Thông tin

SƠ LƯỢC HÀNH TRẠNG TỔ KHÁNH HÒA

 

Tỳ kheo ni THÍCH NỮ NHƯ NGUYỆT*

 

Thân già nhiều bệnh, nhưng chí nguyện không già, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái trước Phật sự, Tổ Khánh Hòa thường nói: “Hễ còn hơi thở, phải lo hoằng truyền đạo pháp, còn ăn cơm thì phải lo tu giải thoát”.

Hương các loài hoa thơm

Không bay ngược chiều gió

Nhưng hương người đức hạnh

Ngược gió khắp tung bay

Hương đức bậc chân nhân

Tỏa ngát khắp phương trời

Thật đúng như lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, Tổ Khánh Hòa chống gậy thiền trở về cõi Phật cách đây đã 71 năm (năm Đinh Hợi – 1947), nhưng hương đức hạnh của Tổ vẫn còn ngào ngạt trong tâm tưởng Phật giáo đồ Việt Nam nói chung và người con Phật ở Nam Bộ nói riêng.

Suốt cuộc đời hy sinh cho đạo, chẳng từ khó nhọc, lấy thất bại làm bài học hay, luôn cố gắng kiên tâm nhẫn nại, hy sinh cả tài sản chùa tư để sung vào việc chấn hưng đạo pháp, không màng danh lợi, chức quyền.

Gia thế

Tổ sinh ngày 22 tháng 4 năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trung lưu có nề nếp Nho học. Từ nhỏ đã được theo học với cụ Đồ Chiểu và được tiếng thông minh, nết hạnh. Thế danh của Tổ là Lê Văn Hiệp, tên trong giấy tờ là Lê Khánh Hòa, con cả của cụ ông Lê Văn Chất và cụ bà Nguyễn Thị Nương. Tổ có hai em, một trai, một gái. Em trai sau cũng xuất gia tu hành, pháp danh là Không Tưởng, Trụ trì chùa Bửu Phước, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Em gái mất khi còn nhỏ.

Đạo nghiệp

Xuất gia tu học

Năm Ất Mùi (1895), vừa 18 tuổi Tổ có duyên lành gặp thiền sư Chơn Tánh, sau khi tham vấn, ngài tỏ ngộ nghĩa lý cao siêu của Phật Đà. Ngài đã viết:

Vạn sự giai không minh Phật tánh

Nhứt trần bất nhiễm kiến thiền tâm

***

Phật với chúng sanh trước ngỡ xa

Ngày nay mới biết cõi Ta Bà

Gạn lóng tấm lòng cho trong sạch

Rõ ràng trước mặt trổ liên hoa

Vì hâm mộ Phật pháp, Tổ về nhà xin phép song thân đến chùa Long Khánh xuất gia vào ngày rằm tháng 3 năm Ất Mùi 1895, được thiền sư Chơn Tánh ban cho pháp danh Khánh Hòa.

Sau đó, Tổ được Bổn sư cho phép học lớp Gia giáo 3 năm tại chùa Kim Cang, huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An (Long An). Nơi đây được Hòa thượng Trừng Châu, Viện chủ chùa Long Triều trực tiếp giảng dạy. Ngài rất chăm chỉ, có chí cầu học, hễ nghe ở đâu có bậc cao Tăng thạc đức là ngài tìm đến cầu học. Không nề gian khổ, chẳng sợ xa xôi. Ngài đến đâu cũng được các bậc Trưởng thượng như Sư Tổ Chánh Tâm, húy Hải Lượng, Sư Tổ Long Triều,… quý mến.

Ngày rằm tháng 2 năm Canh Tý (1900) Tổ được thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Linh Nguyên, Sông Tra, Đức Hòa do Sư Tổ Minh Phương- Chơn Hương làm Đàn đầu Hòa thượng.

Năm Tân Sửu (1901) ngài nghe Sư Tổ Minh Hòa, hiệu Hoan Hỷ, là bậc thạc đức danh Tăng, nên đến chùa Long Thạnh, Bà Hom cầu pháp. Sư Tổ cho pháp húy là Như Trí, về sau chư sơn tặng cho ngài câu:

“Long Thạnh Tổ, Giới Đức Thanh Cao, Tục Diệm Truyền Đăng Như Trí Tuyên Linh Sư, Đàn Ba La Mật, truyền y phú bát Thái Không.”

