Thông tin

SỰ TÍCH THÍCH CA PHẬT ĐÀI

SỰ TÍCH THÍCH CA PHẬT ĐÀI

 

HỮU CHÍ

 


Tượng đức Phật ở Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu

 

Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gắn với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, sống động thành khu danh thắng đẹp, mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử tôn giáo,

Thích Ca Phật Đài nằm trên triền núi Lớn thuộc địa bàn Phường 5 thành phố Vũng Tàu, cách chợ Bến Đình khoảng 1 km. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài có diện tích khoảng 5 ha, trông như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp, cao dần từ 3 m đến 29 m so với mực nước biển. Các công trình ở đây được thể hiện trên triền núi, được chia thành ba cấp theo một hình tháp cao dần từ 3 m đến 29 m so với mực nước biển.

Cấp 1 là Tam quan và khu vườn hoa.

Cấp 2 là khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống.

Cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật tích, bao gồm các công trình kiến trúc điêu khắc:

 Đầu tiên là tượng đức Phật đản sanh với 1 tay chỉ lên trời, 1 tay chỉ xuống đất.

Tiếp theo là hình ảnh đức Phật xuất gia với tượng Thái tử Tất Đạt Đa đang xuống tóc, Bạch mã và người hầu Channa Xa Nặc.

Tiếp theo là tượng đức Phật thành đạo ngồi tham thiền trên tòa sen trong đó có tôn trí 3 viên ngọc Xá lợi Phật. Tượng đức Phật ngự trên đài bát giác bằng ximăng cao 4,5 m, tòa sen cao 2 m, đường kính 4 m, tượng đức Phật cao 5,1 m, tổng cộng tượng đài cao 11,6 m. Nhà Bát giác có tượng Đức Phật chuyển pháp luân ngồi trên tòa sen, năm anh em đại sĩ Kiều Trần Như Kondanna ngồi nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Giả Isipatana.

Tiếp theo là quần thể tượng voi, khỉ dâng hoa quả cho Đức Phật.

Bảo tháp Xá lợi Phật hình bát giác cao 17 m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên Xá lợi Đức Phật do Đại đức Narada Maha Thera người Tích Lan cúng dường. Bốn phía đặt bốn đỉnh lớn, trong có chứa đất mang về từ bốn Thánh tích động tâm ở Ấn Độ là vườn Lâm-tỳ-ni, nơi đức Phật đản sinh; Bồ Đề Đạo tràng, nơi đức Phật thành đạo; vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật chuyển pháp luân và rừng Sala Song Thọ tại Kushinagar, nơi đức Phật nhập diệt.

Cuối cùng là tượng Phật nhập Niết bàn quay về hướng Tây, cao 2,4 m , dài 12,2 m, bên dưới 9 tỳ khưu đứng chắp tay.

Thích Ca Phật Đài là một trong những danh thắng thu hút nhiều khách du lịch nhất của Vũng Tàu. Hàng năm Thích Ca Phật Đài đón chào hàng chục vạn du khách từ khắp nơi đến  hành hương vãng cảnh.

CƠ DUYÊN NÀO MÀ CÓ THÍCH CA PHẬT ĐÀI?

Cơ duyên nào đưa đến cho thành phố Vũng Tàu có một thắng cảnh di tích tâm linh, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa  cấp quốc gia, thu hút không những đối với hàng Phật tử trong nước mà cả du khách phương xa khi đến thăm thành phố biển Vũng Tàu?

Năm 1948, ông Nguyễn Văn Hiểu, cư sĩ Phật giáo, một công chức chánh ngạch Kỹ sư công chánh, từng là Giám đốc Hỏa xa miền Nam năm 1944, khởi công xây dựng chùa Kỳ Viên tại Bàn Cờ - Sài Gòn và thỉnh chư Tăng đến thuyết pháp, trong đó có Pháp sư Thông Kham từ Lào đã được thỉnh về thuyết pháp tại chùa Kỳ Viên này.  Đại đức Narada Maha Thera, một danh tăng của nước Tích Lan cũng đã đến ngôi chùa này mở đạo tràng giảng giáo lý.

Vào cuối thập niên 40, Đại đức Narada có dịp viếng vùng núi Lớn cùng ông Lê Quang Vinh, cư sĩ Phật giáo, một Đốc phủ sứ có chức quyền ở địa phương. Trong lúc viếng thăm triền núi Lớn gần khu vực Bến Đình, Đại đức Narada có ý kiến với ông Vinh: "Nơi đây thích hợp lập một ngôi chùa".

Đến năm 1957, ông Lê Quang Vinh khi về hưu đến đây khai phá vùng đất hoang vu ở bên sườn núi Lớn. Vào thời điếm này, nơi đây ít cư dân sinh sống mặc dù đã có đường trải nhựa từ Bến Đình đến Bến Đá. Ông dựng lên chùa Thiền Lâm để tu hành và xuất gia, có  pháp danh Thích Giác Pháp.

