Thông tin

SÁU KẾT HỢP HOÀN HẢO CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

SÁU KẾT HỢP HOÀN HẢO CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

         

MINH NGỌC

 

 

Để khỏi phải lầm đường lạc lối trên bước đường giải thoát phiền não khổ đau, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hướng thượng viên mãn, người Phật tử cần nắm vững những mối liên kết cần thiết cơ bản để thực hiện. Nếu bỏ qua những thứ này, hay thiên lệch tách rời, mong muốn tu nhanh, ngộ liền, hạnh phúc mỹ mãn thì chỉ như kẻ muốn nấu cát thành cơm, không thể có được.

Khái lược có sáu kết hợp sau:

1- TIN VÀ HIỂU

Nếu chỉ tin, mà không hiểu sẽ trở thành tin mù quáng, tin cuồng nhiệt, dễ đưa đến tệ nạn mê tín. Nếu chỉ hiểu mà không tin, thì trở thành khuynh hướng thiên trọng lý trí, hoài nghi mọi sự mọi việc, chẳng tín ngưỡng gì cả, gạt bỏ giá trị đạo đức, phủ nhận sự tồn tại của chân lý, dễ dẫn đến thái độ tự cao tự phụ xem thường Thánh hiền, chư Phật, Bồ tát, nguy hiểm đến chính hành vi của mình và ảnh hưởng tác động đến mọi người.

Đạo Phật không chủ trương lấy niềm tin là độc tôn, là quyết định tất cả, khi niềm tin đó chưa có sự chứng nghiệm của hiểu. Đức Phật từng dạy trong bài kinh Kalama: “Này các người Kâlâma, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình.

Nhưng này các người Kâlâma, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh khổ đau; Thời này các người Kâlâma, các người hãy từ bỏ chúng đi.” (Tăng Chi Bộ tập I).

Tuy nhiên đức Phật cũng không thiên trọng ở hiểu mà  bác bỏ niềm tin, ngược lại còn xem “Tin ví như người mẹ sản sinh những đứa con công đức” (Kinh Hoa Nghiêm). Hoặc như trong Ngũ căn Ngũ lực thuộc 37 pháp môn trợ đạo, thì Tín căn, Tín lực là khởi đầu cho những năng lượng tinh thần hữu ích phát sinh sau đó.

Cho nên Tin phải có Hiểu. Hiểu giúp cho Tin thêm vững chắc. Tin giúp cho Hiểu được trọn vẹn. Như trong Kinh Phật dạy: “Nếu tin Ta mà không hiểu Ta tức là phỉ báng Ta”.

2- HỌC VÀ TU

Đạo Phật không phải là học thuyết suông, cũng không phải nhắm mắt tu chẳng nhận thức, phân biệt gì cả. Chỉ có học thì tăng trưởng kiến thức, hay giảng thuyết thao thao; nếu không có tu, lại trở thành “sở tri chướng” phát triển bản ngã, cố chấp bảo thủ quan điểm lập trường của mình, không có phần trong chứng đạo giải thoát. “Nếu người nói nhiều kinh/ Không hành trì, phóng dật/ Như kẻ chăn bò người/ Không phần Sa môn hạnh ( Kinh Pháp Cú). Nếu tu mà không học thì không biết mình tu đúng hay sai, và coi chừng có ngày đi lạc hay uổng phí một đời. Cổ nhân thường nói: Tu mà không học như tu mù, học mà không tu như đãy sách.

Nhìn chung, Phật tử thường nghĩ học chi nhiều, tu mới là chính. Nên biết Phật dạy có hai loại: Pháp học và Pháp hành hỗ trợ cho nhau và đều quan trọng cả. Học cả đời còn chưa hiểu ra, hoặc hiểu sai, huống là mới học chút ít rồi chấp vào sở học của mình, cứ thế mà nhắm mắt tu riết, coi chừng đọa lạc. Quan trọng ở chỗ chọn đúng phải học cái gì. Tức có con mắt chọn lọc pháp (trạch pháp). Cho nên Tổ Phước Hậu có nói: “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư, Học hành không thiếu cũng không dư” Không thiếu, không dư tức học đúng vậy.

Hơn nữa, tu không phải là đến chùa, tụng kinh, lễ Phật, bái sám, công quả… mà tu chính là ứng dụng những lời Phật dạy chính trong cuộc sống gia đình, công việc làm ăn, ứng xử ngoài xã hội.