Theo học với Sư Tổ Hoan Hỷ còn có các ngài Từ Phong - Như Nhãn chùa Giác Hải, Từ Hóa - Như Bằng chùa Từ Ân, Từ Vân - Chơn Thanh chùa Hội Khánh - Bình Dương, Chánh Thành - Như Vịnh, chùa Vạn An - Sa Đéc.

Năm Giáp Thìn (1904) Tổ nhập Hạ đầu tiên tại chùa Long Huê – Gò Vấp, tỉnh Gia Định, do Sư Tổ Minh Hòa chứng minh. Nơi đây, Tổ được sự khuyến khích của chư Tôn đức trưởng thượng, ngài đã đăng đàn giảng Kinh Kim Cang Chư Gia, được chư vị Pháp sư và đại chúng trường Hạ hâm mộ, tán thán. Từ đó về sau, danh tiếng Khánh Hòa vang truyền khắp nơi.

Năm Bính Thìn (1916) ngày 25 tháng giêng, Sư Tổ Hoan Hỷ – Minh Hòa trụ trì Tổ đình Long Thạnh Bà Hom viên tịch. Chư sơn thiền đức và Phật tử tỉnh Bến Tre, trong đó có Phật tử chùa Tuyên Linh về viếng tang, gặp Tổ Khánh Hòa tại Tổ đình Long Thạnh. Lúc đó, chùa Tuyên Linh đang thiếu trụ trì. Năm Đinh Tỵ (1917), bổn đạo chùa Tuyên Linh thỉnh Tổ làm trụ trì. Từ lúc Tổ về chùa Tuyên Linh, đồ chúng và đệ tử các nơi quy tựu tu học rất đông. Nhận thấy Tăng đồ nhiều vị thất học và không đoàn kết, nên ngài vân du nhiều nơi tham học và tìm hiểu tình hình Phật giáo. Ngài luôn trăn trở trước viễn ảnh ngôi nhà Chánh Pháp sụp đổ. Ngài than thở: “Phật pháp suy đồi là do Tăng đồ thất học và không đoàn kết”. Ngài canh cánh bên lòng hoài bão: “Thực hiện thống nhất Phật giáo, chỉnh đốn Tăng già để chấn hưng Phật giáo cả nước”.

- Khi đến chiêm bái trường Phật học các nước Thái Lan, Campuchia, ngài đã than:

Xem qua Chùa Tháp cực kỳ cao

Tượng Phật đài vàng tốt biết bao

Phật pháp mở mang trường học rộng

Đừng khi miên mọi gọi mi tao”.

Thuở ấy, người nước mình thường khinh chê người Thái, người Miên cho là Miên mọi. Nhưng họ có trường Phật học, có Chùa Vàng cao lớn, còn ta tự hào là nước văn minh lại không có trường Phật học nào. Khi đến Rạch Giá, Tổ đã than:

Mênh mông vịnh bể Xiêm La

Muốn tìm đồng chí biết qua phương nào?

Tổ thấy thật lẻ loi khi một mình chèo chống con thuyền Phật giáo trước sóng to gió dữ. Tổ bộc lộ tâm trạng qua cảnh Hà Tiên:

Hà Tiên phong cảnh thật tiêu diêu

Trời lặng hình dung cái trống treo

Hoài ngó chúng sanh còn thọ khổ

Nỡ nào đành bỏ một mình leo”.

- Con thuyền Phật Pháp đang chơi vơi ngoài bể cả, chập chờn khi ẩn, khi hiện trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” thế mà vẫn có những vị điềm nhiên tỉnh tọa, mặc cho nhân tình thế sự.

Thế tình mây muội trói thây ai

Mặc dầu hớn hở thiên thai non bồng”.

