SỰ TỰ DO TRONG TU TẬP
SỰ TỰ DO TRONG TU TẬP
MINH HIỀN
Sau khi đạt đến giác ngộ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy Phật pháp trong suốt 45 năm. Tất cả những điều dạy đó đã tạo thành những Tạng kinh mà hiện nay được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Người ta cho rằng có 84.000 Phật pháp hay điều dạy của đức Phật, nhưng thật sự cũng có thể nói rằng đức Phật chỉ dạy có một điều, một chỉ dẫn sâu xa duy nhất, đó là cách tu tập như thế nào trên tinh thần hay trên tri thức của con người. Tinh thần là cái tri giác hay trí tuệ hay linh hồn mà Phật giáo gọi là tâm. Tâm được trình bày dưới nhiều hình thức và bối cảnh khác nhau, trong kinh Hoa Nghiêm "một niệm ở tâm", trong kinh Kim Cang nói rằng khi chúng ta hàng phục và an trụ được tâm thì thành Phật, trong kinh Bát Nhã đề cập đến trí tuệ, khi tâm đạt đến đươc "tánh không" là giác ngộ, là giải thoát, v.v…
Tu tập trên tinh thần là luyện tập trên những ý nghĩ, trên cái tâm của mình. Những cảm xúc và cảm giác căn bản sâu xa gắn liền và trói buộc với tự ngã hay "cái tôi" của chính mình. Cái tôi hiện hữu không hình thể trong tất cả mọi người. Nó không nói một ngôn ngữ nào, không mặc y phục của một quốc gia nào đặc biệt. Những cảm xúc của chúng ta không biểu tượng cho một văn hoá nào cả. Sự giận dữ là sự giận dữ, không khác nhau giữa giận dữ của một người Việt Nam hay giận dữ của một người Trung Quốc. Có thể có sự khác nhau về cách thức bày tỏ hay chịu đựng giận dữ nhưng sự giận dữ ở bên trong con người đều giống nhau. Cũng giống như thế, không có sự tạo hình cái tự ngã hay cái tôi và nó cũng không có hình thể. Dù anh đến từ đâu, từ nước nào, luôn có một tình cảm nền tảng của cái "tôi" giống như tất cả mọi người. Không có tình cảm cái "tôi" cho những người Hà Nội và tình cảm cái "tôi" cho người Âu - Mỹ. Ngoài ra, tình trạng đau khổ dường như thể hiện ở mọi nơi không phân biệt nước này hay nước kia. May thay hay khốn thay, ít nhất loài người lại chia sẻ được những kinh nghiệm mà không bị ngăn cách và không có sự khác biệt giữa loài người chúng ta.
Cũng cùng phương thức như thế, biết được sự tỉnh thức cũng giống nhau đối với tất cả mọi người. Đó là một kinh nghiệm của tinh thần siêu việt hóa kiến thức văn hóa. Sự hiểu biết hay kiến thức tu tập đem lại sự tỉnh thức cũng phải là phổ quát, nếu không, mỗi quốc gia phải cần có một sự tỉnh thức riêng tư. Nếu đã hiện hữu một bản chất tinh thần hay trí tuệ Á châu khác với Mỹ châu, Âu châu hay Phi châu thì chúng ta cần phải kết luận rằng thật vô ích học hỏi hay dạy dỗ sự giác ngộ của đức Phật ở những nơi khác ngoài Á châu và tránh được mất thời giờ, tiền bạc và sự đau đầu. Tuy nhiên, khi nhìn chung quanh, chúng ta thấy rằng các hình thái chân lý cũng tự biểu hiện khắp nơi. Nó dường như không phải được chọn lựa, hay đặt ra. Ở Đông phương hay Tây phương cùng có giấc ngủ, cùng có đau khổ, cùng có tỉnh thức và cùng có hạnh phúc.
Khi đức Phật đạt được giác ngộ, tỉnh thức, ngồi dưới cây bồ đề trong một cánh rừng thì điều đó không có gì linh thiêng đặc biệt chung quanh Ngài. Ngài chỉ làm một công việc là nhìn vào tinh thần, tức tâm của Ngài. Tất cả những gì Ngài có là kinh nghiệm đời sống và sự hiểu biết, của phương cách làm việc trên tinh thần của Ngài. Những gì khác Ngài có được là sự quyết định và sự chắc chắn có khả năng đối phó với những gì có thể xảy ra trong tinh thần của Ngài để kết cuộc có thể chuyển hóa vào con đường tỉnh thức.