Chúng ta có thể hiểu thêm việc tu và  học hỗ trợ cho nhau rất mật thiết và quan trọng không thể tách rời như hình ảnh người mù cõng người què sáng mắt mà đi. Người mù buông người què xuống không thể tự mình đi, có thể rớt xuống hầm hố nguy hiểm đến tính mạng, ví như người chỉ có tu mà không học. Người què bỏ người mù, tự mình chỉ ngồi một chỗ cho dù có mắt sáng biết đường, biết hầm hố vực sâu cũng không thể đi được, thì có ích gì cho bản thân? Ví như người có học mà không tu. Cho nên học để dẫn đường cho tu đúng, tu để trải nghiệm bổ khuyết những gì mình đã học.

3- TÌNH THƯƠNG VÀ HIỂU BIẾT:

Tình thương là nền tảng xây dựng các đạo đức. Đạo Phật hướng đạo đức con người tiến đến chỗ hoàn mỹ đoạn trừ tham sân si, thì tình thương lại vô cùng quan trọng. Đức Phật cũng vì tình thương chúng sanh, nhân loại mà người từ bỏ mọi vinh hoa quyền quý xuất gia tìm ra con đường giải thoát khổ đau cho bản thân và mọi loài. Nếu không có tình thương đồng loại, dị loại muốn san sẻ cho họ vơi đi nỗi khổ niềm đau, thì đã không thể trở thành một con người tốt, huống là Phật tử! Tuy nhiên phải phân biệt rõ tình thương trong đạo Phật không phải là tình luyến ái, hay thương hại, tội nghiệp, bởi đó là nguyên nhân sinh ra bao hệ lụy phiền não. Tình thương trong đạo Phật vượt lên trên mọi rào cản ta người, đây kia, đồng loại dị loại, kẻ thù người thân…không phân biệt.  Tình thương tất cả mọi loài như thương bản thân mình, luôn muốn mang đến cho họ niềm an vui. Lấy niềm vui của chúng sanh làm niềm vui của mình, lấy khổ đau của chúng sanh làm khổ đau của mình. Mặc dù vậy, không phải chúng sanh muốn vui gì là mình đều chia sẻ, ban tặng, hay quá xúc động bi lụy trước đối tượng bất hạnh khiến tâm tư ta xao động, mất sáng suốt thực hành việc cứu khổ. Mà tình thương phải kết hợp với hiểu biết sáng suốt để nhận định đúng sai. Ta không thể cứu một con mèo sắp chết đuối mà bỏ lơ một người đang hụp lặn gần chết, ta cũng không vì bán hết gia sản, sự nghiệp để cứu một vài nạn nhân mà để cho gia đình mình khổ sở, con cái lang thang v.v… Đó là tình thương lệch lạc hay tâm lý thần kinh bất ổn. Ngoại trừ đó là để thực hiện một hạnh nguyện siêu phàm, cao thượng tột cùng, lợi ích chung cho tất cả.  Nhưng có hiểu biết sáng suốt mà không có tình thương sẽ trở thành vị kỷ, tự lợi là hạng chỉ biết tốt cho mình (độc thiện kỳ thân) dần dần tâm tư khô cằn, vô tình vô cảm. Hạng này nếu tài giỏi lãnh đạo sẽ độc tài tàn khốc, thủ đoạn gian ngoan như Tào Tháo “thà phụ người chứ không để người phụ ta” hay nhút nhát như con rùa, đụng việc là thụt đầu rút cổ an phận một mình chẳng giúp ích gì cho đời.

Do vậy, có tình thương không có hiểu biết sáng suốt, như người giàu có mắc bệnh tâm thần nên phân tán của cải tứ tung; có hiểu biết sáng suốt mà không tình thương như người học rộng biết nhiều, gặm nhấm sách vở,  hoặc ẩn sĩ trên non cao rừng thẳm, nhàn hưởng thú trăng thanh gió mát… tiêu dao khoáng đãng.

