Thông tin

SUY NGHĨ VỀ SỰ TIẾP NHẬN HÌNH ẢNH TỲ KHEO NI VIỆT

SUY NGHĨ VỀ SỰ TIẾP NHẬN HÌNH ẢNH TỲ KHEO NI VIỆT

 

NGUYỄN THÀNH TRUNG

 

 

 

Trong bài viết Vai trò của Ni giới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, Thích Nữ Phúc Thuận đã nhìn Bát kỉnh pháp của Phật giáo nguyên thủy trong hoàn cảnh Ấn Độ cổ đại, xã hội quy định vai trò thấp kém của người phụ nữ Ấn Độ (ramani). Trước thời Phật, phụ nữ bị cho là nguồn gốc rắc rối, là ngọn đèn chiếu đường xuống địa ngục… từ đó khẳng định ủng hộ vì Bát kỉnh pháp (Attha garudhamma) là cánh cửa phương tiện (paccaaya) để cho nữ giới đi vào. Đức Phật đã khéo léo vận dụng phương tiện (paccaya) thiện xảo này nhằm tránh né sự chống đối của xã hội và Tăng già với mục đích xã hội hóa tính hợp pháp cho nữ giới về quyền xuất gia tu hành (Thích Nữ Phúc Thuận).

Hình ảnh Tỳ kheo ni trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

Xưa, Jesus Christ thường hay dùng ngụ ngôn để giảng dạy môn đồ, Khổng Tử hay kể chuyện để giáo huấn  học trò, Phật Thích Ca tùy đệ tử mà kể chuyện, đặt câu hỏi, qua đó  giảng pháp. Bắt đầu bài nói chuyện bằng điểm chung chia sẻ với thính giả là con đường của diễn giả thành công, đưa người học đi từ cái biết đến cái chưa biết là cách thức của người thầy lớn. Tiếp nhận là phương pháp quan tâm đến người nghe, người đọc trong giao tiếp nhằm phát huy những kênh tương đồng, những mã tương hợp giữa người phát và người nhận.

Hầu hết người Việt Nam đều biết ca khúc của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh: “Chuyện tình Lan và Điệp”, Lan và Điệp trở thành hình mẫu để nói mối tình lứa đôi lãng mạn. Nguyên tác câu chuyện này là tiểu thuyết “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan, xuất bản vào năm 1933, kể về chuyện tình của chàng trai tên Điệp và cô gái tên Lan ở một làng quê nọ, vốn hai nhà có đính ước từ xưa, hai người cũng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”; Điệp khi lên tỉnh thi thì mắc lừa quan phủ phải cưới con gái ông là Thúy Liễu, cuộc sống gia đình không hạnh phúc; Điệp bỏ đi, học y sau mở phòng mạch riêng. Riêng Lan, vì đau buồn chuyện tình tan vỡ nên lên chùa Phương Thành, giả trai lấy tên Điệp, chôn xác bướm và hoa lan, khóc thương đau buồn trọng bệnh; Điệp mang về cứu chữa nhưng không kịp, Lan qua đời trên tay Điệp.Type truyện này ngày càng phổ biến, được chuyển thể cải lương, phổ nhạc, dựng phim, diễn kịch… tạo nên một hiện tượng lý thú trong nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX và đặc biệt là in sâu vào lòng công chúng những cảm thức, quan điểm thẩm mỹ nhất định. Có thể tóm lược hành trình phổ biến type truyện này thông qua bảng sau:

Bảng 1. Hành trình type truyện Lan và Điệp

STT

Tên tác phẩm

Năm ra đời

Tác giả/ đạo diễn

Mô tả: thể loại, diễn viên/ ca/ nghệ sĩ

1

Tắt lửa lòng

1933

Nguyễn Công Hoan

Tiểu thuyết, cốt truyện gốc

2

Lan và Điệp

1936

Trần Hữu Trang

Cải lương: Năm Phỉ, Thanh Nga

3

Hoa rơi cửa Phật

1948

 

Cải lương đĩa nhựa ASIA: Tư Sạng, Năm Nghĩa… Viễn Châu viết lời vọng cổ: Mộng Tuyền,
Út Bạch Lan

4

Chuyện tình
Lan và Điệp

1965

Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng)

