta đã tạo, dĩ nhiên thiện nghiệp ấy, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy là của riêng ta; những người thân yêu khác không thể chia xẻ, san sẻ được phần nào cả, họ hoàn toàn không liên quan đến thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) của ta, bởi vì nghiệp là của riêng của mỗi người. Nhưng quả an lạc của thiện nghiệp, quả khổ của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không chỉ là trực tiếp riêng của mỗi người, mà còn có ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân yêu, gần gũi và thân cận với người ấy, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp, quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Những nghiệp xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ qủa tốt. Nếu cứ cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nghiệp thiện, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến, mà không ngừng tay tạo bất thiện nghiệp thì sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng. Một số người có quan niệm rằng: “Tạo thiện nghiệp để xóa bỏ ác nghiệp”. Quan niệm như vậy có đúng hay không?

Ác nghiệp nào mà người ấy đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc trong nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, ác nghiệp ấy đã được tích lũy ở trong tâm rồi. Về sau, người ấy dù có tạo thiện nghiệp nào, có năng lực mạnh như thế nào cũng không thể trở lại ngược thời gian trong quá khứ để xóa bỏ ác nghiệp quá khứ ấy được, còn thiện nghiệp ấy cũng đã được tích lũy ở trong tâm.

Tuy thiện nghiệp không thể xóa bỏ được ác nghiệp trong quá khứ, nhưng nếu cố gắng tạo nhiều thiện nghiệp (dù là dục giới đại thiện nghiệp), thì cũng có khả năng làm giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp.

Thực ra, ác nghiệp nào nếu khi hội đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả khổ của ác nghiệp ấy; nếu không hội đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó. Và thiện nghiệp nào nếu khi hội đủ điều kiện, thì thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả an lạc của thiện nghiệp ấy; nếu không hội đủ điều kiện, thì thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó.

Bởi vậy cho nên, không phải tất cả mọi ác nghiệp, tất cả mọi thiện nghiệp đều được cho quả của chúng. Sự thật, ác nghiệp nào, thiện nghiệp nào khi hội đầy đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy, thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó.

Do vậy chẳng có ngày nào là xấu, ngày nào tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt. Nếu thầy phán ngày đó là hoàng đạo, giờ đại cát, ta đi chiếc xe biển "lộc phát" nhưng trong xe đầy ma túy, hoặc lái xe khi đang say xỉn thì ngày đó liệu tốt hay xấu? Nếu thầy phán ngày đó là xấu, là hung hiểm nhưng ta đi làm việc thiện, phù hợp với pháp luật, với tinh thần của đạo Phật thì liệu đó là xấu hay tốt? Có hai đạo quân giao tranh, đều chọn ngày tốt và giờ hoàng đạo ra quân, vậy mà chỉ có một bên thắng, và cả hai bên, dù thắng dù thua, cũng đều có chết chóc và thương vong. Chọn ngày tốt mà làm việc giết người thì quả trổ ra sẽ là chết chóc. Vậy hoàng đạo đó tốt hay xấu? Như vậy ngày tốt, ngày xấu không có cơ sở, chỉ là do con người bày ra mà thôi.

Với lễ dâng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật mang lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu thì ngược lại thuyết nhân quả của Phật giáo. Nếu vị thầy cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân,… tha tội, giải hạn xấu nổi thì những người giàu có cứ tạo ác rồi sau đó xin thầy cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, cho khỏi bị tù tội, tạo nhân ác mà hưởng được quả thiện, thì các vị đó chả đang cổ súy và đi ngược lại chính những lời dạy của Đấng Thập Lực Tuệ hay sao?

Nếu không lễ dâng sao giải hạn thì ta có nên làm lễ gì không?