4- PHƯỚC ĐỨC VÀ TRÍ TUỆ

Đức Phật đã trải qua nhiều đời sống tu hành các hạnh Ba la mật, là gồm đủ cả tu Phước và Tuệ. Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục là Phước; Thiền định, Trí tuệ là Tuệ. Còn Tinh tấn bao gồm cả hai Phước và Tuệ. Ta có thể tạm hiểu Phước là quả báo hữu lậu thế gian là người có thân thể đầy đủ không khuyết tật, tài sản sung túc, sức khỏe ít bệnh, tuổi thọ sống lâu, gia đình hòa thuận, sắc đẹp thiện cảm, thông minh sáng suốt, đạo đức trong sạch, danh thơm tiếng tốt, thường gặp điều may v.v… Còn Tuệ là quả báo vô lậu xuất thế gian, tức ít hay không còn ba thứ độc tố phiền não tham sân si.

Nói hữu lậu tức là còn những tệ lậu phát sinh sau đó kèm theo. Như người giàu có thì dễ phát sinh tệ lậu thoái hóa suy đồi đạo đức, người nhàn nhã dễ sinh ra việc làm bất thiện… Nói vô lậu tức là không có những tệ lậu phát sinh sau đó kèm theo. Như người có tâm từ, bi, hỉ, xả bao nhiêu thì càng không có phiền não trói buộc trong tâm bấy nhiêu. Vậy muốn có phước hữu lậu, Phật tử phải tinh tấn trì Năm giới, thực hành Mười điều thiện. Do nhân này ngay đời hiện tại và vị lai, nhận được phước báo vật chất. Muốn có trí tuệ vô lậu, thì phải tinh tấn tu tập Chánh niệm, Chánh định, Chánh kiến, Chánh tư duy để phát sinh trí tuệ tiêu trừ dần tham sân si, đạt được đời sống an vui hạnh phúc tinh thần ngay trong đời này và đời sau.

Ví như chim muốn tự do bay cao trên bầu trời thì phải cần có đôi cánh đều và khỏe. Nếu thiếu một cánh, hay yếu một cánh thì chim bay sẽ không cao xa,  dễ dàng gục ngã trước cuồng phong bão tố.

5- THÂN VÀ TÂM

Một đầu óc minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh. Bài học đắt giá mà đức Phật đã trải qua nhiều năm tu khổ hạnh, để cuối cùng ngài nhận ra con đường Trung đạo mới là đúng nhất. Thật ra, nếu chúng ta biết chăm sóc cái thân tốt theo Giới, thì tâm của chúng ta tự phát ra Định và Tuệ. Ngược lại, thân này bệnh hoạn ốm đau suốt ngày, thì tâm cũng kiệt quệ, trì trệ tối tăm. Điều tệ hại sai lầm của Phật tử chúng ta học giáo lý Phật dạy về không, vô thường, vô ngã, thân này là bất tịnh đáng ghét, nhưng không hiểu ý nghĩa sâu xa, vội chấp trước vào từ ngữ, rồi nghĩ phải bỏ cái thân này đi càng sớm càng tốt, lo tu cái tâm thôi. Cuối cùng, thân bệnh khổ sở, mất sức chẳng còn tâm trí nghĩ đến Phật, Bồ tát nào cả, hay phát sinh tư tưởng tu hành tiêu cực muốn chết.

Phải biết thân và tâm chỉ là một phần của thực thể sống hữu tình, chúng phải kết hợp hài hòa, cân bằng hợp lý thì mới mang đến an vui hoàn hảo. Tâm không thể vui khi cơ thể đau đớn, thân không thể an khi tâm trí đang bực bội buồn rầu khổ não.

Cho nên là Phật tử chân chính không ráng sức tu tâm, ngày đêm niệm Phật, lễ sám, ngồi thiền, trì chú… bỏ ăn bỏ ngủ cho rằng đó là tốt, khiến cho thân thể ốm yếu dần dần, suy nghĩ bạc nhược, bỏ mặc cuộc sống hiện tại, chỉ mong sao sớm về cảnh giới Tây phương Cực lạc?! Cũng không nên chăm chút lo cho bản thân no đủ quá nhiều, khiến thân sinh bệnh, tâm sinh buông lung lười biếng bỏ bê việc tu hành giải thoát. Mọi bất cập thiên vị này đều đưa đến quả báo bất xứng ý. Cuối cùng, càng tu càng thấy dở hơn lúc chưa tu. Chẳng qua là không biết kết hợp cân bằng thân và tâm.

6- PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH

Phương tiện là khởi đầu, cứu cánh là cuối cùng. Phương tiện giúp cho chúng ta di chuyển từ điểm này đến điểm khác. Theo Phật giáo, có thể hiểu đó là duyên, cứu cánh là kết quả. Muốn có kết quả không ai không cần có duyên. Duyên chỉ có nghĩa tạm thời, và không có nghĩa thuận nghịch cố định. Có thể là phương tiện tốt với người này, nhưng là phương tiện xấu với người khác. Tài sản, danh vọng, gia đình, địa vị… là thuận duyên với người thế gian, nhưng lại là nghịch duyên đối với các bậc Thánh nhân xuất thế. Chưa kể có những duyên tưởng chừng xấu lại trở thành tốt, và ngược lại đối với chủ thể trên tiến trình thăng hoa hướng thượng tâm hồn.

Trước khi học Phật hiểu pháp, thì cho việc đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ăn chay, thọ Bát, phóng sinh, cúng tế… là cứu cánh giải thoát, rồi chấp chặt vào trong đó, phát sinh nhiều hình thức lễ nghi rình rang, phức tạp… Khi hiểu đó chỉ là phương tiện dẫn dắt đến việc an định tâm hồn, sống trong giới hạnh, mà cứu cánh tức là phải đoạn trừ tham sân si, thì sanh tâm coi thường  buông bỏ phương tiện, cho đó là tầm thường, dành cho căn cơ thấp kém chưa hiểu Phật pháp. Thật ra, bỏ phương tiện này, ta lại phải nhờ phương tiện khác, bởi không thể thiếu chúng mà ta có thể chứng ngộ. Có thể nói, tất cả pháp chung quanh ta đều là phương tiện cả. Nên biết phương tiện là chiếc bè để chở chúng ta qua sông mê đến bờ giác. Chúng ta không thể thiếu phương tiện, vì nhờ nó ta đi đến đích, vả lại đã đến bờ đâu mà chúng ta đòi bỏ phương tiện?! Tuy nhiên, cũng không thể không chọn phương tiện đúng, ít vướng mắc. Chẳng hạn, đời sống vật chất biết đủ, ít tham muốn là phương tiện đúng và tốt nhất cho đời sống thanh trừ phiền não, còn ngược lại thì trở thành phương tiện sai lệch, nhiều trói buộc mà thôi. Cho nên không buông phương tiện, cũng không cần có phương tiện vật chất quá tốt, chỉ nương vào nó để tiến đến cứu cánh. Ví như chọn được thuyền tốt, nương vào la bàn hướng dẫn, thì người trên thuyền yên tâm đi đúng, đến bờ an toàn. Còn thuyền trang bị quá đỗi tiện nghi vật chất, e chừng trở thành ốc đảo tự thân, chỉ muốn hưởng thụ, ngao du, quên việc đi đến bờ bên kia giác ngộ.

Tóm lại, sáu kết hợp hoàn hảo trên đây đều rút ra từ kinh nghiệm cuộc đời tu hành chứng ngộ của đức Phật. Mỗi kết hợp, Ngài đều thực hiện một cách nghiêm túc và trọn vẹn cho đến cuối đời. Ngài học cần mẫn với hai đạo sĩ Bà la môn, và tu hành tinh tấn cho đến khi tự mình tìm ra con đường chân lý. Cho dù đã chứng đạo quả Vô thượng chánh đẳng giác, nhưng hàng ngày Ngài vẫn tu phước, khất thực tạo duyên cho mọi người bố thí cúng dường, vẫn tư duy thiền quán đều đặn các thời, vẫn cân bằng năng lượng thân tâm, trong việc hành cước du hóa và tiết lượng ăn uống ngủ nghỉ, vẫn phương tiện thuyết pháp ròng rã 45 năm, cuối cùng đến rừng Sa la trút bỏ xác thân huyễn hóa nhập Vô dư Niết bàn cứu cánh.  Cuộc đời Ngài là minh chứng cụ thể nhất, bảo đảm cho Phật tử xuất gia cũng như tại gia chúng ta tin tưởng noi theo, chắc chắn sẽ có kết quả an vui hạnh phúc hoàn hảo ngay trong đời này cũng như đời sau.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 48
    • Số lượt truy cập : 6057836