Thông tin

SỨC SỐNG MÃNH LIỆT CỦA PHẬT GIÁO

SỨC SỐNG MÃNH LIỆT CỦA PHẬT GIÁO

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH dịch

 

 

Tôi có thể dùng một vài trải nghiệm thiết thân của mình để chứng minh Phật giáo tại Trung Quốc có một sức sống khiến mọi người ngạc nhiên.

Vùng Dư Dao [tỉnh Chiết Giang] quê tôi từng là nơi xuất thân của một số bậc “Đại Nho” được thiên hạ công nhận, như Vương Dương Minh, Hoàng Tông Hi, Chu Thuấn Thủy, nhưng đến ngày tôi sinh ra thì trong vùng đường kính vài chục dặm đã chẳng còn ai biết tên tuổi các nhân vật kể trên, lại càng chẳng có người nào biết các vị ấy từng đưa ra những chủ trương gì, nói những gì, cho dù chỉ là vài lời. Quê tôi như thế đấy, dĩ nhiên các vùng khác cũng đại để như vậy cả thôi. Về sau khi lớn lên tôi đã suy đi nghĩ lại về hiện tượng này, qua đó từ bỏ rất nhiều mơ mộng văn hóa không thực tế của mình.

Tư duy tầng cao dù có tinh túy thâm sâu đến đâu nhưng nếu mãi mãi tách rời về cơ bản với trình độ văn minh của đất nước thì thử hỏi ý nghĩa cuối cùng của tư duy ấy là gì? Quê tôi thời bấy giờ [tác giả sinh năm 1946] loạn lạc triền miên, trộm cướp hoành hành. Dấu vết duy nhất có liên quan tới nền văn minh là nhà nào cũng có một nữ gia trưởng ăn chay niệm Phật, hàng ngày làm những việc “Tích đức hành thiện”. Các bà ấy chẳng ai biết chữ cả nhưng họ lại đều có thể tụng niệm thuộc lòng “Tâm kinh Bát Nhã Ba la mật đa”, trong đó khoảng một phần ba phụ nữ còn có thể đọc thuộc lòng “Kinh Kim Cương”. Là người đứng đầu gia đình, họ dẫn dắt có hiệu quả hướng suy nghĩ, tâm tư của mọi thành viên trong nhà. Kết quả là ngôi điện Phật nho nhỏ tường màu vàng cùng cái mõ, các nhạc cụ như cái khánh và cái chũm chọe trở thành những vật gửi gắm tâm tình của người dân những xóm nghèo này. Tôi tin rằng sở dĩ các thôn xóm bần hàn đó chưa bị tan rã bởi những nỗi cừu hận, chưa bị cuốn theo làn sóng tà ác, tất cả đều có liên quan tới đội ngũ niệm Phật do những phụ nữ mù chữ ấy họp thành. 

Trong các thôn xóm này, ông ngoại tôi là người duy nhất có hiểu biết về một số tác phẩm kinh điển của văn hóa Trung Quốc. Ông tôi sống cuộc đời an nhàn nhưng nghèo khó theo cách của người tôn sùng triết lý Đạo gia, tự hưởng niềm vui mình tạo ra, không chút quan tâm tới thời cuộc. Đôi khi ông viết lên tường những câu thơ điền viên, chỉ riêng mình ông thưởng thức. Đạo gia không phải là Đạo giáo. Ở xóm bên cạnh cũng có một vị Đạo sĩ danh chính ngôn thuận. Đạo sĩ có địa vị rất thấp trong lòng thôn dân, chỉ giúp làm một vài nghi thức mai táng, trừ tà đuổi bệnh, còn bình thường hoàn toàn chẳng khác gì mọi thôn dân.

Bức tranh hồi ức tuổi thơ này của tôi không có gì đặc biệt, bởi lẽ sau này tôi đã hỏi rất nhiều người hơn tuổi hoặc cùng tuổi xuất thân từ các làng xóm khác, họ đều từng có tình cảnh tương tự như tôi. Điều đó cho thấy trong vi ti huyết quản dưới làn da trên cơ thể hầu hết những người sống ở nơi phát xuất nền văn minh Trung Hoa, dấu tích của Phật giáo năng nổ và hữu hiệu hơn rất nhiều so với các thành phần văn hóa khác. 

