Thông tin

SUY NGẪM LỜI THẦY TỔ (tt)

SUY NGẪM LỜI THẦY TỔ (tt)

            

MINH NGỌC

 

 

Thế nào là phát tâm chân thật tu hành? Ngài nói: “Tâm niệm luôn luôn nghĩ đến trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh; nghe con đường tu Phật dài xa, lòng không sinh thoái lui, khiếp sợ; xét chúng sanh khó độ, tâm không sinh chán nản, mỏi mệt. Như leo lên núi cao vạn trượng, ắt phải trèo lên tận đỉnh, hoặc lên tháp cao chín tầng, cũng phải đi đến tận ngọn. Đó gọi là phát tâm chân thật tu hành”.

Trong đây ngài nêu ra hai ý:

1- Nguyện: Ước muốn thành tựu quả Phật, tức là ước muốn thành đạt trí tuệ giác ngộ. Thể hiện tâm luôn luôn hướng về sự giác ngộ giải thoát làm chính, lấy trí tuệ làm sự nghiệp căn bản và chính thức của người tu sĩ. Đó là về phương diện bản thân. Đối với chúng sanh mọi loài thì thể hiện ước muốn hóa độ, lấy từ bi làm nền tảng. Tức là ước nguyện đầy đủ cả hai mặt tự lợi, lợi tha, từ bi, trí tuệ, như con chim có đủ hai cánh, thì mới có thể bay được.

2- Hành: Đã có nguyện đúng thì phải tinh tấn thực hành, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trở ngại. “Nghe con đường  tu Phật dài xa, lòng không sinh thoái lui, khiếp sợ”. Con đường thành tựu giác ngộ quả thật không bằng phẳng, thẳng thớm, và ngắn hạn mà phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành tích lũy dần mới đạt đến. Cho nên, đừng vì vậy mà nản lòng nhụt chí. Tổ Quy Sơn từng khuyến khích chúng đệ tử: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất tự khinh khi nhi thoái khuất”. Nghĩa là người đã là Thánh nhân, thì ta cũng vậy, đừng tự khi mình mà thoái lui. Ví như người chạy marathon, quãng đường rất dài, vận động viên cứ bền bỉ, vừa đi, vừa chạy, vừa nghỉ, v.v… ắt có ngày sẽ đến đích, chứ đừng vì dài mà bỏ cuộc ngang.

Đức Phật chúng ta, trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp tu hành đạo Bồ tát, Thập độ Ba la mật, một cách không ngừng nghỉ, cho đến kiếp hiện tại cuối cùng quyết chí tu hành, trải qua nhiều năm tháng tưởng chừng đã chết vì khổ hạnh, thế mà ngài đã vượt qua và thành Phật. Cho nên, các hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia hiện nay, cứ nhìn vào cuộc đời của đức Phật mà tự sách tấn bản thân; hoặc gần  hơn là các Thầy Tổ, huynh đệ bạn bè đồng tu, thiện hữu tri thức, mọi người, mọi loài xung quanh ta đã có ý chí mãnh liệt vượt khó, để lấy đó làm gương noi theo.

Còn việc thực hành hóa độ chúng sanh thì “xét chúng sanh khó độ tâm không sinh chán nản, mỏi mệt”. Đã gọi là chúng sanh thì vô lượng vô biên trình độ, căn cơ, tính cách. Có chúng sanh vốn dĩ đã có gieo trồng hạt giống Phật pháp nhiều đời trước, hoặc hiện tại, nên rất dễ hóa độ; có những chúng sanh cang cường, ngang ngược, mặc dù có được hướng dẫn tu học Phật pháp nhưng do tâm ngã mạn cống cao, đa nghi, mê muội… hoặc có chúng sanh chống đối, phỉ báng lại Phật pháp. Người đệ tử Phật dù bất cứ hình thức nào tại gia, xuất gia cũng nên nhận về mình trách nhiệm chuyển hóa, hướng dẫn chúng sanh cùng mình đi trên con đường Tự giác, Giác tha. Chúng sanh càng khó độ, thì chủ thể càng nỗ lực rèn luyện nội lực bản thân để đủ khả năng “chinh phục” đối tượng. Đôi khi, nghịch cảnh nghịch duyên lại là chất xúc tác mạnh hơn thuận cảnh thuận duyên đi đến thành công.

Khi xưa, đại đệ tử của Phật, ngài Phú Lâu Na có tài biện luận đứng đầu đã từng nói: Nếu họ không nghe lời con nói, thì con vẫn vui vì họ chưa mắng chửi; nếu họ mắng chửi thì con vẫn vui vì họ chưa đánh; nếu họ đánh thì con vẫn vui vì họ chưa đánh chết…

Cho nên, chúng sanh càng khó độ, lại là động lực tốt giúp cho người tu hành vượt qua, chứ không phải để co đầu rụt cổ thoái lui.

Thế nào là phát tâm giả dối tu hành? Ngài nói: “ Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong đục ngoài trong, trước siêng sau lười. Tuy có tâm tốt, phần nhiều bị lợi danh xen lẫn; tuy có thiện pháp lại bị tội nghiệp làm nhiễm ô”.

- Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ: Trên đời có hai loại người có sức mạnh: Một là không bao giờ làm lỗi, hai là nhận biết lỗi mà sám hối. Người thế gian không biết lỗi, hoặc biết lỗi không sám hối đã đáng chê trách, huống là người Phật tử tại gia cũng như xuất gia?

 Tu hành là sửa đổi hành vi của thân khẩu và ý từ dở thành hay, từ xấu thành tốt, biết là hành vi dở, xấu thì phải phát tâm sám hối trừ bỏ không làm nữa, nếu cứ tiếp tục thì việc tu hành chỉ là giả dối.

- Trong đục ngoài trong: Bên ngoài thể hiện thiền tướng oai nghi nhưng trong tâm đầy rẫy tham, sân, si. Câu chuyện tiền thân đức Phật kiếp xa xưa làm con sư tử tên Kiên Thệ, có bộ lông vàng óng ánh rất quý. Hàng ngày, sư tử thường mon men trong rừng kế cận các sư đang ngồi thiền, để nghe pháp. Có người thợ săn ham tiền thưởng đã giả mạo hình tướng tu sĩ, chờ sư tử đến gần, bèn rút cung tên có tẩm thuốc độc bắn chết.

Sư tử đau đớn cất tiếng rống lên: “Ta có thể vật ngươi chết, ăn thịt ngươi, nhưng vì màu áo này là màu áo của chư Phật, nên ta tha cho ngươi”.

Người tu hành nếu giả mạo trong đục ngoài trong thì chẳng khác kẻ thợ săn, săn bắn ngũ dục mà hưởng thụ.

- Trước siêng sau lười: Đây là một cái bệnh thường hay gặp. Người xuất gia cũng như Phật tử tại gia, bước đầu vào cửa Phật, ai cũng muốn nhanh thành Phật, cho nên nỗ lực hết cỡ, “tu rị tu rục, tu gắt củ kiệu”, một thời gian sau, mới sanh tâm biếng trễ, chán lười. Cho nên trong Thiền môn mới có câu: “Xuất gia chi sơ, thành Phật hữu dư”. Nghĩa là cứ giữ mãi như cái tâm lúc mới xuất gia mà tu, thì thành Phật có thừa. Hoặc có câu: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên Phật tại hiên…”. Nghĩa là, năm thứ nhất Phật thường luôn trước mặt, do tinh tấn tu hành, năm thứ hai bắt đầu lơ là dần, nên để Phật thăng lên trời, đến năm thứ ba thì quên Phật luôn, nên Phật ở ngoài mái hiên chùa… Vì vậy, người tu Phật phải luôn tinh tấn, cảnh giác như trong kinh Phật dạy là người gác cửa không cho giặc cướp vào nhà. Nếu lười biếng tu hành thì việc tu hành chỉ là giả dối. Vì sao? Vì lười biếng hay sinh trụy lạc. Trong các tâm sở bất thiện thì giải đãi thường kéo theo phóng dật là vậy.

Tuy có tâm tốt, phần nhiều bị lợi danh xen lẫn; tuy có thiện pháp lại bị tội nghiệp làm nhiễm ô: Có tâm tốt là nhân tố tốt dẫn đạo hành động, lời nói vì lợi ích mọi người, chắc chắn gặt hái những kết quả tốt đó là tiếng khen và lợi dưỡng. Nếu cứ giữ mãi cái tâm nguyên sơ chân chất vị tha hoàn toàn không bị trói vào danh lợi thì quá tuyệt hảo, xứng đáng là vị Bồ tát tái sinh. Nhưng còn là hành giả tập sự bước đi trên con đường giải thoát, thì rất khó tránh khỏi kết duyên với ràng buộc, não phiền. Cho nên để cảnh giác người đệ tử Phật xuất gia là chính, đức Phật dạy trong kinh Di Giáo có một số việc làm cơ bản các hàng Tỳ kheo nên tránh:

1- Không được mua, vì dễ sinh tâm mua rẻ, cầu lợi.

2- Không được bán, vì dễ sanh tâm bán mắc, lời nhiều.

3- Không được đổi chác, vì dễ sanh những thủ đoạn, mánh khóe, hơn thua.

4- Không được nuôi dưỡng người, vì dễ sanh tâm lo lắng, hoặc ngã mạn.

5- Không được nuôi súc vật, vì dễ tăng trưởng lỗi lầm, vui thích tiêu khiển, buồn phiền mất mát…

6- Không được trồng trọt, vì dễ làm mất thời gian tu tập…

7- Không được cất chứa tiền bạc, cho dù nhận giữ giùm, vì dễ sanh tâm tham đắm hưởng thụ.

8- Không được khai phá vườn rừng, vì tổn hại môi trường sinh thái và các loài chúng sanh khác, và oai nghi tế hạnh của người xuất gia.

Ngoài ra, còn một số nghề nghiệp như trong Ngũ minh, cũng như một số việc làm cơ bản trong kinh Di Giáo nêu trên, phải biết là dành cho các hàng Bồ tát đã phát tâm thuần thục tu hành mới có thể làm được. Còn hàng đệ tử xuất gia, tại gia nếu không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Bồ đề mà làm những công việc ấy, e chừng bị “lợi danh xen lẫn, tội nghiệp làm nhiễm ô”, và trở thành phát tâm giả dối tu hành. Đó là lời của Tổ Tỉnh Am - Thật Hiền nhắc nhở vậy.

(còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6703972