Ngày 14/5/1957, ông Nguyễn Văn Hiểu đứng ra thành lập Tổng Hội Phật giáo Nguyên thủy dành cho cư sĩ hoạt động. Ngày 18/12/1957, ông cùng với các Cao tăng Nam tông thành lập Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Trong thập niên 1950, khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, Đại đức Narada  Maha Thera mỗi khi qua Việt Nam thường trụ và thuyết pháp tại Kỳ Viên Tự, trụ sở Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy Theravada, tại đường Phan Đình Phùng vùng Bàn Cờ, thu hút đông đảo Phật tử đến nghe. Trong một buổi thuyết pháp, vị tăng thường phiên dịch bỗng nhiên ngã bệnh trước lúc Đại đức đăng đàn. Cư sĩ Hồ Đắc Thăng, tốt nghiệp Cử nhân ngành khảo cổ học ở Pháp, một học giả có trình độ Phật học thâm sâu, Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Sĩ Tải, Bà Rịa, được suy cử thay thế và được Đại đức Narada chấp nhận. Và từ sau đó, tất cả các thời pháp, bài viết hay kinh sách của Đại đức Narada đều do ông Cử Thăng dịch hay nhuận sắc và ông luôn luôn sát cánh bên Đại đức mỗi khi Đại đức qua Việt Nam.

Ngày 02 – 11 – 1960, nhằm ngày 14 tháng 9 năm Canh Tý, Phật lịch 2503, Đại đức Narada Maha Thera trở lại viếng núi Lớn và đã trồng tại đây một cây Bồ đề từ một cây con ở cố đô Anuradhapura nước Tích Lan, gốc chiết từ cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo tràng, bang Bihar, Ấn Độ.


Cây Bồ đề do Đại đức Narada Maha Thera trồng ngày 2/11/1960 tại Thích Ca Phật Đài

Đầu năm 1961, chùa Thiền Lâm được trùng tu. Đại đức thường đến chùa Thiền Lâm mỗi khi Đại đức sang thăm Việt Nam. Gần bên chùa, một trai thất nhỏ dành riêng cho Đại đức Narada Maha Thera mỗi khi Ngài lưu lại đây.

 Thời gian sau, Đại đức Narada cùng cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu viếng chùa Thiền Lâm, Đại đức Narada nói: "Nơi đây nên xây bảo tháp để tôn thờ Xá lợi của Đức Thế Tôn".

Sau đó, ông Nguyễn Văn Hiểu đứng ra vận động quyên góp tài chính để xây dựng một khu tôn thờ Ngọc Xá Lợi cũng như quảng diễn cuộc đời của Đức Phật.

Thoạt tiên, chỉ có kế hoạch xây bảo tháp. Nhưng, hàng ngũ tăng ni và Phật tử nhận ra rằng để công trình tốt đẹp trọn vẹn ắt phải thêm Thích Ca Phật Đài. Nhiều người phát tâm bồ đề, tích cực đóng góp. Cư sĩ khảo cổ Hồ Đắc Thăng được suy cử thực hiện đại công trình.

Cư sĩ Hồ Đắc Thăng cùng Đại đức Narada đi tìm điêu khắc gia, ngẫu nhiên gặp cơ sở tạc tượng của ông Phúc Điền ngay mặt tiền đại lộ Lục Tỉnh ở Chợ Lớn, nay là đường Hùng Vương, Q.6, TP. Hồ Chí Minh, trước chùa Tuyền Lâm.

Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4-6-1961. Lễ khởi công xây dựng được tổ chức vào ngày 20-7-1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào hai ngày 09 và 10-3-1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).

Ông Bùi Quang Điển (Phúc Điền), một nghệ nhân đã tạc nhiều pho tượng ở các ngôi chùa cổ, là người thực hiện pho tượng Kim Thân Phật Tổ ở Thích Ca Phật đài.

Ông Phúc Điền cử học trò Hoàng Gia Thuận đảm trách khâu mỹ thuật ở công trường. Thích Ca Phật Đài toạ lạc trước cội Bồ đề do Đại đức Narada đưa cành chiết từ Tích Lan về trồng ngày 2-11-1960. Thứ Bảy 18-8-1962, tôn trí 3 viên ngọc xá lợi vào kim thân. Cũng trong dịp này, 13 viên ngọc Xá lợi được tôn trí vào lòng bảo tháp.

Tượng Kim Thân được thi công tại chỗ, phần đầu đắp đất sét tại xưởng riêng ở Phú Thọ Hòa, nay thuộc quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Tại xưởng, đầu Thích Ca Phật Đài chẳng phải được đúc bê tông như người ta lầm tưởng, mà đắp đất sét. Xong, tạo khuôn thành nhiều mảnh bằng xi măng, đoạn chuyển về Vũng Tàu. Trên sườn núi Lớn, đầu tượng được đúc bê tông đặc, xong nâng lên ráp vào thân.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6059225