Thông tin

SUY NGẪM LỜI THẦY TỔ (tt)

SUY NGẪM LỜI THẦY TỔ (tt)

            

MINH NGỌC

 

 

Thế nào là phát tâm rộng lớn tu hành? Ngài nói: “Cõi chúng sanh hết, nguyện ta mới hết; đạo Bồ đề thành, nguyện ta mới thành. Phát tâm như thế gọi là phát tâm rộng lớn vậy”.

Cõi chúng sanh là chúng sanh trong ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc, khắp các loài sanh ra từ trứng, thai, ẩm ướt và biến hóa; hoặc là nói chúng sanh trong 10 pháp giới, gồm: địa ngục, bàng sinh, quỷ đói, A tu la, người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, không một chúng sanh nào không phát nguyện độ cho.

Ở đây, chúng ta khoan nói đến các loài súc sinh, địa ngục, quỷ đói, mà chỉ nói loài người thôi, cũng thấy đã là vô biên vô số không thể hết rồi. Từ người thân bên cạnh đến người ngoài, kẻ oán thù v.v… người tu hành cũng đều phát nguyện hóa độ trọn vẹn. Tức học và hành theo hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, ứng hiện 32 thân, hoặc như hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng: “Địa ngục chưa không thề không thành Phật”.

Đạo Bồ đề thành, tức thành quả Phật. Muốn vậy, phải trải qua con đường hành Bồ tát đạo, dấn thân vào cõi hồng trần, bất chấp mọi hiểm nguy gian khó. Hễ nơi nào, thời nào còn có chúng sanh khổ, mê thì ta còn tiếp tục chuyển hóa họ thoát khổ đau được an vui. Đối với chúng sanh nào đã và đang có duyên với Phật pháp thì giúp họ theo đúng chánh pháp, giữ vững niềm tin Tam bảo, đối với chúng sanh chưa có duyên với Phật pháp thì nỗ lực tùy duyên, tiếp cận đem tấm lòng yêu thương chân thành chia sẻ vật chất cũng như tinh thần khiến họ được vơi đi niềm đau nỗi khổ, hướng tâm đến chỗ thiện lành. Như vậy gọi là phát tâm tu hành rộng lớn.

Thế nào là phát tâm tu hành nhỏ hẹp? “Đó là quán ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong độ mình, chẳng muốn độ người”. Mục đích cuối cùng của người xuất gia theo Phật, là thoát ra khỏi lao ngục ba cõi. Ba cõi không an cũng như nhà cháy. Mình thoát khỏi họa nhà cháy, nhưng phải quay vào trong nhà để cứu lấy mọi người được thoát chết như mình. Tùy theo khả năng, điều kiện mà cứu giúp, không được tự mình vui hưởng giải thoát. Tấm gương đức Phật Thích Ca - Thầy của chúng ta, sau khi chứng thành đạo quả, không hưởng thụ Niết bàn tịch diệt, mà vẫn lăn xả vào đời ngũ trược, 45 năm hành đạo thuyết pháp độ sanh. Chúng ta là đệ tử ngài sao có thể làm trái ngược lại Thầy, chỉ biết sung sướng bản thân ư?

Cũng vậy, sanh tử xem như oan gia, chẳng ai muốn gặp lại oan gia đòi nợ cả. Một lần trả nợ cho xong, để rồi không còn gặp nữa. Thế nhưng còn sợ gặp thì còn nợ, hết nợ thì dù có gặp cũng chẳng hề hấn gì. Tư tưởng rộng lớn là ở chỗ này. Không phải trả nợ sanh tử cho mình là xong, mà phải vì những người khác, giúp họ cách trả nợ mới thôi.

Như vậy, việc trước tiên là mình phải thoát khỏi lao ngục, trả được nợ xong, sau đó hoặc cùng lúc giúp mọi người đều được an vui như mình, đó mới là phát tâm tu hành rộng lớn.

Thế nào là phát tâm tu hành thiên lệch (Thiên)? “Nếu còn thấy có chúng sanh ở ngoài tâm để nguyện độ,  cho đến quả Phật ở ngoài tâm để nguyện thành, công huân tu tập chẳng thể quên, nhận thức thấy biết chẳng thể diệt, phát tâm như thế gọi là thiên lệch vậy”.

Còn thấy ở ngoài tâm tức còn kẹt ở đối tượng thấy (sở kiến) Bởi thật ra chẳng có chúng sanh cho đến quả vị Phật nào ngoài tâm cả. Tâm này có chúng sanh, có Phật đạo. Tâm này tạo ra tất cả pháp giới từ phàm phu đến Thánh Hiền. Tâm như người họa sĩ, vẽ đủ thứ hình dáng (Kinh Hoa Nghiêm). Còn thấy chúng sanh ngoài tâm để rồi phát nguyện độ, tức phát nguyện còn có điều kiện, còn bị vướng ở cảnh bên ngoài. Còn thấy Phật đạo ngoài tâm để phát nguyện thành tức phát nguyện còn có sở chứng. Như học sinh vì muốn có bằng cấp đỗ đạt nên mới học, nếu không muốn có bằng cấp thì không học. Cho dù là muốn học vị hay thông thái, uyên bác cũng đều là còn chấp chặt, vướng mắc ở cảnh làm điều kiện cần đủ để phát sinh ý nguyện.