Điều đáng tiếc là thời bấy giờ bản thân Phật giáo cũng đã bắt đầu suy vi. Từ cuối triều nhà Minh, tại vùng đất phía Đông Nam Trung Quốc, do kinh tế phát triển, chủ nghĩa công lợi [1] hoành hành, tu Phật trở thành thủ đoạn cầu phúc, hơn nữa còn xuất hiện không ít kinh văn và môn phái trực tiếp đối ứng với mục tiêu công lợi. Từ đời nhà Thanh cho tới thời cận đại, xu thế này ngày càng mạnh lên. Phật giáo vốn dĩ là để dẫn độ chúng sinh vứt bỏ lòng tham, hướng tới sự siêu việt, thế nhưng nhiều nơi làm ngược lại, tới mức xuất phát từ lòng tham mà đi lễ Phật. Hương khói nghi ngút khắp mọi chùa chiền nhưng người ta thắp hương là để thỏa lòng tham. Tại những nơi cách không xa cảnh tượng khiến người đời buồn rầu than vãn ấy, không ít vị đại sư Phật học đang nghiền ngẫm và giảng giải kinh Phật. Thế nhưng họ chỉ nói về những nghĩa lý cao siêu trên nước Trời, người bình thường rất khó hiểu được. Hai thái cực ấy tạo ra xu thế suy thoái của Phật giáo.

Sau khi đến Đài Loan, tôi bắt đầu có những ước vọng vui mừng về tiền đồ của Phật giáo. Trong mấy chục năm qua, Phật Quang Sơn [đạo tràng và quần thể kiến trúc Phật giáo lớn nhất Đài Loan, rộng 200 hecta] do đại sư Tinh Vân sáng lập đã dốc sức giúp cho Phật giáo đi vào đời sống hiện thực của dân chúng, đi tới các sự nghiệp lớn ở khắp nơi trên thế giới, đem lại kết quả xuất sắc. Phật Quang Sơn đã có quần thể tín đồ cố định lên tới vài triệu người. Tôi từng ở nơi đó nhiều lần, từng thấy từng đoàn từng đoàn đông đảo tăng lữ trẻ tuổi có nền tảng giáo dục quốc tế hiện đại nở nụ cười hồn nhiên trong trắng ngày ngày hăng hái bận rộn làm mọi việc lớn việc nhỏ có lợi cho chúng sinh.

Tôi cho rằng trong quá khứ, tính chất quan trọng của Phật giáo đã được thời gian hơn hai nghìn năm chứng minh đầy đủ, còn tính chất quan trọng hiện thực của Phật giáo sẽ được thực tiễn hiện nay chứng minh. Giờ đây, các Phật tử đã triển khai vẻ vang quá trình chứng minh này, như thế là rất tốt. Vì sao Đài Loan trải qua quá trình chuyển đổi hiện đại và sự va chạm bên trong bên ngoài phức tạp như thế mà vẫn không bị tan rã?     

Ở đây, có một nguyên nhân quan trọng là Phật giáo. Ngoài Phật Quang Sơn ra, Hội Từ Tế Công Đức do thiền sư [2] Chứng Nghiêm lãnh đạo cũng làm tôi rất xúc động. Coi điều trị y học là công tác trung tâm, Hội đưa nhân viên đến khắp nơi tiến hành công tác cứu trợ nạn nhân. Cho dù nơi nào trên thế giới bất ngờ xảy ra thiên tai, Hội này bao giờ cũng tranh thủ có mặt ngay lập tức tại hiện trường để tổ chức cứu trợ, khiến cho mọi người hết lần này đến lần khác đều mạnh mẽ cảm nhận được ý nghĩa của sự nghiệp từ thiện Phật giáo. Hội Công đức Từ tế có quần thể hội viên cố định lên tới mấy triệu người.

