Thông tin

SỰ KIỆN HUYỀN TRANG TÂY DU CẦU HỌC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐÔNG Á

SỰ KIỆN HUYỀN TRANG TÂY DU CẦU HỌC

ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐÔNG Á

 

LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC

 

 

 

Triều đại phong kiến nhà Đường đã đóng vai trò trọng yếu trong việc tác động đến sự phát triển của Phật giáo.

Sau khi củng cố chính quyền, các vua nhà Đường đã thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời hài hòa các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt khai thác về lĩnh vực tinh thần trong chính sách cai trị. Phật giáo nằm trong chính sách ấy. Trừ vua Đường Vũ Tông với các hành động diệt Phật ra, các vua Đường khác đều sử dụng lại chính sách Phật giáo của nhà Tùy trước đó, khoan dung đối với Phật giáo và có thái độ hoan nghinh, hỗ trợ Phật giáo phát triển.

Vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân tuy lấy tư tưởng Nho gia làm chính thống, một mực tuyên xưng “Đạo của Nghiêu Võ Châu Khổng là tốt hơn cả”, song trên thực tế thì các triều đình phong kiến nhận thức rằng Phật giáo có công năng đặc thù là định hướng tư tưởng của nhân dân. Vì thế, các triều đại phong kiến đều nhiệt tình với Phật giáo. Triều đình cấp đất cho cất chùa, có khi hạ chiếu phổ độ tăng ni, tỏ ra tôn trọng các vị danh tăng, ca tụng kinh sách nhà Phật. Còn đối với Phật giáo, biết được nhu cầu chính trị các triều đại phong kiến nên đều có chính sách khai thác lợi thế cho công cuộc phát triển Phật giáo.

Vào niên hiệu Trinh Quán vua Đường Thái Tông, phát sinh một sự kiện mà Phật giáo sử Trung Hoa cho là chuyện đại sự, một sự kiện trọng yếu, tức sự kiện cao tăng Huyền Trang đi Ấn Độ thỉnh kinh.

Huyền Trang (602 – 664 CN)  cũng được gọi là Đường Tăng, Đường Tam Tạng, họ Trần tên Vĩ, người huyện Hầu Thị, Lạc Châu (nay là thị trấn Hầu Thị, tỉnh Hà Nam), 13 tuổi xuất gia, 21 tuổi thọ cụ túc giới. Huyền Trang từng đi khắp Trung Hoa tham học Phật giáo với nhiều danh sư. Thông thạo các kinh - luận như “Niết bàn kinh”, “Nhiếp Đại thừa luận”, “Tạp A tỳ huyền tâm luận”, “Câu xá luận”. Huyền Trang nhận thấy khi truyền đến đất Trung Hoa thì Phật thuyết, có nhiều chỗ bất nhất, rất khác nhau, khó thể định luận đúng sai. Vì thế, Huyền Trang quyết tâm đi đến nơi phát tích Phật giáo – Tây Vực để học tập.

Huyền Trang đến kinh đô Trường An, dâng biểu trình bày mong muốn đi Tây Vực cầu Pháp. Bấy giờ, nhà Đường vừa mới thành lập, chưa ổn định được toàn tuyến biên giới, cấm xuất cảnh nên thỉnh cầu của Huyền Trang không được phê chuẩn. Đến niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629 CN), xảy ra nạn đói, triều đình cho phép người dân được xuất cảnh mưu sinh, Huyền Trang cũng theo đó Tây hành. Xuất phát từ Trường An, Huyền Trang đi qua các địa phương Cam Túc, Tân Cương, Trung Á ngày nay, trải qua thiên nan vạn khổ, có khi tưởng phải chết mới đến được nước Ấn Độ. Khi mà đường sá chỉ là những lối mòn hoang sơ thời cổ đại thì cuộc hành trình của Huyền Trang quả thật không hề đơn giản.

Thời bấy giờ, Ấn Độ là trung tâm Phật giáo. Huyền Trang đến tu học tại chùa Na Lạn Đà trong thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, được danh tăng Giới Hiền thuộc “Du già hành phái” nhận làm đệ tử. Huyền Trang chuyên cần học tập nghiên cứu các kinh luận Phật giáo bằng tiếng Phạn, sau năm năm, đạt đến trình độ Phật học rất cao. Huyền Trang còn tiếp tục đi đến mười mấy địa phương trên khắp nước Ấn Độ suốt bốn năm nữa từ miền Đông Ấn đến miền Nam Ấn, Tây Ấn và Bắc Ấn đã súc tích được vốn tri thức về đạo Phật và kiến thức về nước Ấn Độ khá đầy đủ. Khi học vấn đã thành tựu, Huyền Trang trở về chùa Na Lạn Đà, được đại sư Giới Hiền mời giảng các sách Luận điển Đại thừa như “Nhiếp Đại Thừa luận”, “Duy thức Quyết trạch luận” rất được hoan nghênh, thành nhân vật nổi tiếng ngay tại trung tâm Phật giáo Ấn Độ.

