Thông tin

SUY NGẪM LỜI THẦY, TỔ

SUY NGẪM LỜI THẦY, TỔ

MINH NGỌC

 

Hạ về, ba tháng tu tập là để người tu Phật học tập, ôn lại những lời dạy của Thầy, Tổ, từ đó sách tấn bản thân nỗ lực khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm để vững bước trên con đường đạo. Một trong những bộ luận nhắc nhở người xuất gia cũng như Phật tử tại gia tu hành học tập nương theo và được tâm đắc nhất đó là bộ “Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn” của ngài Tỉnh Am sáng tác vào đầu đời nhà Thanh. Mặc dù với lối văn biền ngẫu không trau chuốt, mượt mà như Quy Sơn Cảnh Sách của Tổ Quy Sơn Linh Hựu, hay cô đọng, thâm áo như Khóa Hư Lục của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, nhưng không kém hơn sự thống thiết chân thành và nhất là đối với không những giới xuất gia đồng môn mà còn cả người Phật tử tại gia. Như mở đầu bài văn ngài nói: “Thật Hiền tôi là kẻ tăng phàm phu, ngu hèn, ngang dở, khóc chảy máu mắt, cúi lạy dập đầu, đau xót bảo cùng đại chúng hiện tiền và các thiện nam tín nữ đương thời…” Văn ngài có đề ra 8 loại phát tâm tu hành, đó là: Tà - Chánh, Chân - Ngụy, Đại - Tiểu và Thiên - Viên.

Thế nào là phát tà tâm tu hành? Ngài nói: “Ở đời có loại người một hướng tu hành không suy xét tự tâm chỉ biết việc ngoài; hoặc cầu lợi dưỡng ham danh tiếng; hoặc tham dục lạc hiện đời, hoặc mong quả báo vị lai. Phát tâm như thế gọi đó là tà”. Trong đây ngài đưa ra 3 yếu tố chính:

Tu hành không suy xét tự tâm, chỉ biết việc ngoài: Đối với người tu Phật dù là đệ tử xuất gia hay tại gia, phải luôn luôn suy xét tâm mình, theo dõi tâm mình đừng để thất niệm. Vì tâm dẫn đầu các pháp, sai sử hành động, còn hình thức bên ngoài chỉ là yếu tố phụ thuộc. Thường nghe nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu không thể thiếu chiếc áo”. Có thể với bộ quần áo tu sĩ bạc màu, sờn rách nhưng tâm hồn thì trong sáng nhẹ tênh, chẳng chút dính mắc, hơn là áo lụa quần tơ mà đầu óc nặng nề, vấn vương vẩn đục.

Muốn như thế, thì phải tập sống đời đơn giản, đạm bạc, nhất là càng tuân thủ đúng theo lời Phật dạy về Giới - Định - Tuệ, học theo lối sống của đức Phật thì đời sống tâm linh, tinh thần càng dễ tiến dần đến thanh cao, giải thoát.

Bởi còn là phàm phu tăng chưa phải Thánh tăng, bởi còn là chúng sanh chưa phải Hiền Thánh, nên tiếp xúc với những việc bên ngoài càng nhiều, càng nguy hiểm và bất lợi cho đời sống giải thoát thật sự. Kinh nghiệm của cổ nhân cho thấy: “Đa duyên thì đa phiền não”, cho nên phải lo tu sửa tự tâm làm chính.

Còn việc bên ngoài, có việc cần thiết hỗ trợ cho việc tu hành, lợi ích cho nhân sanh, chánh pháp, người tu sĩ, Phật tử với tinh thần từ bi, trí tuệ, và dũng cảm dám đương đầu với khó khăn dư luận, sẵn sàng phục vụ chúng sanh, góp phần xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho xã hội, đất nước, nhưng cũng đừng nên tham công tiếc việc quá mức. Vì sao? Vì cho dù ban đầu với tâm nguyện hoàn toàn trong sáng cao đẹp, vô nhiễm nhưng lâu dần tự nhiên sẽ bị nhiễm lúc nào không hay. Ví như người đi vào chợ bán mắm cá tôm, tuy không trực tiếp xúc chạm nhưng ít nhiều thân mình cũng nhiễm mùi hôi tanh của chúng.