- Biết được hoài bão cao cả đó của ngài, một vị Hòa thượng hỏi ngài: “Nhiều chùa giàu có to lớn, không đứng ra chung lo, thì làm sao Ngài trụ trì một chùa nhỏ bé, nghèo nàn thực hiện được đại nguyện như thế?”. Ngài từ tốn đáp: “Ở đời bao giờ vàng bạc cũng ít, đá sỏi lúc nào cũng nhiều. Chúng ta dù ít, nhưng cố gắng sẽ thành công. Khó gì bằng lìa bỏ tình yêu cha mẹ, vợ con cùng đời sống cao sang quyền quý, vùi thân trong núi tuyết, rừng già mà Đức Bổn Sư ta còn làm được thay!”.

• Hộ trì chánh pháp

- Trước hết tại chùa Tuyên Linh, ngài luôn luôn có lớp Gia giáo cho chư Tăng các tỉnh về tu học. Khắp Nam kỳ nơi nào cũng khai trường Hương, mở trường Hạ, đa số đều thỉnh ngài về giảng dạy.

- Đồng thời với ngài, ở Trung Hoa của thế kỷ XX, cũng có các vị cao Tăng như các ngài: Đế Nhàn, Viên Ảnh, Thái Hư Đại sư, v.v… đều cực lực cổ vũ canh tân Phật giáo, sách báo từ Thượng Hải, Hồng Kông, Nhật Bản phát hành sang khu người Hoa ở Chợ Lớn như bộ Phật học Từ điển của Đinh Phước Bảo, các Kinh sách khắc trên gỗ để in ở Bắc Kỳ như: Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Kim Cang, Kinh Kim Quang Minh, Đại Luật, Kinh Hoa Nghiêm, v.v... ngài đều thỉnh về để nghiên cứu.

- Năm Canh Thân (1920), ngài cùng quý Hòa thượng lập ra Hội Lục Hòa. Đó là bước đầu nằm trong hoài bão đoàn kết giới Tăng Ni, nhấn mạnh đến bản thể của Tăng là thanh tịnh và hòa hợp. Ngài mở trường gia giáo để đào tạo Tăng tài, để đảm nhiệm trọng trách hoằng dương chánh pháp, dìu dắt người sau. Ngài cần mẫn dịch Kinh luật luận ra chữ quốc ngữ để phổ cập trong mọi tầng lớp quần chúng.

• Chấn hưng Phật giáo

- Năm Bính Dần (1926), tại Cầu Ngang - Trà Vinh, ông Huỳnh Thái Cửu, nhân lễ Vu Lan thỉnh chư sơn thiền đức thiết lễ trai Tăng tại nhà để báo hiếu sau mùa an cư. Qua bài tác bạch, ông đề nghị thành lập Hội Phật giáo để khởi xướng phong trào nghiên cứu giáo lý, chấn chỉnh Tăng già, chấn hưng Phật giáo. Lúc đó, có nhiều chư tôn thiền đức, nhưng cũng không đi đến kết quả cụ thể. Tuy vậy, kể từ đó, nhiều vị có nhiệt tâm cũng hưởng ứng theo ngài. Sau đó, Tổ Khánh Hòa đem chuyện này bàn với Tổ Huệ Quang - trụ trì chùa Long Hòa, Trà Vinh. Tổ chỉ rõ: “Tăng đồ hủ bại, Phật pháp suy vi là do thất học”. Tổ đã đề xuất chương trình chấn hưng gồm bốn điểm:

1- Lập Hội Phật giáo

2- Thỉnh ba tạng Kinh dịch ra quốc ngữ

3- Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài

4- Xuất bản tạp chí, phổ biến giáo lý, kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy củ thiền môn.

Tuy nhiên. khi bắt tay vào thực hiện thì không có kinh phí và nhiều chuyện phức tạp xảy ra, nên sau đó cũng im lìm.

- Năm Đinh Mão (1927), ngài cử sư Thiện Chiếu ra Bắc để vận động chấn hưng Phật giáo nhưng không thành công. Cùng năm này, ngài nhận lời mời làm chủ giảng trường Hạ chùa Long Khánh, Quy Nhơn Trung kỳ suốt ba tháng Hạ. Nhân đó quan sát tình hình Phật giáo miền Trung và cổ động chấn hưng Phật giáo. Cuộc vận động được ngài Bích Liên hỗ trợ trên văn đàn. Cùng lúc phái đoàn của quý Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Thành Đạo ra Trung kỳ góp sức, nên cuộc vận động có một bước tiến khả quan.