 

 

Bấy giờ, phái “Thuận Thế luận” mà Phật giáo xếp vào hàng “ngoại đạo” từng đến trước chùa Na Lan Đà đòi tranh luận về 40 điểm viết ra giấy treo trước cổng chùa, yêu cầu chùa cử tăng nhân tranh luận. Bên phái Thuận Thế luận khiêu chiến còn đánh tiếng, nếu họ thua thì chịu bị xử trảm ngay trước cổng chùa để tạ tội. Trong khi các tăng nhân trong chùa Na Lan Đà không ai chịu ra ứng chiến, cũng như những lần trước đó, các phái “ngoại đạo” cũng đã từng đến trước cổng chùa khiêu khích đòi tranh luận để phân thắng bại, nhưng tăng nhân chùa Na Lan Đà vẫn giữ im lặng. Đang khi tình hình có vẻ bất lợi cho chùa Na Lan Đà thì Huyền Trang đường hoàng đi ra cổng chùa đối mặt với luận sư phái Thuận Thế luận. Trong cuộc luận chiến ấy, Huyền Trang đã chiết phục được phe ngoại đạo, giữ được uy tín của chùa Na Lan Đà.

Huyền Trang còn tham dự đại hội “Vô Già” ở thành Khúc Nữ, đăng đàn diễn thuyết về Đại thừa giáo nghĩa lấy nội dung từ các sách do mình soạn ra là “Hội Tông luận”, “Chế ác kiến luận”. Tại đại hội này, Huyền Trang cũng tiến hành tranh luận với các luận sư Ấn Độ thuộc các tôn giáo, các hệ phái khác nhau. Suốt 18 ngày đại hội “Vô Già”, chẳng một luận sư Ấn Độ nào đánh bại được luận điểm của Huyền Trang.

Tại Ấn Độ, Huyền Trang đã đạt đến vinh dự rất cao được xem là một trong “thập đại cao tăng” của chùa Na Lan Đà, giáo đồ phái Đại thừa tôn Huyền Trang là “Đại Thừa thiên”, còn giáo đồ bộ phái Tiểu thừa thì tôn Huyền Trang là “Giải thoát thiên”. Hùng chủ miền Bắc Ấn thời ấy là Giới Nhật vương rất trọng thị Huyền Trang, đánh giá Huyền Trang rất cao trong Vô Già đại hội ở thành Khúc Nữ. Sau đó, Giới Nhật vương còn tổ chức một đại hội khác, mời rộng rãi khách tham dự đại hội diễn ra suốt 75 ngày. Thành phần tham dự đại hội ấy gồm hơn 1.000 tăng nhân chùa Na Lan Đà, 18 vị quốc vương,  hơn 3.000 giáo đồ Phật giáo Đại thừa, Tiểu thừa, hơn 2.000 tu sĩ đạo Bà La Môn, hơn 1.000 tu sĩ ngoại đạo.

Vào niên hiệu Trinh Quán thứ mười lăm (645 CN), từ Ấn Độ, Huyền Trang khởi hành về nước, mang theo kinh Phật bằng chữ Phạn bao gồm Kinh, Luật, Luận của cả hai bộ phái Đại thừa và Tiểu thừa tổng cộng 520 giáp, 657 bộ, cùng với một số tượng Phật, Xá lợi Phật. Về đến Trường An, ban đầu Huyền Trang được bố trí ở tại chùa Hoằng Phúc, rồi sau đó chuyển đến chùa Từ Ân ở kinh đô Trường An chuyên việc dịch kinh mang về. Ban dịch thuật của Huyền Trang tập hợp hơn 20 danh tăng các nước. Riêng Huyền Trang trực tiếp dịch được 75 bộ gồm 1.335 quyển, khái niệm chuẩn xác, văn thông nghĩa thuận, hiệu chỉnh những sai lầm của các bản dịch lưu hành ở Trung Hoa trước đó, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự nghiệp phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa. Huyền Trang còn dịch sách “Lão Tử” và “Đại Thừa khởi tín luận” từ tiếng Hán ra tiếng Phạn mở ra thời kỳ mới trong lịch sử giao lưu văn hóa Trung Hoa - Ấn Độ.

Cuộc Tây hành của Huyền Trang thật hoành tráng, khiến cho vua Đường Thái Tông cực kỳ trọng thị, lập tức triệu thỉnh hội kiến tại kinh đô Lạc Dương. Nhà vua đích thân soạn bài văn “Đại Đường Tam Tạng thánh giáo tự”, viết về quá trình Tây du của sư Huyền Trang, giao Huyền Trang đứng đầu ban phiên dịch các bộ kinh Phật và biểu dương sự nghiệp của Huyền Trang. Lúc ấy, Thái tử Lý Trị (tức vua Đường Cao Tông sau đó) cũng viết bài ký “Thuật Tam Tạng thánh giáo tự ký”. Sau khi Lý Trị tức vị cho khắc lên bia đá hai bài “Đại Đường Tam Tạng thánh giáo tự”, “Thuật Tam Tạng thánh giáo tự ký”. Hai tấm bia đá ấy ngày nay vẫn còn, lưu giữ tại “Tây An thị bi lâm”.

Tấm bia đá khắc bài tự của vua Đường Thái Tông gồm bảy tám trăm chữ, là lời lẽ ca tụng Huyền Trang. Vua nói rằng Huyền Trang là người của nhà Phật là một tụng tụ nhân vật, từ nhỏ đã giác ngộ được đạo lý “tính không” đến khi trưởng thành thì toàn tâm toàn ý làm chuyện phát triển Phật giáo lớn mạnh. Những thứ đẹp nhất trên đời như tùng phong, thủy nguyệt, tiên lộ, minh châu đều không thể sánh được với phẩm cách thanh tịnh và minh lãng của Huyền Trang.

(dịch từ Phật giáo cố sự, Chu Thụy Văn,

Nxb Học Lâm,Thượng Hải, 2011)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6357539