Đối với những việc không cần thiết, vô bổ với đời sống giải thoát thì dứt khoát không tham gia, nếu vì mục đích hoằng pháp thì xem như là phương tiện bất đắc dĩ tạm thời hóa độ. Chẳng hạn đó là những nghề nghiệp học thuật thế gian, thỏa mãn nhu cầu sở thích cá nhân hoặc năng khiếu v.v… như học cắm hoa, học ca nhạc, học kinh doanh, học thuật số, học hội họa, học thi ca, học thầy thuốc, học kiến trúc, học nấu ăn,  thậm chí học ứng phó đạo tràng v.v… Những nghề nghiệp này nếu chuyên tâm rèn luyện cho giỏi lên cao thì việc tu luyện tâm e chừng ngược lại xuống dốc. Trong kinh, đức Phật chúng ta thường căn dặn: “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp” cũng không ngoài ý này.

Hoặc đối với những việc bên ngoài như các sinh hoạt phục vụ tín ngưỡng, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo hóa độ sinh như tụng kinh, lễ sám, đàn tràng, hành hương, từ thiện v.v… Đây là những việc cần nhưng không thiết yếu, cho nên không lấy tâm chú trọng, làm thường xuyên cật lực, mà cũng không nên có tâm coi thường làm cho có lệ.

Thí dụ: Tuy có tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng nhưng do tâm xem thường làm cho có, nên không đúng, không phù hợp chánh pháp. Như ngày vía Phật, Bồ tát thì không lễ nhưng những ngày vía khác hay ngày lễ theo phong tục dân gian thì lại tổ chức rầm rộ. Tụng kinh bữa có, bữa không, lễ sám đàn tràng không đúng nghi thức, hành hương từ thiện cho có phong trào v.v… Hoặc chú trọng quá mức thường xuyên tổ chức lễ này đến lễ khác, đàn này đến đàn nọ, hành hương chỗ này chỗ khác, từ thiện chốn nọ chốn kia v.v… bày vẽ các kiểu, đến nỗi thân bận bịu, tâm lăng xăng, bỏ bê dần việc chánh niệm tu hành trau dồi giới hạnh.

Tóm lại, người xuất gia tu hành phải lấy việc quán chiếu tâm mình làm chính, theo sát nó, không chủ quan lơ là. Có như vậy, thì khi làm việc bên ngoài mới mong có thể chống đỡ trước phong ba bão táp khó khăn, búa rìu dư luận, và nhất là bản thân không bị tổn thương giới thân huệ mạng như lúc ban đầu mình đã phát nguyện xuất gia.

Đối với người Phật tử tại gia tu hành thì sao? Đi chùa, tham gia tích cực các sinh hoạt tín ngưỡng, từ thiện… có suy xét tâm mình là thật sự mong cầu giải thoát buông xả đúng đắn hay không?  Bỏ bê việc gia đình, không làm trọn bổn phận của người con, vợ, chồng, cha… chăm bẳm làm việc từ thiện giúp ai mà trong gia đình người khổ lại dửng dưng quay lưng làm ngơ! Cũng nên xét tâm mình, đó có phải là tu cầu giải thoát hay cầu danh, cầu an nhàn bản thân, trốn chạy v.v…

Cầu lợi dưỡng, ham danh tiếng: Quyền lợi, lợi lộc, lợi ích cho bản thân thụ hưởng và danh tiếng là những thứ trong ngũ dục lạc thế gian, mà khó ai tránh khỏi. Người xuất gia trên phương diện giải thoát hệ lụy gia đình, tức đoạn trừ sắc dục là chuyện đương nhiên thì lợi và danh là những thứ khó đoạn chẳng thua gì sắc. Dường như với lối sống an nhàn, hình thức khác đời, lý tưởng cao thượng khoác lên mình mà làm cho không ít tăng sĩ trẻ có cảm tưởng như mình đã trên hết mọi người. Do đó, mọi sự thụ hưởng cứ cho như mình được phép nhận, vì đó là phước báo. Hơn nữa, mọi người thường cung phụng, lễ lạy, cúng dường, xưng hô cung kính, khiến ham muốn danh lợi của tự thân cũng phát triển tăng dần theo cái Ngã. Để rồi cuối cùng lệch lạc đường tu, trái hẳn mục đích tu hành là để xa lìa các pháp thế gian, mong cầu giải thoát, cứu độ chúng sanh.