Hơn nữa, công lao tu tập, nhận thức có được, trải qua biết bao gian lao khổ cực, ngày nay mới được, là lúc ta nhận được “phần thưởng” xứng đáng, “tự hào”, “tự mãn” trước thành quả đạt được. Thế mà phải xem như nhạn bay qua giữa bầu trời, bóng chìm dưới dòng nước lạnh, nhạn không có ý lưu lại dấu vết, nước chẳng có tâm giữ bóng làm gì? (Hương Hải Thiền sư);  Đức Phật hơn 45 năm thuyết pháp, Ta chưa từng nói một câu. Nếu còn tính toán công huân như Lương Vũ đế; để rồi bị trêu cợt, chua chát rằng chẳng có công đức gì cả (Bồ đề Đạt ma); hay lên núi tìm Phật, để rồi tiu nghỉu, chưng hửng... trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được chân lý ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm cực nhọc ở bên ngoài (Thiền sư Đạo Viên) để quay về triều chính. Đó chính là phát tâm thiên lệch tu hành còn bị kẹt vậy.

Thế nào là phát tâm tu hành tròn đầy (Viên)? “Nếu biết rõ tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu; không thấy một pháp nào lìa tâm mà riêng có. Đem cái tâm hư không, phát cái nguyện hư không, hành cái hạnh hư không chứng cái quả hư không, cũng không có cái tướng hư không có thể đắc, Phát tâm như thế gọi là phát tâm tu hành tròn đầy”.

Như trên đã giải thích, tất cả đều chỉ một tâm này tạo tác, mà tâm là dụng của tánh cho nên Tổ Đạt Ma mới đề ra yếu chỉ Thiền tông: Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật; hay kiến tánh khởi tu. Tâm như là sóng, Tánh như là nước. Sóng không ngoài nước, nước không ngoài sóng mà riêng có. Cho nên, thấy được tự tánh là thấy được tánh duyên sanh, tức là thấy được tánh Không. Không mà có bởi không phải thật không; Có mà không bởi đó là giả có. Thật Giả - Có Không, cặp phạm trù đối đãi đã mất thì nguyện độ thoát, nguyện thành tựu mà như không nguyện; không nguyện độ mà không chúng sanh nào chẳng độ; không nguyện thành tựu mà chẳng quả vị Phật nào không thành tựu.

Như hư không vốn không đầy không thiếu, không chướng ngại, ngăn cách ở không gian, không thay đổi biến hoại theo thời gian, không loại trừ không lựa chọn một vật nào để dung nạp, không nhiễm ô không trong sạch, không hạn hẹp không bao trùm; mà hư không vốn thể tánh của nó là bổn lai vô nhất vật, chư pháp từ xưa nay, tánh nó thường vẳng lặng. Cho nên đem cái tâm hư không là cái tâm không còn “bị” phân biệt nhơ sạch, đúng sai, có không, được mất, hơn thua… chi phối; phát cái nguyện hư không là phát nguyện trùm khắp không ngăn ngại bởi đối tượng độ, đối tượng chứng đắc; hành cái hạnh hư không là cái hạnh kham nhẫn như hư không dung nạp chẳng chọn lựa vật; chứng cái quả hư không là chứng cái quả không mà có, có mà không tức Chân không Diệu hữu; mà cũng chẳng có cái tướng hư không có thể đắc, bởi đã là hư không với nghĩa của nó là tịch nhiên thì làm gì có cái tướng để mà vin theo phan duyên. Mà chỉ là cái tâm không trụ vào đâu cả thì mới hiểu rõ cái tướng hư không đó. Phát tâm như thế mới thật sự gọi là phát tâm tu hành tròn đầy.

Tóm lại, Tổ Thật Hiền nhận thấy phần đông người tu hành sai lạc là do từ đầu tiên phát tâm không đúng mà dẫn đến kết quả không tốt, nên Ngài nhắc nhở hai chúng xuất gia và tại gia nên cẩn trọng cái tâm. Đối với người xuất gia phải luôn luôn giữ cho trọn vẹn cái phát tâm tốt đẹp ban đầu là: Chân chính, chân thật, rộng lớn và tròn đầy; còn người tại gia muốn xuất gia cũng phải từ căn bản 4 tâm này mà hướng tới. Cho dù thời đại nào, hoàn cảnh nào thì lời Thầy Tổ đúc kết những kinh nghiệm tu tập, hành đạo cũng là khuôn vàng thước ngọc đáng để hàng hậu bối suy ngẫm để mà noi theo vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 95
    • Số lượt truy cập : 6367866