Tân nhạc: 3 ca khúc Viễn Châu viết tân cổ giao duyên: Lệ Thủy

5

Lan và Điệp

1970

Ban kịch Kim Cương

Kịch nói: Kim Cương

6

Chuyện tình
 Lan và Điệp

1970

Loan Thảo, Thế Châu

Cải lương: Chí Tâm,
Thanh Kim Huệ

7

Chuyện tình Lan và Điệp

1972

Lê Dân

Phim nhựa: Thanh Nga,
Thanh Tú

8

Lan và Điệp

2008

Minh Thuận

Ca vũ cải lương:
Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo

Theo diễn biến này, type truyện Lan và Điệp thể hiện ba đặc điểm, đồng thời cũng gắn kết thành một tiến trình nhân quả gồm: thay đổi chủ đề, bổ sung/chuyển đổi chi tiết, khắc họa đậm nét nhân vật Lan trong chùa.

Thứ nhất, type truyện gốc được viết trong cảm thức hiện thực phê phán, vạch trần bộ mặt xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến Việt Nam dưới sức nặng đồng tiền dần chuyển sang khuynh hướng lãng mạn với đề tài tình yêu đôi lứa tan vỡ. Đến những năm 1930, thực dân Pháp hoàn thành công cuộc ổn định và bắt đầu khai thác thuộc địa, khủng hoảng kinh tế thế giới ập đến, người dân bị áp bức bóc lột đến cực điểm đã liên kết, tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa; xã hội rối ren, con người trở thành trò rối cho thế cục; lòng người bạc ác, hạnh phúc hóa ra hư ảo mong manh. Bản thân Nguyễn Công Hoan là nhà văn hiện thực phê phán, ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng khắc họa bức tranh đen tối của xã hội đương thời như: Đồng hào có ma, Kép Tư Bền, Bước đường cùng… Tắt lửa lòng phản ánh sâu sắc thực trạng đó thông qua việc xây dựng mối tình thơ mộng của hai nhân vật chính phải kết thúc trong chùa; cửa thiền trở thành lựa chọn bất đắc dĩ và nghiệt ngã.

Thứ hai, từ “Tắt lửa lòng” đến “(Chuyện tình) Lan và Điệp” dưới sự tác động của sức mạnh tiếp nhận, không chỉ thay đổi khuynh hướng tư tưởng mà còn được bổ sung, chuyển đổi thêm nhiều chi tiết. Trước hết là dấu ấn văn hóa, từ tiểu thuyết đến cải lương, type truyện này có một hành trình Nam tiến rõ nét. Về mặt ngôn ngữ, đẻ đã thành , hỏng thành rớt; kịch bản cải lương bỏ chi tiết xin đỗ ở chương 1- Thôi còn chi nữa mà mong, và báo tin đậu cuối chương 4 Khoa. Nhưng quan trọng hơn là gia giảm chi tiết nhằm phục vụ cho chuyện tình của hai nhân vật chính. Đơn cử, bản cải lương không quan tâm Vũ (con Điệp) và cuộc sống về sau của Thúy Liễu mà khắc họa rõ hơn hoàn cảnh trong chùa của Lan với cái chết bi thương. Khâu thắt nút được đẩy lên cao hơn khi các soạn giả biến việc Điệp hỏi ý kiến cha con Lan (về chuyện cưới vợ) thành Lan trộm nghe, ứng với chi tiết đan cài từ trước, Lan nói: Nếu có chuyện gì chắc tui chết quá à, chắc tui đi tu quá à. Vì lẽ đó, trường đoạn Điệp đến chùa, Lan cắt đứt dây chuông được thêm vào, 15 năm xa cách được rút ngắn lại, chi tiết Điệp đem Lan về phòng mạch được thay bằng Điệp lên chùa, mặc áo sư ông vào gặp Lan.