- Tháng 5, năm ấy, sư Thiện Chiếu từ Bắc Kỳ về ghé qua trường Hạ Long Khánh, đưa chương trình chấn hưng Phật giáo của Hội Phật giáo Trung Hoa cho ngài xem và đề nghị ngài tiến hành mau chóng việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

- Năm Mậu Thìn (1928), trở lại Sài Gòn, ngài cùng các ngài Từ Nhẫn, Như Đắc, Thiện Chiếu, Chơn Huệ và Thiện Niệm lập Thích Học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn - Cầu Muối (nay thuộc quận 1 – TPHCM).

• Ban Chức sự lâm thời

Gồm có: Hòa thượng Huệ Quang làm Hội trưởng, Hòa thượng Thiện Huệ và Hòa thượng Từ Nhẫn, cư sĩ Ngô Văn Chương... Nhờ ông Conmis Trần Nguyên Chấn xin phép thành lập Thư xã Hội Phật học Nam kỳ. Đồng thời, ngài đi vận động các tỉnh Nam kỳ.

- Năm Kỷ Tỵ (1929), nhân lễ đại Trai đàn ở chùa Giác Lâm Phú Thọ, có đủ chư tôn thiền đức, ngài đã đích thân đảnh lễ khẩn thiết trình bày nỗi thương tâm trước ngọn đèn Pháp đang dần suy lụn, kêu gọi chư tôn thiền đức góp sức chấn hưng. Nhưng chỉ có các vị đồng môn nơi Tổ đình Long Thạnh như ngài Chánh Quả - chùa Kim Huê, ngài Chánh Thành - chùa Vạn An, ngài Từ Phong - chùa Giác Hải, ngài Từ Văn - chùa Hội Khánh và các Hòa thượng Liên Trì, Hòa thượng Viên Giác, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Chơn Huệ, Hòa thượng Từ Nhẫn... đồng tình ủng hộ và hết lời ca ngợi. Ngoài ra, đều thoái thác lại còn công kích, phỉ báng hết sức thậm tệ1. Với chí nguyện chấn hưng Phật giáo làm hành trang trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác, ở nhiều nơi ngài nhận được sự đồng tình thì ít mà thờ ơ, lãnh đạm thì nhiều. Có lúc ngài tự than rằng: “Ôi! Phật Pháp suy vi, Tăng đồ hủ bại đến thế là cùng”.

- Dầu gặp nhiều chướng duyên trên con đường chấn hưng Phật giáo, nhưng ngài không nản chí, luôn nhẫn nại và sáng suốt trước mọi sự việc. Để đẩy mạnh việc truyền bá Phật pháp, ngài cho xuất bản tập san Phật học bằng chữ quốc ngữ tên là Pháp âm. Số đầu tiên ra mắt ngày 13 tháng 8 năm 1929. Sau đó là tập san Phật hóa Tân Thanh niên ra đời tháng 9 năm 1929, cũng bằng chữ quốc ngữ, nhưng có nội dung tiến bộ hơn, nhắm vào hàng cư sĩ trí thức và Tăng sĩ trẻ. Không lâu sau, nhiều nội chướng, ngoại chướng dồn dập, hai tập san đều ngưng hoạt động .

- Năm 1931, ngài cùng nhiều vị tôn đức và các học giả thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đặt hội quán tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, sau đó cho xuất bản tạp chí Từ bi âm.

- Năm 1932, ngài được cử làm Hội trưởng, kiêm Chủ nhiệm báo Từ bi âm. Ngài đã cổ động hàng cư sĩ Phật tử Trà Vinh, thỉnh hiến cúng Tam Tạng Kinh điển cho hội, để có tài liệu nghiên cứu và diễn dịch. Được cư sĩ Lâm Quang Thời và bà Hai Sáng ở Trà Vinh cúng 1.000 đồng (trị giá 100 lượng vàng). Tổ Chí Thiền chùa Phi Lai – Châu Đốc cúng 300 đồng. Bà Lê Thị Nghĩa – Bến Tre cúng 300 đồng. Tổ Chánh Quả chùa Kim Huê cúng 60 đồng để thỉnh Đại Tạng Kinh làm tài liệu nghiên cứu và phiên dịch. Tạng Kinh đã được thỉnh, nhưng không có nơi lưu trữ, vì vậy ngài về chùa Tuyên Linh bàn bạc với bổn đạo xin được dỡ sườn gỗ tốt của chánh điện bán đi, thay vào gỗ xấu lợp lại chánh điện để có tiền xây Pháp Bảo Phường, lưu trữ Tam Tạng Pháp bảo. Hiện Tam Tạng Pháp bảo vẫn còn tại chùa Linh Sơn, quận I, TPHCM.

- Sau hai năm hoạt động, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đang có chiều hướng tiến triển, Trường Phật học cũng chỉ được khai giảng một năm thì bị thế lực thân Pháp buộc giải tán. Nhận thấy nguy cơ không có khả năng chỉnh đốn lại, nên ngài cùng Tổ Huệ Quang lui gót về Lục tỉnh.

- Năm Qúy Dậu (1933), vẫn không nản lòng, ngài cùng các Tổ Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh... thành lập Liên đoàn Phật học xã nhằm tiếp tục con đường đào tạo Tăng tài. Tổ chức này có hình thức di động, không đặt trụ sở một chỗ, mà luân phiên mỗi chùa ba tháng phải chu toàn, đài thọ các mặt hoạt động của Liên đoàn. Bắt đầu từ chùa Từ Hòa, làng Long Hòa, Tiểu Cần, Trà Vinh của Tổ Huệ Quang, rồi tại chùa Thiên Phước, Trà Ôn, Vĩnh Long của Tổ Chánh Tâm. Sau đến chùa Viên Giác, tỉnh Bến Tre của Tổ Lâm Quang. Khóa học được nửa chừng thì bị thế lực thân Pháp của ông Conmis Chấn phá hoại, vu khống, đành phải tạm ngưng.

- Năm Giáp Tuất (1934), ngài lại cùng các Tổ Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải… và các cư sĩ tỉnh Trà Vinh thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học và thỉnh Đại Tạng, Tục Tạng để làm tài liệu nghiên cứu phiên dịch, đồng thời kiến lập Thích Học đường khai giảng vào năm Ất Hợi (1935) với số lượng học Tăng 30 vị. Trong số đó có các ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Thái Không, Bửu Ngọc... về sau có một số vị được cử ra miền Trung, tiếp tục học ở trường Phật học Tây Thiên với Hòa thượng Phước Huệ và trường Báo Quốc với Pháp sư Trí Độ. Về sau, khi trở về, các vị này tiếp tục công hạnh của Tổ, lập Giáo hội Tăng già, và Phật học đường Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang. Sau đó, tiếp tục mở Phật học Ni viện Dược Sư, Phật học Ni viện Từ Nghiêm và Trường Cao Trung Phật học Huệ Nghiêm. Có công nhiều nhất phải kể đến Hòa thượng Thiện Hòa và Hòa thượng Thiện Hoa.

Tạp chí Duy tâm đình bản ngày 6 tháng 7 năm 1943 do không có giấy in2, còn Hội Lưỡng Xuyên Phật học tồn tại đến năm 1944.

Khi tuổi gần 70, do sức khỏe có phần suy giảm, ngài lui về chùa Vĩnh Bửu, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre để tĩnh dưỡng, chuyên tu. Những tưởng ngài đã phần nào yên lòng với những thành công đã đạt được. Nào ngờ, chính nơi đây ngài cho mở Ni trường Phật học cho Ni giới. Các sư ni tốt nghiệp từ Ni trường này có Ni sư Diệu Ninh, thường gọi là Ni sư Vĩnh Bửu (Sư Bà Vĩnh Bửu), sau này quản lý trụ sở Ni bộ chùa Từ Nghiêm, Chợ Lớn, quận 10 – TPHCM ngày nay.

