Thông tin

SỰ CẦN THIẾT PHẢI BẢO VỆ DI TÍCH NHẪM DƯƠNG

VÀ VAI TRÒ CỦA SƠN MÔN HỆ PHÁI

TRONG HỆ THỐNG TỔ CHỨC GHPGVN

                                                                            

TT.TS. THÍCH ĐỨC THIỆN*

 

1. Sự cần thiết phải bảo vệ di tích Nhẫm Dương:

1.1. Về phương diện khảo cổ học:

Những kết quả phát hiện Khảo cổ học những năm 2000-2001 của đợt thám sát, điền dã, khai quật của Bảo tàng Hải Dương, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện nghiên cứu địa chất đã đưa ra nhận định Di tích Nhẫm Dương thuộc về nền văn hóa Đông Sơn, một nền văn minh đặc sắc của người Việt cổ và một trong những nền văn minh tiêu biểu của Đông Nam Á cổ đại. Những nghiên cứu của nhà nhân chủng học, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đã khẳng định niên đại của Di tích Nhẫm Dương sớm hơn nữa, là nơi tụ cư của người Việt thời tiền sử. Với một hệ thống hang động 26 hang lớn nhỏ trong đó chứa những hóa thạch đã gợi mở ra nhiều điều bất ngờ cho giới học giả nghiên cứu lịch sử cổ đại. Đặc biệt, những phát hiện ở hang Thánh Hóa và hang Tối đã cho thấy Nhẫm Dương là di chỉ Khảo cổ học quan trọng của Việt Nam và có tầm ý nghĩa quốc tế. Do đó cần được bảo vệ làm cơ sở nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc.

1.2. Về phương diện tâm linh phong thủy:

Hệ thống hang động được hình thành từ hàng triệu năm trước đây đã tạo cho Nhẫm Dương trở thành một thế núi dồi dào long mạch. Một thế núi có hình “ Rồng uốn, Voi phục” được hình thành từ những dãy núi đá, núi đất xen kẽ. Vì thế theo cổ truyền, Nhẫm Dương xưa còn có tên là Trũng Nhẫm, hay Thung Nhẫm, nghĩa là vùng đất trũng huyền ảo trở thành địa thế phong thủy, tâm linh chấn yểm cho cả một vùng Đông Bắc.

1.3. Về những giá trị lịch sử tôn giáo, văn hóa:

Di tích Nhẫm Dương có ngôi chùa Thánh Quang, là ngôi cổ tự có vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới (Phật giáo Trung Quốc). Dựa trên những tài liệu văn bia còn lưu giữ, chùa Thánh Quang được khởi dựng từ đời nhà Trần, vào thời kỳ niên hiệu Thiệu Bảo, năm Kỷ Mão (1279).

Vào thế kỷ thứ XVII, chùa Thánh Quang là trụ sở của Thiền phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt, pháp danh là Đạo Nam Thông Giác là thủy tổ sáng lập tại Đàng Ngoài, thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ngài từng được Vua Lê sắc phong là: “Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc Sư”. Đệ nhất tổ - Quốc Sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt đã tu hành, độ chúng, thuyết pháp truyền đạo, và viên tịch hóa thân tại hang Thánh Hóa.

Đệ nhị Tổ Tào Động là Quốc sư Tông Diễn, hiệu Chân Dung. Ngài có công làm hưng thịnh chùa Thánh Quang và chùa Hòe Nhai, Thăng Long.

Hiện nay tại Nhẫm Dương còn bảo tồn Tháp xá lợi của hai vị Tổ khai sáng Thiền phái Tào Động. Ngày hóa nhập Niết bàn của Thánh tổ Thủy Nguyệt đã trở thành ngày lễ hội chùa Thánh Quang Nhẫm Dương diễn ra từ ngày mùng 5-7 tháng Ba âm lịch hàng năm, với các phần tâm linh như: lễ rước Thánh tổ trang nghiêm và thành kính; phần hội là các trò chơi dân gian của người Việt đã thực sự trở thành nơi gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể rất đặc sắc.