Giả sử, nếu chúng ta gặp đức Phật và đi theo con đường tâm linh của Ngài mà chúng ta ưa thích thì lúc đó trước hết chúng ta phải biết rõ một vài điểm trước khi bắt đầu. Thứ nhất, đạo Phật trước tiên là một nghiên cứu về tinh thần và một hệ thống giáo dục khởi từ bản chất tâm linh, chứ không phải từ tôn giáo. Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm biết chính bản thân con người chứ không phải là sự cứu nguy, sự tự do, cũng không phải tìm thiên đàng. Sự nghiên cứu này đặt trên phán đoán và phân tích, tham thiền và thiền định nhằm chuyển hóa một sự hiểu biết trên một sự vật nào đó, trên một nhận thức làm siêu việt hóa sự thông hiểu đó. Tuy nhiên, nếu không có sự tò mò và đặt câu hỏi của chúng ta thì sẽ không có con đường, không có hành trình dốc lòng thực hiện, ngay cả khi chúng ta chấp nhận tất cả những hình thức theo truyền thống. Chúng ta phải biết cuộc hành trình tu hành của đức Phật được bắt đầu bởi sự mong muốn hiểu biết chân lý trên ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Ngài đã đi tìm một thứ mà Ngài không biết trước được những gì Ngài sẽ tìm thấy.
Sinh ra để được tự do. Tự do nghĩa là gì trong Phật giáo? Làm thế nào trở thành tự do? Đó là những câu hỏi và câu trả lời được tìm thấy trong sự tỉnh thức nổi dậy trong tinh thần của đức Phật. Phần lớn trong đời sống hằng ngày, chúng ta không cảm thấy được tự do thật sự. Khi nói đến tự do, chúng ta cũng nghĩ đến những sự ngược lại của nó như thân phận nô lệ, trói buộc, thiếu độc lập, đau khổ, mất hạnh phúc, ràng buộc, sự kiện ảnh hưởng hay bị xâm lấn bởi sự kiện hay người nào đó bên ngoài đối với chúng ta. Không ai ưa thích những điều đó và khi ở trong tình trạng này, chúng ta vội vàng tìm một phương tiện ngăn ngừa tránh khỏi chuyện đó. Tất cả những sự ngăn cản nhắm vào sự sống, sự tự do, sự theo đuổi hạnh phúc gây ra một sự kháng cự mạnh mẽ, khốc liệt. Một khi hạnh phúc và tự do ở vào cục diện dồn đến chân tường thì khiến chúng ta trở nên có khả năng trở thành nổi loạn.
Theo đức Phật thì không bao giờ nghi ngờ về sự tự do của chúng ta, vì chúng ta sinh ra để được tự do. Bản chất thật sự của tinh thần là sự trí tuệ, khôn ngoan và lòng từ bi trong sáng. Tinh thần của chúng ta luôn luôn tỉnh thức một cách sáng rỡ và ý thức. Tuy nhiên, chúng ta luôn bị quay cuồng đảo lộn bởi những ý nghĩ đau khổ và bởi cảm xúc nổi dậy, những cảm xúc đó luôn quấn quýt một bên. Chúng ta sống trong sự lẫn lộn và sự sợ hãi mà không thấy được một ngõ thoát ra nào cả. Vấn đề là chúng ta không phân biệt được những gì thật sự ở tận cùng bên trong của chúng ta. Chúng ta không biết được khả năng bản chất tỉnh thức của chúng ta. Chúng ta tin tưởng vào những gì hiện ra dưới mắt và chúng ta chấp nhận sự đánh giá một sự vật, một bệnh tật, một tai nạn hay một thất vọng như một sự thật. Vào lúc đó, chúng ta cần đặt lại vấn đề những sự tin tưởng của chúng ta và bắt đầu tìm kiếm một thật tướng với trí tuệ phong phú và dài hạn hơn. Đó là lúc chúng ta bắt đầu bước trên con đường giải thoát.
Trên con đường này, những gì chúng ta cần giải phóng đó là sự ảo tưởng, là huyễn hóa và những gì giải thoát cho chúng ta khỏi từ ảo tưởng, huyễn hóa hay vọng tưởng đó là sự khám phá ra sự thật, ra thật tướng vì chúng ta là những con người sinh ra là được tự do. Để thực hiện sự khám phá đó, chúng ta cần phải vận động sức mạnh trí tuệ của tinh thần tỉnh thức riêng tư và hướng về mục tiêu của chúng ta: khám phá, ngăn cản vô minh và vượt lên trên để tìm kiếm giải thoát.