Bất kể là đại sư Tinh Vân hoặc thiền sư Chứng Nghiêm hay một triết gia Phật giáo, tôi rất tôn trọng là thiền sư Thánh Nghiêm. Các vị ấy đã làm được nhiều việc thiện như thế, nhưng lại đặt trọng tâm là khai mở về tinh thần. Trong khi khẳng định đời người đầy những niềm vui bình thường, họ hành xử như các vị đạo sư hiền lành, không ngừng giảng giải cho con người hiện đại hiểu được những nghĩa lý Phật giáo cơ bản nhất, thiết thực và sinh động loại bỏ các trở ngại ích kỷ trong tâm trí của mọi người, qua đó giảm bớt được nhiều xung đột ác tính trên thế giới. Sự hoan nghênh cao độ mà các vị ấy nhận được từ dân chúng khắp nơi cho thấy luồng ánh sáng tỏa ra từ Phật giáo đã vượt qua các đời trước.

Nhờ có các vị đạo sư ấy, tôi chẳng những lạc quan với tương lai của Phật giáo mà còn ôm ấp niềm lạc quan nào đó với thế đạo nhân tâm, suy ra thậm chí còn lạc quan về nền văn hóa Trung Hoa.

Mảnh đất này của chúng ta rất tự mãn vì đã chở trên mình quá nhiều trống trận và vó ngựa chinh chiến cùng tiếng oa oa chào đời của nhân nghĩa đạo đức, nhưng rốt cuộc lại dành ra một khoảng không gian để cho một thứ âm thanh nhỏ nhẹ mà thần bí từ Tây Thiên truyền tới. Những vết chân trong sa mạc hoang vu đuổi theo xương trắng ấy không uổng công, bởi lẽ cái âm thanh mà chúng đuổi theo tìm về ấy đã trở thành nhu cầu tất nhiên làm cho giang sơn này náo nhiệt. Thế nhưng sông núi náo nhiệt lại hay làm cho người ta trở nên tê liệt trước các nhu cầu tất nhiên, vì vậy cũng xuất hiện một sứ mạng trang nghiêm mà nền văn hóa nên gánh vác lấy, đó là liên tục tái thức tỉnh nhân quần do tự mãn tự đại mà đang bế tắc về tâm linh.

Bắt đầu từ đời Ngụy, Tấn, Nam - Bắc Triều trở đi, các bậc trí giả Trung Quốc đã quen ngẩng đầu lắng nghe, phát hiện ra nơi nào có những âm thanh thực sự liên quan tới nội tầng sinh mạng con người, thứ âm thanh hoàn toàn khác với các loại tiếng động ầm ỹ vang dội. Chính là sự lắng nghe ấy đã dần dần dẫn đến nền văn minh Đại Đường tâm cảnh hiền hòa, phong cách cao quý.

Vậy thì chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe nhé!

Theo Dư Thu Vũ 
Tạp chí Văn hóa Phật giáo (Trung Quốc) 
余秋雨:佛教的生命力


[1] Còn gọi là chủ nghĩa vị lợi, duy lợi (tiếng Anh: Utilitarianism): quan điểm chủ trương hành động nhằm đạt lợi ích cao nhất cho mình.

[2] Tiếng Trung Quốc gọi là Pháp sư.

* Dư Thu Vũ (Yu Qiu-yu), sinh 8/1946, quê vùng Dư Dao, tỉnh Chiết Giang, hiện là Giám đốc Học viện Nghệ thuật nhân văn thuộc Đại học Khoa học Kỹ thuật Macao, Trung Quốc; giáo sư, học giả và nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, có nhiều tác phẩm bán chạy nhất thời gian thập niên 90 thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Từng làm Phó Giám đốc Học viện Sân khấu Thượng Hải, năm 1987 được tặng danh hiệu chuyên gia có cống hiến nổi bật cấp nhà nước Trung Quốc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6712282