Việc tế lễ rất cần thiết phải làm để trợ duyên cho đại chúng phát khởi tâm tín thành nơi Tam bảo, hiểu và tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Ta nên làm lễ gọi là cầu an đầu năm với những nội dung như đảnh lễ, xưng tụng ân đức Tam bảo, xin quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới, nghe và đàm luận về ngũ giới để hiểu và trì giới cho trong sạch làm nền tảng cho thiện pháp có cơ hội phát khởi và tăng trưởng, sau đó cùng nhau tụng kinh hộ trì Paritta để nguyện cầu cho 1 năm mới được sống an vui trong chánh pháp. Sau thời kinh tụng sẽ là kinh hành, hành thiền, hồi hướng, chia phước và phát nguyện. Sau khi hoàn mãn thì những gì đọng lại trong tâm trí người tham gia sẽ là sự hoan hỉ, là thiện tâm hợp với trí tuệ, là tâm kính ngưỡng Tam Bảo, nguyện bỏ dữ hành thiện. Khi Thiện pháp đã phát khởi thì bất thiện pháp sẽ có rất ít cơ hội khởi lên. Quả ngọt nhờ đó sẽ sum suê báo hiệu mùa bội thu an lạc.

Còn về vấn đề hóa vàng mã thì sao? Hóa vậy có ai nhận được không?

Muốn hiểu về vấn đề này ta phải hiểu các hạng chúng sinh và vật thực của từng hạng chúng sinh.

Đức Phật có dạy rằng tất cả chúng sinh có 4 loài:

- Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

- Loài noãn sinh là chúng sinh trong trứng, rồi từ trứng nở ra con như: Con gà, con vịt, con chim,…

- Loài thấp sinh là chúng sinh tái sinh nơi ẩm thấp như dưới đất, trong vũng nước: Con giun, con sán, con dòi,…

Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

- Loài hóa sinh là chúng sinh hóa sinh ra có thân hình đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ ngay tức khắc, mà không cần chờ đợi thời gian tăng trưởng. Đó là những hạng chúng sinh như sau:

+ Con người đầu tiên hóa sinh hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

+ Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

+ Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới.

+ Chư Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới (Phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới không có thân, chỉ có tâm mà thôi).

+ Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

+ Chúng sinh là các hạng atula.

+ Chúng sinh là các hạng ngạ quỷ.

Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc về loài hóa sinh.

Về tuổi thọ mạng:

- Loài thai sinh, noãn sinh và thấp sinh đều có tuổi thọ mạng không nhất định.

- Loài hóa sinh gồm:

* Chúng sinh trong 3 cõi ác:

+ Cõi Địa ngục có tuổi thọ không nhất định.

+ Cõi Atula có tuổi thọ không nhất định.

+ Cõi Ngạ quỷ có tuổi thọ không nhất định.

* Chúng sinh trong các cõi thiện giới:

+ Cõi trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).

+ Cõi trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).

+ Cõi trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).

+ Cõi trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).

+ Cõi trời Hóa Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).

+ Cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người).

Vật thực của các hạng chúng sinh này là gì?

Các loài có thân tứ đại, có cả danh và sắc như thai sinh, noãn sinh và thấp sinh đều thọ dụng vật thực như các loại thức ăn có nguồn gốc từ tứ đại.

Loài hóa sinh chỉ có phần danh mà không có sắc, tức là chỉ có phần tâm chứ không có thân tứ đại, thân xác họ là vi tế vô hình, vật thực họ thọ dụng được do đó cũng là vi tế, không giống như vật thực của các loài có thân tứ đại.

Do vậy, sửa soạn mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị thì cũng chỉ là ai cúng xong thì lại ăn. Cụ kỵ ông bà mình nếu tái sinh trong cảnh gới của loài thai sinh, loài noãn sinh hoặc thấp sinh thì mới có thể thọ nhận các vật thực cúng lễ đó. Còn nếu là loài hóa sinh như chư Thiên hoặc phi nhân thì đâu có dùng vật thực như vậy? Thử hỏi quý vị nào thấy mất con gà đĩa xôi nào khi cúng chưa?

Vàng mã được làm từ tre và giấy thuộc về tứ đại, khi hóa (dùng hỏa) thì biến đổi từ dạng cứng và dẻo (địa đại) thành mềm (tro bụi) thì vẫn thuộc về tứ đại, tro lại trở về đất, khói hóa vàng bốc lên gặp hơi nước ngưng tụ lại thành mưa rơi xuống đất (vẫn là thuộc tứ đại gồm thủy hỏa địa phong). Vậy hóa đồ thuộc tứ đại thì loài hóa sinh đâu nhận được gì?

Vậy loài hóa sinh cần gì? Họ cần phước thiện để được tăng trưởng phước thiện, được hưởng an vui lâu dài, chứ họ không cần các món vật thực thuộc tứ đại.