Trong thời gian lưu trú tại chùa Vĩnh Bửu, ngài cùng chư Tôn Đức khác đã đúc kết sơ lược thành tựu của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam qua việc thành lập các tổ chức Hội Phật giáo ba miền:

TẠI MIỀN NAM

1. Hội Lục hòa: Do Hòa thượng Khánh Hòa cùng chư tôn đức trưởng thượng thời đó thành lập năm 1920. Tạo điều kiện cho chư sơn gặp nhau trong những ngày kỵ giỗ. Mục đích gắn kết chư Tăng trong pháp lục hòa của Phật. Để vận động chấn hưng Phật giáo. Năm 1923, tại Tổ đình Long Hòa - Trà Vinh, trong cuộc họp các chùa, Tổ khởi xướng thành lập Lục hòa Liên hiệp, tạo điều kiện cho các vị có tâm huyết với Phật pháp, cùng chung lo việc chấn hưng Phật giáo. Truyền thống hòa hợp trong các ngày kỵ giỗ của các chùa vẫn còn duy trì tại tỉnh Bến Tre cho đến hôm nay, có lẽ mãi còn lưu truyền lâu dài. Vì đây là nét độc đáo phù hợp lòng người, phù hợp giáo pháp lục hòa của Phật.

2. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học

Do Hòa thượng Khánh Hòa thành lập năm 1932, trụ sở tại chùa Linh Sơn Sài Gòn. Là cơ quan Trung ương lãnh đạo phong trào nghiên cứu Phật học, phiên dịch Kinh sách ra Việt ngữ, kiến lập Phật học đường, chấn chỉnh Tăng già, chấn hưng Phật giáo. Nơi đây ra đời tạp chí Từ bi âm, là cơ quan ngôn luận của Hội.

3. Hội Lưỡng Xuyên Phật học

Do Hòa thượng Thích Khánh Hòa cùng các Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh ... thành lập năm 1934 tại tỉnh Trà Vinh. Trụ sở đặt tại chùa Long Phước. Mở trường Phật học Lưỡng Xuyên.

(Là tiền thân của hai Hội lớn là Hội Tăng già Nam Việt, thành lập tháng 6 năm 1951, trụ sở tại chùa An Quang, còn Hội Phật học Nam Việt thành lập năm 1951, trụ sở tại chùa Khánh Hưng, năm 1957 dời về chùa Xá Lợi do cư sĩ Nguyễn Văn Khoẻ làm Hội trưởng; cư sĩ Mai Thọ Truyền là Tổng Thư ký)3.

Ngoài ra còn có các hội:

4. Hội Tịnh Độ tông cư sĩ

Năm 1936, tông phái Lục phương lễ bái chính thức đổi tên là Tịnh Độ Cư sĩ, hội quán đặt tại chùa Hưng Minh, xã Phú Định, Chợ Lớn, cư sĩ Minh Trí được suy tôn là “Tông Sư”, ra tờ Pháp âm4.

5. Hội Phật giáo Tương Tế

Do Hòa thượng Lê Phước Chí thành lập, trụ sở đặt tại chùa Thiên Phước, tỉnh Sóc Trăng. Xuất bản Bồ Đề tạp chí.

6. Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu

Do Tổ Tuệ Đăng thành lập tháng 10 năm 1934. Trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai, Bà Rịa. Xuất bản tạp chí Bác Nhã âm.

7. Hội Phật học Kiêm Tế

Thành lập tại Rạch giá. Trụ sở chính tại chùa Tam Bảo, do Hòa thượng Trí Thiền làm Chánh Tổng lý. Xuất bản tạp chí Tiến hóa. Sau đó, sư Thiện Chiếu và sư Pháp Linh điều hành.

(Hội Thông Thiên học và Hội Tăng già Nguyên Thuỷ ra đời sau khi Tổ đã viên tịch )

TẠI MIỀN TRUNG

1. An Nam Phật học hội

Được thành lập tại chùa Trúc Lâm – Huế năm 1932 do năm vị Tăng sĩ và 17 cư sĩ, Hòa thượng Thích Giác Tiên làm chứng minh, Cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng. Cơ quan ngôn luận là tạp chí Viên âm. Năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục ra đời, tổ chức Gia đình Phật hoá phổ sau đó đổi thành Gia đình Phật tử.