Nên biết tăng sĩ vốn là người khất sĩ, học theo hạnh khất sĩ của chư Phật, trên xin giáo pháp của chư Phật để nuôi lớn giới thân huệ mạng, dưới xin thực phẩm tứ sự của đàn na tín thí để nuôi báo thân. Vậy thì đã là kẻ “ăn xin” thì không thể đòi hỏi quyền lợi và còn hãnh diện cái gì với cái danh vọng hảo huyền thế gian mà cầu mong ham thích!

Tham dục lạc ở đời hiện tại, mong quả báo ở đời vị lai: Dục lạc ở đời ví như mật ngọt, không ai không muốn và ham thích. Nhưng theo Phật dạy, mật này tuy có nhưng rất ít, như dính trên đầu dao nhọn; càng ham nếm thì càng đứt lưỡi. Chính vì vậy cuộc đời chúng sanh là vui ít khổ nhiều. Hơn nữa, nó còn là nguyên nhân dẫn đến khổ lụy triền miên, cho nên đức Phật dạy người đệ tử Phật xuất gia phải sống đời không tham đắm bốn thứ: Ăn thì tiết độ, đúng thời, không mong cầu ngon. Mặc thì ba bộ đủ giữ ấm che thân không mong cầu đẹp. Ngủ thì giường chăn gối nệm đơn sơ không mong cầu giường rộng, nệm êm. Thuốc thì có bệnh thì uống không mong cầu bổ dưỡng lạm dùng. Đối với người Phật tử tại gia thì phải sống đời tri túc, luôn luôn nghĩ dục lạc là vô thường không bền chắc, có đó rồi không, được đó rồi mất, vui đó rồi khổ… nên tập nếp sống không tham đắm dính mắc, không lạc quan hay bi quan, hướng đến cái vui vì tha nhân, thương yêu chia sẻ những người đau khổ, trau dồi tâm thiện, thực hành các hạnh lành như bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Đó mới là dục lạc bền vững không nhiễm ô, biến hoại.

Đối với vị lai không mong cầu phước báo: Vẫn có nhiều người tu hành là để mong cầu phước báo sau này. Trì giới, Thiền định, Trí tuệ là ba thứ học vô lậu, nhưng được sử dụng mong cầu quả báo hữu lậu. Như cố gắng trì giới là để mong hiện tại và sau này thân tướng tố hảo, dáng mạo trang nghiêm được nhiều người ái kính chiêm ngưỡng; thiền định là để chứng đắc thần thông, chư thiên thần bảo hộ; trí tuệ là để được thông suốt mọi việc, biện tài vô ngại, nổi tiếng khắp nơi. Theo Tổ Tỉnh Am, cho dù có tinh tấn Giới - Định - Tuệ như thế đến mấy chăng nữa, thì cũng gọi là tà tâm tu hành.

Thế nào là phát chánh tâm tu hành? Ngược lại những điều nêu trên và phát tâm tu hành chỉ vì hai việc: Liễu sanh thoát tử và chứng đạo Bồ đề.

Liễu sanh thoát tử: Chúng sanh sở dĩ đau khổ đó là do có sanh và có tử; đó là hai thứ khổ căn bản trong Khổ đế. Người tu hành với mục đích giải thoát khổ, tức phải giải thoát sanh tử. Mà sanh tử lấy ái dục làm chính. Bởi có Ái nên có Thủ, Hữu, Sanh, Lão, Tử, Ưu, Bi, Sầu, Khổ, Não, cho nên, phát tâm chân chánh tu hành là chỉ duy nhất một việc này thôi. Ngoài ra, Liễu sanh thoát tử còn có nghĩa, sống cho trọn nghĩa sống, chết sao cho đáng nghĩa chết, tự tại an nhiên trong lẽ sống chết, không bị nghiệp lực trói buộc, sống theo hạnh nguyện, chết theo nguyện lực.

Chứng đạo Bồ đề: Đó là vì giác ngộ tự thân và giác ngộ cho mọi người, đồng thành quả Phật. Quả vị Phật là quả vị cao nhất cuối cùng rốt ráo nhất của người phát tâm tu hành, chứ không phải quả Trời, Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát.

Nếu phát tâm tu hành với hai mục đích này, thì mới gọi là phát chánh tâm tu hành.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6115525