Lời kết: Một lần, khi cùng chư Tăng đến bên bờ sông Hằng, Đức Phật nắm 1 nắm cát khô rồi thả ra đầu gió, hầu hết cát khô đều rớt khỏi tay Ngài, chỉ có ít hạt bám trong móng tay Ngài, Đấng Toàn Tri liền lấy đó làm ví dụ:

“Chúng sinh từ cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh được thoát ra khỏi cõi ấy, nhờ thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trở lại làm người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời chỉ có số ít như số hạt cát mà Đức Phật đặt trên đầu móng tay mà thôi. Còn các chúng sinh tử sinh luân hồi luẩn quẩn trong 4 cõi ác giới như số hạt cát trên mặt đất này”.

Điều này, đối với mỗi người phàm nhân chúng ta là điều thật đáng kinh sợ!

Thật vậy, nếu kiếp nào chúng ta cũng được sinh làm người, là người xinh đẹp, giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng… thì có gì phải đáng sợ! Nhưng tất cả những điều tốt lành ấy đâu có phải do ta muốn là được. Sự thật hoàn toàn đều do thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp là chính, còn năng lực của con người chỉ là phụ mà thôi.

Trong vòng tử sinh luân hồi từ kiếp vô thủy cho đến nay, mỗi chúng sinh đều đã từng tạo vô số thiện nghiệp và vô số bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả của nó, cũng có khi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sinh quả của nó, mà mỗi chúng sinh không có quyền lựa chọn được quả tốt của thiện nghiệp; cũng không có quyền phủ nhận quả xấu của bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Thực ra, mỗi người trong chúng ta chỉ có quyền chọn lựa tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà thôi. Nhưng một khi đã tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) rồi, thì chỉ còn phải chấp nhận quả của thiện nghiệp hoặc quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mà thôi.

Mỗi thiện nghiệp nào, mỗi bất thiện nghiệp nào nếu có cơ hội thì nó có khả năng sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Bởi vì, nghiệp ấy là của ta và quả của nghiệp ấy cũng là của ta.

Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, chắc chắn đã từng tạo và tích lũy các ác nghiệp lẫn các thiện nghiệp. Đối với những hạng chúng sinh trong các cõi địa ngục chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, còn những thiện nghiệp không có cơ hội cho quả an lạc v.v... Đối với những hàng chư thiên, Phạm thiên trong các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới chỉ có thiện nghiệp cho quả an lạc mà thôi, còn những ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ.

Riêng loài người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ. Quả an lạc hoặc quả khổ ấy là quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ta mà chính ta là người đã tạo, đã tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ từ vô thủy, hoặc đã tạo ngay trong kiếp hiện tại này, chứ không phải của ai khác; chắc chắn các thiện nghiệp và các ác nghiệp ấy là của chính ta, thì chính ta là người thừa hưởng quả an lạc của các thiện nghiệp ấy và phải chịu quả khổ của các ác nghiệp ấy.

Người Phật tử phải nên có chánh kiến về nghiệp của mình (kamassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ thấy đúng, hiểu đúng rằng: “Ta có nghiệp là của riêng, ta là người được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của ta và phải chịu quả khổ của ác nghiệp của ta. Cho nên, nếu khi ta hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp thì ta hoan hỷ chấp nhận. Và nếu khi ta phải chịu mọi quả khổ của ác nghiệp thì ta cũng phải nên nhẫn nại chấp nhận. Bởi vì thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ là của riêng ta mà thôi”.

Như vậy, người Phật tử có chánh kiến về nghiệp, là người biết sống công bình với chính mình; đồng thời biết sống, biết cư xử công bình với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.

Một số người nếu khi hưởng mọi quả an lạc của các thiện nghiệp thì hoan hỷ chấp nhận, nhưng nếu khi chịu mọi quả khổ của các ác nghiệp, thì không chịu chấp nhận, trách người khác, mà không chịu trách mình đã tạo ác nghiệp ấy. Số người ấy sống như vậy không công bình với chính họ, thì họ sống và cư xử cũng không công bình đối với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác. Số người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người gấp bội mà thôi.

Do vậy, chúng ta phải sống chánh niệm, tỉnh giác, làm lành lánh dữ, tinh tấn hành tu luyện cả pháp học và pháp hành để không bị tà kiến và vô minh sai xử thì mới mong có ngày duyên lành trổ quả, hưởng đời sống an vui.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6712277