2. Hội Phật học Bình Định

Thành lập năm 1930 do Hòa thượng Phước Huệ khởi xướng, tham gia có các Hòa thượng Bích Liên, Liên Tôn và Trí Độ.

3. Hội Đà Thành Phật học

Thành lập tại Đà Nẵng, ra đời 1937, cơ quan ngôn luận là Nguyệt san Tam bảo chí do Hòa thượng Bích Liên làm Chủ bút.

TẠI MIỀN BẮC

1. Hội Phật giáo Bắc Kỳ

Thành lập năm 1934, do Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Chứng minh đến năm 1936 được suy tôn làm Thiền gia Pháp chủ. Cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Cơ quan ngôn luận là tuần báo Đuốc tuệ.

2. Hội Bắc Kỳ Cổ Sơn môn

Thành lập năm 1934 do Hòa thượng Đinh Xuân Lạc đứng đầu. Cơ quan ngôn luận là Bán nguyệt san Tiếng chuông sớm.

3. Hội Thanh niên Phật tử

Thành lập năm 1943 do Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Hội trưởng. Chủ trương từ bi cứu độ làm công tác từ thiện xã hội.

4. Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt

Do Thượng tọa Tố Liên thành lập năm 1949 (đến năm 1950 đổi thành Hội Tăng già Bắc Việt).

Tổ Khánh Hòa dạy: “Không nên ngủ quên trong sự thành công, phải duy trì và phát triển những thành tựu đã đạt được của phong trào chấn hưng Phật giáo. Phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào Phật học, chấn chỉnh Tăng già”. Nhờ vậy, hệ thống chùa chiền được chấn chỉnh, các sinh hoạt trong chùa được tổ chức trang nghiêm, các Hội Phật học ngày thêm phát triển, các trường Phật học cho Tăng Ni ngày càng mở rộng. Cuối cùng, thành quả lớn nhất là Hội Phật giáo được thành lập ở ba miền vào năm 1931. Sau khi Tổ viên tịch (năm 1947), phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiếp tục càng lớn mạnh, đưa đến sự kiện quan trọng như sau:

Năm 1951, Đại hội lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm - Huế, một tổ chức Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thống nhất, quy tụ cả ba miền.

- Pháp chủ Phật giáo Bắc Việt: Hòa Thượng Thích Mật Ứng

- Trung Việt: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết

- Nam Việt: Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Trong Đại hội này, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn là Hội trưởng Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Trí Hải là Phó Hội trưởng. Văn phòng Tổng Hội đặt tại chùa Từ Đàm – Huế.

Tháng 9 năm 1952, Đại biểu Tăng già ở ba miền Bắc - Trung - Nam tổ chức Đại hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc. Suy tôn Hòa thượng Tuệ Tạng - Thích Tâm Thi làm Thượng Thủ5.

Thiết lập cơ chế lãnh đạo thống nhất trong các Phật sự, đồng thời tạo mối quan hệ rộng rãi với Phật giáo thế giới. Trước hết là tổ chức Thân hữu Phật tử Thế giới (World Friendship of Buddhist – WFB) Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập. Năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai chính thể.

Tại miền Nam: sau Pháp nạn 1963, ngày 30-12-1963, khai mạc Đại hội Phật giáo Việt Nam để thống nhất các hệ phái và các tổ chức Phật giáo Đại hội kéo dài đến ngày 3-1-1964 thì bế mạc với kết quả: “thảo Hiến chương thống nhất 11 tập đoàn vốn là thành viên của Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo”. Theo Hiến chương, cơ quan Trung ương Giáo hôi Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hai viện: Tăng thống và Hóa đạo6. Từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lớn mạnh, có uy tín thế giới. Việc giao lưu với các nước Phật giáo trên thế giới ngày càng rộng rãi.

Cuộc đời Tổ Khánh Hòa trong lịch sử phôi thai của công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, là bài học tiến thủ không ngừng, gồm ba đức tính:

1- Kiên nhẫn: Mỗi lần thất bại là một lần cố gắng đứng lên, kiên tâm nhẫn nại như sắt đá, cương quyết không hề thối chí nản lòng .