1.4. Giá trị lịch sử cách mạng Việt Nam:

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ nền độc lập dân tộc, hệ thống hang động tại Nhẫm Dương đã thực sự trở thành hệ thống thành trì, cơ sở cách mạng quan trọng. Tại đây vào những năm 1948-1951, các nhà cách mạng Việt Nam như Cụ Lê Thanh Nghị, Cụ Hoàng Quốc Việt đã hoạt động, và lấy làm Trụ sở chỉ huy của Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Những năm chống Mỹ cứu nước từ 1965 – 1973, Nhẫm Dương là căn cứ đóng quân và là nơi sơ tán của Viện quân y 7 – thuộc Quân khu III.

1.5. Phương diện phát triển du lịch tâm linh sinh thái:

Loại hình du lịch tâm linh sinh thái đang trở thành một thế mạnh trong phát triển ngành du lịch tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới. Du lịch tâm linh sinh thái được các chuyên gia, các nhà kinh tế đánh giá là loại hình du lịch đem lại sự phát triển bền vững trong ngành kinh tế không khói.

Thực tế trong những năm gần đây, tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã rất chú trọng trong đầu tư phát triển du lịch tâm linh sinh thái. Các địa danh du lịch tâm linh sinh thái điển hình như: Kinh đô Phật giáo thời Trần Di tích danh lam thắng cảnh Yên Tử, khu di tích Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; khu danh lam thắng cảnh trung tâm Phật giáo Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; Trung tâm Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc; các địa danh tâm linh như chùa Hương, Côn sơn – Kiếp Bạc, núi Bà Đen…đang trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương, không những vậy mà nó còn mang lại ‘quyền lực mềm’ cho địa phương đó.

Vậy tại sao với những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc như đã nêu ở trên, chúng ta không bảo vệ và xây dựng Nhẫm Dương trở thành một điểm đến du lịch tâm linh sinh thái, là điểm đến của Phật tử và nhân dân cả nước!

2. Vai trò của Sơn môn hệ phái trong hệ thống tổ chức GHPGVN:

Việc chúng ta quyết tâm bảo vệ Di tích Nhẫm Dương – Chùa Thánh Quang không chỉ là bảo vệ một di tích lịch sử văn hóa Phật giáo mà đồng thời nó còn có ý nghĩa là duy trì và phát huy hệ thống Sơn môn lấy một ngôi chùa làm chốn tổ của hệ phái trong truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chùa Thánh Quang như đã đề cập ở trên là trụ sở, là chốn tổ của Sơn môn thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài mà Thánh tổ khai sáng Thủy Nguyệt đã tu hành, truyền bá Tào Động và hóa thân Niết bàn tại đây.

Lịch sử ghi lại rằng thế kỷ thứ XVI-XVII Việt Nam lâm vào cuộc nội chiến kéo dài gần nửa thế kỷ (1627 – 1672) giữa thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn, cuối cùng không phân thắng bại, đất nước chia cắt ra làm hai: Vương triều Vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Giai đoạn này lịch sử Phật giáo Việt Nam có hai thiền phái Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang là Lâm Tế và Tào Động.

Chính quyền vua chúa ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều mến mộ Đạo Phật và đó là cơ sở thuận lợi cho sự truyền thừa của hai thiền phái Lâm Tế và Tào Động vào Việt Nam. Ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho thỉnh mời Ngài Thạch Liên Đại Sán (1633-1704) đến Đàng Trong thuyết pháp năm 1695, truyền pháp và khai sáng triết lý Tào Động cho Ngài Hưng Liên Quả Hoằng trở thành thiền sư Việt Nam đầu tiên của phái Tào Động Đàng Trong.

Tại Đàng Ngoài vào giai đoạn này với sự xuất hiện của Thiền sư Viên Văn Chuyết Công Hòa thượng (1590-1644) đã trở thành vị tổ khai sáng dòng thiền Lâm Tế có trụ sở sơn môn chốn tổ tại chùa Phật Tích, núi Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay. Dòng thiền này về sau mở rộng ở hầu hết các địa phương phía Bắc, hình thành Tông môn Lâm Tế. Sơn môn Lâm Tế sau đó đã hòa quện và phát huy tinh thần đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam nên càng phát triển và được coi là có công khôi phục dòng thiền Trúc Lâm ở các giai đoạn sau này. Đồng thời giai đoạn này cũng đánh dấu một điểm nhấn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với sự xuất hiện và ra đời của Sơn môn tông phái thiền Tào Động tại miền Bắc Việt Nam.

Thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài do Thiền sư Thủy Nguyệt (1637 – 1704) hiệu là Thông Giác Đạo Nam khai sáng giữa thế kỷ XVII. Năm 1664, Thiền sư rời Đại Việt, cùng hai đệ tử sang Trung Quốc, đến Hồ Châu học đạo với Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo là vị tổ đời thứ 35 Thiền phái Tào Động Trung Quốc tại núi Phượng Hoàng và ở đó ba năm sau trở về Việt Nam.

Trở về Việt Nam, Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác truyền giáo cho Ngài Chân Dung Tông Diễn. Thiền phái Tào Động rất thịnh hành vào thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Ngoài tức miền Bắc Việt Nam, chùa chiền mọc ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều nhân tài, nhiều chùa chiền của thiền phái này được xây dựng và đã trở thành những trung tâm hoằng pháp, độ sinh, nhiều cao tăng thạc đức cũng từ đây xuất hiện, làm cho Phật giáo ngày càng xương minh. Trong đó một số trung tâm nổi tiếng như: chùa Hòe Nhai, Hàm Long, Trấn Quốc ở Hà Nội; chùa Nhẫm Dương, chùa Côn Sơn ở Hải Dương; chùa Hạ Long, chùa Đông Sơn, chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh…Theo Thiền phả chùa Hòe Nhai ghi chép 13 đời truyền đăng tông Tào Động Việt Nam.

Như vậy, dòng thiền Tào Động là một trong những dòng phái Phật giáo truyền vào Việt Nam, là dòng phái cuối cùng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện nay. Người sáng lập ra dòng phái này là người Việt Nam sang Trung Quốc du học, sau khi đắc pháp trở về nước lập ra dòng phái này. Dòng phái này tồn tại và phát triển đã hơn ba trăm năm, là nơi vun bồi và xuất sinh ra nhiều bậc danh tăng thạc đức. Nhiều trung tâm Phật giáo của dòng thiền này rải khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, và đã góp phần không nhỏ làm cho Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững, trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo Việt Nam.

Nhân dịp bàn về Sơn môn thiền phái Tào Động, cho phép chúng ta gợi mở suy nghĩ một đôi điều về vai trò của sơn môn hệ phái trong việc tăng cường công tác quản lý Tăng Ni, tự viện hiện nay của GHPGVN. Nếu so sánh cũng như vai trò của dòng họ trong sự phát triển xã hội Việt Nam trong lịch sử và cho đến tận xã hội hiện đại ngày nay dòng họ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các thiết chế xã hội, văn hóa ứng xử….vậy nên sơn môn hệ phái vẫn còn nguyên giá trị trong sự gắn kết phát triển tổ chức GHPGVN ngày nay.

Với gần 35 năm thành lập, phát triển, GHPGVN đã trở thành một tổ chức thống nhất ý chí và hành động, với hệ thống tổ chức gồm HĐCM, HĐTS và 13 Ban, Viện quản lý Tăng Ni, tự viện và điều hành các hoạt động Phật sự trên mọi phương diện trên tinh thần thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, sơn môn, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp. Và một điều chúng ta cần suy nghĩ và nhận ra tính ưu việt của hệ thống sơn môn trong việc quản lý Tăng Ni, tự viện và cả trong việc thúc đẩy các hoạt động Phật sự của tổ chức Giáo hội. Nếu lấy hình ảnh một tam giác làm minh họa thì tổ chức GHPGVN như là đỉnh cao nhất bao gồm: Trung ương GHPGVN; GHPGVN các cấp địa phương…bao trùm tất cả, trong đó hai góc cạnh đáy là hệ thống pháp luật nhà nước, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; hệ thống văn bản nghị định của Chính phủ…, còn góc cạnh đáy kia là hệ thống sơn môn pháp phái với hệ thống thanh quy, quy ước, truyền thống truyền thừa và dùng giáo pháp, giới luật Phật chế để điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ mỗi sơn môn hệ phái sẽ góp phần làm cho công tác quản lý Tăng Ni, tự viện của Giáo hội được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn và tăng tính thiết chế hơn nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý.



* Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 72
    • Số lượt truy cập : 6794487