Thứ ba, kết quả của những thay đổi trên là chùa trở thành mảng không gian quan trọng trong kết cấu nghệ thuật (Chuông đổ chùa xa – Lan và Điệp 1), tiểu Lan – tức Lan trong vai trò người tu hành Phật giáo tại chùa – xuất hiện trực tiếp và mang đến nhiều tác động thanh lọc thẩm mỹ (carthasis – chữ Aristotle) song cũng đồng thời đặt ra vấn đề về hình ảnh tỳ kheo ni Lan đối với công chúng. Từ góc độ này nhìn nhận, động cơ Lan lên chùa là để vùi lấp (không phải xả bỏ) chuyện tình duyên (nếu duyên không thành Điệp ơi! Lan cắt tóc quên đời vì anh – Lan và Điệp 1), lên chùa Lan lại giả trai đi tu tức nói dối (không giữ được ngay cả Ngũ giới dành cho cư sĩ), hậu quả là không quên được duyên xưa, chôn hoa lan và cánh bướm, buồn đau sinh bệnh mà chết (chấp ái dục – gốc của sinh tử) (Lan náu thân cửa từ bi bởi vướng vào sầu đau, sống mà tim như đã chết, riêng bóng cô đơn, đôi môi xin phai tàn – Lan và Điệp 1; Lan gói niềm riêng tìm quên lãng ngày qua bên mái chùa. Sớm chuông chiều kinh mặc thời gian dần trôi trong tái tê. Nàng không sao xóa tình yêu xưa cũ dẫu cho con thuyền neo bến đường tu – Lan và Điệp 2); chuông chùa hỗ trợ chánh niệm trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc (tiếng chuông đêm dài như tiếng thở than như đem tin buồn, như gieo hoang tàn đến cho đời nàng – Lan và Điệp 2. Từng hồi chuông ngao ngán ngân dài như khóc than, tiễn một linh hồn – Lan và Điệp 3); chùa trở thành nhà tù giam giữ con tim tình yêu (Khi tiếng mõ công phu nện đều trên chánh điện thì suối lệ đầy vơi cũng thấm đượm áo nâu sòng… Gia trung Điệp đã về rồi. Đêm đêm quỳ trước Phật đài một mình Lan... – Lan và Điệp (vọng cổ)… Có thể nói, con đường tu của Lan thất bại hoàn toàn, tình yêu của Lan gây phiền lụy đến nhà chùa và hình ảnh của Lan không có tác dụng tích cực trong tiếp nhận của công chúng về Phật giáo.

Mặt khác, một điều lý thú ít được quan tâm là trước đó không lâu cũng vào năm 1933, tác phẩm “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng ra đời cũng kể lại câu chuyện yêu đương dưới mái chùa Long Giáng của chàng trai Ngọc và chú tiểu Lan (gái giả trai). Ngọc là chàng trai Hà Nội lên thăm chùa để ý tiểu Lan nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng trong trẻo như tiếng con gái… Qua mấy lần tiếp xúc, đụng chạm, Ngọc để tâm điều tra, đến khi biết Lan là gái, vì bị mẹ cha ép gả nên vào chùa tu, thì anh cũng nhận ra mình đã yêu cô. Cuối cùng, Lan nhẹ nhàng từ chối tình cảm, Ngọc xin giữ mãi mối tình ấy và nguyện ngày ngày lên chùa gặp Lan. Cốt truyện không quá phức tạp, phần vì tâm lý độc giả; cái hay của tác phẩm là những biến chuyển tâm lý sâu kín, tinh vi của các nhân vật. “Hồn bướm mơ tiên” đã bổ sung một góc khác của Lan khi sống trong môi trường tự viện. Tuy không dằn vặt, đau khổ như  “Tắt lửa lòng” nhưng cuộc chiến nội tâm của Lan trong “Hồn bướm mơ tiên” không hề nhẹ nhàng, đặc biệt là qua các lần tiếp xúc với Ngọc, nhận ra tình cảm nẩy nở và khao khát yêu đương trỗi dậy. Đánh giá về Lan trong tác phẩm này, cảm thông và chỉ trích đều có. Tam Ích, sau 30 năm tác phẩm ra đời, đã phê phán bản thân Lan không hiểu được cái vui của tu hành, sư cụ thì huyền bí hóa Phật pháp, Lan và Ngọc nhầm lẫn ý nghĩa tình yêu của Phật đà; tóm lại tác phẩm của Khái Hưng có hại cho Phật giáo. 50 năm sau, Hoàng Như Mai chỉ ra nét đẹp trong không gian chùa, những sinh hoạt lễ nghi truyền thống; lý luận Lan mới đi tu được hai năm sao khỏi vướng lòng trần, tuy vậy mỗi khi xao xuyến cô đều niệm Phật để tĩnh tâm; ít nhất Lan và Ngọc vẫn giữ được mối quan hệ trong sáng khỏi vũng bùn tình dục…

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6712225