2- Hy sinh: Suốt đời hy sinh, hiến thân cho Đạo pháp, không nề gian lao, chẳng từ khó nhọc. Hy sinh cả tài sản chùa mình để sung vào của công, góp phần chấn hưng, không màng quyền lợi, danh vọng.

3- Suốt đời tận tuỵ: Thân già nhiều bệnh, nhưng chí nguyện không già, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái trước Phật sự, Tổ thường nói: “Hễ còn hơi thở, phải lo hoằng truyền đạo pháp, còn ăn cơm thì phải lo tu giải thoát”.

Sau đó, ngài trở lại chùa Tuyên Linh. Năm Đinh Hợi (1947), đây là thời gian nước nhà chìm sâu trong khói lửa chiến tranh. Trước khi thị tịch, Tổ đã ghi lại những lời di chúc thiết tha, chứng tỏ chí nguyện lớn lao của ngài: “Phật giáo đang hồi suy vi, nước nhà trong cảnh loạn ly, mà tôi chẳng làm được việc gì, nên sau khi tôi tịch rồi chỉ dùng hòm ván mỏng độn rơm lá chuối, tẩn liệm với bộ y hậu vải thường, không nên dùng gấm lụa, đừng làm long vị sơn son thếp vàng, chôn cất đơn sơ, đợi khi nào chư Tăng xây tháp phổ đồng, đào lên thiêu, rồi gởi lên tháp ấy, cấm đệ tử làm hao tốn của thường trụ và bá tánh. Cần phải tiết kiệm, để giúp cho người nghèo.

Về hậu vận chùa Tuyên Linh, Tỳ kheo kế nghiệp trụ trì phải chơn chánh tu hành, nghiêm trì giới luật, nếu hủy tịnh, phá giới, mời ra khỏi Chùa để công cử người khác. Của Tam bảo để nuôi Tăng chúng ăn học, truyền bá Phật pháp. Cấm lạm dụng của Tam bảo tiêu xài việc riêng. Đệ tử nào không y theo lời di chúc, không phải là môn đồ của Phật giáo”.

Tổ an tường thị tịch lúc 11 giờ 30 phút, ngày 19 tháng 6 năm Đinh Hợi (1947), tại chùa Tuyên Linh, trụ thế 71 năm, hạ lạp 48 mùa an cư kiết hạ.

Năm Ất Mùi (1955), Tổ Huệ Quang lúc này đang làm Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, hướng dẫn phái đoàn về Bến Tre, họp cùng môn đồ pháp quyến Tổ đình Tuyên Linh, làm lễ trà tỳ linh cốt ngài vào ngày mùng 10-11-12, tháng 5 năm Ất Mùi. Sau đó, xá lợi được tôn thờ các nơi như Tổ đình Tuyên Linh (trú xứ), chùa Long Phước (trụ sở Hội Lưỡng Xuyên Phật học), chùa Ấn Quang (trụ sở Giáo hội Tăng già Nam Việt), Tháp Đa Bảo chùa Phước Hậu (Trà Ôn), chùa Vĩnh Bữu (Phật học Ni trường), chùa Từ Nghiêm (trụ sở Ni bộ Bắc tông).

Tổ đã ra đi... nhưng công lao chấn hưng Phật giáo và phẩm hạnh trong sạch, suốt đời hy sinh cho đạo pháp của Tổ vẫn còn bàng bạc trong lời di chúc, trong từng trang sử của Phật giáo Việt Nam và trong ý nguyện kế thừa thầm lặng của lớp lớp Tăng Ni và các hàng Phật tử hữu tâm.

 


* Biên tập viên báo Hoa Đàm (tiếng nói của Ni giới Phật giáo Việt Nam), Phó ban Quản viện Ni Học viện Phật giáo TP HCM cơ sở Lê Minh Xuân, giảng viên Khoa Sử, Học viện Phật giáo TP HCM.

1. Lúc ấý, nhiều người có địa vị cao mà thê tử đề huề, nên rất ngại cho đệ tử đi học.

2. Nguyễn Đại Đồng, Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam (1929-2008), Nxb Tôn giáo, 2008.

3. Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 120.

4. Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2001, tr. 96.

5. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (từ 1920-1953), Nxb Tôn giáo, 2008.

6. Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh, Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 168.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6114475