Để làm công việc đó, chúng ta cần phải bắt đầu quan sát những biến cố hay những "thảm kịch" của cuộc đời không phải với con mắt bình thường mà phải với đôi mắt Phật pháp. Những biến cố hay "thảm kịch" là gì? Và đôi mắt Phật pháp đó là gì? Nếu chúng ta nói rằng những biến cố đó hay "thảm kịch" đó là những ảo tưởng biểu hiện như một sự thật chứ thật sự ra không phải thật và với đôi mắt Phật pháp chúng ta có thể nhìn ra được sự thật của chính sự vật hay sự kiện. Tất cả những gì gọi là bản chất của sự vật, hay những gì gọi là tình trạng sơ khởi của một sự thật không thay đổi từ ngày này sang ngày nọ, hay theo thời thượng, hay theo trình trạng tinh thần vui vẻ hay khổ đau hay theo thời khóa biểu của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta đề cập đến ở công việc quan sát biến cố hay "thảm kịch" này là những thành phần của bất cứ cảm xúc, của bất cứ sự đối nghịch, những hành động cũng như cảm tưởng xảy đến do một yếu tố khẩn cấp, quan trọng đối với đối tượng quan sát nói trên. Nhìn dưới đôi mắt Phật pháp thì "thảm kịch" cá nhân có thể bắt đầu từ những sự kiện liên quan đến tính chất đồng nhất hay hành động bị kích thích bởi những cảm xúc, quan niệm của chúng ta, nên "thảm kịch" đó đã sớm biến cải thành tưởng tượng hoàn toàn và trở nên khó khăn tháo gỡ hơn, cũng giống như những diễn tiến của những "thảm kịch" trong những giấc mơ của chúng ta. Cảm tưởng của sự thật như thế luôn tự xa dần hơn so với cái sự thật sơ khởi thật sự của chính nó. Và chúng ta hoàn toàn đánh mất cái nhìn sự thật của chúng ta, cái bản chất hay bản thể sự vật của chúng ta. Ở vào giai đoạn nhận thức điên đảo vọng tưởng này, chúng ta không còn có phương tiện nào để phân biệt được những sự kiện của vọng tưởng, cũng không phát triển được sự hiểu biết chính mình hay sự giác ngộ có thể để giải thoát ra khỏi những ảo tưởng của chúng ta.
Nhà tu Tây Tạng Dzogchen Ponlop một hôm khi đang nghiên cứu Tạng kinh luật gồm những chỉ dạy của đức Phật dành cho tất cả mọi cộng đồng, bỗng nhiên lúc đó ông rất thích thú về sự hiểu biết được giải bày một cách nghiêm túc; ông ta cảm thấy bên trong một chút tỉnh thức nổi dậy, nó giống cái cảm giác không thỏa mãn mà ông ta đã cảm nhận ra ở những lễ nghi trống rỗng và những giá trị định chế của tất cả những truyền thống tôn giáo. Những nghiên cứu sau đó của ông ta gặp được khái niệm Phật giáo về trạng thái trống không của mọi sự vật khiến ông hoàn toàn sững sờ. Ông ta tự hỏi không biết đức Phật muốn nói gì ở đó: trạng thái trống không ở đây, trống không ở kia, cái bàn trống không, cái tôi trống không! Ông ta có thể sờ mó và thấy được cái bàn và cái cảm tưởng cũ xưa "cái tôi" của ông vẫn luôn luôn còn đó, không suy chuyển. Tuy nhiên, trong khi tham thiền, suy ngẫm những chỉ dạy này, ông ta nhận ra rằng ông chưa bao giờ khai thác tinh thần của mình vượt trên những tiến trình tinh thần thường lệ theo thói quen của ông ta. Ông ta chưa hề gặp những chiều hướng nào sâu xa hơn tâm linh của mình. Trạng thái trống không này, nó xác chứng gì, phải chăng là một khám phá cách mạng, tràn đầy những khả thi để giải thoát ông ta ra khỏi lòng tin mù quáng luôn luôn nằm trong chủ nghĩa hiện thực mà bỗng nhiên nó dường như quá ngây thơ và giản dị. Ông ta cảm thấy thật sự tự do, chỉ cần đọc những chỉ dạy này, và tình cảm tự do này đã lớn mạnh đến tận cùng trong thực hành tu tập của ông ta.
Đức Phật đã mong muốn một cách đơn giản tìm biết những gì là thật và những gì là ảo. Chúng ta muốn mọi người tìm thấy một sự thật rõ ràng trên tính đồng nhất thật sự mà chúng ta luôn luôn tìm kiếm. Nhưng chỉ có thể khám phá tính chất đồng nhất đó một khi chúng ta được hướng dẫn bởi sự hiểu biết, bởi sự giác ngộ riêng tư của chúng ta – đó là Phật tính riêng tư nổi dậy bên trong chúng ta. Do cố gắng, chúng ta sẽ đạt đến được sự sắc bén của đôi mắt, đôi tai của sự trí tuệ cho đến những gì chúng ta biết được chân lý trong khi nhìn hay trong khi nghe. Nhưng phương cách nhìn và nghe này là một nghệ thuật mà chúng ta phải học hỏi, tập tành. Rất thường mỗi khi chúng ta tin tưởng là mở rộng và chấp nhận thì không đạt được gì cả. Tinh thần của chúng ta đã tràn đầy những kết luận, những phán đoán hay những cách thức đã được quy định sẵn, nên chúng ta không còn muốn có thêm một xác định nào nữa và cũng không còn muốn học hỏi thêm. Tuy nhiên, khi chúng ta có một tinh thần thật sự tự do, mở rộng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta cảm thấy một cửa ngõ và một sự mời mọc, một sự hiếu kỳ và một sự thông tin thật sự với một cái gì bên ngoài thường lệ của chúng ta. Trong trường hợp này, chúng ta lần lượt lắng nghe bất cứ sự thật nào đưa đến chúng ta trong từng lúc, sự thật đó đến từ một người khác, từ một cuốn sách hay từ những nhận thức của chính thế giới này. Khi nghe âm nhạc, khi tinh thần hoàn toàn nổi lên, chúng ta tìm thấy lại được một mức độ khác nhau. Chúng ta nghe mà không phán đoán, không giải thích theo một cách lý trí bởi vì chúng ta nghe bằng con tim.
Khi chúng ta có khả năng nhận thức được chân lý ở trình độ đó, lúc đó chúng ta sẽ khám phá ra được sự thật dưới hình thức trần trụi của nó, do từ văn hóa, ngôn ngữ, thời gian và nơi chốn, đó là chân lý mà Thái tử Tất Đạt Đa trong khi trở thành đức Phật hay sự "tỉnh thức". Tỉnh thức để biết thực sự chúng ta là những gì, là những ai, đã vượt trên những "thảm họa" cá nhân và trên những tính chất về sự đồng nhất trong văn hóa thay đổi của chúng ta, đó là một tiến trình chuyển hóa tạo dựng lại sự ảo tưởng trong tình trạng nền tảng của sự thật. Sự chuyển hóa này là một cuộc cách mạng của tinh thần tự do mà chúng ta cố gắng đạt đến nơi đó để sử dụng trong công việc khám phá.
Người ta nhận ra rằng vật cản trở khiến cho chúng ta không nhìn thấy bản chất sự thật của tinh thần hay Phật tính, chính là tinh thần riêng tư, phần bận tâm, lo lắng của tâm linh chúng ta, tinh thần này bị lôi cuốn đi tức thời ở mỗi lúc bởi một thác đổ những ý nghĩ không dứt, bởi những cảm xúc, bởi những quan niệm. Tinh thần xáo trộn ồ ạt này là con người mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào nó. Thí dụ, khi chúng ta nổi giận, chúng ta chỉ chú ý đến việc đối phó với những gì khiến chúng ta điên cuồng hơn là nguyên nhân thật sự của sự mất bình tĩnh, hay do từ đâu đến. Nói cách khác chúng ta ghi nhận những gì tinh thần làm nhưng không thấy được chính tinh thần của chúng ta. Chúng ta định rõ đối với tinh thần lay động này gồm những ý nghĩ, những cảm xúc, những tư tưởng, và kết thúc bằng tin tưởng rằng đó là "tôi" và bằng "phương cách của tôi".
Khi chúng ta làm như thế thì giống như chúng ta đã ngủ, đang mơ và tin rằng những hình ảnh trong giấc mơ đều là thật. Thí dụ chúng ta mơ đang bị bắt đuổi bởi một kẻ lạ hăm dọa, tình trạng hình như thật đáng sợ và rất thật. Nhưng khi chúng ta tỉnh giấc, người lạ đó và những cảm giác sợ hãi biến mất và sự sợ hãi được giải thoát. Mặt khác, nếu chúng ta đã biết từ lúc đầu thì sẽ không có một cảm xúc sợ sệt nào cả.
Cũng như thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta dường như là những con người ngủ mơ, tin tưởng giấc mơ là sự thật và như đang sống tỉnh táo. Chúng ta tin là đang thức tỉnh, nhưng thật sự chúng ta không thức. Chúng ta tin rằng tinh thần dao động của những ý nghĩ và những cảm xúc là con người thực sự của chúng ta. Nhưng khi chúng ta tỉnh ngủ trở lại một cách thật sự, sự hiểu lầm về sự nhận định biến mất và cùng lúc đó chỉ còn lại những sự đau khổ trên sự nhầm lẫn này.
Trên đây là những nhận xét, những khám phá tinh thần tự do cần thiết trong việc tu tập của một người Phật tử, còn việc tìm hiểu bản chất của mọi vật chất hay tinh thần, trong công việc tu tập để đạt đến những nhận thức về trạng thái trống không của mọi sự vật được nêu ở trên đây, chúng tôi sẽ có dịp đề cập đến sau này.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết